TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

      

..

 

Tây Sơn địa linh

HỮU VINH

 

        Ấp Tây Sơn, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn-Quách Giao, ấp Tây Sơn gồm phần đất An Khê và Bình Khê. Ngày nay, vùng đất này được kéo dài từ huyện An Khê (Gia Lai) đến huyện Tây Sơn (Bình Định) và được phân chia làm ba phần: Tây Sơn thượng đạo (vùng An Khê), Tây Sơn trung từ chân đèo An Khê đến vùng Hữu Giang, Tả Giang (Tây Sơn), Tây Sơn hạ đạo thuộc các xã phía đông huyện Tây Sơn đến giáp giới huyện An Nhơn.

        Vào thời khởi nghĩa Tây Sơn (khoảng 1771) vùng đất này không chỉ dân cư thưa thớt, núi rừng chiếm ngự; mà còn là vùng tiếp giáp của đông Trường Sơn núi non trùng điệp với đồng bằng, nhiều nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ đâm ra biển. Dòng sông Côn phát nguyên từ dãy Trường Sơn len lỏi qua núi rừng, đồng bằng, chia ấp Tây Sơn ra làm hai nửa và thoát ra biển Quy Nhơn qua cửa Thị Nại. Có thể nói đây là vùng núi sông hùng vĩ, nhiều ngọn núi cao lớn trông đồ sộ, hiên ngang. Ở vùng đèo An Khê có núi Hiển Hách, đó là một danh sơn có nhiều cây gỗ quí. Đèo An Khê xưa gọi là đèo Vĩnh Viễn, cao 740 m và dài trên 10 cây số chạy từ tây xuống đông. Trước kia, khi quốc lộ 19 chưa mở, đèo chỉ là con đường nhỏ, có nhiều dốc ngược quanh co, lởm chởm đá, có khúc phải dạng hai chân mà leo mới khỏi té, nên gọi là dốc Chàng Hảng. Dưới dốc này có một cái ngoẹo tên gọi ngoẹo Cây Khế, vốn có một cây khế rất sai quả, khách qua đèo thường dừng chân nghỉ ngơi. Cách ngoẹo Cây Khế chừng trăm thước có cây ké, cây cầy cổ thụ tàn cao, bóng cả. Chuyện kể rằng, có lần Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân qua đây bỗng thấy trước mặt có hai con rắn mun to lớn lạ thường ra chặn đường, không ai dám đi qua. Nguyễn Huệ bèn chắp tay khấn: "Nếu quỉ thần có phù hộ tôi để tôi dựng lên nghiệp lớn, thì xin tránh đường cho tôi đi. Bằng không thì cắn chết tôi, chứ đừng hại những người theo tôi". Lạ thay, Huệ vừa khấn xong hai con rắn cúi xuống ngậm một thanh đao cán đen mun, lưỡi sáng như nước, kính cẩn dâng cho Nguyễn Huệ, rồi bò vào bụi cây biến mất. Thanh đao đó được Nguyễn Huệ gọi là Ô Long Đao và thường dùng lúc ra trận. Nhớ ơn rắn thần dâng đao, Nguyễn Huệ sai người dựng ngôi miếu nơi chân đèo, tục gọi là Miếu Xà.

        Từ chân đèo An Khê trở xuống Tây Sơn Trung cũng có nhiều ngọn núi trông hùng vĩ. Trong đó, có núi Ông Bình tuy không cao lắm nhưng cây cối rậm rạp có vẻ bí hiểm. Mới nhìn tưởng không có đường vào, nhưng thực ra có nhiều nẻo vào ra thông thương với các ngọn núi xung quanh. Đối diện hòn Ông Bình có hòn Ông Nhạc khí thế cũng rất hùng hiểm. Từ hai ngọn núi này núi chạy từng từng, lớp lớp vào hướng nam và đông nam với các núi Màn Lăng, Bà Phù, còn gọi là hòn Nhật, hòn Nguyệt. Từ Tây Sơn Trung xuôi xuống Tây Sơn Hạ gặp dãy Hoành Sơn chắn ngang. Dãy Hoành Sơn tuy chỉ cao trên 350 thước, có dòng Côn men theo nên là đại địa. Không những thế, trên dãy núi này có nhiều hòn núi nhỏ với các tên hòn Bút, hòn Nghiên, hòn Ấn, hòn Kiếm... Trước mặt núi còn có nhiều gò đất nhỏ mọc giăng hàng như đội ngũ quân lính, xa xa có long bàn, hổ phục... Từ Hoành Sơn càng chạy về phía nam núi càng cao, có ngọn cao ngàn thước. Đó là phía nam sông Côn, còn phía bắc sông Côn vùng Tây Sơn Trung cũng có nhiều ngọn núi cao lớn như hòn Ngăn, hòn Bong Bóng (Vĩnh Thạnh). Phía đông hòn Ngăn cách một dòng suối có hai ngọn núi cao ngất, song song như hai răng nanh, đó là hòn Vỏ Cá, Đa Két và nhiều núi thấp hơn như Bạc Má, Nước Đỏ...

        Khi đến Tây Sơn Hạ núi không còn liền dãy nữa, chỉ có hòn Trưng Sơn (Phú Lạc) cao nhất vùng (442 thước) trông rất khôi hùng. Nhìn gần giống con bò đực sung sức, nên người dân trong vùng quen gọi Hòn Sung, ở xa trông giống như ngọn bút, cùng với Hòn Nghiên bên kia sông Côn làm "bạn văn chương". Ngoài ra, trên sườn núi còn có nhiều u nổng nổi lên, có chín u trông rõ, gọi là "cửu diệu tinh" với các tên gọi: độc xỉ sơn, độc nhũ sơn... Từ hòn Trưng Sơn, các mạch núi khác chạy thẳng xuống hướng đông đến hòn Mạ Thiên Sơn, tục gọi hòn Mò O nằm giữa An Nhơn và Phù Cát. Cùng với các mạch núi chính, nổi lên giữa các cánh đồng, thôn xóm còn có các hòn núi đất như Hương Sơn, Trà Sơn, Khánh Long, Chà Rang... Mỗi hòn núi đều có dáng thế khác nhau, hòn Hương Sơn giống như con chó nằm ngủ, Trà Sơn, Khánh Long thì giống như hai con cừu, còn Chà Rang có nhiều cây chà là, đến mùa trái chín người ta rủ nhau lên núi hái chà là đông vui.

        Nói tóm lại, về hình thể vùng Tây Sơn Thượng núi non trùng điệp, nhiều ngọn núi cao liền mạch như thế tựa phía sau lưng vững chắc. Từ đỉnh đèo An Khê có thể nhìn xuống Tây Sơn trung với tả, hữu ngạn sông Côn thế núi non trải dài chập chùng mờ trong sương khói, dòng Côn giang uốn lượn, đồng bằng thoáng đãng, trù phú, đây đó mọc lên những hòn núi đất như điểm xuyết thêm nét đa dạng của sông núi. Đại thể địa linh vùng Tây Sơn là thế, nhưng ảnh hưởng của nó là cả vùng đất Bình Định. Có lẽ với địa linh như vậy, nên từ thời các vua Chăm Pa đã xây dựng thành Đồ Bàn (An Nhơn - giáp với huyện Tây Sơn) và những cụm tháp Chàm còn tồn tại đến ngày nay. Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa thành công đã cho xây thành Hoàng Đế, đến nhà Nguyễn xây thành Bình Định, rồi đến các phong trào kháng Pháp như Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đèo An Khê là nơi anh hùng Ngô Mây ôm bom cảm tử. Con đường 19 nối liền đồng bằng Bình Định với Tây Nguyên qua Tây Sơn cũng là nơi diễn ra chiến dịch Át-Lăng mồ chôn giặc Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 19 là con đường chết của giặc Mỹ và quân đánh thuê Nam Triều Tiên. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, từ con đường 19, đèo An Khê - nơi ngày nào rắn thần dâng đao cho Nguyễn Huệ, đến Phú Phong (Tây Sơn) đã trở thành điểm "thác đổ triều dâng", quân giải phóng đã cầm chân và nhấn chìm sư đoàn 22 ngụy, để khi chúng xuống tới Quy Nhơn chỉ còn là tàn quân.

        Địa linh sinh nhân kiệt là thế!...

 

        Hữu Vinh

 

Chân thành cảm ơn bạn Huỳnh Mai đã sưu tầm, gởi bài viết này đến trang nhà!

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003