TRANG CHỦ

TRANG CHỦ

Many do not know that we are here in this world to live in harmony. Those who do know this do not fight against each other. (The Dhammapada, chapter 1, verse 6)

..

 

KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC!

Diệu Trân

 

        “Không có gì là rác!” (*)

        Đó là bài học đầu tiên Đại Sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử ông vừa thâu nhận, sau này chính là thiền sư Soko Morinaga, nổi tiếng của xứ Phù Tang.

        Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua cuộc vật lộn cam go đó khi bao-tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

        Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được Đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

        - Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

        Tất nhiên Soko trả lời:

        - Con xin hết lòng tin tưởng Sư-phụ.

        Đại-sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

        - Theo ta.

        Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, Đại-sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

        - Quét dọn vườn.

        Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ Đại-sư đã thâu nhận mình.

        Công việc quét vườn thì có chi là khó. Soko hăng hái quét, quét, và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

        - Bạch Thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

        Bất ngờ, Đại-sư quát lên:

        - Rác? Mi nói chi? Không có gì là rác cả, đồ ngu!

        Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì Đại-sư lại sai:

        - Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.

        Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy Đại-sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

        - Mở rộng miệng bao ra.

        Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại dậm dậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

        - Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

        Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

        - Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

        Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy Đại-sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

        - Có thấy hàng hiên ngay dưới ống máng sối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa từ máng sối xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.

        Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

        Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu lên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đất, từ tốn trám vào.

        Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

        Điều này, sau tháng tư 1975, dân chúng Việt Nam cũng đã biết rõ, không ai phải lặn lội tới tìm Đại-sư Zuigan Goto học đạo mới biết “rác không phải là rác”. Bao ny-lông bẩn đã dùng, giấy báo rách bươm, nhầu nát, ống bơ rỉ, thanh củi mục … bất luận cái gì còn chút hình thù cũng nhặt, cũng bán. Mà thật ra đám người mua cũng chẳng khá hơn gì người bán. Thượng vàng hạ cám cái gì cũng mua rồi vận dụng tiểu xảo, cố sáng chế ra “cái gì đó” tạm dùng được để lại đem bán. Người lớn, trẻ nhỏ đổ xô ra đường, lê la gầm cầu xó chợ, mải mê lượm rồi lặt, mong rác đó đổi được chén cơm là quá hạnh phúc, mà nếu chỉ được chén cháo cũng đỡ lòng.

        Nhưng “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” đã hơn ba mươi năm rồi, quý vị lãnh đạo ngày xưa kham khổ cùng dân, nhà tôn áo vá, gạo đong từng kí, thịt cá họa hoằn xuân thu nhị kỳ mới nếm, tiền xu chắt chiu lận túi từng đồng; Nay trương mục nhà băng sáu số là chuyện nhỏ, biệt thự mênh mông hào nhoáng là chuyện thường, cái ăn sơn hào hải vị là cơm bữa, cái chơi tung bạc qua cửa sổ cũng là … chơi thôi.

        Nhưng đại đa số dân chúng sao vẫn lượm rác gầm cầu xó chợ vậy???

        Những tin tức đọc được trên báo chí cho thấy sự biến dạng đáng ngại của những tỉnh lỵ đẹp đẽ, thơ mộng ngày xưa.

        Cần Thơ là một thí dụ.

        Ngày xưa, tôi may mắn đã từng ghé nhà người bạn cùng sở khi chị về quê thăm cha mẹ. Nhà chị ở Quận Ninh Kiều, có rạch Cái Khế uốn khúc lượn quanh, nước trong xanh, cá tôm chẳng thiếu. Bây giờ, theo bài báo, cũng chính con rạch ấy là nơi tiếp nhận cống rãnh của nhà cửa nườm nượp dựng lên xung quanh, qua chương trình đô-thị-hóa. Lẽ dĩ nhiên, chỉ những kẻ tai to mặt lớn hay có cơ hội đút lót, làm ăn buôn bán mới mua được những nhà này. Dân quê bị đẩy lui dần, nay chỉ còn khoảng 150 nhà sàn ọp ẹp ven sông và những gia đình sống chui rúc trong những khoang thuyền, ngay nơi rạch nước cống đen ngòm, hôi hám ấy.

        Họ sống bằng gì?

        Chúng ta dễ dàng tìm ra câu trả lời khi bài báo đề cập tới những trẻ nhỏ mười một, mười hai tuổi mà chẳng biết tên thật mình là gì. Chúng nó được gọi là con Mít, thằng Cu, bé Ba, bé Tư. Hàng ngày, chúng chờ tan phiên chợ nghèo An Nghiệp là dắt díu nhau chui xuống gầm chợ, men theo cống rãnh lượm bao ny-lông, rau trái dập, đầu cá ươn… Lẽ tất nhiên chúng chưa từng biết đến danh từ “trường học”. Chúng đi lượm rác cả ngày ở những nơi hôi hám, chỉ mong tìm được những gì mang về cho bố mẹ đổi lấy chén cơm vơi là vui rồi.

        Thì thôi, theo tinh thần bài học đầu tiên Đại-sư dạy đệ tử Soko, nếu rác chuyển thành thứ hữu dụng thì rác không phải rác. Nhưng cái đau đớn là tinh thần những đứa trẻ lượm rác đó bị hủy diệt tận gốc rễ. Khi phóng viên, nhà báo lân la hỏi thăm tình trạng gia đình chúng để viết bài thì chúng sợ dúm người lại. Nhà báo hỏi “tại sao sợ quá vậy? tôi có làm gì các em đâu”, thì hai chị em tên là Bé Ba và Tý Anh, run rẩy nói rằng: “Chị không phải là công an đến bắt chúng em chứ? Chị không đến đuổi ghe bố mẹ chúng em chứ?”

        Tôi nhớ không lầm thì khi Đại-sư Zuigan Goto dạy đệ tử bài học “không có gì là rác”, Ngài còn nói rõ rằng “Từ vô thỉ đến nay, dù người hay vật, đều không có gì là rác cả”.

        Nếu Đại-sư chứng kiến được cuộc đời của những NGƯỜI sống bằng RÁC ở Việt Nam hiện nay, e rằng Đại-sư sẽ suy nghĩ lại câu từng nói. Vì rác có thể không là rác khi rác còn đổi được chén cơm manh áo cho người. Nhưng Người-Dân-Cùng-Khổ thì rõ ràng lại đang là Rác vì những kẻ quyền thế có thể bắt, nhốt, đuổi, quăng, vứt họ đi đâu đó, bất cứ lúc nào.

        Lời nói ngây thơ tội nghiệp của trẻ nhỏ không là thông điệp rõ ràng nhất gửi tới lương tâm nhân loại hay sao?

        

Diệu Trân

       

           (*) There Is No Trash

                 Nguyên tác: Soko Morinaga.

..

www.lebichson.org xin chân thành tri ân các tác giả, dịch giả có bài viết đăng tải trên trang nhà nhằm phổ biến Đạo Phật đến với mọi người! Kính chúc quý vị luôn được an bình - thịnh vượng - sức khoẻ & thành công! With best regards and profound gratitude to distinguished writers and translators who have their excerpts posted in this homepage for the purpose of disseminating the Buddha’s teachings!  Wish your life is filled with peace, prosperity, contentment and success!

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử       Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh        Pháp Âm        Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003

Hit Counter

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)