TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

      

..

 

THI SĨ QUÁCH TẤN

VỚI ĐẠO PHẬT

Thích Phước Sơn

 

1. “THÂN NHƯ BÓNG CHỚP CÓ RỒI KHÔNG”

          Thi sĩ Quách Tấn tự Đăng Đạo hiệu Trường Xuyên, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910, tại huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, qua đời ngày 21 tháng 12 năm 1992, tại Nha Trang. Ông là người đại diện cuối cùng của trường phái thơ cổ điển Việt Nam, kế tiếp thi sĩ Tản Đà và là một trong “Bàn thành tứ hữu” hay “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng). Theo như nhiều người kể lại, dân Bình Định gọi Hàn Mặc Tử là rồng xanh, Chế Lan Viên là phượng hòang, Quách Tấn là con rùa và Yến Lan là kỳ lân. Mặc dù Bình Định là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng chính Nha Trang, miền thùy dương cát trắng, mới là nơi cưu mang thi sĩ hơn nửa cuộc đời, cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Ông thường nói đùa rằng đời tôi có tứ thú và tam vô. Tứ thú là:

“Có tiền in sách đẹp

Gặp bạn sẵn thơ hay

Giấc tỉnh hồi chuông sớm

Võng trưa giấc ngủ ngày.”

Còn tam vô là: Không biết hút thuốc, không chơi cờ bạc, và không đi xe đạp.

2. CHUÔNG CHÙA VANG VỌNG VỚI THI NHÂN.

          Tiếng chuông chùa đối với thi sĩ Quách tấn như một kỹ vật thiêng liêng từng chôn sâu trong tiềm thức của ông, nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền thì nó bỗng dưng trỗi dậy.

“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,

Đầm Ô sen nở gió thơm tho.”

          Không những lắm lúc ngắm cảnh thiên nhiên tiếng chuông chùa làm ông chú ý, mà mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến:

“Mây nước nhuốm phong trần

Nơi đâu tình cố nhân

Những đêm buồn tỉnh giấc

Chùa cũ tiếng chuông ngâm.”

          Chính vì nghe tiếng chuông ngân mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã tả:

“Lạ cho vừa bén mùi thiền

Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.”

          Không khác gì cảm nhận của họ Chu, Quách tấn cũng mô tả trạng thái tâm hồn mình khi đến viếng một cảnh chùa quen thuộc:

Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục.”

(nước non Bình Định)

          Thế rồi, thoảng đâu đây như có tiếng gió ru hồn lữ khách:

“Gió ru hồn mộng thiu thiu

Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.”

Và thi sĩ tiếp: “Nếu không có tiếng chuông hay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh.”

          Cứ thế, thời gian trôi đi và bóng tịch dương dần dà đổ xuống với tiếng chuông chùa cổ thân yêu:

“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều

Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu

Thêm nhiều lá rụng cây quằn quại

Đã vắng người sang bến nhẩy triều.”

Thế rồi, ngày lại ngày trong sự tất bật của cuộc sống đời thường, nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh chùa thì âm vang tiếng chuông lại ngân nga tựa hồ bất tận:

“Chùa ẩn non mây trắng

Bóng in hồ liễu xanh

Mai chiều chuông đã tạnh

Vòng sóng còn long lanh.”

(Tiếng ngân)

“Đây là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khỏang trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của đời mình.” (lời bình của nhà thơ T.S)

2. ĐẠO TÂM DÀO DẠT HỒN THI SĨ.

          Có những lúc chúng tôi đến thăm, trong bầu không khí đạo tình thân mật, thi sĩ tâm sự: “Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền trong Phật giáo.” Và trong khi đàm đạo, ông thường nhắc đến ngọn đồi Trại thủy, nơi tọa lạc của Phật học viện Nha trang, một trung tâm đào tạo Tăng tài trong giai đoạn cận đại. Hòa thượng Giám viện Phật học viện Thích Trí Thủ lại là chỗ tương giao tâm đắc với thi sĩ, vì thế, một hôm lên thăm chùa, nhân ngẫu hứng thi sĩ đã cảm tác một bài ngũ ngôn, để tặng Hòa Thượng:

“Trăng lên đồi Trại thủy

Chuông khua ngời âm ba

Bồi hồi mây khóa viện

Sân Bồ đề sương sa.”

          Ngoài ra, ngôi chùa Kim Liên tại Quận Diên Khánh cũng là nơi lưu lại dấu chân của thi sĩ. Một hôm đến viếng cảnh chùa, thấy Thượng tọa viện chủ tiếp đón khách tham quan niềm nỡ, ông liền làm bài thơ để lại lưu niệm:

“Dặm hồng dìu dịu nắng

Theo hứng viếng làng tu

Ngụm nước đằm chơn vị

Im lìm sen nở thu.”

          Người xưa từng nói: “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy.” (Người có lòng nhân ưa cảnh núi rừng, người có trí thức ưa nơi sông nước). Phải chăng vì vậy mà các cảnh chùa tiêu biểu cho đạo từ bi nhân ái – thường được xây cất trên các đồi núi? Thậm chí có những ngôi danh lam quanh năm mây phủ xa xôi chập chờn trông có vẻ tiêu dao thoát tục:

“Cây chen đá chất chập chùng

Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây.

Bụi đời không bợn mảy may

Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.”

          Ở đây ta thấy, thi sĩ không những sở trường về thơ Đường luật mà thơ Lục bát của ông cũng rất đạt. Điều đặt biệt hơn nữa là ông vận dụng thi pháp một cách tài tình để làm những bài thơ theo thể ca dao mang đậm tình tự quê hương, và nói đùa với bạn hữu là ca dao của nhân gian, như bài thơ dưới đây:

“Nón ngựa Gò găng

Bún Song thần An thái

Lụa đậu từ Nhơn ngãi

Xoài tượng chín Hưng long …

Mặc ai tham táo thích hồng,

Lòng quê vẫn giữ một lòng trước sau.”

          Phải chăng kiếp sống nhân sinh chập chờn như ảo mộng? Con người luôn luôn chơi vơi giữa dòng trường lưu bất tận, khiến đôi lúc chợt hứng cất tiếng gọi đò vang cả hư không:

“Đời nửa khói mây chìm bóng mộng,

Gọi đò một tiếng lạnh hư không.”

Ta nghe được dư âm của thiền sư Không Lộ còn phản phất đâu đây:

“Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.”

Không những chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của các Thiền sư điều mà thi sĩ đã khẳng nhận – ông còn thâm nhập cốt lõi của kinh Duy Ma:

“Ngày qua chầm chậm vách kim thinh

Cảnh giới Duy Ma mình với mình

Hoa rải tờ thơ hương lành lạnh

Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh.”

Và có lần thi sĩ thổ lộ:

“Cây thiết mộc lan nở hoa lần này là lần thứ hai (tháng 12. 1992). Lần trước nở tôi 79 tuổi (1989). Hai nhánh lan đã lên cao như hai cây sào, hoa nở trắng trên đọt, hương bay chập chờn theo gió, nghe lũ cháu reo mừng. Tôi tưởng chừng như hoa của thiên nữ từ trong vách Phương trượng của Duy Ma Cật bung ra rải xuống hạ giới vậy.”

          Điều này chứng tỏ thi sĩ càng về già càng đến gần cõi đạo, như nhà văn Trần Phong Giao nhận xét: “Tới lúc về già, ta thấy khí vị thiền lung linh bàng bạc trong thơ Quách Tấn, nhất là trong nhiều bài in trong hai tập Mộng Nhân sơn và Giọt trăng.”

          Một hôm vào lúc xế chiều, thi sĩ lên chùa Hải Đức thăm một người bạn vong niên (tương truyền là thầy Nguyên Tánh). Mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau, nhưng hai tâm hồn như cùng chung một giai điệu:

“Áo giũ ngày sương gió lên chùa thăm cố nhân

Non nghiêng thềm bóng xế

Lịu địu bóng nhàn vân.”

          “Phong cách ấy quả thực có khác với chúng ta trong những thù tạc vãng lai. Chúng ta đến và đi trong âm thanh và tốc độ của thời đại cơ khí, ồn ào và vội vã … Nhưng thời đại của nhà thơ là thời đại ẩn tình trầm lặng của một đám mây lơ tững, lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng.” (lời bình của nhà thơ T.S)

Có lẽ chúng ta ai rồi cũng có lúc “Giũ áo phong sương trên gát trọ.” Để ngồi lại chiêm nghiệm chính mình, như thi sĩ đã làm:

“Khép cửa phiền ba lại

Vườn quê nắng sưởi tình

Thanh bình lòng giếng ngọt Chim hót ngọc âm thanh.”

3. MAI SAU CÒN MỘT CHÚT NÀY LÀM TIN

          Nhận xét về bút pháp của thi sĩ, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Văn ký sự, tả cảnh của ông hay, như trong hai cuốn địa phương chí về Bình Định và Nha Trang. Xét chung, văn của ông cũng dùng nhiều điển, nhiều chữ Hán, và khi nào ông viết tự nhiên thì văn linh động và có duyên.” (Hồi ký Nguyễn Hiến lê)

          Nhưng để nhắc lại tài dịch thơ của Quách tấn. Hòang Thúc Lâm kể rằng: “Dịch thơ, Quách Tấn chú trọng ý hơn nghĩa, đó là phương pháp của ông đã thực hành, và thường xuyên khuyên bạn hữu dịch sát được nghĩa càng tốt. Nhưng đừng vì nghĩa từng chữ mà làm hại ý cả câu, và cũng đừng vì ý của câu mà lại hại ý thơ.”(Tạp chí Văn, số đặc biệt về Quách Tấn, 10/70)

          Thiết tưởng những người là công tác dịch thuật nên tham khảo ý kiến của thi sĩ Quách tấn để rút kinh nghiệm. Vì ông không những thông Pháp văn, giỏi Hán văn, mà còn lão luyện Việt văn, và khi phiên dịch, ông làm với tinh thần thận trọng và nghiêm túc.

          “Tôi đã gặp ông những lần ông đến thăm con. Tôi vẫn nhớ lối ngồi xếp hai bàn chân theo kiểu nhập thiền, hai tay đặt cân xứng trên hai đùi, và một cái lưng thẳng. Lúc ấy tôi đã nhận xét: Cách ngồi đó ngay ngắn mực thước, cân xứng như những câu thơ Đường …”

          Tôi bỗng nhiên lại cảm thương nghĩ về những đại biểu cuối cùng của một thế hệ nhà thơ: “Những người rồi được nhớ đến trong văn học sử, nhưng dễ lãng quên trong cuộc đời thường, ồn ào, xáo động.” Đó là nhận xét của ông Nguyễn Xuân Nam đăng trên báo Văn Nghệ HNVVN. Số 27, 1992.

          Để thấy rõ hơn chân dung của Quách Tấn, chúng ta có thể nghe ý kiến của Giáo sư Phạm Công Thiện, người bạn tâm giao của thi sĩ: “Quách Tấn là một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng … Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của Không Lộ thiền sư, Vạn Hạnh thiền sư, Ngộ Ấn thiền sư, và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của Lý Thường Kiết đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên.” (Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với Quách Tấn.)

          Phải chăng vì được nuôi dưỡng trong không khí tâm linh của các Thiền sư – thi sĩ quá khứ mà “ Quách Tấn luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hào khí ngút ngàn? Mỗi hàng, mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uy nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc ‘lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ.’ Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự tựu thành.” (nhà văn Nguyễn Thái - Quách Tấn quê hương và thơ).

          Tìm hiểu về Quách Tấn, chúng ta thấy có mấy điểm đáng chú ý: Đối với gia đình và bằng hữu, ông là người sống có tình có nghĩa, chu đáo thủy chung. Đối với đạo pháp, ông tỏ ra thuần thành, nhiệt tâm xây dựng, đối với quê hương, ông biểu lộ tình cảm nồng nàn, yêu qúi công lao của các bậc tiền bối và trân trọng những di tích lịch sử. Về sự nghiệp văn học, ông làm thơ theo đủ thể loại, mà loại nào cũng có những sở đắc, uẩn nhưỡng, trắc luyện, còn về phương diện văn xuôi, ông cũng thể hiện được văn tài tao nhã,súc tích, ông luôn luôn tiếp thu những cái mới để khỏi lạc hậu, nhưng vẫn trung thành với cái cũ, giữ vững truyến thống, nhất định không chạy theo thời thượng để khỏi trở thành kẻ vong bản. Thiết tưởng đó là một đức tính cực kỳ cần thiết cho quê hương Việt Nam trong giai đoạn thay da đổi thịt này.

TT.  Thích Phước Sơn 

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003