TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

        

..

 

Chợ Quy Nhơn

vài nét lịch sử

Cao Năm

 

       Theo Lịch sử Thành phố Quy Nhơn (UBND TP Quy Nhơn xuất bản, 1998), từ giữa thế kỷ XVIII nền kinh tế hàng hóa nước ta đã hình thành, việc giao lưu buôn bán với nước ngoài đã phát triển. Cùng với các đô thị khác như Thăng Long (Kinh Kỳ), Phố Hiến (Hải Dương), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam), Gia Định, thời bấy giờ Quy Nhơn đã trở nên phồn thịnh, mang dáng dấp một đô thị tiền tư bản. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và quá trình đô thị hóa diễn ra đồng thời với quá trình hệ thống chợ ở Quy Nhơn. Trong những năm đầu triều Nguyễn, làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay) có chợ Tấn, còn gọi là chợ Giã và chợ Thị Nại, còn gọi là chợ Chánh Thành, là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư lưới cụ… Làng Cẩm Thượng (nay là địa phận phường Lê Hồng Phong, một phần của các phường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo) có chợ Ma (trước hội quán Phúc Kiến, đường Bạch Đằng ngày nay) trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Ngoài ra, còn có các chợ nhỏ như chợ Cây Me, chợ Đèn Đỏ (khu nhà ga ngày nay), chợ Tháp Đôi…

       Chợ Quy Nhơn ngày nay chính là chợ Thị Nại xưa kia. Năm 1882, thực dân Pháp đổi tên Cảng Thị Nại thành Cảng Quy Nhơn; do đó chợ Thị Nại (chợ Chánh Thành) cũng được đổi tên thành chợ Quy Nhơn.    

       Theo Chợ Quy Nhơn, lịch sử và truyền thống (Ban Quản lý chợ Quy Nhơn xuất bản, 1998) thì chợ Quy Nhơn xưa kia nằm trên khu đất chợ lớn Quy Nhơn ngày nay. Mặt chợ giáp đường Tăng Bạt Hổ (xưa là đường Oden d’All nối dài). Phía tây giáp hông nhà đèn, đường Phan Bội Châu (xưa là đường Jules Ferry). Chợ được xây cất theo hình chữ U, có 4 dãy nhà ngói, cột gỗ. Sát khu đất nhà đèn có xây một nhà kho dài để chứa hàng hóa của những người buôn bán tại chợ gởi lại ban đêm. Cạnh kho hàng này là quầy bán hàng thịt ở giữa là gian hàng bán bách hóa công nghệ… Cạnh đấy là hàng rau xanh cao cấp. Gian bên phải (đoạn đường Tăng Bạt Hổ giáp đường 31 tháng 3) là hàng cá được bố trí theo 2 dãy. Tại chợ còn có một khoảng đất trống (phía đường Phan Bội Châu ngày nay) là khu chợ trời dành cho bà con nông dân đem nông sản đến bán. Ngoài dãy nhà hình chữ U, các khu còn lại đều xây tạm bợ, điều kiện vệ sinh kém nên đã gây không ít khó khăn cho những người mua bán, nhất là trong những ngày mưa gió.

       Tháng 10-1932 (tháng 9 Nhâm Thân), Quy Nhơn trải qua một cơn bão rất lớn, chợ Quy Nhơn bị sụp đổ, nhiều người buôn bán bị thương nặng. Chợ được dời đến nhóm họp tại khu đất Porchier bỏ trống nằm gần đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

       Năm 1934 chợ Quy Nhơn được xây dựng lại và được khánh thành vào đầu năm 1936. Chợ mới được xây trên nền đất cũ, cũng hình chữ U, nhưng không có kho chứa hàng như cũ. Chợ kiên cố, cao ráo, sạch sẽ. Giữa sân chợ có xây bể nước to, đủ sức cho những người buôn bán làm vệ sinh sạch sẽ suốt ngày. Phía đường 31 tháng 3 ngày nay có xây một nhà vệ sinh 3 gian. Chợ lúc này do một số người Ấn Độ đấu thầu thu thuế sắp xếp chợ, sau đó cho một số người Việt thầu lại.

       Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1946-1947, nhân dân Quy Nhơn thực hiện tản cư triệt để, “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”. Chợ Quy Nhơn bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền cho di dời chợ đến nhóm họp tạm trên một khu đất có nhiều cây cối ở sân trường Quốc Học (nay là khu đất thuộc trường THCS Lê Hồng Phong). Chợ được xây bằng tranh, tre, nứa, lá. Những năm 1953-1954, do địch hai lần càn quét, tái lấn chiếm Quy Nhơn nên hoạt động của chợ gần như bị đình trệ.

       Sau Hiệp định Geneve 1954, chính quyền Sài gòn cho xây dựng lại chợ trên nền chợ cũ, bằng tranh, tre, nứa, lá. Phương thức xây dựng chợ mới là cho tư nhân, ông Trần Khoa, quê ở Đà Nẵng vào Quy Nhơn làm ăn, sinh sống đã lâu đời, đấu thầu, bỏ vốn đầu tư xây dựng và thu lệ phí chỗ ngồi tại chợ. Mãi đến năm 1969, chính quyền tỉnh Bình Định mới đầu tư xây dựng chợ mới kiên cố, đồ sộ. Đầu năm 1974, chợ Quy Nhơn bị hỏa hoạn thiêu cháy rụi, chính quyền cho xây chợ tạm trên nền chợ cũ. Chợ này tồn tại cho đến 1975.

       Những ngày đầu sau 30-04-1975, nhân dân vẫn tiếp tục mua bán tại tạm. Tháng 1-1983, UBND TP Quy Nhơn – có sự đóng góp của tiểu thương, đã khởi công xây dựng dãy chợ 2 tầng phía đường 31-3. Đến tháng 9-1985, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng khu chợ 3 tầng như hiện nay.

       Chợ mới được xây dựng trên nền chợ cũ, diện tích xây dựng là 9.121 m2, diện tích kinh doanh 9.206 m2, được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 03-02-1986.

       Chợ Quy Nhơn từ thuở còn là chợ Thị Nại, chợ Chánh Thành cho đến khi đổi thành chợ Quy Nhơn (1882) và đến khi thành khu chợ cao tầng khang trang như ngày nay, qua các thời kỳ lịch sử, các bước thăng trầm luôn luôn là trung tâm buôn bán lớn nhất của tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận.

      

       Cao Năm

 

Chân thành cảm ơn anh Hồ Ngọc Hiệp đã gởi đến trang nhà bài viết này!

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003