|
|
|
TRANG BÌA |
www.lebichson.org |
.. |
BÀI CHÒI BÌNH ÐỊNH ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
Các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đâu đâu cũng biết chơi bài chòi. Nhưng nhiều nhất là ở Bình Ðịnh, có thể nói, đây là cái nôi của trò chơi lý thú này. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, khắp miền quê, hội bài chòi được tổ chức trong khoảng thời gian dựng nêu, tức từ 30 tháng chạp đến mồn 7 Tết. Ðôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch, tức từ Tết Nguyên đán đến Tết Thượng nguyên. SỰ HÌNH THÀNH Vùng đất Vijaya trở thành lãnh thổ Việt Nam từ năm 1471, dân các tỉnh phía Bắc vào định cư còn thưa thớt, nơi đây rừng núi rậm rạp đan xen với chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, việc trồng tỉa thường bị tàn phá bởi thú hoang. Trên những vạt đất khai khẩn, phải dựng nhiều chòi có người canh giữ, bảo vệ hoa màu. Ðể được an toàn, các chòi phải vững chắc, sàn cao quá tầm tấn công của mãnh thú và bố trí theo hình vuông, chữ nhật, hay hình thuẫn tùy theo địa hình để tiện thanh viện cho nhau. Trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ, trống; khi thú rừng kéo đến, các âm thanh đồng loạt nổi lên rung chuyển cả rừng núi, dã thú dù gan lì đến đâu cũng phải khiếp sợ bỏ chạy và không dám bén mảng đến phá phách. Rồi có những đêm trăng thanh gió mát, đối cảnh sinh tình, giữa các chòi người ta dùng loa nói chuyện hay ca hát đối đáp nhau cho giải buồn, dần dần trở thành một mô hình sinh hoạt văn nghệ ở vùng nương rẫy. Theo truyền thuyết, do nhiều nghệ nhân của tỉnh nhà, đơn cử như cụ Phan Ðình Lang tức là nghệ sĩ Bốn Trang, sinh năm 1910, người xã Nhơn Thành huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, kể lại rằng lúc cụ còn trẻ đã từng nghe ông nội, ông thân và nhiều bô lão truyền lại là chính Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Ðịnh, đã dựa theo mô hình văn nghệ ở các chòi canh miền núi mà sáng lập ra hội bài chòi. Ðáp ứng trình độ thưởng thức văn nghệ dân gian ngày càng cao, đến thế kỷ 20 người ta lập ra điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Ðiệu bài chòi theo nhịp hai, nên loại thơ lục bát, những bài vè và nói lối bốn chữ rất thích hợp với điệu bộ này. Người hô phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Người hô với chức năng quản trò, được gọi là “Hiệu”. Tùy theo tuổi tác và giới tính, người ta gọi là “anh Hiệu”, “chú Hiệu”, hay “cô Hiệu”, người này phải rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý... thuộc nhiều thơ và ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn. Vậy bài chòi là lối đánh bài mà người chơi ngồi trên 9 cái chòi cất sẵn. Có nơi, để giản tiện người chơi bài ngồi trên ghế thay chòi, nên gọi là bài chòi ghế. Nhưng cả hai lối chơi bài này không có tính cách sát phạt, đỏ đen, mà chỉ nặng tính văn nghệ. CÁCH TỔ CHỨC Làng xã nào muốn tổ chức cuộc chơi bài phải tìm đến những gánh bài chòi nổi tiếng mới lôi cuốn được đông người tham gia và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Vào thập niên 1930, ở vùng An Nhơn và Tuy Phước có gánh bài chòi Sáu Cóc được nhiều người hâm mộ hơn cả. Trong tỉnh có nhiều cô, chú Hiệu tài hoa, đến nay còn truyền tụng, như các chú Bùng, Ðốc, Kim, Kích, Miệt, Ngô Quang Thắng, Tuấn Phong, Tư Liên... và các cô Ðạm, Hương, Liễu, Nhảy... Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống chầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển). 1.- Hội Bài Chòi Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống bằng phẳng. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi. Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh nắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp hội đồng, dành cho ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, có bốn mặt dành cho Hiệu; rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này. Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mái chòi lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng. Mặt sau và hai hông chòi che kín, chỉ chừa trống mặt trước. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn cái chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Những khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này. Rạp ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trong rạp kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Ðầu phản đặt một cái trống chầu dùng làm trống lệnh để ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản có đặt hàng ghế cho ban nhạc của gánh bài chòi ngồi hòa âm. 2.- Bộ Bài Chòi Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đật cao quá tầm mắt. Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được. Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, có tên như sau: Pho VĂN: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn, Sáu Xưởng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu. Pho VẠN : Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trượt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.
Trên mỗi con bài không ghi tên con bài, chỉ vẽ hình như kiểu siêu thực, bằng mực đen, làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Ðôi khi người ta rút 3 cặp bài bất kỳ, mỗi pho rút một cặp, thế vào đó 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão, Thang, Chi. Nếu Lão thì gọi Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử và Chi gọi là Bạch Huê. Miễn sao bộ thẻ bài chòi vẫn giữ y số ấn định là 27 cặp, chia đều mỗi pho 9 cặp. Ngoài 27 thẻ bài bỏ vào ống, còn 27 con bài cũng y như vậy, đem dán vào thẻ lớn. Cú 3 con bất kỳ dán chung vào một thẻ. Có 9 thẻ phát mỗi chòi một thẻ, nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi. Cũng có nơi không dán chung 3 con bài vào một thẻ lớn mà vẫn dùng 27 thẻ nhỏ, y như 27 thẻ bài đã dùng trong ống để phân phát cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài. Như vậy, cả hai cách, mỗi bộ bài chòi phải có 27 cặp như đã kể trên, chia làm hai phần y nhau về số lượng và tên con bài. Một phần bỏ vào ống bài để cho Hiệu bốc thăm, một phần đem phân phát cho 9 chòi. Trong bài chòi, tên con bài đôi khi được gọi khác. Như trong pho Văn: Nhất Gối thì gọi là Chín Gối, Nhì Bánh tức là Hai Bánh rồi đảo ngược gọi là Bánh Hai, Ngũ Rốn gọi trại Ngũ Rún hay gọi khác là Ngũ Ruột, Tám Miểng gọi trại là Tám Miếu. Trong pho VẠN: Tứ Ghế còn gọi là Tứ Móc hoặc Tứ Cẳng, Ngũ Trượt là Ngũ Trật hay Ngũ Trợt, Lục Trạng gọi là Lục Chạng. Trong pho SÁCH: Tứ Sách gọi là Tứ Gióng, Ngũ Dụm thành Ngũ Dít, Bảy Thưa là Bảy Hột. THỂ THỨC CUỘC CHƠI Một hội bài chòi, ngoài số người đến đánh bài và thân nhân của họ, còn có số người đến xem, có thể lên đến vài trăm người. Một đám hát trống, người xem thường có mặt từ lúc dạo tuồng đến khi vãn tuồng. Nhưng ở bài chòi, người xem có thể đến rồi ra về bất cứ lúc nào tùy thích, và không có lệ bán vé vào xem. Muốn đánh bài chòi người ta phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp ở hội kế tiếp. Người đến xem không cần xin phép ai cả, cú chen vào đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya. Giờ ăn chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Ở đám bài chòi, lúc nào cũng có tiếng kèn trống, âm thanh rộn rã vang xa, lôi cuốn thúc dục: “Rủ nhau đi đánh bài chòi Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”. Trống chầu một hồi ba tiếng rống lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân hay người tình lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵng trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”. Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: “Dạ!”
“Trời mưa làm ướt sân đình Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!” Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ "cốc, cốc, cốc!". Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống "tum tum tum!". Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum), lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài. Hiệu bưng khay tiền và một lá cờ đuôi nheo đến tận chòi có bài tới. Cờ đuôi nheo còn gọi là cờ hiệu, có hình tam giác vuông, màu đỏ bằng giấy. Trên cờ viết số thứ tự ván bài, từ đệ nhất, đệ nhị đến đệ bát. Hiệu đứng trước chòi có bài tới trịnh trọng thưa: - Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền. Hiệu (tui) khẩn cấp điện cờ Ðệ nhất. Theo lệ, chòi có bài tới, muốn lịch sự phải thưởng tiền cho Hiệu, nhiều ít là do tài diễn xuất của Hiệu. Vì thế, khi dâng khay tiền, Hiệu phải trổ tài múa những động tác đẹp mắt, miệng thì ngâm thơ, hát Nam, hát Khách. Nếu gặp người tới có máu văn nghệ, hỏi đố bằng thơ, Hiệu cũng phải biết đáp bằng thơ. Chẳng hạn như câu hỏi đố: “Cái gì có trái không hoa? Cái gì không rễ cho ta tìm tòi? Cái gì vừa thơm vừa tho? Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân? Cái gì mà chẳng có chân? Cái gì không vú xây vần lắm con? Cái gì vừa trơn vừa tròn, Mười hai tháng chẵn không mòn chút nao? Cái gì mà ở trên cao? Làm mưa làm gió làm sao được vầy? Cái gì mà ở trên cây? Trèo lên tụt xuống khen ai là tài? Cái gì chỉ có một tai? Cái gì một mặt cái gì ngẳng lưng? Cái gì anh gảy từng tưng...” Nếu không lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều ca dao, câu đố... Hiệu khó mà vượt qua nổi. Hiệu nhanh nhẩu đáp ngay: “Cây súng có trái không hoa Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi Quế ăn vừa thơm vừa tho Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân Cái ốc ma không có chân Con gà không vú xây vần lắm con Sợi chỉ vừa trơn vừa tròn Mười hai tháng chẵn chẳng mòn chút nao Ông trời mà ở trên cao Làm mưa làm gió làm sao được vầy Con vượn mà ở trên cây Trèo lên trợt xuống khen ai là tài Cối xay đậu có một tai Trống mảng một mặt, mâm bồng ngẳng lưng Ðàn bầu anh gảy từng tưng...” Hiệu vừa đáp xong, người chủ chòi trúng khoái quá, đổ cả khay tiền xuống thưởng. Các chòi thua cuộc, chẳng buồn việc ăn thua, vẫn ném tiền xuống thưởng tài nghệ của Hiệu, người đứng xem cũng hùa theo, vãi tiền vào sân như bươm bướm lượn. Màn thưởng thức xem chừng đã mãn. Trống chầu của ban tổ chức vang lên một hồi ba tiếng, báo hiệu cuộc chơi cho ván kế tiếp. Người chạy bài đi thu con bài ở các chòi đem bỏ vào ống thăm chuẩn bị. Người xem chỉ cần nhìn cây cờ đuôi nheo cắm ở chòi trúng có đề số thứ tự thì biết hội bài này đã chơi đến ván thứ mấy. Thời gian cho một ván bài không chừng, tùy sự may rủi của việc bốc bài. Nhanh nhất, bốc ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến lần thứ 19. Ngoài ra còn tùy thuộc vào việc hô bài của Hiệu. Nếu hô những bài dài thì chiếm nhiều thời gian. Vì vậy Hiệu thường hô những câu thai chỉ có hai hoặc bốn câu lục bát. Thỉnh thoảng mới chen một bài dài hoặc bài có tính hài hước để thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán. Chẳng hạn như câu thai của con bài Bạch Huệ chọc cười dưới đây: “Con vợ tui tốt tợ tiên sa Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (bì, sánh) Lưng khòm rồi lại da đen Còn hai con mắt tợ khoen trống chầu Giò cao đít lớn to đầu Lại thêm cái mặt cô sầu bắt ghê Việc làm trăm việc tui chê Chỉ thương có chút…………………” Những câu thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu. Cũng có khi Hiệu phải sáng tác hoặc chắp nối, ráp câu nọ với câu kia, miễn sao câu thai nói lên được tên con bài Hiệu vừa mới bốc. Ðể tăng sự hấp dẫn, khi hô Hiệu phải diễn tả bằng điệu bộ, nét mặt, giọng nói như một diễn viên hát bội rành nghề. Nội dung câu thai cũng luôn thay đổi. Chẳng hạn ván thứ nhất, gặp con bài Nhì Nghèo, Hiệu hô: “Chắp tay với chẳng tới kèo Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!” Ván thứ hai, nếu gặp lại con bài đó, Hiệu hô câu thai có nội dung khác: “Cây khô tưới nước cũng khô Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”. Ván thứ ba Hiệu đổi khác: “Nhiều quan thêm khổ thằng dân Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo”. Ván thứ tư lại khác: “Thấy anh em cũng muốn theo Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi”. Ván thứ năm khác nữa: “Buồn từ trong dạ buồn ra Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo” Ván thứ sáu, vẫn còn nhiều câu khác nữa: “Ngày thường thiếu áo thiếu cơm Ðêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường Dù dơi, dép bướm chật đường Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo” Ngoài ra tên con bài cũng được gọi trại đi hoặc đổi khác để ứng vào một câu thơ hoặc câu ca dao nào đó. Gọi khác chữ, chẳng hạn Bảy Thưa thành Bảy Hột. Gặp cái bài này, Hiệu xử dụng một trong hai câu thơ sau đây làm câu thai: “Ước gì em chửa
có chồng Anh về thưa với
cha mẹ mang rượu nồng đón em”. hoặc: “Còn duyên mua
thị bán hồng Hết duyên buôn
mít cho chồng gặm xơ Gặm xơ rồi lại gặm
cùi Có ba bảy hột để
lùi cho con”. Nói trại, chẳng hạn Ngũ Rốn thành
Ngũ Rún rồi thành Ngũ Ruột: “Rủ nhau đi đánh
bài chòi Ðể cho con khóc đến
lòi rún (rốn) ra” hay: “Thò tay vào
ngắt ngọn ngò Thương em đứt ruột,
giả đò ngó lơ”. Suy diễn, từ Ngũ Dụm thành Ngũ Dít: “Một cây làm chẳng
nên non Ba cây dụm lại
thành hòn núi cao”. Có khi dùng câu đố làm câu thai. Trường hợp này thì nội dung của câu đố
đã diễn tả tên con bài nên câu chót không cần phải trùng chữ với tên con bài
nữa. Chẳng hạn gặp con bài Ba Gà, Hiệu có thể hô câu thai: “Mình vàng vận áo
mã tiên Ngày ba bốn vợ tối
nằm riêng một mình” Có trường hợp không cần nêu tên con bài mà chỉ giải nghĩa đầy đủ là được.
Gặp con bài Thái Tử, có thể dùng câu: “Thuyền ai thấp
thoáng bên bờ Hay thuyền ông Lữ
đợi chờ con vua”. Ðôi khi Hiệu dùng câu thai hình tượng để suy diễn ý nghĩa con bài Tứ Cẳng
(còn gọi là Tứ Ghế hay Tứ Móc): “Một hai bận nói
rằng không Dấu chân ai đứng
bờ sông hai người”. Thỉnh thoảng còn dùng những câu thai mơ hồ, người xem khó đoán được
tên con bài Nhì Bánh mà Hiệu đang nắm trong tay: “Biết rằng ai có mong ai Sao trời lại nỡ xé hai thế này Có sao hôm mà chẳng có sao mai Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn”. Cũng có lúc, cả bốn câu đều nhắc đến tên con bài. Gặp con bài Chín Cu thì câu thai sau đây điển hình cho trường hợp này: “Tiếc công bỏ mẩn cho cu Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay Cu say mũ cả áo dài Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh!” Còn như gặp những câu thai nêu trọn vẹn tên con bài thì Hiệu không bao giờ bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như con bài Ba Bụng mà dùng câu thai sau đây thì tuyệt: “Xét ra cho kỹ sự
đời Ba người ba bụng
không ai thời giống ai”. Khi bài tới ván thứ tám thì xong
một hội. Lẽ ra phải chín ván vì có chín chòi đóng tiền, nhưng phải dành tiền
ván thứ chín để ban tổ chức chi phí cuộc chơi và trả tiền công cho gánh bài
chòi. Vậy khi vãn một hội thì ban tổ chức được một khoản tiền bằng số tiền
cáp của một chòi, và cứ xong một hội thì ít nhất cũng phải có một chòi thua. Xong
một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ giải
lao, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì vẫn ngồi
trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để chòi trống cho người khác lên
thay. CÂU THAI TRONG BỘ BÀI CHÒI Như đã nói trên, một bộ bài chòi có 27 con bài. Mỗi tên con bài Hiệu phải dùng một câu thai và nội dung câu thai phải luôn luôn thay đổi khi gặp lại con bài cũ. 1.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho VĂN: Nhất Gối, nhưng thường gọi là Chín Gối: “Ðêm nằm gối gấm không êm Gối lụa không mềm bằng gối tay em”. Nhì Bánh: “Bánh bèo trục lúc không tai Bánh in to hột, dện hoài đổ ra”. Ba Bụng: “Gió sao gió mát sau lưng Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này”. Tứ Tượng: “Ai đi ngoài ngõ ào ào Hay là ông tượng đạp rào ổng vô?” Ngũ Ruột: “Bởi vì chai rượu Bạch Liên Mai dong điềm chỉ tới miền nhà em Cũng vì chai rượu
gói nem Mà cha mẹ đã gả
em đi rồi Còn gì than thở
anh ơi Chỉ thêm đau ruột,
em có chồng rồi, biết sao!” Sáu Xướng: “Hồi nào đói
rách có qua Bây giờ nên xưởng
nên nhà lại lơ”. Bảy Liễu: “Biết đâu mà đợi
mà chờ Tấm thân liễu yếu
đào tơ gió lồng”. Tám Miểng: “Văn chương đựng
không đầy lá mít Võ thì đá khổng bể
nổi miểng sành Nghe vua treo bảng
cũng xòng xành ra thi Bảng đề không biết
chữ chi Mài nghiên
múa bút có khi hết ngày”. Chín Cu: “Sự đời có bốn
cái ngu Mai dong, hứng nợ,
rập cu, cầm chầu”. 2.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho Vạn: Nhất Trò: “Không ngon cũng
bánh lá gai Dù anh có dại
cũng trai học trò”. Nhì Bí: “Bình Ðịnh có
núi Vọng Phu Có đầm Thị Nại,
có cù lao Xanh Em về Bình Ðịnh
cùng anh Ðược ăn bí đỏ nấu
canh nước dừa”. Tam Quăng: “Anh đang viết
liễn trong đình Nghe em, chồng hỏi,
giật mình quăng nghiên”. Tứ Móc: “Lòng thương chị
bán thịt heo Hai vai gánh nặng
còn đèo móc cân”. Ngũ Trợt: “Bớ chị em ơi!
đi chợ Chợ nào bằng chợ
Gò Chàm Tôm tươi cá trụng
thịt bò thịt heo Còn thêm bánh đúc
bánh xèo Bánh khô bánh nổ
bánh bèo liên u Những con cá chép
cá thu Cá ngừ cá nục cá
chù thiệt ngon Ngó ra ngoài chợ Nẫu bán thịt phay Nem tươi chả lụa Rượu trà no say Ngó ra ngoài chợ Vẫn bán tranh cày Roi mây, lưỡi cuốc Nẫu bày nghinh
ngang Ngó ra ngoài chợ Nẫu bán sàn sàn Khoai lang, bắp đỗ Ðục, chàng, kéo,
dao... Xem ra chẳng sót
hàng nào Quảng Nam, Quảng
Ngãi cũng vào đây mua ...
Xem đi xét lại
nhiều đồ lắm thay Những còn hàng
giép hàng giày Nón ngựa nón chóp
bán rày liên thiên Lại còn những món
nhiều tiền Cà rá, hột đá,
dây chuyền, dầu thơm... Song thần An Thái Dừa trái Tam Quan Ðường cát Dương
An Ðĩa bàn nội phủ Kể đủ hàng hoa... Cà dê, cà dĩa, cà
chình Ơ¨t ngà, ớt bị, ớt
sừng, ớt cay Rau răm, rau húng Bầu thúng, cà tây Mua bán bạc cây Những người hàng
xén Mấy chú rón rén Ăn cắp thiệt lanh Mấy chú gian manh Là anh trùm chợ Buôn mọi bán rợ Mấy chú An Khê Ở trển đem về Xấp trần nài rể Dễ mua dễ bán Bánh tráng, kẹo
cà Xoa xoa, đậu hũ Mè xửng , bánh
canh Dạo hết xung
quanh Hành ngò, cúc cải Dây dừa, dầu rái Kẹo đỗ, kẹo dừa Mấy chị ngủ trưa Nẫu mua trợt lớt”. Lục Trạng: “Bậu khoe giỏi,
sao chẳng chịu đi thi Cú ăn xó bếp, ngủ
thì chuồng trâu Bậu ơi tôi chẳng
ưng đâu Trạng gì như thế
có hầu cũng uổng công”. Thất Vung: “Ngó lên hòn
núi chóp vung Thấy bảy cô gái
cùng chung một nhà”. Bát Bồng: “Chầu rày đã
có trăng non Ðể tôi lên xuống
có con em bồng!” Cửu Chùa: “Con vua thì được
làm vua Con sãi ở chùa phải
quét lá đa”. 3.- Câu Thai Các Con Bài Trong Pho SÁCH: Nhứt Nọc: “Ðò em đưa rước bộ hành Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề Trải qua bãi hạc, gành nghê Quanh năm chèo chống, tứ bề sóng xô Tiếng ai văng vẳng gọi đò Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người”. Nhì Nghèo: “Dầu mà hai ngả phân ly Mình ơi, hãy nhớ hồi khi còn nghèo”. Ba Gà: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Tứ Sách: “Gió đưa trăng thì trăng đưa gió Quạt nọ đưa đèn, đèn có đưa ai Trăm năm đá nát vàng phai Ðá nát mặc đá, vàng phai mặc vàng Trông cho én nhạn một lòng Lồng đèn thiếp xách, mâm tơ hồng chàng bưng”. Ngũ Dụm: “Một cây làm chẳng nên non Ba cây dụm lại thành hòn núi cao”. Sáu Hường: “Nghĩ duyên lận đận mà buồn Thương nhau vàng võ, má hường kém tươi”. Bảy Thưa: “Ðừng ham nón tốt dột mưa Ðừng ham người tốt mã mà thưa chuyện nhà” Tám Dây: “Ví dầu cha đánh mẹ treo Ðứt dây té xuống cũng theo tới cùng” Cửu Ðiều: “Huỳnh Kim có bến Tân An Có lầu Thông Nhẫn lập đàn bán buôn Trước kia đường vắng hơn truông Bây giờ trong bán ngoài buôn đầy tràn Trong nhà dệt nhiễu thêu hàng Trong sân thợ nhuộm, ngoài đàng xe hơi Khen cho ông Nhẫn đủ đời Lụa hàng cấp giá nơi nơi cũng điều” 4.- Câu Thai Các Con Bài Trong Cặp YÊU: Ông Ầm: “Vai mang bị bạc kè kè Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm”. Thái Tử: “Thuyền dời nhưng dạ chẳng dời Khăng khăng một lời: quân tử nhất ngôn”. Bạch Huê: “Cũng vì duyên nợ ba sinh Sáng trăng câu hát huê tình mà theo” SỰ CẢI TIẾN VÀ BIẾN THỂ CỦA BÀI CHÒI Hội bài chòi là một trò chơi dân gian, mang tính văn nghệ quần chúng. Tiền thân của bài chòi là sự liên lạc nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Và bài chòi được hình thành và hoàn chỉnh ở đồng bằng. Thể thức chơi vẫn giữ nét độc đáo nguyên thủy, ngồi trên những chiếc chòi, nên gọi là bài chòi truyền thống. Bài chòi truyền thống cũng chia làm hai giai đoạn: Hiệu hô những câu ca dao ngắn, nội dung không liên quan gì đến con bài, miễn sao có chữ đồng âm với tên con bài là được; thời kỳ này gọi là bài chòi tạp. Dần dần có xen nhiều những câu thai do nghệ nhân đặt ra hoặc do Hiệu ứng chế có nội dung ăn khớp với tên con bài, như câu Nhứt Nọc dưới đây; thời kỳ này gọi là bài chòi câu. “Tay cầm sào chống lái Mắt liếc bãi lều tranh Ở đây đưa rước bộ hành Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề Trải qua bãi bạc gành nghê Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao Thú vui ngang dọc một sào Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu Tiếng ai văng vẳng kêu đò Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người”. Sau này vì sự giản tiện, có vài nơi phá lệ cất chòi vẫn dùng 9 cái ghế thay cho 9 chiếc chòi và thể thức vẫn như cũ. Khuyết điểm của bài chòi ghế là không thể thay thế hết được chức năng của chòi nên kém phần sôi nổi, giảm sự hào hứng của người chơi bài và cả người xem. Từ hình thức bài chòi ghế, những năm đầu thế kỷ 20, có một số nghệ nhân mạnh dạn tách khỏi mô hình truyền thống để kiến tạo một lối mới gọi là bài chòi chiếu. Ðặc tính của bài chòi này không phụ thuộc vào thời vụ. Nghĩa là tổ chức lúc nào cũng được, không cần phải đợi dịp Tết Nguyên Ðán. Bài chòi chiếu cũng không có chòi. Sân khấu vẫn còn trệt nhưng đã được giới hạn trong phạm vi chiếu rải. Bài chòi chiếu cũng không còn độc diễn của Hiệu mà đã phân vai nhân vật (2 hay 3 diễn viên) nhưng còn đơn giản, chủ yếu là giọng ca mùi mẫn diễn những lớp trong các truyện tuồng như Lưu Kim Ðính, Phàn Lê Huê, Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên... Tuy vậy, sự trình diễn chỉ để giải trí và nêu tên con bài ở những câu thơ cuối lớp, chứ chưa đủ trình độ kết cấu nghệ thuật để trở thành mục diễn, nên người ta gọi là bài chòi lớp. Một biến cố lớn trong bộ môn bài chòi là sự ra đời của bài chòi truyện. Vào giữa năm 1933, hai nghệ sĩ sáng lập gồm Bốn Trang (tức Phan Ðình Lang người xã Nhơn Thành, An Nhơn) và Ba Nhỏ (tức Ba Huợt người xã Cát Sơn, Phù Cát) cùng với sự cộng tác của Tư Liên (Ðỗ Liên), Năm Oanh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ) và nhiều nghệ nhân khác; lần đầu tiên trình diễn bài chòi truyện trên sân khấu sàn gỗ tại chợ An Lương xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ. Ðây là lần thử nghiệm, không tránh khỏi nhiều trở ngại, nhưng nói chung vẫn gặt hái những kết quả khích lệ. Bài chòi truyện hoàn toàn dứt bỏ thể thức chơi bài truyền thống, mạnh dạn bước lên sàn sân khấu có đầy đủ phông màn. Nghệ sĩ được chọn sắm vai thích hợp với nhân vật, có hóa trang, có sự nhập vai, diễn xuất các động tác theo qui luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển để phù hợp tình cảm của mỗi nhân vật. Ngoài điệu cố hữu là hô bài chòi và điệu hát chủ đạo là Xuân Nữ (có sức gợi cảm), còn có điệu cổ bản, nói lối, Hồ quảng, xàng xê, hát Nam, hát Khách, tẩu mã, lý thượng... Về âm nhạc ngoài đờn cò, kèn, sanh, trống còn có đàn nguyệt để tạo âm non âm già phù hợp với làn điệu mới. Về trình diễn, diễn viên có thể cương vài chi tiết nhưng không được đi quá xa hoặc phản lại đề tài. Về y phục và đạo cụ cần sắm đủ các loại để trang bị thích hợp từng nhân vật. Về ánh sáng có trụ đèn lồng thắp dầu, về sau có đèn măng sông. Dịp Tết Giáp Tuất (1934) gánh bài chòi của ông Bốn Trang và Ba Nhỏ kiện toàn đội ngũ lập thành đoàn hát Tân Xuân đến lưu diễn ở thị trấn Gò Bồi (phủ Tuy Phước). Nhờ rút tỉa kinh nghiệm, lần này được khán giả đón nhận nồng nhiệt và bán vé thu được một số tiền lớn. MỘT THỜI CỰC THỊNH Ðánh dấu sự thành công của gánh hát Tân Xuân, nhiều nghệ nhân đầu tư vào việc lập gánh hát bài chòi chuyên nghiệp. Ðoàn lớn thì diễn tuồng truyện trên sân khấu hiện đại, đoàn cỡ trung thì diễn lớp trên sân khấu trệt trải chiếu, đoàn nhỏ thì hô bài theo lối truyền thống trên sân đất. Từ năm 1933 đến năm 1945 tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát bài chòi nổi tiếng. Các đoàn hát như Tân Xuân của Bốn Trang, Long Vân Bang của Tư Miệt, Ý Chung của Phan Ðình Chi chuyên lưu diễn ở khắp các tỉnh từ Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết đến Di Linh (Lâm Ðồng). Các đoàn khác như gánh Năm Oanh (An Lương, Phù Mỹ), gánh Ông Dần (Hoài Nhơn), Chính Oanh (Kiến Hàng, An Nhơn), Sáu Sơn (Nhạn Tháp, An Nhơn), Ông Lợi (Phước Nghĩa, Tuy Phước), gánh Ðồng Ấu của Ðinh Thảo và Bốn Dân... Ðội ngũ diễn viên của bộ môn bài chòi cũng khá hùng hậu, không những nhiều kép nổi tiếng như Ba Huợt, Ba Sinh, Bốn Que (tức Bốn Trang), Tư Liên, Tư Miệt, Năm Oanh, Mười Vạn, Kim Kích... mà còn có nhiều khuôn mặt nữ tài hoa "một thời vang bóng" như đào Nhảy và Dần (Hoài Nhơn), đào Trang và Ðài (An Thái, An Nhơn), đào Sanh và Ðồng (Phước Sơn, Tuy Phước), đào Bình (Phú Tài, Tuy Phước), đào Chung và Liệu (Qui Nhơn), đào Giàu, Ba Danh... Lớp diễn viên mầm non có Văn Bá, Ðinh Thị Bích Hải, Nguyễn Thị Hường, Lê Quí, Ðinh Thái Sơn... đều phát triển tài năng trước tuổi. Về âm nhạc cũng có những nghệ sĩ xuất thần như Tám Kèn (tức Nguyễn Hoài Ân), Văn Bá Anh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), Lưu Hạnh (An Nhơn), Nguyễn Mới, Sáu Hoạch... Về kịch bản xuất hiện nhiều tác giả soạn bài chòi truyện như: Trương Ân, Năm Oanh, Sáu Cóc với những vở ca kịch nổi tiếng như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công Phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu... Trong thời kỳ này ba thể hình bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có một chỗ đứng ở sân khấu phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ, người xem phải mua vé. Bài chòi lớp tìm đất sống trên sân khấu chiếu khắp các làng mạc miền quê. Bài chòi truyền thống vẫn nở rộ mỗi dịp xuân về. THÚ TIÊU KHIỂN TRONG BÀI CHÒI Bản chất bài chòi là trò chơi bài của dân gian xen với ca múa do tài anh Hiệu ứng chế đồng thời có sự cộng tác, đối thoại một cách tự nhiên giữa người hô và người tham gia cuộc chơi. Nếu đưa bài chòi lên sân khấu có phông màn tức là xóa bỏ cuộc chơi, bài chòi truyện trở nên hụt hẫng, cần bù đắp vào các điều kiện sau đây mới tạo được không khí hấp dẫn: Sự tích truyện tuy có gay cấn nhưng có hậu mới thỏa mãn người xem. Kịch bản cần cải tiến mới tránh khỏi sự tẻ nhạt nhưng không làm đứt mạch truyền thống, trong đó chất liệu bài chòi phải chiếm tỷ lệ cao, nếu không sẽ bị đồng hóa với các môn nghệ thuật khác, làm thất vọng khán giả. Thời ấy có thành ngữ "gánh hát xà bần" để chỉ trích những gánh bài chòi diễn trò hổ lốn đã đưa hát bội, cải lương, chèo, Hồ quảng chen vào quá nửa. Ngoài ra bài chòi truyện cần có đạo diễn thành thạo, tài diễn xuất của nhân vật và giọng ca đúng điệu. Sau nữa, cách trang trí, lối trang phục và sự điều chỉnh ánh sáng rất cần thiết, làm nổi bật cảnh sắc trên sân khấu. Nhưng bài chòi truyền thống, không cần những điều kiện trên, chỉ cần một anh Hiệu tài hoa là đủ rối và tự nó đã đi vào lòng dân tộc nên có sức lôi cuốn " Rủ nhau đi đánh bài chòi, để cho con khóc đến lòi rún ra" (Ca dao). Bởi thế, những người khắt khe lại cho rằng: chơi bài chòi là đánh bạc vì sử dụng bộ bài tới, có cáp tiền và có sự ăn thua nên mới hấp dẫn như vậy. Xin thưa “không”, chơi bài chòi không mang tính cách sát phạt của sòng bài, những người có máu cờ bạc không lấy gì làm thích thú ở cuộc chơi này. Trong lịch sử bài chòi, chưa có ai khuynh gia bại sản vì đam mê trò chơi này, và cũng chưa thấy ai giàu có vì trúng mánh bài chòi. Ở bài chòi, ngoài việc thử thời vận, bói hên xui vào dịp đâu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Vì vậy, đánh bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, ít tốn kém. Một hội chơi dân gian đã trở thành tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì thi ca bình dân. Ở các tỉnh miền nam Trung phần, nhất là Bình Ðịnh ngày nay còn lưu lại rất nhiều ca dao qua lối chơi này, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn chương bình dân của nước nhà. Tiếc rằng hội bài chòi và trò chơi truyền thống của nó từ sau năm 1945 đã mai một dần, đến nay hầu như mất hẳn...
ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000
|
.. |