TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

        

..

 

TRỐNG TRẬN TÂY SƠN

Dư Hồng Phương

 

          Trong nhạc cụ của loài người, có lẽ trống và sáo là những nhạc cụ xuất hiện đầu tiên. Thời nguyên thủy, con người sống trong thiên nhiên hoang sơ và tiếp xúc với ngoại cảnh của thiên nhiên bằng sự hiểu biết hạn hẹp của mình. Gặp những hiện tượng không giải thích được, người ta nghĩ đến thần linh. Sợ oai trời, người ta sợ những biểu hiện của quyền uy đó, thần Sấm, Thần Sét, Thần Lôi v.v... là những bậc thần linh, có khả năng siêu nhiên, vượt khỏi sự hiểu biết và ảnh hưởng của con người thời đó.

          Trong những âm thanh ngẫu nhiên bắt gặp, hay phát minh ra sau này qua những theo dõi tìm hiểu, tiếng trống là loại âm thanh gần gũi nhất với những biểu hiện của quyền uy sấm sét. Có thể, loài người đã hiểu và khi gõ vào một vật rỗng, ta có nhiều loại âm thanh khác nhau. Cũng như sáo có thể xuất hiện từ tiếng gió vi vu qua bọng cây, cành lá và dạy con người tìm ra những âm thanh gần gũi với lời chim chóc, suối reo, nước chảy. Trống và sáo đã được phát minh từ đó chăng?

         Mình cứ suy nghĩ như vậy để tìm lên cái gốc, cái nguồn của cái trống. Một thân cây rỗng, một thùng gỗ, một mảnh da khô căng cứng v.v... có thể đã là nguồn cảm hứng đầu tiên đưa người nghệ sĩ tiền sử đến loại nhạc cụ này. Như vừa đoán, tiếng trống là âm thanh gần gũi nhất với tiếng sấm. Trống là một vật thờ vì tạo ra âm thanh gây được sự cảm thông của thần linh trên cõi không ai biết. Chỉ nghe mà sợ hãi, kính nể.

          Dân tộc ta, vào thời kỳ đồ đồng, đã nổi danh về kỹ thuật làm trống đồng rất tinh vi. Người ta còn biết là thời thượng cổ, dân tộc còn chôn trống dưới chân thác để gây âm thanh hùng vĩ như tiếng gầm thét của thượng đế.

          Những hình vẽ trên mặt trống đồng cho phép ta nghĩ đến cảnh tế lễ thời thượng cổ, và giả thuyết trống là một nhạc cụ dùng cho việc tế lễ là một giả thuyết hợp lý.

          Khi tâm lý bị khích động, con người ta có thể diễn tả hay biểu lộ bằng tay chân, thân thể. Những điệu vũ, điệu múa đầu tiên xuất phát từ những cảm xúc này, diễn tả bằng thân hình. Âm thanh và điệu bộ kết hợp cho ta vũ và nhạc. Nhạc và vũ thường đi cùng với nhau...

          Tiếng trống trầm hùng, hay buồn bã chậm rãi, theo nhịp đập nhặt khoan, cũng có thể là những thúc giục tâm lý, khiến người nghe muốn vùng lên, đứng dậy, bước tới. Và nhảy múa, hát mừng hay than khóc, hay ca ngợi... trong các âm thanh, tiếng trống nhịp nhàng đều đặn có lẽ cũng gần với nhịp đập của con tim, khi ta còn thơ dại áp đầu bên ngực mẹ, hoặc sớm hơn, khi còn là bào thai mà tiềm thức đã tiếp nhận nhịp tim đều đặn của người mẹ cưu mang, khiến ta bồi hồi xúc động, hay muốn vươn mình nhảy múa. Trống được đưa từ nơi tế tự vào nghệ thuật âm nhạc từ đó.

          Trước khi khoa học hiện đại ra đời, người ta mới chỉ có thể truyền tin bằng tai bằng mắt. Bằng mắt còn có giới hạn, hoặc vì cách trở không gian quá xa, hoặc vì bị che khuất giữa nguồn phát tin và nơi tiếp nhận. Bằng tai, người ta thấy xa hơn, và không bị che khuất. Trống được sử dụng làm vật truyền tin bằng âm thanh. Trống trận được dùng cho nhu cầu thông tin trong chiến trận. Trống trận vì vậy vừa là phương tiện truyền tin, vừa là vật gây tác động tâm lý, cổ võ tinh thần của người ra trận.

          Nghệ thuật dùng trống của chúng ta trong việc tế lễ, ca vũ, hay thông tin và khích động tinh thần trong chiến đấu đã phát triển như thế nào trong quá khứ, chúng ta chỉ còn biết một cách khá lờ mờ. Nếu có, ta nhớ nhiều về trống chầu hơn trống trận.

Mà có phải là vì chúng ta đã không có "nước thanh bình ba trăm năm cũ" đâu? Cái gì chứ chiến tranh thì ta không thiếu. Có lẽ vì những đổi khác, những tiến bộ của kỹ thuật truyền tin trong trận mạc, ta đã quên mất nhiều điều về trống trận tổ tiên đã từng sử dụng trong mấy ngàn năm qua.

          Ðã vậy, về trống trận Tây Sơn, ta biết, hay nhớ, còn ít hơn nữa. Thời Tây Sơn, có Phan Huy Ích nổi danh văn học, và đứng bên Ngô Thì Nhậm, ông còn nổi danh là một nhà ngoại giao nữa. Nhưng, ít người để ý là Phan Huy Ích cũng đã từng cầm quân. Trước khi Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Mãn Thanh, Phan Huy Ích đã từng cầm quân đi bắt Nguyễn Hữu Chỉnh. Ngày chuẩn bị, ông đem theo một trống trận, đục thủng một đầu. Ðịnh để nhốt Chỉnh vào trống giải về Kinh đô.

          Hoàng Lê Nhất thống chí có chép sự kiện này, nhưng không cho biết chi tiết là cái trống đó lớn chừng nào. Ta lại đành phải đoán là lớn lắm. Ðủ to để giam Chỉnh vào đó. Và sự kiện trên cũng cho ta biết trống trận không phải do Tây Sơn phát minh ra.

          Nhưng trống trận Tây Sơn thì rõ là một nét văn hóa độc đáo của vùng Bình định, điểm xuất phát nghĩa quân, vào năm 1771. Theo lời kể của dân chúng Bình định, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đều là những người giỏi võ. Không chỉ giỏi về công phu và nghệ thuật, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc hệ thống hóa kiến thức về võ thuật tại địa phương. Nguyễn Lữ từng tổng kết kinh nghiệm võ thuật cùng việc theo dõi từng thế đá của gà chọi (Hùng Kê quyền), khẩu quyết được phổ thành một bài thơ cho dễ nhớ dễ tập. Cũng tại vùng Tây Sơn, binh lính Tây Sơn còn sử dụng trống trận trình bày nhạc võ (nhạc của võ nghệ, không phải nhạc dùng trong vũ múa) để khích động tinh thần ba quân.

          Võ nhạc Tây Sơn nổi tiếng với bốn bài Luyện Quân, Xuất Quân, Công Thành và Khải Hoàn. Bài luyện Quân đánh trong lúc tập luyện, giữ nhịp chuyển bộ cho đều. Bài Xuất Quân đánh với tiếng thôi thúc dồn dập để tăng khí thế chiến đấu. Bài Công Thành được trổi lên trong biết bao đợt Tây Sơn lâm trận, công phá thành lũy đối phương. Bài Khải Hoàn với những tiếng vui tươi làm phấn khởi quân binh sau khi chiến thắng.

          Võ nhạc Tây Sơn sử dụng trống là nhạc cụ chính. Ngoài ra còn kèn, đàn nhị và thanh la não bạt. Trống trận Tây Sơn gồm một bộ 12 cái, phải chăng để tượng trưng cho 12 giáp hay 12 tháng trong năm? Bộ trống được dựng thành dàn, theo thứ tự ba hàng từ lớn đến nhỏ. Bốn trống lớn, đường kính khoảng 40 phân tây đứng hàng đầu. Sau đó là 4 trống nhỡ, quãng 30 phân, sau cùng là bộ trống nhỏ,cỡ 20 phân, cũng bốn cái. Người cử trống đánh cả hai tay, và cùi chỏ, cùng hai dùi trống (gọi là roi), dài khoảng 30 phân, đánh cả hai đầu. Ðưa hai tay lên múa là có thể đánh cả bốn mặt trống hay tang trống một lúc.

          Vào một bài trống, người thiện nghệ có thể gây cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Xem người múa trống đã là một cái thú. Múa là chữ đúng nhất vì người đánh trống vừa đánh vừa di chuyển chứ không ngồi một chỗ như nhạc công tấu nhạc.

          Trước 1975, tại Sài gòn, mình còn được thấy Trịnh Toàn múa trống, nên còn mường tượng ra được ít nhiều thế nào là một bài múa trống và thế nào là một dàn trống của thời xưa. Nay thì chỉ còn là kỷ niệm... Từ trống Ðông sơn đến trống trận Tây Sơn, ta mất nhiều quá. E là đến kỷ niệm rồi cũng sẽ mất mà thôi.

          Có lẽ vì chỉ là kỷ niệm, nhưng hồi tưởng mơ hồ của một cái gì đó đã mất, nên thời nay, nói đến trống trận hay nhạc võ Tây Sơn, nhiều người không tin là có thật. Có ai xác định được hư thực ra sao không? Hát bội Bình định. Bộ môn này có thực hay không? Chắc chắn có chứ. Liệu có ai phủ nhận môn này nữa không đây?

          Qua bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du ta biết là thời đó có các tướng Tây Sơn ra Thăng Long có nghe hát ả đào. Dường như rất ưa thích là khác. Trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Ðình Hổ, người ta thấy ông kể trước đây hát bôi bị cấm ở ngoài Bắc Hà. Cho đến năm Quang Trung thứ ba (1790) mới lại thấy bộ môn này xuất hiện. Một du khách người Anh cát lợi có kể chuyến thăm viếng Ðàng Trong thời Quang Trung và để lại một bức họa đầy màu sắc về một cảnh hát bội ông được xem (A Voyage to Cochinchine in the Year 1792 and 1793, của J. Barrow, xuất bản tại Luân đôn năm 1906). Trong Ðại Việt Quốc Thư do dịch giả Ðình Thụ Hoàng Văn Hoè dịch, Trung Tâm Học Liệu của bộ Giáo dục ta ấn hành năm 1967 và tái bản năm 1972, ta được biết Quang Trung Hoàng đế đã mừng thọ 80 tuổi của Thanh Càn Long với một ban ca nhạc gồm 6 nhạc sĩ và một số ca sĩ (không rõ bao nhiêu người) biểu diễn 10 bài trong công văn ghi là "nhạc phủ từ khúc thập điểu" cùng 6 người thợ tấu nhạc đã diễn tập, đặt bài hát nhịp vào tiếng đàn, gảy tiếng phương Nam để vui thêm "tiệc thọ". Bản văn này được kết với câu "kính dâng cả toàn vở hát".

          Mình không còn biết vở hát ra sao, mười bài hát trên là những bài gì, mình cũng không biết. Nhưng, ở con người Quang Trung, khi niềm kiêu hãnh dân tộc đã trở thành một đặc tính, chắc chắn là "phái đoàn nghệ sĩ" đi làm công tác ngoại giao và trao đổi văn hóa này không phải là một phái đoàn kém cỏi về nghệ thuật. Và những bài hát trên chắc chắn phải xuất sắc. Chắc chắn phải rất "Nam âm", không thể là một loại nhạc ta mượn của Tàu. Quang Trung là người chủ trương dùng văn Nôm thay chữ Nho, nên nếu có suy đoán là những ca khúc sứ giả cho nghệ thuật phương Nam phải độc đáo của Nam phương ta cũng ít sai.

          Nói như vậy để làm gì? Ðể nhắc nhở chúng ta là vào cuối thế kỷ 18, văn học nghệ thuật của nước ta đã có những sắc thái phong phú. Và để nhắc đến một truyền thuyết rằng các tướng Tây Sơn rất ưa chuộng nghệ thuật, yêu thích hát bội, rằng trong những năm ra Bắc, binh lính Tây Sơn còn tụ họp đánh trống để hát (một thuyết về nguồn gốc trống quân).

          Một quân đội vào Nam ra Bắc như gió cuộn lốc xoáy, với những người lãnh đạo biết yêu thương quân sĩ như anh em, lại yêu chuộng nghệ thuật, ưa thích âm nhạc, và biết khai thác mọi phương tiện cho việc quân , thì việc dùng nhạc cụ làm phương tiện khích động tinh thần là một việc cũng dễ hiểu, chẳng có gì là mơ hồ cả. Nếu đất Bình định là đất chuộng võ và là nơi đào tạo Ðào Duy Từ từng dạy dân nghệ thuật hát bội, có thấy trống nhạc trong hát bội được đem vào quân ngũ và trở thành một tiết mục quân nhạc, nhạc võ, thì cũng chỉ là điều thường tình, dễ hiểu, chẳng có gì là mơ hồ cả.

          Nếu có một điểm mơ hồ là ngày nay, ta thấy các thanh niên hay thiếu nữ Nhật bản hay Ðại hàn biểu diễn những màn múa trống, màu sắc vui tươi, thanh âm rộn ràng lôi cuốn, tại sao ta không nghĩ là thời xưa mình cũng từng có những bộ môn nghệ thuật như vậy. Dùng ở nơi tôn nghiêm thờ phụng hay trên sân khấu giải trí, hoặc trong quân ngũ để gây phấn chấn tinh thần binh sĩ thì cũng chỉ là mỗi nơi một cách.

          Tự nó, cái trống không có riêng một ý nghĩa linh thiêng ở nơi tế tự, hay ca vũ nhạc tiêu khiển trên sân khấu, hay lắc cắc diễu cợt như trong một vở chèo cổ, hoặc sầm sập uy vũ nhụ trong dàn quân nhạc. Ăn thua ở người đánh, nơi đánh, và đánh để làm gì thôi.

          Kỷ niệm 205 năm trận Ðống Ða, nếu ta có muốn nhắc đến một vài giả thuyết đã qua để tìm cách trả lại cho Bình định nhạc võ Tây Sơn, với vật tiêu biểu là dàn trống trận, thì chắc cũng không phạm tội là "đánh trống qua cửa nhà sấm".

          Người viết chẳng phải dân Bình định, nhưng thấy hát bội Bình định, võ thuật Bình định, bánh tráng Bình định như bị lãng quên dần, hay bị phủ nhận, thì cũng tiếc. Người Bình định có mất cái trống thì cũng chẳng ai được hưởng cả. Chỉ có dân ta mất mà thôi...

        Dư Hồng Phương

          Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN Xuân Giáp Tuất1994

 

Chân thành cảm ơn cô Trần Trà My đã sưu tầm và gởi đến trang nhà bài viết này!

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003