TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

         Chúng tôi, những đứa con của quê hương Bình Định được sinh ra trong thời hậu chiến, thế hệ của thời bình và của những đổi thay. Lớn lên, chúng tôi hoặc nối gót “Nam tiến” hoặc lưu lạc xứ người theo hai chữ “mưu sinh”. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ nơi đâu chúng tôi vẫn hướng về quê hương Bình Định – xứ sở của địa linh nhân kiệt - với ý thức nhớ nguồn và với tất cả tấm lòng tri ân sâu xa nhất! Trên những nẻo đường đời, trong cuộc hành trình nhọc nhằn của kiếp người, hàng ngày chúng tôi phải “vươn tay” đón nhận tha nhân, phải “chuyển mình” để tiếp biến văn hoá, nhưng chúng tôi vẫn không quên nhắn nhủ nhau rằng “đừng vong bản”!

          Loạt bài viết về quê hương Bình Định đăng tải trên trang nhà sau đây không ngoài mục đích bảo tồn di sản văn hoá quê mẹ, để tự nhắc nhở trách nhiệm của những người con xa xứ đối với quê hương, đồng thời giới thiệu đôi nét về văn hoá Bình Định cùng bạn bè bốn phương. Trong khi biên tập, chúng tôi cố gắng gạn lọc một vài chi tiết để tránh khỏi sự “chụp mũ chính trị”. Tuy nhiên, vấn đề “nổi cộm” còn lại là “tính chất dân gian, thế tục” trong các bài viết – những yếu tố tạo thành bản sắc văn hoá – chúng tôi vẫn tuân thủ theo nguyên bản. Kính mong chư vị độc giả gần xa liễu tri và đón nhận món quà tinh thần này!

..

 

TÌNH NGHĨA TÂY SƠN

NGUYỄN SỸ TẾ

         

          Ngày ngày, tôi vẫn đi qua cửa tiệm ấy - để tới một tiệm Liquor mua một tờ báo và một gói thuốc lá. Cửa tiệm ấy là một tiệm cho thuê phim video - nơi mà ngày ngày người con gái lớn của tôi tới lui, vào buổi chiều, để trả phim cũ lấy phim mới, mong tìm một vài giờ giải trí vào buổi tối sau một ngày quần quật với cuộc sống khó khăn trên đất tạm dung.

          Cửa tiệm này là của một ông hàng xóm mới của tôi. Tôi nói "mới" là vì mới sang Hoa kỳ hơn ba năm, tôi đã đổi nhà ở tới ba lần. Người ta bảo ba lần đổi nhà bằng một lần cháy nhà, tôi không tin như thế. Tôi nghĩ đối với những đồng bào Việt Nam tị nạn như tôi thì gia tư còn có gì để mà cháy.

          Rồi cuối cùng, người chủ tiệm - một người đàn ông trung niên - cũng "khám phá" ra tôi và tôi cũng "phát hiện" ra ông ta. Tôi nói khám phá và phát hiện cho nó to câu chuyện chứ kỳ thực về phía tôi cũng chẳng có gì khác thường để mà phải khám phá. Tôi chỉ là một ông giáo già có duyên nợ với văn chương cho nên được cộng đồng đôi khi nhắc nhở tới trong những tập san hàng năm. Về phía ông, có lẽ cũng tương tự như tôi nếu nhìn từ phía quần chúng di tản: một nhà buôn như trăm ngàn người Việt Nam khác. Nhưng mà nhìn từ phía tôi thì lại khác: ông là người Bình Định, thế mà Tình nghĩa Tây Sơn đối với riêng tôi thì lại sâu xa và ấm lòng không biết mấy!

          Tôi biết tôi chẳng nói được gì nhiều về vị anh hùng áo vải của quê hương Bình Định. Lịch sử đã từng nói nhiều về vị anh hùng quốc gia đó, vị anh hùng đã phá tan quân giặc nhà Thanh một mùa Xuân năm nào, nối tiếp cái gương anh hùng Trần Hưng Ðạo đại phá quân Nguyên thuở xưa. Hồi tôi còn cắp sách đến trường, tôi vẫn bị các thầy giáo gán cho cái nhãn hiệu là một tên học trò cực kỳ dốt về môn Sử ký. Cảm quan ưa bay bổng lại say mê những giá trị văn chương và nghệ thuật, tôi vẫn thường để tâm hồn lãng mạn của mình vượt muôn dặm đường từ Bắc vào Nam tìm đến với một khí phách dân tộc nặng lòng quốc gia đã sớm cương quyết thi hành một chính sách văn hóa thức thời: Trở về với tiếng nói mẹ đẻ thể hiện bằng chữ Nôm trong các khoa thi cũng như ở ngoài đời.

          Suốt thời gian tôi dạy học ở Sài gòn (1954-1975), tôi vẫn chưa có cơ hội đi thăm viếng Qui Nhơn, mặc dầu có họ hàng buôn bán ở ngoài đó. Nhưng rồi tình nghĩa Tây Sơn vẫn không vì thế mà thôi phát triển. Tôi đã gặp khá nhiều học sinh và sinh viên theo học ở Sài Gòn,bậc Trung học cũng như bậc Ðại học, thậm chí ngay tại Tư thục Trường Sơn mà tôi làm hiệu trưởng. Tiếng nói của người Bình Định dầu sao cũng dễ nghe hơn tiếng nói của mấy tỉnh phía ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi... Phong cách nói năng, đi đứng rất nho nhã và lễ độ. Bình thường tính tình của thanh thiếu niên đã cởi mở, của học trò Bình Định lại còn cởi mở hơn. Một chú đệ Nhị và một cô đệ Tam một hôm gặp tôi ở sân trường thì tiến lại làm thân liền:

- Thưa thầy, chúng em đều là người của Tây Sơn cả

- Chị này múa võ dạy chồng, còn em thì chỉ có mỗi một cái tài đánh trống

- Anh này nói xạo đó, em đâu có bao giờ học cái thứ võ để dạy chồng

- Xuân tới này, thầy tổ chức hội hè Trường Sơn, chúng em xin biểu diễn màn tiếng trống Tây Sơn, không những đánh bằng dùi mà còn đánh bằng một chuỗi những thế võ cước liên hoàn...

Nhưng rồi mùa Xuân đó, trường nghèo nên cũng chỉ tổ chức hội Xuân một cách đơn sơ với những tiết mục thông thường của thủ đô miền Nam, không có võ Bình Định và trống Tây Sơn. Âu cũng là một cái buồn nho nhỏ cho cho thầy trò chúng tôi.

          Cũng vào năm đó, trước Tết, trước khi trở vế xum họp với gia đình, đôi học sinh nam nữ Qui Nhơn đó đã khệ nệ bưng tới tận nhà biếu tôi một món quà đặc biệt, ngoài dự đoán của tất cả mọi người: Một bịch lớn đựng đầy những khúc cá chép đã ướp muối sơ qua và phơi khô thật kỹ. Và, lạ lùng hơn nữa, một hũ bịt kín đựng một thứ mắm mà tôi cam đoan rằng trong một trăm người Việt Nam hoạ hoằn có một hay hai người biết tới, đó là mắm rươi (một thứ mắm làm bằng sâu đất ở một số thửa ruộng gần biển). Tôi trố đôi con mắt hỏi:

-                     Làm sao các em biết tôi mê hai thứ món ăn này, nhất là mắm rươi?

-                     Mắm rươi vỏ quít là món ăn ngon tuyệt trần - Người con gái trả lời.

-                     Ai bảo em thế?

-                     Chính thầy chứ ai!

-                     Ở đâu và lúc nào cơ chứ!

-                     Khi thầy giảng về thi ca của Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu.

-                     Mà các em kiếm ở đâu ra cái thứ mắm ma quỷ này?

-                     Cũng là thổ ngơi của miền quê chúng em, thầy ạ.

Tôi nghĩ ngợi mãi về câu chuyện vui này: Thế là mỗi một lời nói của ông thầy trên bục giảng buông ra là đi vào đáy sâu ký ức của học trò. Hay, dở là tại ông thầy. Trách nhiệm của ông thầy ở chỗ đó.

          Cũng người học trò con trai đó, bốn năm sau tốt nghiệp ban Việt-Hán, từ biệt tôi bên thềm trường Ðại học Sư Phạm Sài gòn, có hỏi tôi:

- Thầy có bí quyết nào để thành công trong nghề dạy học thì xin thầy chỉ giáo cho em trước khi em về quê nhận việc.

Tôi trả lời cho người đồng nghiệp trẻ của tôi một cách mau mắn:

- Ngoài tình yêu nghề, tình yêu học trò ra, tôi nghĩ chỉ nên căn dặn anh thêm ba điều sau đây: Nắm vững môn học của mình, soạn bài cho thật kỹ và hãy để cả tâm hồn vào trong âm thanh của tiếng nói của mình.

          Ðã nhiều lần, từ khi sang Hoa kỳ, tôi toan đem câu chuyện sau đây để viết thành một câu truyện ngắn cho một tạp chí văn học nào đó. Cho đến lúc này, vì quá bận nhiều công việc, tôi vẫn chưa có cơ hội để thực hiện điều đó, điều mà, khi còn nằm trong ngục thất Gia Trung, tôi hằng mơ ước. Vẫn là câu chuyện Tình nghĩa Tây Sơn. Lần này, trong cơn hoạn nạn. Ðể cho câu chuyện khỏi phôi pha trong năm tháng, tôi xin kể tóm lược đơn sơ, mộc mạc trong khi chờ đợi cái ngày rảnh rỗi một mai tôi đưa nó vào khuôn khổ của nghệ thuật.

          Câu chuyện xảy ra một ngày cuối tháng 8-1977. Sau một năm rưỡi bị thẩm vấn gắt gao theo phương pháp bôn-sê-vích tại sở An ninh Nội chính Sài gòn, khá đông các anh em văn nghệ sĩ chúng tôi và một số các nhà trí thức, chính trị gia được chuyển đi học tập cải tạo tại các trại tập trung.

          Khởi hành lúc 1 giờ đêm từ trại Phan Ðăng Lưu (Gia định), đoàn xe chuyển tù rời phố phường, thị thành, xa lộ tiến về phương Bắc. Tù nhân xích chân vào nhau thành chuỗi bị đẩy lên những chiếc xe nhà binh cũ bịt bùng và chật ních. Chật đến nỗi người ta chỉ có thể ngồi bên nhau hoặc tựa lưng nhau. Chẳng ai hiểu nổi là mình bị dẫn đi tới nơi đâu. Bọn công an súng ống cùng mình, xử sự như là trong một chiến dịch mà họ phải giữ hoàn toàn bí mật. Ðoàn xe chuyển dịch chậm rề rề. Một nửa đêm và một ngày trôi qua. Tù nhân ăn uống bằng những gì họ mang theo túi xách hay túi đeo vai. Rồi đêm đến, xe ngừng, đậu giữa một cánh đồng rừng hoang vắng. Vài tên công an xuống xe, nhóm lửa bên đường, nấu cơm ăn cho cả bọn. Tù nhân được điệu ra ngoài, hai người một, để đi giải rồi lại lên xe như cũ, ẩm thực bằng đồ ăn thức uống của chính mình rồi tùy nghi mà ngủ hay thức theo ý mình.

          Một ngày thứ hai bắt đầu. Gần trưa ngày thứ hai này, đoàn xe tiến vào ngoại ô của môt thị xã miền Trung. Lần này, bọn công an cho ngừng xe tại chỗ ngoại ô này và một số công an lại xuống xe, vào mấy nhà dân xin nước, xin củi để nấu ăn bữa trưa. Trên mỗi xe tất nhiên vẫn còn những tên công an bồng súng ngồi trên nóc xe canh gác. Nhân lúc này, tù nhân vén một chút màn che hoặc nhìn xiên qua cửa sổ của băng lái xe nhìn ra ngoài để xem xét địa điểm và tình hình. Tù năn nỉ lính cho mình gọi mua vài thứ ăn bầy bán ngoài lề và trong quán bên đường.

          Vài người tù từng qua lại miền này trước đây nhận biết nơi mình đậu chính là ngọai ô của thị xã Phú Phong, Qui Nhơn. Họ thì thầm với nhau. Và căn cứ vào đó tôi nghĩ: Thế là mình đã lọt vào lãnh địa Tây Sơn của vua Quang Trung thời nào.

          Mấy đứa trẻ con tay bưng mẹt bánh lá, bánh giò, mía tiện đến sát tận xe rao bán. Tù móc tiền đưa ra ngoài và đỡ lấy hàng. Một cô choai choai từ trong quán đem ra mấy gói thuốc lá bán cho tù. Rồi nhiều hàng rong khác bu lại. Thêm một số người lớn. Và khi dân chúng đã biết rằng người ở trên xe là tù chính trị bị tống đi lao động khổ sai, thì tình thế xoay chuyển lần lần. Khởi đầu người dân bán một cho một. Sau bán một cho hai. Cứ thế tăng dần, người lớn trẻ con tặng không mọi thứ họ cầm trong tay. Tù ngại lính thì e dè, nhưng họ vẫn cứ ném vào trong xe. Hết hàng gánh rồi họ vào trong quán lấy thêm. Hết hàng ở quán, họ chạy vào các nhà sau lấy thêm. Bọn lính hốt hoảng, phải to tiếng ngăn chặn. Những tiếng qua lại mỗi lúc một to. Hoặc dân khích lệ tù, hoặc tỏ dấu chê trách, phản đối lính. Câu chuyện bùng nổ lớn. Những bà già đẫm lệ bất chấp sự ngăn cản của công an dưới đất, lấn sát tới xe ném đủ mọi thứ đồ đạc lên cho tù. Tên cầm đầu chiến dịch chuyển tù ra lệnh cho mấy tên cầm súng ngồi trên nóc xe bắn chỉ thiên. Tiếng súng nổ chát chúa làm người dân hốt hoảng, ngừng tay. Sau đó lại tiến lên trở lại. Nước mắt chảy ngoài xe nơi dân chúng. Nước mắt chảy trong xe nơi bọn tù. Cuối cùng, súng nổ liên hồi, dân chúng giãn ra, tài xế cho nổ máy và đoàn xe từ từ nhích bánh ra đi. Dân chúng đuổi theo một đoạn đường. Xe chạy nhanh hơn rồi mất hút trên đường cái... để lại một đám người dân ngẩn ngơ thương tiếc, còn vẫy tay đưa tiễn những đồng bào bất hạnh của họ, thật lâu cho đến khi không còn nhìn thấy gì nữa.

          Sau này, ở trại Gia Trung rồi, anh em chúng tôi vẫn nhiều lúc ôn lại cùng nhau cái cảnh đồng bào Qui Nhơn đón chào và đưa tiễn đoàn xe tù từ Sài gòn, lỡ độ đường, đi qua quê hương của họ. Ôn lại kỷ niệm, người tù cũng tự thấy mình được an ủi và cảm thương để có thêm nghị lực và tin tưởng để mà sinh tồn. Tôi thường nói với anh em: Ðó là dòng nước mắt của Tây Sơn ban phát cho chúng ta. Và đó cũng là công lý vậy.

          Mấy năm sau, nhiều đợt chuyển tù ngược chiều từ Bắc trở vào Nam còn được thực hiện, có đợt bất hạnh bị tống giam vào trại hắc ám Gia Trung của chúng tôi. Chúng tôi lại có thêm nhiều dịp để nghe kể lại những cảnh "chào tù" ở nhiều nơi, của không biết bao nhiêu là đồng bào đối với những nạn nhân chính trị như chúng tôi. Và lúc nào cũng như lúc nào chúng tôi vẫn thấy mình thu hút đắm chìm vào trong những câu chuyện kể đó.

          Ðiều không lạ là trong hàng trăm câu chuyện kể từ lớn chí nhỏ, tôi vẫn ưa so sánh câu chuyện Tình nghĩa Tây Sơn của chúng tôi với câu chuyện bi hùng không kém, câu chuyện của đồng bào Ðồng Hới đối với những người đồng hội, đồng thuyền của chúng tôi, chuyển từ Bắc vào đi qua ga Ðồng Hới bằng xe lửa. Tôi như mường tưởng ra một cô con gái, một nữ tướng (mà chắc các nhà chính trị đối lập đã gọi là nữ tặc) có võ khí dao, búa, gậy... cầm đầu cả một bọn "bụi đời" vì bất chấp cường quyền, một toán người cả trai lẫn gái, xông vào các toa tầu biếu bánh, tặng quà, hoan hô…. Tất nhiên, rồi họ cũng lại giải tán bằng võ lực của cả công an lẫn "bộ đội". Và những tiểu anh hùng này vẫn có đủ trăm phương ngàn kế để thoát thân.

          Trở lại với câu chuyện Tình nghĩa Tây Sơn của riêng tôi. Cũng vẫn ở trại Gia Trung, trong cơn hoạn nạn, tôi đã gặp một anh "Cảnh sát" gốc người Bình Định. Tên anh là Tri, tôi không nhớ họ và chữ đệm. Số là tôi bị bọn giám thị K1 tìm cớ trả thù tôi về chuyện mấy tháng đầu vào trại tôi đã có lời và cử chỉ phản đối họ về chế độ lao động quá mức và quy chế ăn uống dưới mức (làm cả nửa ngày chủ nhật, ăn độn mà cũng chỉ ở mức trung bình 13,5 kí lương thực 1 tháng). Họ bịa ra một báo cáo của Trật tự (do tù hình sự đảm trách) họ giam tôi vào phòng biệt giam không ánh sáng tại phân trại K2. Nơi phân trại này, tôi đã được anh Tri làm việc ở trong trại lén lúc cưu mang tôi suốt mấy tháng trời khi tôi kiệt sức. Anh không ngại ngần răn đe bọn hình sự không cho chúng hành hạ tôi mỗi khi tôi bị điệu ra ngoài để chịu thẩm vấn ở các phòng trống hay các xó xỉnh nào đó trong trại.

          Sau mười tháng kỷ luật, tôi được chuyển về bệnh xá K3 thì đã gần chết. Nhờ hai nắm vitamines của các anh em nhà, lén lút thu thập và đưa vào cho tôi, tôi qua được hai cơn mê sảng và sống lại. Ra khỏi bệnh xá, tôi được phân phối về một đội đan lát. Và ở đây, lại một anh cảnh sát Bình Định nâng đỡ che chở tôi vì anh là đội trưởng. Anh có tên là Mậu (tôi không nhớ họ - nếu không lầm thì là Nguyễn). Anh có thừa khôn ngoan, có sức lực lao động dồi dào, khéo chân tay trong mọi nghề và cũng khéo đút lót và lừa lọc cán bộ khiến cho anh em trong đội cũng được yên thân. Nhờ đó tôi có công việc nhẹ và tôi lấy lại sức lần lần.

          Tình nghĩa Tây Sơn của tôi cho tới sang Hoa Kỳ này vẫn còn. Năm ngoái, tổ chức họp mặt cựu tù Gia Trung ở quận Cam, tôi lại gặp lại khá nhiều bạn Qui Nhơn, mà anh Trần Văn Hiệu là người tôi nhớ và có nhiều kỷ niệm hơn cả. Nếu tôi không lầm thì anh là Nghị viên Hội đồng tỉnh Bình Định của mình trưóc kia. Anh lúc nào cũng gọi tôi bằng "Thầy" khi riêng tư trong trại và công khai bây giờ. Tôi toan hỏi thì anh đã hiểu ý mà trả lời ngay: "Tôi tuy không học thầy nhưng thầy vẫn là thầy của tôi. Chẳng học trường thầy thì học sách thầy. Ở đâu đâu cũng đều có học trò của thầy. Và Qui Nhơn của tôi cũng không thiếu gì học trò của thầy”. Mới đây tôi đi dự tiệc cưới con gái một người bạn, lại ngồi đúng vào một cái bàn toàn người Tây Sơn mà anh Hiệu dẫn tôi tới ngồi chung.

          Bài tùy bút này muốn gọi là gì cũng được, hồi ký, bút ký, tự tình... Tại sao tôi lại không được phép chép truyện thực ở trong đời nơi một thiên tùy bút? Phạm Đình Hổ xưa kia viết "Vũ Trung tùy bút" chẳng kể truyện lượm từ Ba mươi sáu phố phường Thăng Long đó sao? Ít nhất tôi cũng được một người bạn thân chia sẻ quan điểm: anh Doãn Quốc Sỹ.

          Tôi mong ông hàng xóm Bình Định ở Garden Grove này chưa phải là mối tình cuối cùng của tôi đối với người Bình Định.

 

Garden Grove, 28-11-1995

Nguyễn Sỹ Tế

Ðặc san TÂY SƠN - Xuân Bính Tý 1996

 

Xin chân thành cảm ơn cô Trần Trà My đã gởi bài viết này đến trang nhà!

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

 

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003