TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

      

..

 

Văn hóa giao tiếp nơi công sở

XUÂN CHÂM

 

          Trong đời người, ai chẳng phải hơn một lần đến cơ quan Ủy ban nhân dân (UBND) phường, xã. Cái quy luật xã hội không từ một ai. Mối tương quan giữa UBND và người dân là không thể tách rời, quan hệ mật thiết từ những việc xác nhận hoàn cảnh, khai sinh, khai tử, đơn từ khiếu nại, kiến nghị, nhà cửa, đất đai, đường đi lối lại, điện, nước và mọi  sự quan hệ trong dân cũng đều phải đến UBND.

          Những người đi học, đi làm, kinh doanh, sản xuất đều phải qua UBND. Các cán bộ, công nhân viên hưu trí, mất sức, thương binh, gia đình liệt sĩ và cả những Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho đến cả các vị cao cấp khi về hưu cũng đều không thể không qua UBND phường, xã nơi mình cư trú.

         Những cán bộ hàng ngày có mặt ở trụ sở UBND phường, xã là những người đã được nhân dân tín nhiệm, dân cử, dân bầu ra để đại diện cho dân, giải quyết mọi việc của dân, do dân và vì dân... Bởi vậy, Bác Hồ đã ví đó là những đầy tớ của dân... Đã là đầy tớ của dân thì phải xác định rõ vị trí của mình là phải tôn trọng nhân dân, kính trọng và lễ phép đối với nhân dân. Là cán bộ không thể coi mình là “cha mẹ dân”, muốn bắt dân làm sao cũng được, muốn hành dân làm sao cũng xong, không thể ép dân làm theo ý thích và cảm tính của mình. Cũng không được coi thường dân trong bất cứ mọi công việc, mọi hoàn cảnh, mọi thời gian... Ấy thế mà hiện nay không hiếm các công sở cấp phường, xã và cả những cấp trên nữa, cán bộ vẫn cứ coi mình là “bề trên” mỗi khi tiếp xúc với nhân dân đến liên hệ công việc!

          Ở trụ sở UBND một phường nọ, không ít lần người dân đến trụ sở chờ đợi người phụ trách công việc từ 15 – 20 – 30 phút, có khi hàng giờ sau cán bộ mới đến. Đã đi muộn nhưng đến rồi đã chịu ngồi vào bàn giải quyết công việc ngay cho đâu. Còn phải trang điểm, cất cái này, lấy cái khác...(!) Có người dân nghĩ là có đến đầu giờ cũng còn phải chờ nên để cuối giờ hãy đến có lẽ hay hơn, nhưng cuối giờ (chưa hết giờ làm việc) người phụ trách việc vừa đi ra ngoài, có thể là mua bán, có thể là “bận” phải về sớm...(!).

         Nhiều lúc dân đến trụ sở UBND thấy cán bộ và nhân viên ở đó còn đang thưởng thức hoa quả, bánh kẹo, chuyện trò rôm rả với những “từ ngữ” mày, tao, mi tớ loạn xị thật là bất nhã trước nhân dân. Có không ít trường hợp khi người dân chưa hiểu, chưa thông một vấn đề nào đó, họ còn thắc mắc thì người giải quyết đã không giải thích cụ thể mà còn hù dọa, đe nẹt... khiến người dân phải “sợ mà ra về”.

          Cuộc sống đời thường hằng ngày trong xã hội cũng như ở các công sở đều cần đến văn hóa giao tiếp, ứng xử. Hành vi văn hóa không khoanh lại trong một môi trường nào, ở đâu có con người, có giao tiếp thì ở đấy có văn hóa. Văn hóa là chìa khóa để người cán bộ và nhân dân gần nhau hơn, hiểu nhau và thông cảm hơn với nhau. Đây đó, ở một số công sở nói chung, các trụ sở UBND phường, xã nói riêng, còn có những cán bộ lạnh lùng, hách dịch, coi thường dân... là đối tượng mà mình “có trách nhiệm phục vụ”. Hành vi ứng xử ấy là phản văn hóa, cái đó không thể tồn tại ở những nơi hàng ngày phải tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân.

 

Xuân Châm

Chân thành cảm ơn bạn Nguyễn Minh Bằng đã gởi bài viết này đến trang nhà!

..

 Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003