TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

      

..

 

Danh tướng Phạm Nhữ Tăng

và những võ công hiển hách

VIẾT HIỀN

 

          Từ hàng ngàn năm trước, vùng đất và Hoài Nhơn - Bình Định thuộc Quảng Nam Thừa tuyên từng diễn ra những trận "thư hùng" giữa quân, dân nước Đại Việt với quân Champa và lưu dấu những chiến công oanh liệt của nhiều võ vương, võ tướng, võ nhân, như: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, Lê Thánh Tông, Phạm Nhữ Tăng, Đa Thủy, Ba Thái, Lê Ỷ Đà, Đỗ Tử Quy… Trong số này, Phạm Nhữ Tăng là một võ tướng từng lập nhiều chiến công vang dội trên đất Hoài Nhơn - Bình Định và để lại những dấu ấn quan trọng.

          Sử sách từng ghi nhận sự nghiệp mở cõi Đại Việt của vua Lê Thánh Tông và các võ tướng của ngài. Số là, vào khoảng những năm đầu triều đại nhà Lê, vua nước Champa là Trà Toàn có mưu đồ muốn "sinh sự" với nước Đại Việt. Một mặt, Trà Toàn cử người sang cầu viện nhà Minh, một mặt cho quân liên tục quấy nhiễu bờ cõi, biên cương của Đại Việt. Trước tình hình đó, năm Hồng Đức thứ nhất đời nhà Lê (Canh Thìn - 1470), vua Lê Thánh Tông sai sứ giả sang sứ Tàu "kể tội Trà Toàn quấy nhiễu nước Nam". Đồng thời, đích thân nhà vua chỉ huy binh mã, cất quân sang Champa hỏi tội Trà Toàn. Trong số những tướng lĩnh cùng đi "chinh phạt" Champa với vua Lê Thánh Tông có võ tướng Phạm Nhữ Tăng.

          Theo nhiều tư liệu sử, trong đó có nguồn tư liệu hiện lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì võ tướng Phạm Nhữ Tăng là cháu bốn đời của ông Phạm Nhữ Dực - con trai thứ 5 của danh tướng thời nhà Trần là Phạm Ngũ Lão. Cũng theo nguồn tư liệu này thì danh tướng Phạm Ngũ Lão không chỉ nổi tiếng với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, mà còn là một bậc tiền hiền đã có công khai phá, sáng lập vùng đất biên cương của Đại Việt, trong đó có Quảng Nam. Khi đó, Phạm Ngũ Lão đang là Chánh đô An Phủ sứ Thăng Hoa lộ.

          Nói về cuộc dấy binh chinh phạt Champa của võ tướng Phạm Nhữ Tăng cùng với vua Lê thánh Tông. Khi đó, ông được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn tiên phong, chỉ huy 10 vạn quân trong đợt này. Trước khi tấn công đánh vào cửa Thi Lị Bị Nại (tức cửa Thị Nại - Quy Nhơn ngày nay), vua Lê Thánh Tông sai các võ tướng cho người ngầm vẽ địa đồ kỹ lưỡng. Nhờ vậy mà tướng sĩ của Đại Việt do Phạm Nhữ Tăng chỉ huy đã nhanh chóng buộc quân Champa phải bỏ Thi Lị Bị Nại chạy vào cố thủ ở kinh thành Vijaya (Còn gọi là thành Đồ Bàn, tức thành Bình Định hiện nay). Thừa thắng xông lên, võ tướng Phạm Nhữ Tăng cho quân bao vây, phá thành Đồ Bàn, tiêu diệt quân Chiêm, bắt sống Trà Toàn. Tướng Champa là Bô Trì Trì phải chạy tháo thân về đất Phan Lung rồi cho sứ sang cống và xin xưng thần. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư (Tập III, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - 1982) thì tướng sĩ Đại Việt lúc đó đã bắt sống được khoảng hơn 3 vạn quân Chiêm làm tù binh. Ngày mồng 1 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2 (Tân Tỵ - 1471), nước Đại Việt được mở đến núi Thạch Bi (tức là khu vực giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa ngày nay).

          Ngay sau khi giành thắng lợi, vua Lê thánh Tông sai người mài đá, khắc vào bia 2 dòng chữ: "Chiêm Thành quá thử, binh bại tướng vong/An Nam quá thử, tướng tru binh diệt". (Nghĩa là: Chiêm Thành qua đấy, quân thua, nước mất/ An Nam qua đấy, tướng chết, quân tan). Khắc xong, nhà vua cho dựng bia ở một đỉnh núi cao nhất, gần bên bờ biển. Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn (sách viết năm 1776, dịch năm 1964, NXB Khoa học Xã hội) thì: "mặt bia hướng về Nam". Ngày mồng 1 tháng 5 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), tại kinh thành Thăng Long, cùng với nhân dân và hàng vạn quân sĩ Đại Việt, võ tướng Phạm Nhữ Tăng đã dự lễ mừng chiến thắng. Tiếp đó, tháng 6 năm Tân Tỵ (1471), vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên cho vùng đất mới mở là phủ Hoài Nhơn, lệ vào Quảng Nam Thừa tuyên. Đất Bình Định chính thức được khai sinh từ đây và võ tướng Phạm Nhữ Tăng chính là một trong những bậc tiền hiền có công lập nên vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định. Ngay sau khi Quảng Nam Thừa tuyên được thành lập, Phạm Nhữ Tăng được vua Lê Thánh Tông cử "lưu trấn", cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt, với chức Quảng Nam Đô thống phủ.

          Ngày 21-2-1477, do tuổi cao, sức yếu, danh tướng Phạm Nhữ Tăng đã trút hơi thở cuối cùng tại kinh thành Đồ Bàn - nơi ông đã từng cùng các tướng sĩ nhà Lê bao phen chinh chiến, "vào sinh, ra tử" và lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau này, thi hài của ông được con cháu họ Phạm đưa về cải táng tại khu vực núi Quế, thuộc Hương Quế - Quế Phú - Quế Sơn - Quảng Nam. Hiện nay, tại ngôi mộ của danh tướng Phạm Nhữ Tăng vẫn còn lưu lại đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng cho ông: "Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc/ Miếu đại khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang". (Đại ý là: Một người đã tận tâm cùng nghĩa sĩ bày ra nhiều mưu lược đánh tan quân Chiêm/ Hương hồn của người được thờ ở ngôi miếu tráng lệ này sẽ mãi mãi làm rạng danh nước Nam). Đặc biệt, suốt bao đời nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: "Bao giờ núi Quế hết cây/ Bàu Sanh hết nước mộ này hết quan".

          Trên 525 năm đã trôi qua kể từ ngày danh tướng Phạm Nhữ Tăng qua đời. Giờ đây, Hoài Nhơn - vùng đất mà võ tướng Phạm Nhữ Tăng đã góp phần khai phá, tạo lập đã trở thành tỉnh Bình Định phát triển rộng lớn, giàu đẹp. Song, người dân Bình Định không bao giờ quên tên tuổi, sự nghiệp và những chiến công hiển hách của danh tướng Phạm Nhữ Tăng.

 

          Viết Hiền

 

Chân thành cảm ơn Phutaionline đã gởi bài viết này đến trang nhà!

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003