TRANG CHỦ |
www.lebichson.org |
.. |
Góp thêm ý kiến về chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao CAO NĂM
Theo tài liệu của Trường cán bộ Quản lý giáo dục Trung ương I thì tỷ lệ bình quân người có trình độ đại học trên 10.000 dân của nước ta là 118 (1,18%). Số cán bộ đó được phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…, còn ở các tỉnh – nhất là các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, đều dưới mức bình quân so với cả nước. Trong đó có 13.500 tiến sĩ, tức là các nhà khoa học hàng đầu được phân bố như sau: Hà Nội có 8.610 tiến sĩ (62,8%), TP. Hồ Chí Minh 2.610 tiến sĩ (19,33%). Như vậy 59 tỉnh, thành còn lại chỉ có 16,85% số tiến sĩ. Đa số cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi đều hút về các doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các DN đầu tư nước ngoài. Do vậy, các địa phương ngày càng tụt hậu, ngày càng “tỉnh lẻ” trong phát triển kinh tế - xã hội. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến kịp với cả nước và hội nhập thế giới, nhu cầu cán bộ có trình độ cao của nhiều tỉnh trở nên bức xúc. Vì thế, trong mấy năm gần đây, nhiều địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… và ngay cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã công bố nhiều chính sách “chiêu hiền” nhằm thu hút nhân lực có trình độ cao. Chính sách “chiêu hiền” của các tỉnh, trong đó có Bình Định, chủ yếu là đãi ngộ vật chất (lương, tiền, nhà, đất). Ví dụ: nếu một tiến sĩ về công tác ở địa phương sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng, được hưởng lương ưu đãi có thể đến 7 triệu đồng/tháng; được ưu tiên cấp và hỗ trợ về nhà, đất; được tiếp nhận và bố trí công tác cho vợ (chồng)… Chính sách “chiêu hiền” này được mở rộng đến thạc sĩ, đại học loại giỏi và khá… Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì cho đến nay, ở các tỉnh, chính sách “chiêu hiền” không mấy tác dụng. Hầu như chưa tỉnh nào tiếp nhận được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ từ nơi khác đến. Có chăng chỉ là thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều nguyên nhân làm cho chính sách “chiêu hiền” của các tỉnh không thành công. Nhà báo Hữu Thọ, mới đây khi trả lời phỏng vấn của Báo An Ninh Thế Giới, có nói: “Những người tài năng sợ nhất 3 điều: Thứ nhất, sợ lãnh đạo thích dùng những kẻ nịnh hót; thứ hai sợ chủ nghĩa bình quân trong hưởng thụ vật chất; và thứ ba là sợ không có đất dụng võ”. Có thể dùng ý kiến này của ông Hữu Thọ để giải thích nguyên nhân sự không thành công của chính sách “chiêu hiền”, trong đó đặc biệt là “cái sợ” thứ ba của người tài năng là “không có đất dụng võ”. Bởi vì, đối với những nhà khoa học thực sự tài giỏi và có khả năng “xoay chuyển tình thế” thì cái quan trọng nhất đối với họ là điều kiện và môi trường làm việc. Mà điều kiện và môi trường làm việc thì các tỉnh không thể bằng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được. Vì thế, đi đôi với chính sách đãi ngộ về vật chất, xóa bỏ chủ nghĩa bình quân trong hưởng thụ vật chất, nếu các tỉnh không cải thiện được điều kiện và môi trường làm việc thì rất khó thu hút được nhân lực có trình độ cao. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy là trong chính sách “chiêu hiền” của các tỉnh hiện nay chỉ chú trọng thu hút những người có học hàm, học vị cao, mà quên đi những người thực sự có tài nhưng chẳng có bằng cấp hoặc bằng cấp thấp. Hiện tượng “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy và anh nông dân Nguyễn Đức Tâm là một ví dụ. Cả hai người đều chưa vượt qua trình độ trung học cơ sở, nhưng ông Lũy với khả năng di dời hàng trăm công trình từ vị trí này sang vị trí khác, và ông Tâm với khả năng sáng chế ra các nông cụ rất hữu ích – đều là những việc làm ngang tầm với các nhà khoa học tài năng. Chúng tôi cho rằng những người tài năng như ông Nguyễn Cẩm Lũy và anh Nguyễn Đức Tâm, địa phương nào cũng có, và có thể có nhiều. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm phát hiện, thống kê lại những người tài giỏi trong địa phương mình, bố trí họ vào những công việc tương ứng để họ phát huy khả năng và trọng thưởng cho họ nếu công việc của họ mang lại hiệu quả. Cách chọn người tài này là cách “đãi sĩ”, không nên chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn phải căn cứ vào hiệu quả công việc của họ. Một cách “đãi sĩ” khác mà nhiều địa phương đã tiến hành rất có hiệu quả và rất “rẻ”: Mời các nhà khoa học giỏi ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ở các trường đại học và các nhà khoa học Việt kiều tham gia nghiên cứu từng đề tài phát triển, từng dự án đầu tư của địa phương thông qua các cuộc thi, hội thảo, sau đó chọn đề án, đồ án tốt nhất để thực hiện. Nếu chúng ta có chính sách “đãi sĩ” tốt thì có lẽ sẽ tốt và rẻ hơn, thực tế hơn là “chiêu hiền”, mời người tài về địa phương công tác, sinh sống.
Cao Năm
Chân thành cảm ơn Phutaionline đã sưu tầm, gởi bài viết này đến trang nhà!
|
.. |