TRANG CHỦ

TRANG CHỦ

Many do not know that we are here in this world to live in harmony. Those who do know this do not fight against each other. (The Dhammapada, chapter 1, verse 6)

..

 

ĐỨC PHẬT ĐÃ CỨU SỐNG TÔI

Nguyên tác: Eiko Sugimoto

Chuyển ngữ: Hoà thượng Thích Trí Chơn

 

Lời người dịch: Dưới đây là một câu chuyện thực, rất cảm động, xảy ra tại Nhật Bản nhiều năm trước đây. Bà Eiko Sugimoto, mắc chứng bệnh Minamata, toàn thân bị tê liệt gây nên bởi  sự dùng thức ăn cá, tôm, cua v.v.. trong biển bị ô nhiễm chất độc thủy ngân do các hảng xưởng chế tạo hóa phẩm phế thải ra. Trong lúc tuyệt vọng chờ chết nhờ sự hướng dẫn của người thân bà gia nhập “Lập Chánh Giao Thành Hội” (Rissho Kosei-Kai), một tổ chức Phật Giáo lớn tại Tokyo ra đời năm 1938, do ông Nikkyo Niwano sáng lập và làm Chủ Tịch. Hội lấy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa làm căn bản tu học. Bà Sugimoto, sau nhiều tháng ngày thành tâm tụng kinh cầu nguyện và nhờ sức nhiệm mầu gia hộ của đức Phật, cuối cùng bà ta đã lành bệnh.

 

Vào lúc hừng đông, tôi nằm mơ thấy đức Phật với tướng hảo trang nghiêm rực rỡ, Ngài dang hai tay ra ôm tôi vào lòng. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ rõ giấc chiêm bao này. Lúc ấy, tôi đang mắc chứng bệnh Minamata gây nên bởi sự nhiễm độc hóa chất thủy ngân. Sau một thời gian lâu nằm chữa trị tại  bệnh viện, các bác sĩ đành chịu bó tay, và tôi bị tê liệt hẳn khi trở về nhà. Trải qua bốn năm, trong tình trạng bại xụi này, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn khi cử động. Da thịt nơi thân thể tôi trở nên tím bầm và sưng phù lên. Chân tay tôi không thể co duỗi dễ dàng và tôi cũng không còn cách nào tự mình lăn qua hay trở lại gì được. Tôi nằm liệt trên giường bất động như một khúc gỗ.

Tôi không còn thích sống trong bệnh tật nữa. Tôi mong được chết sớm một cách an lành. Tôi thực sự muốn từ giã cõi đời, vì tôi đã từng chứng kiến sự đau đớn vào những ngày cuối cùng của nhiều người không may mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo Minamata.

Ba tôi cầm đầu một nhóm ngư phủ từ ba mươi đến bốn mươi người. Năm 1969, ông ta đã chết vì bệnh Minamata. Sau ngày ba tôi qua đời, rất ít người đến thăm gia đình tôi. Tuy nhiên, vào buổi chiều ngay cái hôm tôi nằm chiêm bao thấy đức Phật, một người bạn đã đến thăm tôi. Ông ta tên là Tetsuya Seki, một hội viên của Lập Chánh Giao Thành Hội (Rissho Kosei-Kai). Sau khi nghe ông Seki thuyết giảng về việc cầu siêu cho người quá cố, tôi nhận biết rằng có thể ông ta là sứ giả của đức Phật mà tôi đã nằm mộng thấy hồi sáng nay. Do sự khuyến khích của ông, tôi liền xin gia nhập Hội Phật Giáo Rissho Kosei-Kai vào tháng 5 năm 1972.

Cuộc gặp gỡ đạo hữu Seki đã mang tôi lại gần với đức Phật, nhưng vẫn không chấm dứt được sự đau đớn vì chứng bệnh của tôi. Những ngày tháng tiếp theo là sự tranh đấu không ngừng. Tôi thực sự thành tâm tụng kinh cầu nguyện đức Phật từ bi gia hộ. Vì chân tay tôi không thể nào cử động, nên chồng tôi đã giúp cầm mở cuốn kinh ra cho tôi thầm lặng chí thành tụng niệm, trong khi đầu tôi đau nhức như búa bổ, sắp vở tung và tôi cũng không thể nói năng gì được.

Từ nhà đạo hữu Seki đến nơi tôi ở mất hai giờ rưỡi lái xe, nhưng ông ta đã không ngại đường sá xa xôi, vẫn thường đến thăm và an ủi tôi mỗi ngày. Cuốn sổ ghi pháp danh các hương linh quá cố của Chi Hội chúng tôi ban đầu chỉ có một, sau đó tăng lên hai tập, vì tôi nhận làm công tác cầu nguyện cho những Phật tử đã không may qua đời vì bịnh Minamata cũng như các ngư phủ bị tai nạn chết ngoài biển cả.

Do sự khuyến khích của đạo hữu Seki và chồng tôi, mỗi sáng chiều tôi tiếp tục cầu nguyện, và tôi cảm thấy bệnh tôi lần lần thuyên giảm, có thể cử động chút ít thân hình bại liệt của tôi. Cuối cùng tôi có thể ngồi dậy được trong khoảng thời gian ngắn. Sau hơn một năm, tôi nghe tin chi bộ Hội Phật Giáo của tôi dự định sẽ tổ chức một phái đoàn hành hương lên viếng thăm ngôi bảo điện trang nghiêm tại trụ sở ngôi chùa trung ương của Hội Rissho Kosei-Kai ở Đông Kinh (Tokyo). Tôi tự nghĩ biết rằng tôi không thể đi đứng bình thường được, nhưng hy vọng dù thế nào, tôi cũng sẽ cố gắng tham dự cùng đi chung với phái đoàn; vì tôi ước mong ít nhất một lần trong đời mình đựợc cầu nguyện ngay tại chánh điện thờ Phật của ngôi chùa Hội quán trung ương đó.

Để giúp tôi thành tựu điều mong ước này, toàn thể hội viên trong Chi bộ Lập Chánh Giao Thành Hội (Rissho Kosei-Kai) tại thành phố Yatsushiro đã hết lòng cầu nguyện cho tôi. Đại đức chi bộ trưởng Akihiro Kuga cũng đã khuyến khích tôi nên tham gia cùng đi với phái đoàn. Đại đức nói: “Này, đạo hữu Sugimoto, tôi nghĩ nhân dịp này đạo hữu nên trình bày trước đại hội ở hội quán trung ương cho mọi người biết những kinh nghiệm bản thân đạo hữu về sự mầu nhiệm của niềm tin cầu nguyện nơi đức Phật”. Cuối cùng, tôi đã thực hiện chuyến đi hành hương lên Tokyo.

Tôi được sắp xếp nằm ở chiếc ghế dài trên một chuyến xe lửa đặc biệt. Ngày sau, trong hơi thở hổn hển, tôi được chồng và chú tôi giúp đỡ dìu bước lên những bậc cấp để đi vào chánh điện tại ngôi chùa hội quán trung ương. Tôi nghe tiếng nói “Kính chào quý vị vang lên trong tai và xâm nhập vào lòng tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn lên thấy trước mặt mình chính đức Phật mà tôi đã nằm chiêm bao thấy hơn năm trước tại nhà tôi. Tôi reo lên: “Lạy Phật, hôm nay con tới đây với Ngài rồi!”. Quá xúc động, nước mắt tôi chảy ràn rụa, và tôi cứ để cho những dòng lệ tiếp tục chảy như thế. Lúc ấy, tôi cảm thấy lòng mình thanh tịnh và trong giây lát, như từ nơi bóng tối, tôi đã thoát ra ngoài ánh sáng. Những cơn đau đớn dữ dội hành hạ vì chứng bịnh của tôi từ nhiều năm qua, giờ đây dường như đã biến mất. Tôi cảm thấy thân thể trở nên khỏe mạnh và tinh thấn vô cùng vui vẻ, thoải mái.

Tại hội trường “Phổ Môn” với đông đảo Phật tử trong phái đoàn hành hương của tôi đang họp mặt, tôi được đạo hữu trong Ban Quản Trị của chùa mời lên phát biểu cảm tưởng. Lúc ấy mầu nhiệm thay, tôi đã có thể một mình đứng lên được mà không cần ai nâng đỡ. Trước sự hiện diện của hàng trăm thiện nam tín nữ, tôi đã phát biểu ngắn gọn như sau: “Tôi cảm thấy đức Phật đối với tôi giờ đây thực hết sức nhiệm mầu! Nhiều người đang đau khổ cùng cực vì mắc phải chứng bịnh Minamata. Tôi mong rằng quý vị sẽ giúp đỡ để một ngày nào những bệnh nhân bất hạnh đó cũng sẽ có được cùng niềm tin Phật Pháp như tôi hôm nay”. Tiếp theo là những tràng pháo tay nổ dòn từ các thính giả vang lên như phá vỡ sự yên lặng của cả hội trường, trong lúc lòng tôi cảm thấy vô cùng sung sướng vì lần đầu tiên sau những tháng năm dài đau ốm, tôi đã đứng dậy được một mình, không phải nhờ người khác giúp đỡ. Từ Tokyo trở về nhà, tôi bước ra khỏi xe lửa mà không cần ai phụ giúp. Những người đến tiếp đón tôi thấy vậy đều kinh ngạc.

Từ hôm ấy, tôi đã dành hết thì giờ chú tâm vào việc đến thăm những người mắc bệnh Minamata và giảng cho họ thấy rõ sự cao siêu nhiệm mầu của giáo lý đức Phật, cùng mọi phước đức trong việc cầu nguyện cho người quá cố, ông bà tổ tiên. Công tác Phật sự này đã trở thành lẽ sống và nguồn vui của tôi.

Bịnh Minamata đã mang lại sự đau đớn khủng khiếp cho nhiều người và tệ hại hơn nữa là không có thuốc gì chữa lành hẳn được chứng bịnh này. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi thấy nhiều bệnh nhân mà tôi đến thăm, họ tỏ ra vô cùng xúc động. Họ thường hỏi tôi: “Ai bảo bà đi làm công tác này?”. Khi họ nhận biết rằng tôi đã từng đau khổ vì mắc phải cùng chứng bịnh và hiện tại tôi đã ráng sức di chuyển cái thân thể yếu đuối của tôi để đến thăm họ thì tất cả đều thông cảm. Nhiều bệnh nhân dần dần đã nghe tôi quay về theo giáo lý của đức Phật.

Khi khuyến khích, hướng dẫn các bệnh nhân gia nhập Hội Phật giáo Rissho Kosei-Kai, tôi nhận thấy rằng tôi đã có thể làm một công việc phước đức giúp đỡ cho những kẻ khác. Điều đó đã nâng cao tinh thần tôi và tôi cảm thấy sống qua những ngày thực sự hạnh phúc.

Mười bốn năm đã trôi qua kể từ hôm đầu tiên tôi quỳ xuống cầu nguyện đức Phật qua tiếng khóc nức nở tại chánh điện của hội quán trung ương Lập Chánh Giao Thành Hội ở Tokyo. Từ đó, tôi lần lần được chữa lành khỏi bịnh Minamata. Tôi tìm thấy qua sự luyện tập các vũ điệu dân tộc như phương cách hữu hiệu nhất trong việc phục hồi sức khỏe của thân thể. Có người bảo rằng tập vũ đối với các bịnh nhân Minamata là điều không tốt, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì nó lại rất là hữu ích.

Tôi tập múa như một đứa trẻ, chồng tôi có lần bảo: “Anh sẽ đi mua cho em một cái quạt dùng để múa thật đẹp và mướn một vũ sư để dạy cho em”. Tôi đã cảm động khóc, khi nghe chồng tôi nói như vậy. Từ đó, tôi cố gắng hết lòng tập múa, nhưng điều ấy không phải dễ. Đầu tiên tôi đi tới một bước lại té xuống, rồi tiếp đi bước thứ hai lại ngã xuống nữa. Nhưng tôi đã tự khuyến khích mình bằng cách quán tưởng rằng đức Phật như đang nhìn tôi múa hát và tôi tiếp tục gắng sức để tập múa cho được.

Gần đây, tôi đã có thể chèo thuyền với chồng tôi ra biển Shiranui và theo đuổi những đàn cá bạc óng ánh lội ngoài khơi, cánh tay tôi không còn cảm thấy đau nhức và lòng tôi tràn đầy hạnh phúc. Được nuôi dưỡng lớn lên giữa tiếng gào thét của sóng biển như điệu hò ru con dưới bầu trời trong xanh của vùng đảo Kyushu nên tôi đã vô cùng yêu thương biển cả.

 

Trích từ tạp chí “Dharma World”

 

Dưới đây là lời bình luận của ông Kinzo Takemura, Giám đốc Hội Phật Giáo Rissho Kosei-Kai tại Tokyo (Nhật Bản) về bài viết trên của đạo hữu Eiko Sugimoto.

 

Các độc giả đều hiểu rõ sự việc liên quan đến chứng bịnh Minamata qua loạt bài đăng ở tạp chí này về “Thảm trạng của bịnh Minamata” nhưng nay tôi sẽ tóm lược lại hậu quả khốc hại của nó để chúng ta có thể hiểu biết trực tiếp và sâu xa hơn những kinh nghiệm bản thân qua bài viết trên của bà Sugimoto.

 Minamata là chứng bệnh gây nên do bệnh nhân ăn nhằm chất độc thủy ngân, thường thấy xảy ra tại khu vực trong vịnh Minamata thuộc quận Kumamoto (Nhật Bản). Chất hữu cơ thủy ngân (organic mercury) này được phế thải ra ngoài vịnh Minamata qua những dòng nước bẩn từ các hãng xưởng chế tạo hóa phẩm gần đó. Những tôm cua và cá trong vịnh Minamata đã nuốt chất thủy ngân, và chất độc thủy ngân trong thức ăn hải sản mà dân chúng dùng đến đã phá hoại hệ thống thần kinh, khiến bệnh nhân có thể bị mù, điếc, và khó khăn trong sự cử động, nói năng.

Năm 1983 có 2653 trường hợp về chứng bệnh Minamata xảy ra được chính thức ghi nhận và khoảng 730 người đã chết vì bịnh này. Đầu tiên, các hãng xưởng trong vùng đó từ chối nhận trách nhiệm gây ra sự ô nhiễm. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy chứng bệnh đã phát triển, xảy ra giống nhau ở quận Niiagata nên chính phủ Nhật đã xác quyết sự ô nhiễm chất thủy ngân trong biển là nguyên nhân gây nên bịnh Minamata.

Trường hợp tương tự của chứng bịnh này gây nên bởi vùng biển ô nhiểm chất thủy ngân cũng đã thấy xuất hiện ở Ontario, Canada vào năm 1975. Bịnh Minamata còn thấy xảy ra tại Ấn Độ, nơi dân chúng sống gần vùng nước sông bị nhiễm chất thủy ngân gây nên bởi các hãng xưởng chế tạo hóa phẩm; và tại khu dân cư sinh sống dọc bờ biển trong vịnh Djakarta ở Indonesia.

Do đó, chúng ta nên nhận thức rằng sự việc mà bà Sugimoto kinh nghiệm trải qua, đã nêu lên một vấn đề quan trọng không chỉ cho riêng cá nhân bà ta mà toàn xã hội của chúng ta. Nền văn minh khoa học hiện đại đã giúp chúng ta có một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất hơn, nhưng chúng ta đừng quên rằng mặt khác nó cũng gây hậu quả tai hại khủng khiếp: sự làm ô nhiễm và phá hoại môi sinh qua câu chuyện bà Sugimoto kể trên. Chúng ta cần ý thức sâu xa về những nguy hiểm gây nên do bởi sự tiến bộ khoa học đã vượt quá sự tiến bộ tinh thần. Vì nhân loại là một phần của thiên nhiên, nên khi hủy diệt thiên nhiên tức chúng ta sẽ hủy diệt nhân loại.

Sự cải đổi chính bản thân và quan niệm sống của chúng ta là điều hết sức khó khăn. Hình như chúng ta không muốn theo lời Phật dạy để tu tỉnh khi đời sống của chúng ta diễn tiến êm xuôi, gặp nhiều may mắn. Chúng ta chỉ thực sự tu tập khi trong cuộc sống chúng ta gặp phải những vấn đề khổ đau không thể giải quyết. Do đó, chúng ta dễ dàng hiểu biết trường hợp của đạo hữu Sugimoto đã phát tâm tinh tấn tu hành khi bà ta mắc phải chứng bệnh ngặt nghèo khó chữa trị Minamata.

Sau một thời gian cầu nguyện, chí thành tụng kinh niệm Phật, bệnh của bà Sugimoto đã lần lần thuyên giảm. Bà đã phục hồi, thoát khỏi tình trạng bị tệ liệt hoàn toàn, và có thể tập múa các vũ điệu dân tộc mà bà ta ham thích. Cuộc sống của bà đã trở lại gần như bình thường. Làm thế nào bà đã có được sự bình phục kỳ diệu này? Ngay sự hiểu biết thông thái của nhà tâm thần học Thụy sĩ, ông C.G.Jung (1875-1961) cũng không tài nào giải thích nổi.

Cho nên, một điều giản dị chúng ta có thể nói là chúng ta cần phải biết tri ân thế giới thiên nhiên đang bao bọc chúng ta và nên tìm cách sống hòa hợp với thiên nhiên.

 

Phỏng viết theo bài “Respect For Nature Is Vital To Our Well-Being” (Tôn trọng Thiên Nhiên là điều thiết yếu cho Hạnh Phúc của chúng ta) của Cư Sĩ Kinzo Takemura, đăng ở tạp chí “Dharma World” phát hành tại Tokyo (Nhật Bản)

 

..

www.lebichson.org xin chân thành tri ân các tác giả, dịch giả có bài viết đăng tải trên trang nhà nhằm phổ biến Đạo Phật đến với mọi người! Kính chúc quý vị luôn được an bình - thịnh vượng - sức khoẻ & thành công! With best regards and profound gratitude to distinguished writers and translators who have their excerpts posted in this homepage for the purpose of disseminating the Buddha’s teachings!  Wish your life is filled with peace, prosperity, contentment and success!

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử       Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh        Pháp Âm        Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003

Hit Counter

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)