TRANG CHỦ

TRANG CHỦ

ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - Many do not know that we are here in this world to live in harmony. Those who do know this do not fight against each other. (The Dhammapada, chapter 1, verse 6)

..

 

 SỰ TÁI SANH CỦA NHỮNG VỊ HÓA THÂN

Đoàn Văn Thông

 

          1.- TRƯỜNG HỢP DUMINDA HẬU THÂN CỦA MỘT VỊ SƯ TRƯỞNG HAY VEN GUNNEPARA TÁI SANH?

          Tại Sri Lanka có một bé trai tên là Duminda. Khi sanh ra và lớn lên, cháu bé cũng giống như bao nhiêu bé khác, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đến năm ba tuổi tự nhiên Duminda biết tụng kinh như một chú tiểu và lạ lùng hơn nữa là bé tụng kinh theo nguyên văn tiếng Pali, một thứ tiếng rất khó vì thuộc về ngôn ngữ cổ xưa của Phật giáo Ấn Độ.

          Gia đình Duminda trước đó cũng đã có ý định muốn gởi bé vào một tu viện địa phương và họ muốn chuẩn bị cho con mình trở thành một chú tiểu, dần dần trở nên một nhà chân tu sau này.

          Duminda được bố mẹ dẫn đến thủ đô của một vùng đảo nổi danh được xem như là trung tâm tôn giáo nổi tiếng, nơi mà đền thờ Răng Thiêng của Phật được xây cất, địa điểm này ở gần với tu viện Asgirya.

          Trong thời gian còn bé, Duminda sống với ông bà chớ không ở với cha mẹ. Ngay từ tấm bé, Duminda thường ăn mặc rất khác người. Thường ngày bé khoác bên mình một miếng vải màu vàng (vắt ngang qua vai giống kiểu áo choàng của những nhà sư thường mặc). Cứ mỗi ngày, Duminda đến viếng nơi đền Thiêng. Nơi đây bé Duminda tụng kinh Pali.

          Cha mẹ Duminda cho biết, năm lên ba tuổi, Duminda tự nhiên nói một câu như sau:

          - Trước đây tôi là một nhà sư ở đền Asgirya.

          Ông ngoại của Duminda cũng cho biết là thường khi đứa cháu này thúc dục mọi người trong gia đình hãy đến đền Asgirya để lễ bái.

          Sáng nào Duminda cũng dậy sớm, khoát tấm vải vàng như đắp y lên mình rồi bước ra đứng trước mặt nhà nhìn người qua lại. Mỗi lần thấy bóng dáng một vị sư bước lên xe bus là Duminda lại kêu to lên như nhắc nhở:

          - Kìa, kìa, nhà sư đã lên đường rồi, tôi cũng muốn đến đền Asgirya, hãy để tôi đi!

          Những gì mà các nhà sư thường làm như giờ trai tăng, giờ tụng kinh, giờ đọc sách, lễ Phật... thì Duminda đều làm đúng theo như một vị sư đã tu trì lâu ngày trong chùa vậy. Người mẹ Duminda thì kể rằng: Duminda rất sạch sẽ, thường căn dặn mẹ là không nên đụng tay vào một vị sư nào vì đó là điều cấm kỵ. Ngay cả khi người mẹ tắm cho Duminda, chỉ múc nước xối lên người bé thôi chớ không được kỳ cọ, đụng tay vào da thịt bé. Duminda cũng không chơi với những trẻ con khác vì tự nhận mình là người lớn, luôn luôn tỏ ra đàng hoàng nghiêm túc. Bé thường dặn người trong nhà, hãy gọi mình là chú tiểu hay sư nhỏ cũng được hoặc gọi bằng hai chữ Podi Sadhu. Duminda dần dần không còn là đứa bé kỳ dị đối với gia đình nữa. Cha mẹ Duminda chẳng còn ngạc nhiên hay lo lắng về những cử chỉ, lời nói lạ lùng của bé nữa vì họ xem Duminda như có căn cơ, nghiệp duyên tu trì từ nhỏ và chắc chắn sẽ thành vị sư tài ba sau này. Vì thế họ dự định gởi Duminda vào tu viện. Ở Tích Lan cũng có tục lệ gần giống với Tây Tạng, về vấn đề con trẻ thường được cha mẹ gởi vào tu viện, để được đào tạo và trở thành tu sĩ sau này.

          Duminda thường dùng cái quạt cầm tay để che trước mặt giống như những nhà sư thường làm và ngâm thơ một cách thành thạo. Khi gặp các nhà sư ngoài đường hay đến nhà, Duminda luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng mình trước kia (kiếp trước) cũng là một nhà sư tu hành ở Asgirya. Duminda còn cho biết là tại đó có một tu viện lớn và mình có một phòng ở với đầy đủ đồ đạc và của cải. Ngoài ra, còn có một chiếc xe mô tô nữa. Duminda thường ngỏ ý muốn được đến Asgirya để thăm ngôi đền Thiêng và coi lại căn phòng, đồ đạc và chiếc xe của mình.

          Những nhà sư đã có lần gặp Duminda đều có nhận xét rằng: Đây là một đứa bé có phong cách, cử chỉ, lời nói lạ lùng hoàn toàn khác xa với những đứa trẻ khác. Nhiều người đề nghị là nên đưa Duminda đến Asgirya một chuyến thử xem sao.

          Chuyến đi được sắp đặt chu đáo. Ngày khởi hành là ngày chủ nhật, tháng 10 năm 1987. Cùng đi với Duminda đến Asgirua có một số nhà báo và nhà khoa học. Một nhà báo của tờ báo nổi tiếng Island là Oliver Silva cũng tháp tùng theo. Suốt cuộc hành trình, Duminda rất rành về đường xá dẫn đến tu viện chính Asgirya. Duminda còn nhắc lại những tập tục ở đó nhất là những phương thức, nghi lễ cầu nguyện. Duminda nhắc lại là lúc còn là vị sư ở đó, Duminda đã được tôn kính và nể trọng.

          Khi tới nơi, một vị sư đã nghe qua chuyện kể về Duminda, nên đến thăm và nêu lên câu hỏi như sau:

          - Chào Duminda, chẳng hay Duminda có biết cây Bồ đề nơi dấu tích Linh Thiêng của Phật ở đâu chăng?

          Duminda nghe vị sư hỏi mình câu đó thì im lặng không trả lời, nhưng bước đi thật nhanh không do dự, qua một nơi với nhiều bậc cấp quanh co và đến nơi có ngôi điện nằm dưới cây Bồ đề.

          Khi vào trong tu viện, Duminda tự nhiên đi qua các phòng như người đã ở đây từ lâu rồi. Đến một phòng khá khang trang gần tu viện, Duminda mở cửa và chỉ vào trong nói với mọi người:

          - Đây là căn phòng mà xưa kia tôi đã ở.

          Các nhà sư có mặt ở tu viện vô cùng kinh ngạc, họ không dám coi thường Duminda, họ tỏ vẻ kính nể ra mặt. Một vị tu sĩ mời Duminda ngồi cho đỡ mỏi nhưng Duminda vẫn đứng yên, chờ cho đến khi có người đem miếng khăn trắng ra phủ lên ghế mới chịu ngồi xuống, vì đó là tục lệ đặc biệt dành cho một vị cao Tăng.

          Duminda lúc bấy giờ mới chững chạc, chậm rãi kể về tiền thân của mình cho mọi người nghe:

          - Trước đây, tôi là một vị sư và đã qua đời sau một lần té ngã xuống đất. Lúc đó tôi cảm thấy đau tức ở ngực thật dữ dội và được chở tới bệnh viện nhưng không thể cứu chữa được nữa.

          Khi một bức ảnh xưa chụp mười hai vị sư được đem ra trao cho Duminda xem thì Duminda nhìn ảnh một hồi lâu, rồi chỉ vào một vị sư đứng trong ảnh và nói:

          - Người này chính là tôi!

          Lúc bấy giờ hai vị sư già và vị cao tăng trong tu viện xem lại người mà Duminda đã chỉ trong bức hình, thì họ đều xác nhận đó chính là vị Sư trưởng của tu viện tên là Ven Gunnepara. Vị này đã qua đời năm 1929. Điều trùng hơp lạ lùng với những gì mà Duminda đã nói trước đó là vị sư trưởng này có của cải, tiền bạc và có một chiếc xe mô tô nữa.

          Duminda còn chỉ cho mọi người thấy nơi mà trước đây mình đã ngủ, nơi treo các quần áo.

          Trước bàn thờ Phật, Duminda kính cẩn quỳ xuống làm lễ và tụng kinh bằng tiếng Pali.

          Có lần một người trong đoàn nghiên cứu hiện tượng Duminda tái sanh đã hỏi: Duminda học những bài kinh tiếng Pali này ở đâu? Thì Duminda trả lời như sau:

          - Tôi không học ở đâu cả.

          Bác sĩ Ian Stevenson đã phát biểu như sau khi nghiên cứu kỹ hiện tượng lạ lùng về cậu bé Duminda:

          - Đây là một trường hợp ly kỳ và lý thú về hiện tượng được gọi là luân hồi tái sanh. Một hiện tượng cho đến nay rõ ràng khoa học chưa có thể giải thích nhưng càng ngày con người càng gặp nhiều hiện tượng tương tợ xảy ra khắp nơi trên thế giới.

          Sự kiện vừa kể trên được xem như trường hợp thuộc về hiện tượng hóa thân trở lại của những vị chân tu để hoàn tất một tâm nguyện như tiếp tục cứu độ chúng sanh chẳng hạn. Và sự kiện này đã trở thành thông thường nơi xứ Tây Tạng.

 

          2.- SỰ TÁI SANH CỦA NHỮNG VỊ HÓA THÂN

          Sự tái sanh luân hồi được hiểu đơn giản là sự đầu thai lại và người Tây Tạng tin tưởng rằng có những vị cao tăng, những vị sư trưởng, khi chết thường có ý nguyện được tái sanh trở lại để giúp đỡ chúng sanh. Các vị Bồ tát mặc dù đã thoát khỏi vòng luân hồi nhân quả nhưng họ vẫn muốn được đầu thai trở lại, để hoàn tất ước nguyện cứu độ những kẻ còn chìm đắm trong mê mờ tối tăm ở cõi thế.

 

Dalai Lama XIV

 

          Danh từ Hoá thân được dịch từ chữ Tulkus và được hiểu như đã nói trên. Thật sự từ Hóa thân chỉ dùng cho những vị Bồ tát còn muốn tái sanh trở lại. Nhiều sách vở đôi khi còn dịch chữ Hóa thân qua từ “Reincarnation”. Từ “Reincarnation” chỉ sự đầu thai lại của tất cả những chúng sanh còn bị nghiệp quả luân hồi tác động. Trái lại từ Tulkus chỉ sự đầu thai trở lại theo ý muốn, vì người đầu thai này thật sự đã thoát khỏi sự ràng buộc của luân hồi. Những vị này sau khi đã đầu thai rồi, họ vẫn ý thức được rất rõ ràng về kiếp trước của mình và biết rằng mình tái sanh trở lại là để thực hiện một ý tưởng vị tha cao cả cho chúng sanh.

          Theo các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng và nhất là những cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng mà chúng tôi may mắn đã có được một tài liệu giá trị của tác giả Phương Dung viết về đề tài này trên báo Hồn Việt và báo Việt Nam (1993), thì từ năm 1419 Tây Tạng đã có truyền thống về sự Hóa thân khi Đại sư Tsong Khapa qua đời. Vị này đã chỉ định Gedun Truppa thay thế mình. Chính vị sư này đã nguyện rằng sau khi chết, sẽ tái sanh trở lại để cứu độ chúng sanh và hoàn tất những gì mình chưa làm xong, cũng như phát triển việc huấn luyện các tu sĩ phái Gelugpas thường được gọi là phái Mũ Vàng, lúc đó đang gặp nhiều khó khăn trở ngại.

          Theo Đại sư Gedun Truppa thì khi hóa thân trở lại trần gian, ông sẽ đầu thai trở lại qua các vị Đạt Lai Lạt Ma. Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, Đại sư đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hàng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt. Ngày sau cứ theo đó mà suy đoán. Sau khi Đại sư Gedun Truppa viên tịch được hai năm, các đệ tử đã thăm dò, theo dõi, tìm kiếm khắp nơi những gì khả dĩ nói lên được sự tái sanh của Đại sư.

          Lúc bấy giờ ở một vùng kế cận thủ đô, có một bé trai mới hai tuổi, nhưng ăn nói và hiểu biết thông thạo như người lớn. Nghe được tin này, các đệ tử của Đại sư đã tìm đến tiếp xúc. Họ thấy đứa bé trả lời những câu hỏi do họ đưa ra rất trôi chảy. Sau đó là cuộc thử thách, họ đặt những di vật của Đại sư Gedun Truppa lẫn lộn với nhiều đồ vật  của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé, rồi hỏi như sau:

          - Hãy cho biết những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?

          Cậu bé nhìn tất cả các thứ, rồi lựa những di vật của Đại sư Gedun Truppa để riêng ra một bên và nói:

          - Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước.

          Các đệ tử vô cùng kinh ngạc, một người nhớ lại bài kệ liền đưa cho cậu bé đọc thử. Không ngờ vào tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé lại đọc được cả bài kệ và còn giải thích luôn những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe.

          Sau khi đã chắc chắn đó là vị Hóa thân của Đại sư Gedun Truppa. Các đệ tử đã rước cậu bé về tu viện và tôn lên làm Sư trưởng với danh hiệu là Gedun Gyatso. Tại tu viện, cậu bé được huấn luyện rất kỹ về giáo lý, quy luật và mọi thứ dành cho một vị sư trưởng sau này. Gedun Gyatso rất thông minh, học một biết mười, có lần cậu bé thấy nhiều người trong tu viện kinh ngạc về trí thông minh của mình, nên đã nói một câu như sau:

          - Thế các người không biết ta chính là Đại sư Gedun Truppa hay sao?

          Về sau, cậu bé đã lớn lên trong tu viện cùng với các tài năng xuất chúng của mình. Lúc bấy giờ ông là một Sư trưởng nổi danh về tài đức, thông suốt mọi kinh điển Phật giáo và đã đi rao giảng, giúp đỡ mọi người từ những làng mạc xa xôi đến những nơi heo hút, khiến mọi người dân ở Tây Tạng đều tôn sùng kính nể. Sư trưởng có nhiều ước nguyện trong vấn đề cứu độ chúng sanh. Nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu thì bị bệnh bất ngờ và qua đời. Trước khi tắt hơi, vị Sư trưởng này đã trăn trối lại là mình sẽ tái sanh lần nữa để mong hoàn tất ý nguyện. Lần này, ông để lại một số di vật khác trước và một bài kệ mới, để các đệ tử dùng trong việc tìm ra người mà Sư trưởng sẽ đầu thai vào.

          Không đầy một năm rưỡi sau, người ta phát hiện được ở một ngôi làng rất xa thủ đô có một cậu bé ra đời trong một gia đình nghèo. Bé này có những cử chỉ và lời nói rất lạ lùng, luôn luôn tỏ vẻ nôn nóng và yêu cầu được về đến tu viện chính để gặp mặt một số vị sư ở đó. Tu viện chính liền cử ba người đến ngôi làng ấy. Khi đi, họ đem theo các di vật của Sư trưởng cùng bài kệ. Trước lúc phái đoàn đến nhà một ngày, cháu bé này đã báo cho gia đình biết là: "Ngày mai sẽ có khách quí đến thăm, hãy chuẩn bị trà nước đón khách".

          Quả nhiên ngày hôm sau phái đoàn tu sĩ của tu viện chính đến, cháu bé đã nhận ra một người trong đoàn, đó là một vị sư già thường lo việc giao tiếp giữa các ngôi chùa, các tu viện. Cháu bé đã hỏi thăm về tình hình ở tu viện cùng những việc mà lúc sanh tiền, Sư trưởng Gedun Gyatso đã biết qua. Các vị sư lại bày ra các di vật của Sư trưởng chen lẩn với những thứ khác vào và yêu cầu cháu bé chọn ra hai đồ vật mà trước đây Sư trưởng Gedun Gyatso thường dùng. Cháu bé đã lấy ra hai vật đúng là của vị Sư trưởng và còn chỉ vào một vật thứ ba mà bảo rằng:

          - Vật này ta thường dùng hàng ngày. Nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo sứt mẻ.

          Riêng bài kệ, cháu đọc thông suốt và còn bảo rằng: "Bài kệ ngày xưa vẫn còn lưu trử tại tu viện chứ?"

          Cháu bé được tôn vinh sau đó làm vị Đại sư tên là Sonaw Gyatso. Đây là vị Đại sư tài ba lỗi lạc còn hơn cả vị Sư trưởng trước. Điều này được các vị Trưởng lão giải thích rằng: qua nhiều lần tái sanh và học hỏi, lần tái sanh sau bao giờ cũng đặc sắc hơn vì đây là một sự tiến hóa, trong đó có sự tiến hóa rõ ràng về kiến thức. Hơn nữa vì sự hóa thân, các vị này luôn luôn tu bồi thêm công quả và sự học hỏi của mình. Đại sư Sonaw Gyatso đã là người tạo sự giác ngộ lạ lùng cho danh tướng hung dữ Đại Hãn và cũng từ đó, tướng Mông Cổ này đã phong Đại sư làm Đạt Lai Lạt Ma và cầu mong Đại sư bảo vệ và giáo hóa cho người Mông Cổ.

          Năm 1588, Đại sư Sonaw Gyatso qua đời, lần này vị Đại sư căn dặn các đệ tử trước khi xuôi tay là mình sẽ lại tái sanh một lần nữa để cứu độ người Mông Cổ. Vị Đại sư đã để lại một số di vật và một bài kệ ngắn để các đệ tử đối chiếu và tìm kiếm người hóa thân.

          Đến khoảng năm 1593, các đệ tử mới tìm gặp một bé trai năm tuổi có những điều rất phù hợp với cuộc thử nghiệm. Đứa bé này được đưa về tu viện và phong danh hiệu là Yonsten Gyatso. Tưởng nên biết rằng bé trai này gốc gác là cháu nội của Đại Hãn Mông Cổ. Về sau, bé trai này trở thành vị Đạt Lai Lạt Ma và chính nhờ vị này mà nhân dân Mông Cổ trải qua được một thời đại vững bền, an cư lạc nghiệp.

          Khi Yonsten Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 này qua đời, các đệ tử lại theo truyền thống như trình bày từ trước để tìm ra người kế vị. Đó là Hóa thân của chính Yonsten Gyatso. Đây là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 danh hiệu là Lobsang Gyatso. Trong đời ngài, cung điện Potala được xây dựng cùng với nhiều tu viện và đào tạo nhiều tu sĩ có nhiều khả năng từ đạo đức đến học vấn. Tây Tạng nhờ đó ngày càng phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt. Các vị Đạt Lai Lạt Ma tuần tự nối tiếp theo phương thức Hóa thân đã cố gắng chăm sóc nhân dân và gìn giữ đất nước được độc lập lâu dài trong suốt mấy trăm năm.

          Nhưng rồi tai họa lại xảy đến cho toàn dân vì Tây Tạng nằm bên áp lực của những nước lớn như Nga và Trung Quốc, ngoài ra còn chịu áp lực của những nước khác nữa. Lúc bấy giờ, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng là Thupten Gyatso đã tìm đủ mọi cách để chống đỡ đất nước, nhưng càng ngày Tây Tạng càng bị ngoại bang dòm ngó. Ngài biết trước thế nào đất nước ngài cũng gặp thảm họa, nhưng ngài lại không thể sống thêm để cứu nguy dân tộc và đạo pháp. Sau khi ngài qua đời, Trung Quốc tung quân xâm lược, đàn áp người dân Tây Tạng và tìm cách triệt hạ tôn giáo.

          Tục truyền rằng, khi vị Đạt Lai Lạt Ma Thupten Gyatso qua đời, nhục thân ngài ở vị thế ngồi tĩnh tọa và được ướp xác theo phương thức cổ truyền. Nhưng sau đó, các vị tu sĩ thấy mặt ngài đã chuyển về hướng Đông Bắc. Vị sư già nhiều kinh nghiệm đã suy ra rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ hướng, nơi mà ngài sẽ lại tái sanh. Từ đó cuộc tìm kiếm vị Hóa thân của ngài được tiến hành. Phái đoàn lên đường nhằm hướng Đông Bắc mà đi. Trên đường họ thu thập thêm các sự kiện có liên hệ. Một hôm, họ nghe đồn về một cháu trai độ ba tuổi rất thông minh và thường nhắc đến các vị sư cũng như thích kinh điển. Phái đoàn đến ngôi nhà đó. Đây là một ngôi nhà xây bằng đất, tọa lạc bên một cây cổ thụ xum xuê. Khi phái đoàn bước vào thì gặp cháu bé. Cháu bé rất vui mừng khi thấy các nhà sư vào nhà mình nên chạy vội đến và ngồi lên đùi một vị Trưởng lão hòa thượng, vì vị này có đeo một chuỗi hạt rất đẹp. Vị sư hỏi:

          - Tên người là gì?

          Cháu bé đáp:

          - Tôi là Lhamo.

          Vị sư lại chỉ một nhà sư đứng bên cạnh và hỏi:

          - Đây là ai?

          Cháu bé đáp:

          - Đây là Lạt Ma Scra.

          Phái đoàn đã biết được phần nào kết quả khi trắc nghiệm cháu bé Lhamo, nhưng họ còn phải tìm hiểu thêm nữa trước khi quyết định tháp tùng Lhamo về tu viện. Lần sau, họ đưa ra một số xâu chuỗi khác nhau và yêu cầu Lhamo phân biệt thử xâu chuỗi nào là của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 thường dùng. Lhamo liền bước đến dùng tay gạt những xâu chuỗi không đúng của đức Đạt Lai Lạt Ma ra và chỉ giữ lại xâu chuỗi của ngài đã dùng trước đây. Các vị tu sĩ đều kinh ngạc vì quả thật xâu chuỗi đó chính là xâu chuỗi của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Các cuộc trắc nghiệm kế tiếp đều được Lhamo làm đúng hoàn toàn. Do đó, phái đoàn quyết định đưa Lhamo về kinh đô. Mặc dù đường sá khó khăn, lại thêm quân đội Trung Cộng gây cản trở, nhưng cuối cùng phái đoàn cũng đưa được Lhamo về cung điện Potala. Đến lúc gần năm tuổi, bé Lhamo chính thức được tôn vinh là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14. Trong suốt 20 năm, vị Phật sống này phải được huấn luyện kỹ càng về mọi mặt. Tuy nhỏ tuổi nhưng ngài phải qua nhiều cuộc thử thách cam go về giờ giấc, học hành và nhất là thực hành các pháp môn và giáo lý Phật giáo... trong khi đó tình hình chính trị không yên, Trung Quốc tìm đủ cách để gây hấn. Vì thế năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã phải trong đêm khuya trốn khỏi điện Potala để vượt biên giới đến lánh nạn ở Ấn Độ.

 

Karmapa XVII

 

          Trên đây là những giai đoạn Hóa thân của những đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng. Thật sự thì việc hóa thân được xem như khởi đầu từ Đại sư Gedun Truppa trở đi.

          Khi một vị Đạt Lai Lạt Ma qua đời, vị này thường có ước nguyện hóa thân để được tái sanh trở lại. Việc đi tìm cho đúng ai là người hóa thân của những vị này là cả một vấn đề rất khó khăn. Đôi khi phải mất ba, bốn năm hay hơn mới tìm ra được vị Hóa thân. Vì thế, mỗi khi một vị lãnh đạo cao cấp của Tây Tạng qua đời thì họ sẽ đầu thai trở lại.

          Mới đây, các vị sư Tây Tạng trú tại Ấn đã lưu ý đến trường hợp một cậu bé năm tuổi tên là Simon Heh, cậu này có lời nói và cử chỉ rất lạ lùng. Khi gặp tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel, 62 tuổi (Viện trưởng của Trung Tâm Phật giáo Tây Tạng ở San Diego), cậu bé đã bước tới nói một câu rất tự nhiên:

          - À! Tôi biết ông, nhưng có lẽ ông không nhận ra tôi? Chính tôi là người mà ông thường kề cận.

          Lúc đầu tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel cứ tưởng cậu bé tập nói theo kiểu người lớn, nhưng khi ông này cúi xuống nhìn vào mắt cậu bé và hỏi lại một câu rằng: "Vừa rồi Simon đã nói gì?" Thì bé vẫn trả lời: "Tôi biết ông!" vừa nói, Simon vừa đưa tay mân mê chiếc càm của tu sĩ Geshe tỏ vẻ thân mật vô cùng.

          Vị tu sĩ này sau đó trở lại hỏi người trong gia đình này về trường hợp của bé Simon thì được cha mẹ Simon cho biết thêm chi tiết như sau:

          - Bé Simon rất khác thường nếu so sánh với các trẻ con khác. Suốt ngày Simon chỉ ngắm trời mây, đi dạo trong nhà hay trong sân. Ít thích chơi đùa nghịch ngợm. Thường tư lự như một người đứng tuổi. Mới đây Simon lại có các biểu hiệu lạ lùng như tự nhiên nói những lời tiên tri. Có lần Simon khuyến cáo trong nhà không nên nghe lời người hàng xóm để đi xa vì sự thật nơi đó chẳng có gì. Lần khác Simon bảo người cha nên ở nhà trong một ngày mà Simon bảo ngày ấy là ngày xấu cho ông. Quả nhiên hôm đó, chỗ ông định tới lại bị lụt lớn gãy cầu, nếu ông đi thì sẽ bị kẹt lại đó một thời gian.

          Cậu bé Simon sanh tại Nam California Hoa Kỳ và đã tình cờ gặp tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel, khi vị này đến thăm Victoville thuộc vùng sa mạc Nam Cali. Sau khi thấy ở bé Simon những biểu hiệu lạ lùng, vị tu sĩ này trở về và hôm sau nằm mộng thấy vị thầy của mình thuở trước. Đó là Lạt Ma Lobsang Phakpa, người đã viên tịch tại Trung Quốc vào đầu thập niên 1950. Trong giấc mơ, vị Lạt Ma này như có điều gì nhắn gởi với tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel. Khi vị tu sĩ giật mình thức dậy, ông tự nhiên có ý nghĩ rằng có lẽ bé Simon là Hóa thân của Lạt Ma Lobsang Phakpa chăng? Vì ngày xưa tu sĩ Geshe Lobsang  thường sống gần gũi bên vị Lạt Ma này và vị này mỗi khi nói điều gì cũng thường hay lấy tay sờ hay ấn vào cằm tu sĩ Geshe Lobsang giống như bé Simon đã làm. Sau đó, vị tu sĩ này đã viết một bức thư đầy đủ chi tiết gởi về Ấn Độ để thỉnh ý quý vị lãnh đạo tu viện cũ có liên hệ với Lạt Ma Lobsang Phakpa.

          Sau một thời gian tìm hiểu, trắc nghiệm, quý vị trong ban lãnh đạo tu viện đã quyết định gởi bé Simon qua Ấn Độ để tìm hiểu thêm và nếu quả thật thì bé Simon sẽ được giáo dục theo phương pháp và chương trình giáo dục của Tây Tạng.

          Chúng ta cần biết thêm là trước đó vài năm, tại Tây Ban Nha người ta cũng phát hiện một cháu bé được nghi ngờ là một Hóa thân của một vị Lạt Ma. Và năm 1992 người ta cũng phát hiện được một bé trai có cử chỉ và lời nói hoàn toàn giống đức Phó Tăng Thống Tây Tạng. Sau đó đức Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý gởi bé qua Ấn Độ tìm hiểu thêm, đó có phải là một Hóa thân của vị Tăng Thống ấy không.

 

(Trích từ cuốn: Tiền kiếp và Hậu kiếp của tác giả Đoàn Văn Thông,

Nhà xuất bản: Nguồn Sống, 1993).

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử       Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh        Pháp Âm        Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003

Hit Counter

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)