TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

        

..

 

THƠ THẨN BÊN VƯỜN

Thân tặng bạn già Lê Phước An
QUI NHƠN Lão Hữu

 

          "QUI NHƠN Lão Hữu"! Gọi như vậy để phù hợp với một con người đã vào hàng cao niên, lời nói và cử chỉ có thể chậm, thờ thẫn! Nếu "diễn nôm" thì là... "Một Bạn Già ở Qui Nhơn", còn muốn nói gọn hơn thì gọi là Lão Già Qui Nhơn! Vâng, "lão" rồi nên thường suy nghĩ lẩn thẩn, không đầu không đuôi, chuyện này nhảy sang chuyện khác!

          Mấy tháng nay, Lão thường dành ít thì giờ chăm bón mấy khóm rau sau vườn để tìm chút thư giãn cho tinh thần. Rau lá lên xanh nhờ nó đã bén rễ, nảy chồi. Trông nó mởn mơ mà lòng lão vui vui. Rau lá, cây cỏ cần đâm rễ vào đất để sinh trưởng, còn con người có bén rễ vào đất không? Một nhà thơ tên tuổi đã có câu:“Chân hoá rễ để hút màu dưới đất”.

          Nghĩ cũng ngộ. Xưa nay người ta thường nhân cách hóa sự vật chứ ít ai "thảo mộc hóa" một con người. Ca dao có câu:

“Ðến đây thì ở lại đây
Chừng nào bén rễ xanh cây mới về”

Cái gì bén rễ? Câu ca dao nói lấp lửng để ai hiểu sao thì hiểu: con người cũng được mà cây xanh cũng được. Con người thì không phải như cây cỏ bén rễ vào đất mà là bén rễ vào... lòng người. Câu thơ trên, trong ý nghĩa gần gũi, giản dị, nói lên sự gắn bó của con người với đất đai hay đất nước. Và còn gì, gì nữa tùy theo cảm nghĩ của mỗi người. Các bạn có còn nhớ ai là tác giả câu thơ trên không? Xuân Diệu đó.

          Nhổ nắm cỏ đang quyện vào gốc rau, Lão bất chợt nhớ đến câu: "Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc". Hay quá! Cỏ mọc quanh chân trúc là một hiện tượng bình thường hay tầm thường, nhưng với một nhà thơ có tài, cỏ đã mang tâm hồn, tình cảm một con người yêu đương quyến luyến! Cỏ và trúc đã được nhân cách hóa. Câu thơ đó nằm trong đoạn thơ này:

Nước mát hơi thu thắm sắc tươi
Trời xanh xanh ngắt đượm hồng phai
Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
Sau trúc, ô kìa, xiêm áo ai

Cảnh ấy là Vườn Tiên gần Lạc Hồ (?) mà thi sĩ Thế Lữ đã ghi lại trong bài thơ "Vẻ đẹp thoáng qua" (28 câu thơ 7 chữ, chia làm 7 khổ).

          Gần đây nhiều người thường tán tụng hai câu thơ này của Chế Lan Viên cho rằng đã tả được nỗi nhớ Ðất, nhớ Quê khi mình đi xa:

Khi ta ở, Ðất chỉ là sỏi đá
Khi ta đi, Ðất bỗng hóa tâm hồn!

Ðúng vậy, đất đã "hóa tâm hồn" để cho người đi nhớ thương, lưu luyến. Dù vậy, Lão chưa thỏa ý với câu "đất chỉ là sỏi đá". Tại sao chỉ là sỏi đá khi ta đã và đang ở với đất. Khi ở vẫn mến thương mà khi đi xa lại càng nhớ thương nhiều hơn nữa. Lão thấy thích thú hai câu thơ này của Hàn Mặc Tử, tha thiết hơn, trọn vẹn hơn:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!

          Lão đang rửa tay chân để vào nhà nghỉ ngơi thì nghe trong nhà có tiếng nói: "Hôm nay mồng mười rồi". Nhìn lên trời, trăng đã sáng và mặt trăng chỉ mới thấy có một nửa, quả đúng là trăng mồng mười. Lão lại vô tình lẩm nhẩm hai câu thơ:

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi?

          Lão chắc lưỡi nghĩ đến một hồn thơ lạ lùng, kinh dị. "Hôm nay có một nửa trăng thôi". Câu ấy thực ra cũng bình thường, bình thường như câu nói "hôm nay là trăng mồng mười". Thế mà câu thơ tiếp theo thật là bất ngờ, đã làm cho người nghe phải sửng sốt, "Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi"! Ôi chao, ai cắn vỡ rồi một nửa trăng? Sao không đập vỡ hay bẻ vỡ mà lại cắn vỡ? Tứ thơ đó chỉ có và chỉ có thể có ở Hàn Mặc Tử mà thôi!

          Lão biết hai câu thơ trên nằm trong bài thơ 4 câu, 7 chữ của nhà thơ Hàn Mặc Tử tặng bạn là Trần Thanh Ðịch, mang tựa đề... Nhớ Mình Xa:

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Tôi nhớ mình xa thường đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi

          Biết vậy, nhưng ít khi Lão nhớ đủ 4 câu thơ mà thường chỉ nhớ có hai câu đầu thôi. Lẽ giản dị là phẩm lượng của bài thơ nằm ở hai câu đầu, đúng hơn là ở câu thứ hai. Hai câu sau nhạt, không đi vào lòng Lão!

          Chúng ta cũng thường gặp những bài thơ có những câu đầu rất hay, rất độc đáo và xuất sắc, nhưng rồi những câu thơ kế tiếp lại không hay bằng, khiến khách thưởng thơ đâm ra tiếc rẻ:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.
(Chế Lan Viên)

          Ai cũng bảo câu cuối không xứng với mấy câu trên. Và, một bài thơ khác của Hàn Mặc Tử:

Ta bay lên, ta bay lên
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện Trăng đêm.

Gió tiễn đưa lên tới nguyệt thiềm để... nhìn trở xuống thấy mây khói lâng lâng quyện Trăng đêm. Chỉ có vậy thôi sao? Từ lúc còn ít tuổi, Lão rất thích bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Ði học về, ăn cơm xong thường dùng đũa gõ lên chén để ngâm bài thơ đó bằng một lối ngâm đặc biệt dành cho thể thơ cổ phong, được Thầy giáo (nhà thơ Quách Tấn) truyền dạy. Trước sau và cho đến bây giờ, Lão cũng chỉ thuộc nằm lòng mười câu của đoạn một. Gắng học cho thuộc nốt mười hai câu thơ của đoạn sau, nhưng ít lâu lại quên mất. Nhiều lúc cũng giận cho trí nhớ của mình nhưng nghĩ lại, lý do chính là đoạn sau không hay bằng đoạn trước, không "chiếm lĩnh" tâm hồn mình như mười câu thơ đầu:

Ðưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ðưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách, ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn không về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm Mẹ già cũng đừng mong!

          Có người nói: thơ hay là thơ dễ thuộc lòng. Câu nói giản dị nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu rộng, thâm thúy và... hết sức đúng đắn. Lão lại trộm nghĩ : cần gì phải có nhiều câu hay, nhiều khi chỉ một vài câu, một vài ý, hoặc một đôi chữ cũng làm cho bài thơ bất tử. Như câu "Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi" v.v...

          Năm 1985, Lão tình cờ được đọc bài thơ "Ðêm Sao Sáng" của Nguyễn Bính viết từ tháng 2 năm 1957, bộc lộ niềm thương nhớ người vợ còn ở lại miền Nam. Ðêm đêm nhà thơ nhìn sao để... nhớ vợ, vì biết rằng bên kia bờ vĩ tuyến người vợ vẫn nhìn sao để nhớ chồng:

Sao Hôm như mắt Em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu

và:

Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi

Bao nhiêu tình ý, bao nhiêu rung động đã dồn lại, đã lắng đọng ở khổ thơ cuối, đúng hơn là ở hai câu kết:

Sao đặc trời, sao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ Em!

          Nhà thơ Nguyễn Bính bị chính quyền miền Bắc "phân biệt đối xử" vì có liên hệ với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Bài thơ trên làm cho nhà thơ bị phê phán, chỉ trích nhiều lần. Mãi đến những năm cuối thập niên 1980, bài thơ đó mới được phổ biến rộng rãi.

          Sau năm 1975, lúc ở trại tù Long Giao, đêm đêm Lão thường ra sân ngồi gần bờ rào, lặng lẽ nhìn Trăng mà nhớ về vợ, con vì nghĩ rằng vợ con mình cũng nhìn Trăng mà thương nhớ mình:

Trăng đã lên cao sáng đất trời
Ðêm nay mười sáu đó em ơi!
Gương trăng giá biết thâu hình ảnh
Người ở hai nơi đỡ lẻ loi!
(Chung Một Vầng Trăng)

          Lão cứ lặng lẽ ngồi nhìn Trăng như vậy cho đến khi có kẻng ngủ thì mới vào nhà. Sau ngày ở tù về, được đọc bài thơ Ðêm Sao Sáng của Nguyễn Bính như vừa nói ở trên, Lão thấy "thấm quá!" Từ đấy mỗi lần nhìn sao đêm, Lão lại nhớ bài thơ đó, nhớ hai câu thơ cuối và cảm thương nhà thơ quá cố nhiều lắm (Nguyễn Bính mất ngày 20-1-1966 tại Hải Phòng).

          Làm thơ thì phải lựa chữ, lựa lời, nhưng khổ công quá như chuyện "Thôi, Xao" của Giả Ðảo (779-843) đời nhà Ðường, thì xưa nay người ta vẫn cho là quá đáng. Dù vậy, dễ dãi quá thì cũng không nên, bởi vì viết như vậy thì viết để làm gì?

          Lão thấy nhiều người thường dựa dẫm vào mấy chữ "văn mình, vợ người" để lập lờ đánh lận con đen. Ngày trước, một nhà thơ tiền bối của Bình Ðịnh đã diễn cái ý của 4 chữ trên bằng hai câu lục bát:

Lạ chi thiên hạ thường tình
Vợ người là Ðẹp, thơ mình là Hay!

          Nói cho vui vậy,chứ lẽ nào vợ người đều đẹp, và thơ văn mình đều hay hết sao? Lẽ đâu chủ quan đến mù quáng! Nếu mình chỉ viết cho mình thôi thì không nói làm gì, còn muốn được người khác đọc thì phải chấp nhận sự khen chê, phê phán. Nếu đưa đăng báo thì phải chấp nhận sự nhuận sắc của Tòa Soạn. Không cho bạn bè đổi lời thơ của mình: khó tính đấy!

          Xưa nay ai cũng thán phục Lý Bạch về chuyện ông đến Hoàng Hạc Lâu ghi lên vách hai câu:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

(Cảnh trước mắt không thể nói ra được

vì Thôi Hiệu đã nói hết rồi trong bài thơ đề ở trên đầu).

          Lý Bạch là nhà thơ đàn anh, tài ba và danh vọng hơn Thôi Hiệu nhiều, nhưng đã nhìn nhận bài thơ của Thôi Hiệu đề ở Lầu Hoàng Hạc là đã nói đủ, nói hết về lầu Hoàng Hạc, nên gác bút sau khi viết hai câu trên. Với hai câu đó phẩm cách của đại thi hào Lý Bạch lại càng được nâng cao, vượt thời gian, không gian.

          Nói chuyện tầm phào đã dài, Lão xin ngừng bút.

 

Nam California, Tiết Quí Ðông Kỷ Mão (1999)

QUI NHƠN Lão Hữu

Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003