TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

       

..

 

Mộ Hàn Mặc Tử

khói hương vẫn tỏa

Nguyễn Quang Cương

 

·                        Nước non Ghềnh Ráng, Quy Hòa hợp duyên với Hàn Mặc Tử tài hoa

          Với tư cách thi sĩ, Hàn Mặc Tử lúc bình sinh cũng như lúc khép cánh cửa trần gian ra đi, ông không những làm chói sáng thi đàn Việt Nam hiện đại, mà còn làm cho cảnh sắc nước non Ghềnh Ráng, Qui Hòa (Quy Nhơn), vốn đã đẹp, lại còn đáng yêu hơn ngàn vạn lần. Tôi không lí giải nổi cái duyên thiên - địa - nhân hay do đấng tối cao nào sắp đặt, mà Hàn Mặc Tử tài hoa nhường kia, lại gắn bó với vẻ đẹp của thiên nhiên nhường này.

          Ghềnh Ráng, Qui Hòa là một quần thể kiến trúc tuyệt mỹ của tạo hóa, nằm ở phía nam thành phố Quy Nhơn. Qui Hòa ba bề là núi, ôm chặt thung lũng xanh, hình nửa vầng trăng. Một bề là biển xanh sóng trắng, vỗ âm điệu đại dương, cho những rặng liễu trăm tuổi, hát giọng trầm hoang dã, khiến những ai nặng lòng tục lụy đến đây, cũng được thanh thoát lên tiên. Thi sĩ Hàn Mặc Tử, đã có một quãng đời với Qui Hòa. Ghềnh Ráng là nơi núi choài chân khỏa sóng, cuối dải cát vàng của bãi biển Quy Nhơn. Nơi đây, vị hoàng đế Bảo Ðại đã chọn xây lầu thưởng ngoạn và sửa sang bãi tắm cho hoàng hậu. Ðiều kỳ thú là trên nền lầu của vị vua xưa, mộ Hàn Mặc Tử lại được "lên ngôi" sau lần cải táng. Nơi Hàn Mặc Tử đang yên nghỉ có tên là "đồi Thi Nhân", danh em văn nghệ sĩ Quy Nhơn đặt cho từ năm 1985. Dốc lên mộ ở "đồi Thi Nhân" mang tên Mộng Cầm, chẳng biết ai là tác giả, hiện nay đã trở nên quen thuộc.

          Thi sĩ Hàn Mặc Tử chỉ sống 2 tháng (tháng 9 đến tháng 11 năm 1940) cuối đời ở bệnh viện phong Qui Hòa, nên những gì liên quan đến ông hiện còn ở đây không nhiều. Những kỷ vật mà bệnh viện còn lưu giữ được là một căn phòng nhỏ, nơi ông từng chống chọi với con bệnh nan y. Trong đó có một cái giường hẹp, một tủ nhỏ và một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ. Hiện nay, căn phòng đã trở thành phòng lưu niệm, với nhiều kỷ vật mới được sưu tầm.

          Số phận ngắt nhịp đời ông ở tuổi 28 (1912 - 1940), ông nằm lại ở chân núi Qui Hòa 19 năm (1940- 1959), sau đó mới được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng. Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, được dựng lên một đài tưởng niệm. Ðài được xây nhờ những tấm lòng vàng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh và vợ đầu của ông là bà Hàn Nam Trân (bà Nam Trân vì yêu mến Hàn Mặc Tử mà tự đặt tên mình là Hàn Nam Trân); do một kiến trúc sư ở Quy Nhơn thiết kế, bệnh viện Qui Hòa xây dựng. Ðài tưởng niệm khá đẹp và ý nghĩa. Dưới chân tượng đài là một bệ lớn, ý tưởng tác giả muốn thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời sự nghiệp của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Ðài cao khoảng 5 mét, trên đỉnh vừa là hình ảnh bút nghiên (con người thi sĩ) vừa là hình cây thánh giá (con chiên của chúa). Bờ tường bao quanh trước đài nhô lên nửa vầng trăng, trăng trong thơ và trăng đời hao khuyết của Hàn.

·                        "Ðồi Thi Nhân" - Khói hương bay trên mộ thi nhân

          Mộ Hàn Mặc Tử ở Qui Hòa được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959. Ðầu phần mộ, dưới chân tượng đức mẹ Maria được khắc đậm dòng chữ: "Nơi đây yên nghỉ trong tay mẹ Maria Hàn Mặc Tử tức Phêrôhanxico Nguyễn Trọng Trí, thứ nam của Nguyễn Duy Toan và Nguyễn Thị Duy. Sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, Quảng Bình, tử ngày 11-11-1940 tại Qui Hòa, Quy Nhơn". Trước và sau năm 1975, mộ nhà thơ nằm trơ trọi bên rào kẽm gai khu thông tin nhà binh. Mười năm trở lại đây, khi Ghềnh Ráng trở thành di tích danh thắng quốc gia, là địa chỉ du lịch, mộ Hàn Mặc Tử đã được trùng tu và ấm khói hương bay.

          Phần mộ của Hàn Mặc Tử nằm trong quần thể du lịch Ghềnh Ráng - Qui Hòa. Năm 2001, Công ty công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã xây thêm một căn nhà xinh xắn bên cạnh phần mộ để làm nhà lưu niệm. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Tuyển đã giúp cho nhà lưu niệm nhiều hiện vật quý (bút tích, ảnh, tài liệu, sách báo…) Bây giờ đến thăm mộ Hàn Mặc Tử du khách còn có dịp hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của thi nhân.

          Cuốn sổ vàng lưu bút của khách thập phương đã kín cả trang cuối, lưu lại những tấm lòng thành thật xúc động. Tôi chép ra đây vài dòng: "Lần trước (1984) đến thăm mộ Hàn Mặc Tử phải đi qua kẽm gai, lần này (1992) đến thăm mộ ông thật xúc động". "Cháu là Hoàng Thọ 36/10A Vạn Hạnh Pleiku, đến thăm ông, nay đã đến mộ ông rồi, cháu đã mãn nguyện", hoặc là:

"Trời đất sinh anh sớm đoạn tình xương máu.
Câu thơ đau như phận bạc kiếp người
Tài thi tứ nỡ vùi sâu Ghềnh Ráng
Hương cháy trong lòng kẻ thắp mãi không nguơi"
(Nhà thơ Hoàng Nguyệt Cầm)


 

          Nhìn khói hương bay, đọc sổ vàng chen dày địa chỉ của nhiều tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước, đến viếng Hàn Mặc Tử, tôi chạnh lòng nhớ đến mộ nhiều danh nhân, quanh năm vắng lạnh hương khói. Thắp nén nhang tưởng nhớ đến người đã khuất là một nét văn hóa của dân tộc. Biết tưởng nhớ đến danh nhân là biết yêu văn hóa dân tộc. Bao giờ trên mộ các danh nhân luôn có khói hương bay như trên mộ Hàn Mặc Tử.

          Nguyễn Quang Cương 

 

Chân thành cảm ơn Phutaionline đã gởi bài viết này đến trang nhà!

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003