TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

        

..

 

Miền đất võ du ký

VIẾT HIỀN

 

Hoài Nhơn - Vùng đất "gieo mầm võ" đầu tiên

       Tôi quyết định chọn Hoài Nhơn để "khơi nguồn" cho loạt bài viết MIỀN ĐẤT VÕ DU KÝ vì Hoài Nhơn chính là vùng đất đã "gieo những mầm võ" đầu tiên cho quê hương Bình Định.

       Hoài Nhơn vào những ngày này thời tiết đang nắng nóng. Tuy vậy, những rặng dừa xanh san sát nằm ven quốc lộ 1A đã phần nào làm dịu bớt cái nắng gay gắt. Địa chỉ đầu tiên mà tôi đặt chân khi đến Hoài Nhơn là gia đình nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch ở thị trấn Bồng Sơn. Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch có bút hiệu là Lộc Xuyên. Ông sinh năm 1939 tại Phước Sơn - Tuy Phước. Đối với tôi, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch là một trong số ít những nhà nghiên cứu hàng đầu của Bình Định hiện nay. Ông được giới sử học, khảo cổ học, các nhà nghiên cứu và đông đảo độc giả cả nước biết đến với khá nhiều công trình, nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhân vật Bình Định, Tang sự Trích biên (Phiên dịch, chú giải di cảo của danh nhân văn hóa Đào Tấn), Đào Duy Từ Khảo biện (Khảo biện về thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của danh nhân Đào Duy Từ), Đào Phan Duân - Lý lịch và tác phẩm, Mai Viên Cố sự (Truyện về cụ Đào Tấn), Cố sự Quỳnh Lâm (IV tập - Phiên dịch, chú giải), Kinh Thi (III tập - Phiên dịch và chú giải), Minh Tâm Bảo Giám (Trích dịch và chú giải), Văn tế Bình Định, Trần Đức Hòa Tư liệu, Những ngôi chùa tiêu biểu của Bình Định… Có thể nói, ông là một "Nhà Bình Định học" uyên thâm nhất hiện nay.

       Riêng về lĩnh vực võ thuật, nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cũng dày công nghiên cứu và có nhiều đóng góp. Bên cạnh việc xây dựng, giới thiệu chân dung và võ công của những võ tướng, võ nhân, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch còn sưu tầm, phát hiện và phiên âm, phiên dịch, chú giải một số tài liệu về võ thuật Bình Định. Trong số những võ tướng, võ nhân của Bình Định mà ông Đặng Quý Địch nghiên cứu có một số nhân vật, như Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ, Mai Xuân Tín, Mai Xuân Thưởng… Đến Hoài Nhơn, tôi tìm gặp ngay Lộc Xuyên cũng vì muốn được "thọ giáo" ông một số vấn đề về lịch sử "Miền đất võ", cũng như đất và người Hoài Nhơn nói riêng. Đồng thời, nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch còn là "kho tư liệu" cực kỳ phong phú về các lĩnh vực, lịch sử, khảo cổ học, văn học, nghệ thuật…

       Ông Địch đưa tôi dạo qua một số địa danh của thị trấn Bồng Sơn. Tôi chú ý đến ngôi chùa nằm cách căn nhà của ông không xa và nhất là ngôi nhà của ông Trần Đức Kháng, một hậu duệ của Trần Đức Hòa. Cụ Trần Đức Hòa là một trong những bậc Khai quốc Công thần và là vị tiền hiền của vùng đất Hoài Nhơn. Sinh thời, Trần Đức Hòa từng lập nên nhiều võ công và những công nghiệp hiển hách. Ông chính là người đã gả con gái và tiến cử Đào Duy Từ lên chúa Sãi, để sau này giúp họ Đào trở thành một nhà chính trị, nhà quân sự, một danh nhân kiệt xuất của nước nhà…

       Theo các sách: Lịch triều Hiến chương Loại chí, Thiên Nam Dư Hạ tập, Dư Địa chí… sau khi thành lập phủ Hoài Nhơn, vua Lê Thánh Tông nhanh chóng xây dựng một bộ máy cai trị ở vùng đất mới. Hầu hết những nhân vật trong bộ máy cai trị thuở ban đầu của Hoài Nhơn đều là những võ tướng. Cụ thể, ban đầu vua Lê Thánh Tông chọn 2 hàng tướng người Chiêm Thành là Ba Thái và Đa Thủy để cai quản vùng đất Hoài Nhơn. Võ tướng Ba Thái được bổ làm Đồng tri châu Đại Chiêm, còn võ tướng Đa Thủy được bổ làm Thiêm tri châu Đại Chiêm. Khoảng 10 ngày sau, đức vua lại bổ nhiệm thêm 2 võ tướng người Việt là Lê Ỷ Đà và Đỗ Tử Quy. Võ tướng Lê Ỷ Đà được bổ làm Tri châu Cổ lũy Cai trị quân dân và võ tướng Đỗ Tử Quy được bổ làm Đồng Tri châu tri Đại Chiêm quân dân sự. Đáng lưu ý, song song với việc đề ra "những chính sách cứng rắn", nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị, quân sự, vua Lê Thánh Tông còn dần dần đưa dân đến khai khẩn, làm ăn, lập nghiệp tại vùng đất mới mở ở phía Nam. Bên cạnh những người dân thường, dân nghèo, vua Lê Thánh Tông còn đưa cả lực lượng quân đội, trong đó có cả những hàng binh, tù binh (nhất là những người phải tội lưu đày) đến vùng đất Hoài Nhơn. Chủ trương của vua Lê Thánh Tông khi đó là muốn thực hiện "quân đội hóa" ở vùng đất biên thùy Hoài Nhơn. Nghĩa là, vua Lê thánh Tông cho tập hợp tất cả những đối tượng trên thành những lực lượng, đơn vị, vừa sản xuất, vừa chiến đấu ở Vệ quân Hoài Nhơn.

       Chủ trương trên của vua Lê Thánh Tông được sách Lịch triều Hiến chương Loại chí ghi chép cụ thể: "Tháng tư (năm Hồng Đức thứ 5/1474), có sắc chỉ rằng: Tù xử tội lưu, đi cận châu thì sung vệ quân Thăng Hoa, đi ngoại châu thì sung vệ quân Tư Nghĩa, đi viễn châu thì sung vệ quân Hoài Nhơn; tội nhân được tha chết cũng sung vệ quân Hoài Nhơn". Như vậy, những người dân nghèo từ ngoài Bắc vào, những quân nhân và những phạm nhân trọng tội được đặc ân cho lưu đày… chính là những cư dân đầu tiên của vùng đất Hoài Nhơn. Kể từ đó, nhà cửa, ruộng vườn, làng xóm… của Hoài Nhơn dần dần được hình thành, phát triển.

      Hoài Nhơn khi đó giống như vùng "đất lành" nên thu hút khá nhiều dân của các nơi khác đến sinh sống, lập nghiệp. Theo sách Dư Địa chí của Nguyễn Trãi thì khi mới thành lập, Hoài Nhơn mới chỉ có 33 xã, trong đó Bồng Sơn có 7 xã, Phù Ly 8 xã, Tuy Viễn 18 xã. Vậy mà, chỉ khoảng mươi năm sau, Hoài Nhơn đã phát triển khá nhanh. Theo sách Thiên Nam Dư Hạ tập, đến năm 1490 (tức là chưa đầy 20 năm sau ngày vua Lê Thánh Tông mở cõi), dưới thời Hồng Đức, Hoài Nhơn đã phát triển thành 19 tổng và hơn 100 xã, trong đó Bồng Sơn chiếm tới 7 tổng, 33 xã.

       Đặc biệt, có thể nói, chính những võ tướng, quân nhân, tù binh, hàng binh và những người nông dân từ ngoài Bắc vào là những người đầu tiên đã "gieo mầm võ" trên đất Bình Định và Hoài Nhơn nói riêng. Bởi vậy hầu hết những đối tượng trên ít nhiều đều biết võ nghệ, cung kiếm. Mặt khác, như đã đề cập ở phần đầu, cuộc sống của cư dân Hoài Nhơn thuở ban đầu khi mới hình thành là cuộc sống "bán quân sự". Điều đó cũng có nghĩa là, thời bấy giờ vấn đề quân sự, võ thuật, võ bị được đưa lên hàng đầu. Nhiều tư liệu, sử sách từng ghi nhận chính sách của vua Lê Thánh Tông khi đó đối với vấn đề võ bị, võ thuật, quân sự. Cụ thể, nhà vua cho đổi 5 vệ quân ra làm 5 phủ, gồm: Đông quân phủ, Tây quân phủ, Nam quân phủ, Bắc quân phủ và trung quân phủ. Mỗi một phủ vua Lê Thánh Tông lại cho chia ra làm 6 vệ, mỗi vệ lại có 5 hoặc 6 sở. Số quân của mỗi sở thời bấy giờ lên tới khoảng 400 quân. Tính toàn bộ số quân của 5 phủ thì thì cũng lên tới 6-7 vạn người. Đồng thời, nhằm xây dựng một đội quân Đại Việt thực sự quy củ, thiện chiến, hùng mạnh, vua Lê Thánh Tông đã đề ra khá nhiều điều luật, quy định đối với vấn đề võ bị, võ thuật và cả đối với những võ tướng, binh lính. Chẳng hạn, thời bấy giờ nhà vua đã đặt ra 31 điều quân lệnh để tập thủy trận (tập đánh dưới nước), 27 điều để tập mã trận (tập đánh kỵ binh), 42 điều để tập bộ trận (tập đánh bộ binh), 32 điều để tập tượng trận (tập voi chiến)… Riêng đối với vấn đề võ thuật, vua Lê Thánh Tông đã đề ra những điều luật, điều lệ khá quy củ, nghiêm minh.

       Những chính sách, điều luật, điều lệ trên đã góp phần dấy lên phong trào học tập, rèn luyện võ thuật ở khắp mọi nơi. Đối với vùng đất biên cương như Hoài Nhơn thuở ban đầu, việc rèn luyện cung kiếm, võ thuật, võ bị lại càng trở nên bức thiết và quan trọng. Cũng chính vì vậy mà nền võ thuật ở Hoài Nhơn từ xa xưa đã tập trung khá nhiều dòng võ, nhiều trường phái võ thuật khác nhau, cực kỳ đa dạng, phong phú. Và, điều đáng nói hơn là chính từ "cái nôi" ban đầu này, những "mầm võ" của Hoài Nhơn đã nhân rộng, lan tỏa khắp "Miền đất võ" Bình Định sau này. Hơn 532 năm đã trôi qua kể từ khi vua Lê Thánh Tông lập ra phủ Hoài Nhơn. Giờ đây, nhiều địa danh, di tích của "Miền đất võ" thuở ban đầu đã mai một bởi thời gian và những cuộc binh đao, khói lửa chiến tranh. Tuy nhiên, tên tuổi của những võ vương, võ tướng, võ nhân xưa - những người đã có công "gieo mầm võ" đầu tiên, như Lê Thánh Tông, Phạm Nhữ Tăng, Uy Minh Vương, Lê Tử Đà, Võ Tử Quy, Đa Thủy, Ba Thái, Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ… vẫn còn sống mãi trong tâm trí của người dân "Đất võ" và Hoài Nhơn nói riêng…

 

       Viết Hiền

       Bồng Sơn - Quy Nhơn, mùa hè năm 2003

 

Chân thành cảm ơn anh Phùng Anh Ngọc đã gởi bài viết này đến trang nhà!

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003