www.lebichson.org

      

..

 

QUÊ TÔI MÙA HÁT BỘI

Tuỳ bút của MAI THÌN

 

Là người Bình Định hẳn không ai chưa một lần xem hát bội. Ca dao Bình Định có câu: “ Hát bội làm tội người ta

                              Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con “

Hay:                        “ Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình

                  Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi “…

           Không biết hát bội có cái ma lực nào mà cuốn hút con người ta đến vậy? Có phải tiếng trống rền thúc giục những hàng tre  vằng vặc trăng hè, hay khúc nam ai, nam bình rung rinh đồng lúa luôn hút hồn những người dân quê tôi suốt ngày chân lấm tay bùn, nói năng rổn rảng, bộp chạc như bắp, như lang, như mì, như đậu.

          Nơi ấy, tôi đã sinh ra và rất đỗi tự hào vì đã được trưởng thành từ một vùng quê như vậy. Bắp và khoai, lúa và đỗ, và cá và tôm,và bầu và bí… đã cho tôi vóc dạc hình hài. Ngọn tre oằn mình những trưa hè xâu chuỗi tiếng cu cườm trong nắng, dòng sông cuồn cuộn với những guồng xe nước mang âm hưởng của tiềng kiềm, tiếng nhị; rồi những hội đổ giàn, những đêm tác nước, những chiều luyện roi… đã cho tôi  âm nhịp dẻo bền của tiếng trống chầu cố xứ. Câu hát bài chòi, khúc nam xuân lảnh lói đã phả vào tâm hồn tôi mênh mông đồng lúa dìu dặt cánh cò…

          Những độ trăng lên “Xuân kỳ  thu tế”, làng tôi lại vào mùa hát bội. Người ta hạ cây, dựng rạp với màng thùng, với nghi môn và hương án ngay trên nền Văn Thánh (Văn Miếu) cũ, cạnh hai con kỳ lân cao to sừng sững. Cò lẽ hâm mộ nhất làng là bọn trẻ con quần đùi chân đất, chạy ra tận đầu đường để đón chiếc xe chở đoàn hát bội, rồi sốt sắng chặt cây, chẻ lạt, giúp kéo dây, dựng màng, dựng rạp.Ấy là chưa kể hễ ông bầu hở cơ chiếc trồng chầu thì “thùng! thùng! thùng! …” cho đã tay rồi ù té chạy.

          Đoàn nào làm căng với bọn trẻ thì y như rằng đêm ấy thế nào diễn viên cũng có chuyện, không thuộc lời, cũng bị rớt đao, đụng kiếm khi diễn, bỡi bọn trẻ chơi xấu mang quả thị dứ dứ trước bàn thờ tổ hát bội được dựng tạm ngay sau tấm màng thùng. Người ta bảo  ông tổ hát bội sinh thời rất mê quả thị, nên giờ hễ nghe có mùi thị thì bỏ bê ngay đêm diễn, không thiếc việc phù hộ cho kíp diễn hát trót lọt bỡi cái mùi  vừa thanh vừa quyến  đến lạ kỳ.

          Khi đoàn hát dựng rạp xong, mặt trời vừa xuống núi, bò chưa về kịp đến chuồng, dải ruộng cấy chưa hết luống đã nghe thùng! thùng!… tiếng trống chầu, trống chiến. “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy. Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột…” Ai nấy vội vội vàng vàng bữa cơm chiều với cá chiên, mắm ruốt. Từ trẻ già trai gái, ai cũng hối hả đến  sân hát tìm một chỗ thật tiện lợi để vừa nhận rõ mặt diễn viên, vừa nghe được lời hát. Đám trẻ con chúng tôi thì chen chúc sau rạp để coi cho được kép hát hoá trang, chuẩn bị đêm diễn. Ông Quan Công mặt đỏ râu dài, cầm thanh đao chống cao tới mũ, Trương Phi thì mặt rằn râu xoắn bước đi rung reng tiếng lục lạc, mắt quẩn quanh liên láo hét lên một tiếng là cả bọn chết điếng, dạt ra ngoài.

          Dứt hồi trống khai trường là tiếng kèn tiếng nhị rộ lên, đám trẻ con chui qua chân người lớn chen cho được đến trước sân khấu, cạnh người cầm chầu rồi ngồi ngay ngắn xem hát. Những vở dài như: Tam Hạ Nam Đường, Sơn Hậu, hay Quan Công hồi cổ Thành… diễn 3-4 đêm liền từ 8-9 giờ đêm cho tới sáng mà khán giả vẫn kín chật trước sân không muốn về nếu kép hát không ngút hơi nghỉ sức. Đám trẻ con thì mơ mơ tỉnh tỉnh, có đứa nằm lăn dưới cỏ cạnh người cầm chầu đánh một giấc dài rồi bừng thức dậy khi nghe tiếng Trương Phi thúc lính hạ thành.

          Những mùa trăng lên, nếu không có gánh hát bội nào về làng thì bọn trẻ lại dựng rạp ngay trước đình làng để diễn, hát cho nhau nghe rồi cười nắc nẻ khi Đổng Kim Lân biệt mẹ lại té ngã lăn quay vì một thằng Mao Ất đã nằm chết giữa sân. Những đêm hát như vậy không chỉ thu hút đám trẻ trong làng mà còn có các cụ, các chú  thuộc tuồng tích và đam mê hát bội đến giúp. Họ chỉ cho chúng tôi bộ đi của Trương Phi, cách vuốt râu của quan nịnh, quan trung, cách đánh trống thế nào nghe cho thủng câu hát chứ không phan ngang bửa củi. Và cũng từ những đêm hát bội như thế mà  ở Bình Định vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước  từng có hẳn một đoàn hát Đồng Ấu, Suối Tre  tập hợp những kép hát tuổi mười ba, mười lăm tóc xém da đen chuyên đi diễn lấy tiền thiên hạ. Trong số ấy  bây giờ có người đã trở thành những nghệ sĩ trụ cột của nhà hát tuồng Đào Tấn.

          Hát bội ngày xưa là vậy. Còn bây giờ, người ở gần thì nôn nao, kẻ ở xa thì vương vấn mỗi lúc nghe tiếng trống chầu dẫu chỉ trên màn ảnh nhỏ.

          Quê hương tôi đó! Mùa xuân, mùa hát bội đã lại về!…

 

Mai Thìn

 

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử     Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003