www.lebichson.org

      

..

 

NÓN NGỰA ĐẤT VÕ

Anh Tú

 

 

Ở Bình Định có chiếc nón lá Gò Găng nổi tiếng nhưng vẫn còn thêm một chiếc nón khác rất độc đáo, một sản phẩm ngày xưa chỉ dành cho giới quý tộc, quan binh triều đình, đó là chiếc nón ngựa...

 

Nón ngựa xưa... 

Tên nón ngựa đã nói lên cái riêng biệt của nó. Dẻo dai, bền bỉ như ngựa chăng? Hay là nón để đội lúc cỡi ngựa? Cả hai đều đúng cả. Cùng là họ hàng nhà nón nên chúng hao hao giống nhau, nón Gò Găng như cô gái yểu điệu, nón ngựa như một kẻ đầy quyền uy, cứng cáp và bề thế. Muốn làm nón ngựa người thợ phải trải qua thời gian làm nón ngang vì nón ngựa mang nhiều nét mỹ thuật hơn. Nón ngựa lớn, đường kính gần 50 phân, độ xiên góc nón chừng 120 độ. Lá nón được ép và ủi thật phẳng, bằng cách kéo căng sợi lá trên con lăn bằng đồng hay bằng sắt bóng  loáng, đã nung nóng. Lá nón rộng độ một phân xếp theo chiều dọc, lá này cách lá kia 2 ly, hẹp về phía đỉnh. Trước khi lợp lá, thợ phải tết một lớp lưới sườn toàn bằng cước thơm của tàu. Làm nan nón quả là công phu. Nan vành bằng mút đũa, đánh vòng và kết lại sao cho không thấy mối. Các vành phụ thật nhỏ, nhỏ dần bằng sợi chỉ là đến đỉnh, gần sáu trăm dải lá xếp dày. Mối chỉ ở lá đầu được lá thứ hai che và cứ thế cho đến dải lá cuối cùng. 

Cầm chiếc nón nhìn kỹ, bạn vẫn không tìm ra mối chỉ. Nón ngựa nặng hơn nón ngang, lá màu vàng sẫm. Đó mới là xác nón. Phần quan trọng là trang trí. Bên trong nón được trang trí bằng cách thêu hoa văn, chữ hoặc hoa lá. Thân nón là các họa tiết, thông thường là sách bút, đôi khi là hình chim trĩ, chim công... Họa tiết thay đổi theo phẩm hàm, chức vụ. Chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa để cho người giàu dùng. Ngày xưa, từ viên xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc. Chụp được chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Tất cả đều có quy ước sẵn. Quai nón to và dày, bằng lụa hay gấm. Cách buộc quai cũng khác. Giải nón dài độ 1,2m, quàng qua hai quai và thắt một lần ở dưới cằm, phần thừa tòng teng như đeo cà vạt. Có thế quai mới dễ điều chỉnh, nhất là khi đi ngựa. Trông thầy Chánh, cụ Lý cưỡi ngựa đội nón chụp bạc thật là oai. Dân làng ngại các uy của các thầy lắm nên có bài đồng dao hát vòng tròn thật hóm hỉnh: 

Thầy Chánh, nón chụp  bạc, áo tam giang 

Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te... 

Nón ngựa không bán ở chợ vì đắt giá hơn nón ngang rất nhiều. Người cần nón phải đặt hàng. Nón ngựa rất chắc chắn, công phu và mỹ thuật, đã vang bóng một thời trên quê hương Bình Định. Nón ngựa gần như một sản phẩm mỹ thuật. Ngày nay ít người dùng nên nghề chằm nón ngựa không phổ biến lắm.

 

Và nón ngựa ngày nay...

Hiện nay, nghề làm nón ngựa ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định vẫn được duy trì và phát triển. Làng nghề này có truyền thống đã hơn một trăm năm, trải qua biết bao thăng trầm nhưng nghề làm nón ngựa vẫn tồn tại và phát triển. Đến thôn Xuân Quang, một trong ba thôn làm nón ngựa ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, du khách mới có thể hiểu được phần nào giá trị của một chiếc nón ngựa. Không giống các loại nón khác, chiếc nón ngựa được làm ra bởi nhiều công đoạn và nhiều người tham gia, đồng thời phải trải qua nhiều thao tác tỉ mỉ như làm khung nón, khâu rọc lá, khâu chằm nón... Thường thì người hoàn thành khâu cuối của chiếc nón ngựa phải mua chằm đã gia công sẵn với giá 5.000đ/cái, bởi đây là công đoạn khó làm nhất. Mỗi ngày, một nhà làm được khoảng 20 cái nón ngựa, trừ các chi phí còn lãi được khoảng 30-40 ngàn đồng. Mỗi năm một hộ làng nghề cho ra đời trên 7.000-8.000 nón. Nghề làm nón ngựa đã giúp cho gia đình nghèo ở Cát Tường cải thiện được cuộc sống khó khăn và góp phần xóa đói giảm nghèo. Nguyên vật liệu để làm nón ngựa ngày càng khó kiếm, người dân lên tận các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão để mua về theo từng phiên chợ. Chất liệu để làm nón ngựa bằng một loại lá rừng có tên là “lá ké”, vành nón cũng được làm bằng chất liệu của “cây dứa rừng”. Tuyệt đối không được làm bằng “lá cọ” và tre như nhiều loại nón lá thông thường khác. Một đọt lá ké hiện nay có giá từ 1.000 đồng trở lên, tùy lớn nhỏ, cây dứa giá 10.000 đồng/bó. Trong khi đó, một chiếc nón ngựa giá cao nhất là 30-40 ngàn đồng và thấp nhất là 20 ngàn đồng. Quan sát thật kỹ chiếc nón ngựa mới hiểu được tâm hồn của người chằm nón ngựa không kém gì các làng nón nổi tiếng khác ở Bình Định như nón lá Gò Găng, hoặc nón bài thơ xứ Huế... Bên trong mặt nón ngựa cũng có những câu ca dao, tục ngữ mang phong cách đặc trưng của quê hương Bình Định. Ngoài ra còn có những câu thơ ca dân gian nói về đất nước, con người và phong tục tập quán dân tộc Việt Nam, ca ngợi gương mẹ hiền, dâu thảo, phú quý lễ nghĩa và hình ảnh con rồng cháu lạc. Chiếc nón ngựa khi hoàn thành được trang trí bằng chỉ thêu ngũ sắc rất tinh xảo, trên chóp nón có gắn tua hoặc không...

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003