TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

       

..

 

CA DAO BÌNH ÐỊNH

VÕ NGỌC UYỂN

 

“Ai về Ðập Ðá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Ða quê nàng...”

          Quê tôi miền Phú Ða giàu thịnh, ngày xưa có trai thanh gái lịch, có sông nước hiền hòa. Chợ Phú Ða đã một thời nổi tiếng vui vẻ nhộn nhịp với những ngày hội lễ Tết tưng bừng: xổ số Cổ Nhơn, hát bội, đánh cờ người và những ngày mùa cấy, gặt lúa, giã gạo, hát hò khó phai mờ trong tâm trí tôi, thuở còn niên thiếu.

          Những câu hát giao tình, những câu hò châm chọc nhau giữa những đôi trai gái thôn quê trong những đêm trăng vằng vặc trước sân nhà như vừa mới đâu đây, không xa lắm trong trí tưởng tôi, mà giờ đây đã hơn hai mươi năm dài xa cách và chắc không bao giờ còn nữa ở quê tôi, một nơi mà người dân hiện đang sống trong đói nghèo khổ cực.

          Những người dân quê mộc mạc, tuy ít học hoặc kể cả không biết một chữ nào mà cũng có thể ứng khẩu hát hò với những lời lẽ bóng bẩy, có vần điệu nhịp nhàng theo giọng hò êm ái của thể thơ lục bát, điều đó chứng tỏ mỗi một người dân quê là một thi sĩ hay ít ra cũng là những người có tâm hồn nghệ thuật, yêu chuộng những cái hay cái đẹp của tình cảm con người.

          Ca dao là những câu thơ thường ở thể lục bát, vần điệu êm đềm nhẹ nhàng dễ đi sâu vào lòng người nên dễ nhớ dễ thuộc, nó thường bắt đầu bằng những chữ: "Một mai, chiều chiều, gió đưa, nực cười v.v..." thật dễ thương và bình dị như ý tưởng và tâm tình của người dân miền thôn dã.

          Ca dao là một kho tàng rộng lớn của dân gian, nó phong phú cả về số lượng và chất lượng. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ nói về tình yêu của người dân quê Bình Định trong tình cảm lứa đôi, tình cảm đối với xóm giềng làng mạc. Ðọc lại những câu ca dao mà tôi còn nhớ được trong tuổi ấu thơ, trong lúc mẹ tôi, chị em bà con trong làng hát ru em hoặc hát hò giã gạo mỗi đêm trăng, vì vậy nó có rất nhiều thiếu sót, mong người đọc niệm tình bỏ lỗi cho.

“Ai về Bình định thăm bà

Ghé vô em gởi lạng trà Ô long

Trà Ô long nước trong vị ngọt

Tình đôi mình như đọt mía lau

          Tình cảm của người con gái quê hương tôi đẹp đẽ dịu dàng, ngọt ngào và sâu đậm như thế đó, thương anh đã đành mà em còn có tình nghĩa với bà con cô bác của anh, cũng như đoạn ca dao dưới đây:

“Anh đi bờ lở một mình

Phất phơ chéo áo giống hình trò Ba

Trò Ba đi học trường xa

Cơm canh ai nấu mẹ già ai coi

          Ngưòi con gái thôn quê dịu dàng và kín đáo, tôi thương anh, tôi sẽ lo cơm nước và chăm sóc mẹ già cho anh qua hình ảnh một cậu học trò tên Ba nào đó, để anh được rảnh rang học hành thi cử, theo quan niệm thời xưa ấy:

“Chẳng tham ruộng cả ao liền

Tham vì cái bút cái  nghiên anh đồ”

          Trai gái miền quê tôi tình cảm đậm đà tha thiết, nó cũng giống như cây tre khóm chuối bờ ao, như những thổ sản mà đồng bào tôi cần cù làm ăn chất phác bằng mồ hôi nước mắt gặt hái được:

“Củ lang Ðồng phó

Ðậu phộng Hà nhung

Chồng bòn thiếp mót bỏ chung một gùi

Chẳng may duyên nợ sụt sùi

Thôi thôi cũng mặc, anh đá gùi anh đi”

Hoặc là:

Một mai dĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ em”

Hay là:

“Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim”

Hoặc là:

“Thương anh mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.

Hay là:

“Chiều chiều ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ

          Người con gái đối với người con trai gắn bó keo sơn là vậy, mà người nam đối với người nữ cũng đậm đà không kém:

“Anh về dỡ gỗ đa đa

Cất nhà lẫm thượng tháng ba em về

Em về coi trước coi sau

Coi nhà mấy cột coi cau mấy buồng”

Hay là:

Thò tay hái trộm trái xoài

Làng xóm bắt được đánh hai chục đòn

Ðắng cay như trái bồ hòn

Bầm gan tím ruột dạ còn thương em”

          Tình cảm lứa đôi của người dân thôn quê thắm thiết đậm đà, nhưng giản dị và mộc mạc như những hình ảnh bình thường mà họ bắt gặp hằng ngày, dù trong lúc gấn nhau hay trong những khi xa cách:

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Cá kia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

Hay là:

“Anh đi bỏ quạt lan châu

Bỏ thương bỏ nhớ bỏ sầu cho em”

Hoặc là:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai”

          Không phải lúc nào tình cảm giữa hai người nam nữ trong thôn xóm cũng luôn hòa thuận nhau, mà họ còn lọc lừa kén chọn. Có hơn một lần chàng gặp nàng tỏ ý ngỏ lời như sau:

“Ngó lên trên trời có đám mây xanh

Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng

Anh chào nàng rồi lại hỏi nàng

Phụ mẫu nhà đã định đức đông sàng hay chưa?

Hay là đón gió chờ mưa?

Có sao nói thiệt sớm trưa anh đợi chờ!”

          Chàng sợ nói thẳng vào vấn đề làm động vỡ mối tình của chàng đã ấp ủ bấy lâu nên nói lòng vòng những là "mây trắng, trời xanh", rồi sau đó mới dám nói rõ ý định. Nhưng nàng có lẽ vì không để ý đến chàng, hoặc vì một lý do nào đó nên nàng đã trả lời một cách lạnh lùng:

“Ðợi chờ, chờ đợi làm chi?

Trai nam nhân anh có vợ, gái nữ nhi em có chồng!”

Và chàng không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục bày tỏ:

“Gió đưa gió đẩy duyên đưa

Gặp đâu hay đó, em kén lừa làm chi?”

Có lẽ nàng sợ gia đình chàng khó khăn nên nàng đã trả lời:

“Chim chuyền nó lựa nhánh mà chuyền

Làm dâu (em đây) lựa chỗ cha mẹ hiền gửi thân”

Anh chàng tức quá không thể nói thêm được nữa, nên đâm ra hờn giận trách nàng:

“Chim quyên nó dại lắm không khôn

Núi chóp vung kia không đậu, đậu chòm cỏ may”

Thật ra chuyện tình yêu giữa nam nữ nơi thôn dã không phải chỉ có riêng cho những người ở lứa tuổi đôi mươi, mà còn ở những độ tuổi lỡ thì, goá bụa:

“Chiều chiều vịt lội bàu sen

Ðể anh lên xuống làm quen với nàng”

Nàng đã trả lời từ chối một cách khôn khéo:

“Ðèn hết dầu đèn tắt

Nhang hết vị hết thơm

Anh đừng lên xuống đêm hôm

Thế gian đàm tiếu nam nồm khổ em!”

Chữ "nam nồm" ở đây thật là kỳ diệu, tuyệt vời, nó diễn tả rất đầy đủ, chính xác hoàn cảnh của người trong cuộc, tiếng thị phi của bà con chòm xóm láng giềng còn khắc nghiệt hơn cảnh gió nam gió nồm thổi lộn nhau vào mùa tháng hai tháng ba ở quê tôi. Ðoạn ca dao trên đây mang đầy chất thơ với thể tỷ đối chính xác và thi vị.

          Khi người con gái cảm thấy nuối tiếc vì mình đã chọn lầm người chồng không xứng ý thì thốt nên những lời trách móc đầy nỗi thương đau:

“Ngọn dềnh dềnh tía

Ngọn tía tô cũng tía

Ngọn rau lang dâm

Ngọn mía cũng dâm

Mai dong tốt nói em lầm

Bây giờ nghĩ lại giận bầm lá gan”

          Dẫu sao thì tình yêu giữa đôi nam nữ nơi thôn quê vẫn luôn đậm đà tha thiết và bình dị, đơn giản và mộc mạc như những hiện thực của nó:

“Chiều chiều mây phủ về kinh

Ếch kêu giếng lạn cảm tình đôi ta

Ðôi ta như lửa mới nhen

Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”

          Tình yêu chỉ đẹp đẽ và tha thiết khi vừa mới chớm nở trong lòng của lứa đôi khi đang tuổi xuân thì "như trăng mới mọc, như đèn mới khêu", những hình ảnh thật đẹp và thật thơ mộng, không thua gì những câu thơ của Xuân Diệu và của Hồ Dzếnh.

          Nói đến ca dao thì không bao giờ kể hết, nó là một kho văn học của dân gian. Ca dao Bình định còn rất nhiều, nhưng người viết thì không nhớ hết, chỉ cố gắng ghi lại những gì còn nhớ được gọi là góp vui cùng cùng bà con cô bác đồng hương, kính mong quí vị niệm tình tha thứ.

VÕ NGỌC UYỂN

Giai phẩm Xuân TÂY SƠN Mậu Dần 1998

 

Chân thành cảm ơn cô Trần Trà My đã sưu tầm và gởi bài viết này đến trang nhà!

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003