TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

      

..

 

Cần nghiêm túc khi thể hiện tượng danh nhân

V.CÔNG

 

          Thời gian gần đây chúng tôi có nghe dư luận ở Hoài Nhơn phản ảnh xung quanh "phong trào" thể hiện tượng danh nhân của một số trường phổ thông. Tựu trung các ý kiến, đa số đều phàn nàn và không đồng tình với kiểu làm dễ dãi, thậm chí thiếu nghiêm túc đối với bậc tiền nhân.

          Để được "mục sở thị", chúng tôi trực tiếp đến tham quan và tìm hiểu tại 2 trường THPT Tăng Bạt Hổ và THPT Phan Bội Châu (đều ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Tại trường THPT Tăng Bạt Hổ, ngay chính diện lối vào trường, gần bên cột cờ là một bức tượng bán thân, dưới bệ tượng đề hàng chữ TĂNG BẠT HỔ (1858-1906). Thì ra đây là tượng của nhà chí sĩ Tăng Bạt Hổ, một trong những "ngọn cờ đầu" của phong trào Đông Du (!?). Nhưng, nếu không có hàng chữ nơi bệ tượng thì thật khó có thể xác định đây là tượng Tăng Bạt Hổ. Không rõ tác giả của bức tượng này dựa vào hình ảnh hay nguồn sử liệu nào để thể hiện bức tượng? Theo chúng tôi được biết, Tăng Bạt Hổ quê ở Hoài Ân, nhưng hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động của ông đều bôn ba nơi "đất khách, quê người" và cuối cùng yên nghỉ ở Huế. Khi giã từ cõi đời, cho đến thời điểm hiện nay chí sĩ Tăng Bạt Hổ hầu như không để lại bất cứ hình ảnh nào cho hậu thế cũng như gia đình. Kỷ vật duy nhất của ông hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chỉ còn lại là khẩu súng lục. Vậy mà, chân dung Tăng Bạt Hổ mà tác giả thể hiện lại là chân dung của một người đàn ông mặc trang phục áo dài, nhưng đầu tóc lại được chải rẽ ngôi mượt mà trông rất… Tây (!?). Đó là chúng tôi chưa bàn tới sự hạn chế, yếu kém về nghệ thuật, bố cục, hình khối của bức tượng.

          Tại trường THPT Phan Bội Châu, vừa bước vào cổng trường, ngay lập tức, một hình ảnh "gây sốc" đập vào mắt chúng tôi. Đó là một bức tượng đặt ngay… hành lang của trường. Chúng tôi càng "choáng" khi được biết đó là tượng của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Bức tượng thể hiện một người đàn ông độ khoảng trên 60 tuổi, bận trang phục áo dài, khăn đóng, chân hình như là đi giày (?). Tư thế, dáng vẻ mà tác giả thể hiện qua bức tượng làm người xem khó hiểu, không biết người đàn ông này đang làm gì (?). Chỉ biết rằng qua chân dung, người ta thấy vẻ mặt ông có gì đó buồn buồn, lo âu (?). Đáng lưu ý, do tác giả không nắm vững về giải phẫu học, về tỷ lệ cơ thể người nên bức tượng giống như tượng… trẻ con đóng giả ông già.

          Chí sĩ Phan Bội Châu từng là lãnh tụ được nhân dân cả nước ngưỡng mộ và tôn kính. Hình ảnh của cụ đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Điều đáng nói, khác với chí sĩ Tăng Bạt Hổ, trước khi đi xa, cụ Phan Bội Châu còn lưu lại không ít hình ảnh, tư liệu. Trong số những hình ảnh về cụ Phan có cả ảnh chân dung bán thân và toàn thân (đứng, ngồi). Không biết tác giả của tượng cụ Phan ở trường THPT Phan Bội Châu dựa vào ảnh tư liệu hay nguồn sử liệu nào, nhưng chân dung, diện mạo, dáng vóc của bức tượng người đàn ông này rất khác so với hình ảnh, vóc dáng, dung mạo của cụ Phan. Đó là chưa nói đến khả năng về tỷ lệ, giải phẫu cơ thể học và sự hạn chế về nghệ thuật, bố cục, hình khối của bức tượng.

          Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cả 2 bức tượng chân dung 2 nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đều do cùng một tác giả thể hiện. Đó là một người "tay ngang" trước đây từng làm nghề thợ nề. Đồng thời, cả 2 bức tượng trên đều do Hội Phụ huynh học sinh 2 trường THPT Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ thuê ông này làm để tặng cho 2 trường (!?).

          Chúng tôi cho rằng, thiện chí của Hội phụ huynh học sinh 2 trường THPT Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ là điều đáng quý. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà có thể dễ dãi trong việc thể hiện chân dung những bậc danh nhân của đất nước. Vấn đề đặt ra ở đây là: không phải cứ ai "yêu kính danh nhân" thì đều "có quyền" làm tượng danh nhân. Anh có thể "sáng tác" tượng danh nhân theo khả năng, ý muốn của anh để đặt tượng ở… nhà của mình, nhưng thể hiện và đưa tượng danh nhân đặt tại vị trí tôn nghiêm, trang trọng ở cơ quan, công sở, trường học… phục vụ cho quảng đại quần chúng nhân dân thì lại khác.

          Thiết nghĩ, ở những vị trí đó, việc thể hiện tượng của những danh nhân phải là những nhà điêu khắc được đào tạo bài bản và phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cho phép.

          Giờ đây, 2 bức tượng Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ ở Hoài Nhơn vẫn đang "trơ gan cùng tuế nguyệt". Riêng bức tượng chí sĩ Phan Bội Châu nghe đâu sẽ được nhà trường "rước" để lên bệ sau khi hoàn thành trụ sở mới (?) nhưng dù thế nào thì cũng không thể biến đổi hoặc nâng giá trị của bức tượng lên được.

          Chớ nên dễ dãi, cẩu thả trong việc thể hiện hình ảnh, chân dung của những danh nhân, nhất là đối với môi trường giáo dục.

 

          V. Công

 

Chân thành cảm ơn bạn Minh Tâm đã sưu tầm, gởi bài viết này đến trang nhà!

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003