TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

        

..

 

Lễ hội làng Kiên Mỹ

-Khuyết danh-

 

          Hàng năm, cứ vào mồng 5 Tết Nguyên Ðán, khi phố phường Hà Nội chưa nhạt màu xác pháo, những cành đào xuân vẫn đâm lộc nở hồng, thì người Hà Nội sớm ấy, đều nô nức đổ về phía tây nam thành phố đến Gò Ðống Ða (thuộc quận Ðống Ða) dự hội. Ðây là Lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Quang Trung- Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cùng thời điểm đó tại nhiều nơi ở tỉnh Bình Ðịnh như làng Kiên Mỹ, thành Hoàng Ðế (tức thành Bồ Bàn xưa), nơi quân Tây Sơn đặt bản doanh thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa, thành phố Qui Nhơn... đều có tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến công oanh liệt của Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nhưng đông đảo và tưng bừng nhất vẫn là lễ hội tại làng Kiên Mỹ- quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

          Ngay từ ngày mồng 3 và mồng 4 Tết, nơi đây đã rộn rịp trong không khí chuẩn bị cho ngày hội. Người ta giăng đèn, kết hoa, treo cờ, dựng cổng chào, quét dọn, sửa sang đường sá, điện thờ, dựng sân khấu, trại, cả mô hình miêu tả lại trận đánh Ngọc Hồ- Ðống Ða lịch sử trên bãi cát bên bờ sông Côn... Từ chiều mồng 4, tại huyện lỵ Tây Sơn, khách từ các nơi xa cũng đã bắt đầu tề tựu về. Ðến sáng mồng 5 thì những dòng người từ phía Quy Nhơn và các huyện đồng bằng ngược lên, từ phía An Khê, Plây Ku đổ xuống với đủ loại các phương tiện. Người ta thấy có mặt đầy đủ các tầng lớp già, trẻ, gái, trai ăn mặc đẹp đẽ về dự hội. Có những đoàn đại biểu từ các tỉnh bạn như Quảng Nam- Ðà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, có cả những đoàn khách từ Huế vào, từ Sài Gòn ra. Ðặc biệt các thầy cô nhiều tường học nhân dịp này, đưa học sinh của mình đến dự lễ như tham gia một buổi ngoại khóa về lịch sử sinh động nhất, nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc chính đáng cũng như lòng biết ơn đối với tiền nhân.

          Vào những năm kỷ niệm chẵn, khách dự lễ còn gặp đoàn đại biểu của dân tộc Bana với trang phục ngày lễ độc đáo từ phía Tây Sơn thượng đạo về dự lễ, mang theo cả dàn cồng chiêng và những điệu múa thượng võ của họ.

          Sau dây pháo nổ kéo dài đến 10 phút đồng hồ, tiếng trống đại vang lên giục giã báo hiệu buổi lễ khai mạc. Trong không khí trang nghiêm thơm ngát mùi trần, hàng ngàn người đứng trước sân điện thờ và nhà bảo tàng cúi đầu tưởng niệm vua Quang Trung và những tướng lĩnh, những chiến hữu của Người. Sau khi vụ chánh tế đọc bài văn tế ôn lại quá trình phát triển của phong trào tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Ðống Ða cùng những thành tựu về các mặt quân sự, kinh tế, văn hóa của triều đại Tây Sơn, các đoàn đại biểu bắt đầu dâng hương trước điện thờ. Cùng lúc đó, dàn nhạc võ 12 trống vang lên các khúc quân và khúc khải hoàn. Khách dự hội bắt đầu tỏa ra tham quan các di tích chung quanh được xem được nghe kể những truyền thuyết, giai thoại, về các địa danh lịch sử như Bãi tập voi và Trường võ, nơi nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã từng chỉ huy đội tưọng binh trong đợt dàn quân chủ lực của Tây Sơn làm nên đại thắng Ngọc Hồi- Ðống Ða; hòn Tam Phước (thuộc xã Bình Giang), nơi đặt những lò rèn bí mật rèn khí giới chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa; đồng Cô Hầu (xã Tú An, huyện An Khê), nơi Nguyễn Nhạc giao cho người vợ thứ, con gái của một tù trưởng Ba Na, quản lý việc sản xuất lương thực nuôi quân; hòn Yến, hòn Lãnh lương, tương truền nơi Nguyễn Nhạc phát lương và khao thưởng quân sĩ: gò Dinh, gò Ðá Ðen, những bãi tập luyện của đội quân nông dân vào buổi đầu cuộc khởi nghĩa.

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003