WWW.LEBICHSON.ORG KÍNH CHÚC QUÝ VỊ LUÔN ĐƯỢC AN BÌNH - THỊNH VƯỢNG - SỨC KHOẺ - THÀNH CÔNG! WWW.LEBICHSON.ORG WISH YOUR LIFE IS FILLED WITH PEACE, PROSPERITY, CONTENTMENT AND SUCCESS! - WWW.LEBICHSON.ORG KÍNH GỞI ĐẾN QUÝ VỊ LỜI CẦU CHÚC AN BÌNH - THỊNH VƯỢNG - SỨC KHOẺ - THÀNH CÔNG! WWW.LEBICHSON.ORG WISH YOUR LIFE IS FILLED WITH PEACE, PROSPERITY, CONTENTMENT AND SUCCESS!

Trang chủ

Bài mới đăng tải

Phật giáo nhập môn

Phật giáo và xã hội

Phật giáo và văn hoá

Phật giáo và giáo dục

Phật giáo quốc tế

Phật giáo sử - truyện

PG và vấn đề tái sanh

Thơ ca Phật giáo

Âm nhạc Phật giáo

Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương

Di tích& văn hoá đất võ

Bình Định: Đất & Người

Thơ ca Bình Định

Nối vòng tay lớn

Thông báo

Linh tinh

Hình ảnh

English

Liên lạc

 

 

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO

TẠI THÁI LAN

 

Dưới đây là bài chúng tôi viết tại chùa Bovoranives ở Bangkok vào tháng 2 năm 1966 trong thời gian chúng tôi qua Thái Lan sống gần một năm để tìm hiểu và nghiên cứu về nền Phật Giáo xứ này.

H.T. Thích Trí Chơn

 

 

Như Ấn Ðộ, Tích Lan, Miến Ðiện v.v….Thái Lan là xứ theo Phật Giáo Nguyên Thỉ hay Tiểu thừa (Hinayana). Phật Giáo là quốc giáo. Thống kê năm 1960, dân số Thái Lan có vào khoảng 24 triệu, Phật tử chiếm gần 94 phần trăm. Phật Giáo đã trở thành một di sản tinh thần thiêng liêng mà bất cứ người dân Thái nào cũng có bổn phận phát triển và duy trì. Hơn ai hết, nhà vua theo hiến pháp là người bảo trợ cho các tôn giáo, nhưng luôn luôn phải là Phật tử. Ðạo Phật ở đây không dành riêng cho hạng người nào, mà cho tất cả, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa hay bần dân.

 

 Tượng Phật được dân chúng thờ khắp mọi nơi. Ở trường học, trên xe buýt, trong tiệm buôn, quán giải khát tư nhân, nhất là tại các công sở, đâu đâu cũng đều có thiết bàn thờ Phật tuy đơn giản nhưng trang nghiêm. Bất cứ người công dân Thái nào trong đời mình cũng hy vọng ít nhất có một lần được xuất gia vào chùa tu vài năm, vài tháng, vài tuần, hoặc vài ngày. Các nhân viên cao cấp chính phủ và nhà vua cũng vậy. Năm 1956, vua Thái hiện thời là Bhumibol Adulyadej đã đến xuất gia tại chùa Bovoranives trong hai tuần.

 

Ðức Tăng Thống (hay Vua Sải) là người có chức vị cao nhất do nhà vua tấn phong với sự đồng ý của chính phủ cũng như đa số chư thượng tọa và đại đức trong Giáo Hội. Giáo hội liên lạc chặt chẽ với chính phủ nhờ có Nha Tôn Giáo (Department of Religious Affairs) trực thuộc Bộ Giáo Dục. Năm 1959, nha Tôn Giáo này có đến 200 nhân viên làm việc và một ngân quỷ khoảng 13.451.543 baht tiền Thái (năm 1966 một mỹ kim giá trị 20 baths). Trong năm, có bốn ngày lễ Phật lớn được chính phủ công nhận là quốc lễ. Chư thượng tọa trong giáo hội có bổn phận tham dự tất cả các quốc lễ và tuân hành mọi quy luật quốc gia. Trái lại, chính phủ có bổn phận bảo vệ đất đai, tài sản của giáo hội, trợ cấp tài chánh tu bổ các chùa chiền, phát triển nền học vấn của chư Tăng và nâng đỡ công việc giảng dạy giáo lý tại các trường bằng chương trình phát thanh của chính phủ.

 

Theo Ðại Niên Sử của Tích Lan (Mahavamsa) ghi rằng Phật Giáo được truyền từ Ấn Ðộ vào Thái Lan dưới thời vua A Dục, do hai đại đức Sona và Uttara. Có giả thuyết khác lại cho rằng đạo Phật du nhập Thái Lan do các thương gia và di dân Ấn Ðộ trước kia thường lui tới các bờ biển Miến Ðiện, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, và Campuchia. Những di dân và thương gia đầu tiên này mang truyền vào Thái cả Phật Giáo lẫn Ấn Giáo. Bằng chứng là có nhiều pho tượng Vishu, Siva (Ấn giáo) và đức Phật đã được đào thấy tại các thắng tích xưa ở Thái Lan. Tại Lopburi, Phimai và các nơi khác hiện còn thấy nhiều chùa thờ tượng thần Siva do những người Thái đầu tiên xây cất bằng đá thạch và đá ong. Vào thế kỷ thứ 12 và 13, người Thái di cư từ tỉnh Yunnan (Vân Nam - Trung Hoa) xuống miền nam. Sau này do sự xua đuổi của người Trung Hoa, dân tộc Thái vượt sông Cửu Long và định cư tại các thung lũng hẹp miền Bắc Thái, sau khi họ chinh phục dân tộc Mon- Kmer. Cho nên, ban đầu Thái ngữ có cùng đặc tính đơn âm (monosyllabic) như ngôn ngữ dân Mon-Kmer và hơi giống tiếng Trung Hoa. Nhưng sau này bởi chịu ảnh hưởng Phật Giáo với những kinh điển Pali và Sanskrit (Phạn) nên Thái ngữ trở thành đa âm (polysyllabic) do sự thêm vào của nhiều từ ngữ Ấn Ðộ. Tiếng Pali, ngôn ngữ chính thức trong tôn giáo đã trở thành thông dụng đối với hạng người trí thức cũng như trong các tác phẩm văn học. Ngày nay tại Thái Lan các học giả viết sách đều dùng ngôn ngữ Pali và Phạn (Sanskrit) để diễn tả các danh từ chuyên môn và khoa học Tây Phương.

 

          Văn chương và nghệ thuật trang trí trên vách tường của Thái phần lớn rút từ ý nghĩa các kinh tạng Phật Giáo và phỏng theo những chuyện tiền thân của đức Phật. Có thể nói ngoài nhạc kịch, hầu hết các môn nghệ thuật khác của Thái đều chịu ảnh hưởng sâu đậm Phật Giáo. Chùa là nơi được dân chúng xây cất và trang trí đẹp nhất trong làng. Trong chùa trên các vách tường người ta thường vẽ những bức tranh phản ảnh tinh thần Phật Giáo. Các cửa lớn, cửa nhỏ thường được sơn màu vàng hoặc đen và trang trí bằng những hình lá cây hoặc các vị Thần bằng vàng.

 

 Người ta còn gắn các mảnh sành hoặc kiến màu xung quanh cột và bàn thờ nơi điện Phật. Các bao lơn chùa thường được làm theo hình những con rồng. Ðôi khi, người ta cũng tô vẽ hình các vị thần hoặc thú vật trên những nền tháp và thư viện của  chùa. Về tượng Phật tại Thái có nhiều loại. Có thứ đúc bằng kim khí, đồng, vàng, bạc. Nhiều tượng làm bằng đá, thủy tinh hoặc bằng gạch (đất sét nung) có tô vôi xung quanh và dát, vàng lá bên ngoài. Những hộp, bình bát và các pháp khí thờ trong chùa đôi khi cũng làm bằng vàng, bạc có khảm men huyền với những hình bông sen hoặc các ảnh tượng thiêng liêng trong Phật Giáo. Những lễ vật đem cúng chùa thường được tín đồ mang lại trong những bình bát lớn và trên những chiếc khay bạc có chạm trổ đẹp đẽ.

 

 Về niên lịch, trước kia dân tộc Thái dùng Phật lịch, tính kể từ ngày Phật Niết Bàn (năm 543 trước Thiên Chúa). Ðến năm 1940, dân Thái bắt đầu dùng tây lịch. Ngoài ra, âm lịch cũng được chùa Thái dùng đến để tính các ngày giới. Thái ngữ gọi là Wan Phra (wan: ngày phra: nhà sư). Thường mỗi tháng có bốn ngày giới, đại để nhằm những ngày mồng 1, 9, 16 và 24; không phải tháng nào cũng vậy, tùy theo tháng thiếu đủ, những ngày này có thể thay đổi, như tháng giêng những ngày giới là mồng 1, 9, 16 và 24. Tháng ba lại vào những ngày mồng 8, 15, 23 và 29. Ðể nhắc dân chúng dễ nhớ, những ngày này nơi lịch Thái thường có in hình tượng Phật.

 

          Nhờ tồn tại và duy trì qua nhiều thế kỷ, Phật Giáo ngày nay đã ảnh hưởng sâu xa đến mọi sinh hoạt của người dân đất Thái. Có thể nói Phật Giáo là linh hồn của dân tộc Thái. Như nhiều học giả Tây Phương đã bảo nếu không có Phật Giáo, Thái Lan không còn là Thái Lan nữa. Thật vậy, dân chúng ở đây lo việc chùa trước việc nhà. Họ có thể bằng lòng chấp nhận cuộc sống cực khổ hơn là để cho chùa tượng đổ nát. Cho nên đi từ thành thị đến thôn quê, nơi nào chúng ta cũng thấy toàn chùa là chùa, với những ngôi tháp nhọn cao in đậm trên nền trời.

 

Năm 1959, Thái Lan tính có khoảng 21.380 ngôi chùa với 232.960 nhà sư (gồm cả Tỳ Kheo và Sa Di). Trong gia đình, con cái ngay từ nhỏ đã được cha mẹ đặt tên là “Boon” (bun) có nghĩa là công đức. Nhiều nam nữ thiếu niên và người lớn có tục lệ đeo tượng Phật, vừa để trang sức, vừa mong đức Phật phù hộ. Như trên đã nói, mọi người dân Thái khi còn trẻ, ai cũng hy vọng được vào chùa tu ít nhất là vài tháng để tạo phước đức cho mình, thân nhân bà con và có dịp học tập kinh luật Phật Giáo. Ai không làm được thế xem như là người chưa thuần thục.

 

Riêng phần thiếu nữ, bất cứ ở giai cấp nào, các cô bao giờ cũng thích kết hôn với các thanh niên đã tu ở chùa ra. Bởi họ tin rằng, chỉ có những người chồng hiểu biết và thực hành giáo lý đức Phật ít hay nhiều sau này mới có thể xây dựng được hạnh phúc cho gia đình. Vấn đề tu và hoàn tục ở đây rất dể dàng. Có nhiều sư Thái tôi quen ở cùng chùa, mới khi sáng thấy họ còn khoác y vàng đi bát (khất thực) đó, mà chiều họ đã làm lễ xả giới ra thế mặc đồ thường phục rồi.

 

Nghĩa là khi vào chùa xin xuất gia, người thanh niên khấn trước Tam Bảo, nguyện sẽ tu một thời gian bao lâu, hết thời hạn đó họ sẽ hoàn tục. Danh từ hoàn tục, Thái ngữ phát âm theo tiếng Việt là “xực”. Ở Thái, tín đồ không bao giờ có ý nghĩ xấu hay tỏ vẻ khinh khi đối với các nhà Sư ra hoàn tục, mà còn kính trọng là khác. Do đó, các thanh niên Thái người nào cũng muốn vào chùa tu cả. Tục lệ tu một thời gian này rất hay là tránh được cho chư Tăng tệ hại không giữ đúng giới luật trong khi ở chùa. Bởi khi nào nhà sư tự thấy mình không thể kiềm chế dục vọng, nghiêm trì giới luật được thì sẽ bạch với chư tôn đức trong Giáo Hội Tăng Già xin xả giới để hoàn tục.

 

Tôi nghĩ sau này Giáo-hội Phật giáo Việt Nam bên nhà, nếu có thể nên áp dụng tập tục “tu một thời gian” này của Thái Lan cho các thầy nào tự thấy mình không đủ sức tu trọn đời, còn hơn là để họ kéo dài một cuộc sống tu hành miễn cưỡng không mấy gì thanh tịnh ở chùa vì mặc cảm sợ hoàn tục sẽ bị tín đồ phỉ báng.

 

          Ở Thái Lan, không phải tín đồ nào theo Phật cũng có quan niệm giống nhau. Mà tùy trình độ hiểu biết và hoàn cảnh sống cá nhân, mỗi người dân Thái đến với đức Phật bằng suy nghĩ riêng của mình. Hạng người trí thức quy y Phật vì họ hâm mộ những lời dạy tâm lý và siêu hình của Ngài. Họ chấp nhận theo đạo Phật bởi Phật Giáo đã đề cao lý trí con người, vượt lên trên những lý thuyết hiện đại và bao hàm nhiều ý tưởng khoa học hơn các tôn giáo khác. Những kẻ khác ham chuộng đức Phật qua những lời dạy thiền định và đạo đức của Ngài. Với họ, Phật Giáo là một phương pháp sống. Ðường lối tu hành và thiền định ở chùa giúp cá nhân có được đời sống an lành và trường thọ, cùng dứt trừ được cho xã hội con người mọi tranh chấp và tội lỗi. Ngoài ra cũng có một số người tuy nhận mình là Phật tử nhưng không thực hành theo Phật Giáo. Tuy nhiên, hầu hết dân Thái đều xem Phật Giáo như một gia tài tín ngưỡng, giáo lý và những tập quán tốt đẹp mà qua bao đời nó đã tô bồi cho nền văn hóa xứ sở, giúp dân tộc sống an vui lành mạnh và quốc gia độc lập phú cường.

 

          Nói tóm, Phật Giáo ngày nay đã trở thành một bảo vật thiêng liêng của Thái Lan, là nguồn hạnh phúc của toàn dân chúng xứ Thái. Người dân đến với Phật Giáo không mong hoàn toàn sống đúng theo lời Phật dạy, nhưng cốt tìm ở Phật Giáo những giải đáp tinh thần và nếp sống thuần phong mỹ tục mà Phật Giáo có thể dâng hiến cho họ.

 

H.T. Thích Trí Chơn

      

www.lebichson.org xin chân thành tri ân các tác giả, dịch giả có bài viết đăng tải trên trang nhà nhằm phổ biến Đạo Phật đến với mọi người! Kính chúc quý vị luôn được an bình - thịnh vượng - sức khoẻ & thành công! With best regards and profound gratitude to distinguished writers and translators who have their excerpts posted in this homepage for the purpose of disseminating the Buddha’s teachings!  Wish your life is filled with peace, prosperity, contentment and success!

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

WWW.LEBICHSON.ORG

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

Hit Counter
ISP Internet Access