![]() |
||
TRANG CHỦ |
www.lebichson.org |
.. |
ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ… Sau loạt bài viết của Thầy Thích Giải Hiền đăng tải trên Trang nhà Quảng Đức về những khó khăn đối với Tăng ni Việt Nam sang du học tại Trung Quốc, cũng như những hiện trạng “đối xử” của một số “giai cấp” ở Trung Quốc đối với “thành phần” Phật giáo; một số huynh đệ hiện lưu học tại Đại học Delhi đã đến gặp tác giả bài viết này đặt câu hỏi: “Liệu rằng thầy Giải Hiền có quá “phóng đại” vấn đề?”. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi, xin kể lại một vài mẫu chuyện có thật sau đây mà chính tác giả là “người trong cuộc” gặp phải khi thực hiện chuyến hành hương đến Trung Quốc trong tháng 03 năm 2003 này. TRƯỚC NGÀY KHỞI HÀNH Trước khi quyết định tiến hành
bất kỳ công việc gì, vấn đề tìm hiểu và tổng hợp thông tin là điều cực kỳ
quan trọng, nếu không muốn nói rằng “không thể thiếu”. Sau khi chọn đề tài
nghiên cứu có liên quan đến “Phật giáo Trung Hoa”, tác giả bài viết này quyết
định đến Trung Quốc thực hiện công việc “khảo sát thực tế”, cũng như sưu tập
tài liệu cho Luận văn của mình với một lượng thông tin ít ỏi về Trung Quốc,
nhưng cũng không kém phần quan trọng. Vào khoảng tháng 7 năm 1999,
trong một lần tiếp xúc với thầy Thích Minh Nhẫn – Du học Tăng Việt Nam tại
Trung Quốc – tại Toà soạn Báo Giác Ngộ,
thầy Minh Nhẫn đã kể lại không ít những khó khăn gặp phải trong thời gian Thầy
lưu học tại Trung Quốc. Câu chuyện rất dài, chỉ xin ghi lại nơi đây một số vấn
đề vắn tắt xảy ra với hầu hết Tăng ni tại Trung Quốc, do thầy Minh Nhẫn kể lại
như sau: Việc sử dụng máy tính cá nhân và điện thoại luôn bị kiểm soát chặc
chẽ bỡi những cảnh sát địa phương, vấn đề sử dụng internet cũng bị kiểm tra
nghiêm ngặt, không có bất kỳ bóng dáng một Tăng ni Trung Quốc nào ở các Đại học
công lập & dân lập tại Trung Quốc (Tăng ni chỉ được phép đến các Phật học
viện), việc cư trú của Du học Tăng Việt Nam luôn bị kiểm tra và sách nhiễu.v.v.
Tháng 01 năm 2003, bên cạnh những thông tin của thầy Minh Nhẫn, chúng tôi tìm
đến người bạn Trung Quốc cùng lớp tên Ch. L. (xin dấu tên, sang Ấn Độ tu nghiệp)
– hiện là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Sanskrit thuộc Trường Đại học
Bắc Kinh – để tìm hiểu về tình hình
sinh hoạt ở Trung Quốc và những thông tin chuẩn bị cho chuyến đi. Quan ngại
trong việc trả lời các câu hỏi về thực trạng tôn giáo tại đất nước mình, Ch.
L. chỉ “bật mí” đôi điều như sau: “Ngày nay, hầu hết các tự viện ở Trung
Quốc đều nằm dưới sự quản lý của nhà nước Trung Quốc, mọi sinh hoạt tôn giáo đều
do nhà nước quyết định. Tất cả các tín đồ Phật giáo khi đến chùa đều phải mua
vé vào cổng. Tăng ni không được phép học tập, nghiên cứu tại các Trường Đại học
công lập, đa số Tăng ni ở Trung Quốc sống đời sống “ẩn cư”, rất ít khi gặp
Tăng ni trên các đường phố hoặc nơi công cộng .v.v.”. Xa hơn nữa, Ch. L.
khuyên chúng tôi nên “cải trang” mới có thể dễ dàng đi lại ở Trung Quốc, và
người bạn Trung Quốc này kết thúc câu chuyện với lời nhắn nhủ: “Những thông tin này có thể sẽ làm Thầy cảm
thấy sốc (shock), nhưng đó là sự thật. Hãy chuẩn bị tâm lý và nhớ mang theo
“Tỳ kheo chứng” (Chứng nhận Tỳ kheo) để khỏi phải bị rắc rối”. Chúng
tôi tiến hành thủ tục xin visa nhập cảnh, và lên đường sang Trung Quốc với
lòng nặng trĩu những lo âu. “NHỮNG ĐIỀU NGHE THẤY…” Trên
các chuyến tàu liên vận từ Việt Cùng
chung chuyến tàu, chúng tôi gặp hai Sư cô Việt Nam đang học tập tại thành phố
Phúc Kiến, một trong hai sư cô “nhắc nhở”: “Thầy ăn mặc như thế này rất khó
đi lại ở Trung Quốc, vì ở đây họ không thích Tu sĩ ra đường”. Những lời
khuyên dành cho chúng tôi trong thời gian ở Trung Quốc thường là “thay đổi
hình thức”, vì ở Trung Quốc những ai mang “nhãn hiệu” thuộc “thành phần
tu sĩ Phật giáo” đều gặp không ít những “trở ngại không cần thiết”.
Theo lời hướng dẫn của những Tăng ni và bạn hữu lưu học lâu năm tại Trung Quốc,
chúng tôi quyết định cởi áo tràng đi đường, chỉ mặc bộ vạt khách màu nâu, không
quên khoát thêm chiếc áo lạnh bên ngoài và “mũ len thời trang” trên đầu. Kết
quả là chuyện đi lại và dò hỏi thông tin có dễ dàng hơn đôi chút, những ánh mắt
lạnh lùng cũng ít “tập trung” vào chúng tôi hơn, chúng tôi có thể “tự do” đi
vào những nhà sách cũng như thư viện các Trường Đại học để lấy thông tin và
tìm tài liệu, tránh được những ánh mắt “xoi mói” khi mua một chai nước uống
vì khát.v.v. Gần một
tuần ở Bắc Kinh, duy nhất một lần chúng tôi chứng kiến một vị Tăng Trung Quốc
xuất hiện trên xe buýt công cộng, đồng thời bắt được hình ảnh một phụ nữ trên
xe “ném cái nhìn” không mấy thiện cảm về phía Tăng nhân nọ. Hầu
hết những “vị Tăng” (?!) khác chúng tôi gặp ở Bắc Kinh đều là những
người đã được “ai đó” “đặt vào” các khu tham quan, du lịch. Chỉ nhìn thoáng
qua hình thức các “vị” này, chúng ta cũng có thể đoán ra rằng họ không phải
là những người xuất gia “chính quy”. Ví dụ, khi chúng tôi đến tham quan khu
“Lão Bắc Kinh”, một số “vị
Tăng” (?!) đang ngồi chễnh chệ uống “trà” (?!) trong tay là những lá bài
đen đỏ, phía dưới chiếc áo tràng màu vàng không che được chiếc quần Jeans và
đôi giày Adidas, tóc không cạo mà cắt theo kiểu 3 phân, bức tường sau họ treo
một tấm vẽ “bản đồ Bát quái” khá lớn.v.v. Sau khi kiểm tra vé chúng tôi, một
trong các “vị” nọ hỏi: “Có muốn coi quẻ cho năm 2003 không?”, tất nhiên câu
trả lời một trăm phần trăm là: “Không”. Trong đầu chúng tôi chợt loé lên hai
chữ “Quốc doanh” sau khi bước qua dãy bàn kiểm tra nọ. Rời Bắc
Kinh chúng tôi đến thành phố Thượng Hải. Với túi tiền sinh viên, chúng tôi
tìm một nhà trọ (chui) giá thấp nhất theo lời giới thiệu của những người chào
hàng, khi vừa đến ga Thượng Hải. Tất nhiên phòng trọ 90 Tệ/ 1 ngày (cho 3 người) nọ chỉ đủ cho chúng tôi để hành lý với điều kiện vệ
sinh rất tệ. Sau khi tìm được chỗ trọ, điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan
là Long Hoa Cổ Tự, mục đích chính của chúng tôi là đến thăm vị Tăng người Hoa
mà chúng tôi có dịp gặp trên sông Hằng - Ấn Độ, đang lưu trú ở đó. Như mọi
ngôi chùa khác ở Trung Quốc, chúng tôi phải trả mỗi vé vào cổng là 8 Nhân dân
tệ (khoảng 1$US). Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được người bạn chúng tôi tên
Thích T. H. (xin dấu tên), sau khi vượt qua 3 lớp cửa với những lời tra hỏi của
những nhân viên bảo vệ.
Câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài khoảng 40 phút không ngoài việc trình bày về
mục đích đến Trung Quốc của mình. Thầy T. H. đồng ý đưa chúng tôi đến các nhà
sách, thư viện Phật học viện để thu thập tài liệu, và hứa sẽ hướng dẫn chúng
tôi đến Cửu Hoa Sơn; Tất nhiên là Thầy không quên báo cho chúng tôi biết là
Thầy phải thông qua “Người quản lý” và mọi quyết định đều tuỳ thuộc ở đó.
Theo chân thầy T. H., chúng tôi đến một tấm bảng phân công việc hàng ngày
trong chùa, theo Thầy thì công việc này được Ban quản lý “lên bảng” hàng
ngày. Sau khi xem qua lịch phân công, Thầy dắt chúng tôi đến một căn phòng rộng
và bảo đứng đợi ở đó. Trong suy nghĩ của chúng tôi “Người quản lý” không ai
khác các “Thầy Tri sự” như các ngôi chùa lớn ở Việt Nam, đằng này “Người quản
lý” mà chúng tôi có dịp “diện kiến” là một người đàn ông thế tục với mái tóc
chải cao trong bộ veston màu đen và đôi giày Tây bóng loáng. Sau khi làm xong
công việc “đối chứng”, ông ta bảo thầy T. H. phải làm một tờ khai báo với chi
tiết rõ ràng nộp cho văn phòng ban quản lý. Tất nhiên, người tiếp nhận kia cũng
không phải là người xuất gia. (?) Chưa
bao giờ chúng tôi chứng kiến một lối buôn bán nào lạ lùng như trong một nhà
sách ở Thượng Hải. Với tôi, mua bán chỉ đơn thuần là con đường hai chiều giữa
mua và bán, là “thực hiện nghĩa vụ song phương” giữa người bán và khách hàng,
nhưng ở Trung Quốc điều đó dường như bị thay đổi khi khách hàng được “xếp hạng”
thuộc “thành phần tu sĩ Phật giáo”. Sau đây là mẫu đối thoại giữa người bán
hàng và thầy T. H., khi Thầy hỏi mua một đồng hồ báo thức được gắn vào một tượng
Phật nhỏ. Thầy T.
H.: - Thưa cô! Cái này làm bằng chất liệu gì vậy? Người
bán hàng: - Mua không mua thì thôi, đừng hỏi dài dòng. Thầy T.
H.: - Ở đây có bán bộ VCD “Trung Quốc Phật Giáo Tứ Đại Danh Sơn” không, Cô? Người
bán hàng: - Muốn mua gì thì đến đó mà tìm. (tay chỉ về quầy VCD với
ánh mắt “đỏ lửa”) Chúng
tôi kéo tay thầy T. H. bước ra khỏi nhà sách, chiếc loa điện tử được gắn trên
cửa kiếng không quên “lặp đi lặp lại” câu “Chúc quý khách vui vẻ! Hẹn gặp lại”,
giọng “Tây Thi Đậu Phụ”[4]
của người bán hàng vẫn văng vẳng phía sau. Dường như ở Trung Quốc, hễ ai gắn
“nhãn hiệu” “thành phần Phật giáo” đều gặp phải khá nhiều rắc rối. Chuyện giản
đơn như thầy T. H. ghé nhà trọ nơi chúng tôi đang cư trú, cũng bị hạch hỏi về
các giấy tờ “chứng minh thân phận”, và dùng mọi lời lẽ thậm tệ nhằm mục đích
cản trở việc thầy T. H. vào bên trong (mặc dù chúng tôi hết mực năn nỉ và hứa
sẽ chịu mọi trách nhiệm). Lẽ nào ở Trung Quốc việc dùng những lời lẽ thô tục,
thậm tệ để “tặng” cho các nhà sư Phật giáo là hành vi hợp pháp, bình thường???
Ngay cả, việc chúng tôi chụp ảnh để minh hoạ cho luận văn cũng bị một “nhà
sư” ở Di-Lặc-Điện tại Cửu Hoa Sơn giật và đòi tịch thu máy ảnh, chỉ vì lý do
“Ông là người xuất gia chụp ảnh để làm gì?” (lời vị sư “dõm” nọ), trong khi
những du khách khác được “mời gọi” và tự do thực hiện “quyền căn bản”
này. Nếu ai
đó đến Trung Quốc để tham quan, du lịch hoặc tiêu khiển thỉ chẳng có gì để
nói. Vì thường thì các “Qui định” mà du khách ngoại quốc phải tuân theo là:
Du khách buộc phải ở những nhà nghỉ, khách sạn hạng có một vài “Sao” trở lên,
vì những nơi này đã được người ta “phủ lên bức màn sang trọng”, mặt
trái của xã hội Trung Quốc dường như người ta “không thích” du khách tiếp
xúc. Du khách đến Trung Quốc nếu chỉ là để tham quan thì đây quả là một quốc
gia với những thành phố hoa lệ, những công trình và hệ thống giao thông hiện
đại, những toà nhà cao tầng mọc lên như nấm tại các thành phố lớn như Bắc
Kinh, Thượng Hải, nhiều ngôi chùa khá quy mô được “đánh bóng” bỡi chính phủ
.v.v. khiến nhiều du khách đến từ những quốc gia “nghèo” phải choáng ngợp.
Trò chơi “đánh lừa thị giác” xem ra cũng khá hữu hiệu! Nhưng mặt trái luôn là
khía cạnh quan trọng của mọi vấn đề. Nếu có dịp đến Thượng Hải, hãy đến tham
quan Long Hoa Cổ Tự, đây là một trong hai ngôi chùa nổi tiếng ở Thượng Hải
(sau chùa Ngọc Phật). Sau khi mua vé vào cổng, du khách sẽ đến được khu vực
(chỉ) dành cho khách tham quan, chúng ta có cảm giác nơi đây vẫn giữ được nét
trang nghiêm, người đến tham quan, cầu nguyện chen chúc với khói hương không
dứt.v.v. Bộ mặt bên ngoài này tạo cho chúng ta có “ảo giác” rằng: nơi đây quả
là một trong những “Đệ Nhất Tòng Lâm”. Tuy nhiên, đằng sau hai lớp cửa được
canh gác là khu pháp xá, nơi chư Tăng đang lưu trú thì hoàn toàn ngược lại: mỗi
tầng đều được một người bảo vệ “trông nom”, những nhà vệ sinh tập thể dành
cho chư Tăng với tình trạng vệ sinh vô cùng kém, tất cả các nhà tắm tập thể
không có then cài dành cho Tăng chúng có thể bị kiểm tra bỡi các nhân viên bảo
vệ bất kỳ lúc nào, ngay cả phòng ở của mỗi vị cũng do Ban quản lý cất giữ một
chìa khoá, họ có thể kiểm tra và tịch thu bất kỳ đồ vật gì của chúng Tăng khi
cần, v.v. Chỉ xin lược ghi đôi nét, vì tác giả không tiện miêu tả chi tiết
trên trang viết này… Chúng tôi rời Trung Quốc sau khi thu thập
được khá nhiều tài liệu cần thiết cho đề tài nghiên cứu, nhưng với chúng tôi
điều quan trọng hơn cả những tài liệu đó là rút ra được lời kết luận cho
chính mình sau chuyến “khảo sát” này. Vì những bài học thực tế luôn làm cho mọi
đề tài trở nên “nóng bỏng”. Lời kết luận mang màu sắc không mấy tươi sáng sau
đây có thể sẽ làm không ít độc giả tỏ ra nghi ngờ, nhưng đó là sự thật: Dường
như đời sống của hầu hết Tăng ni tại Trung Quốc bị “phong toả" về nhiều
phương diện. SUY GẪM… Đâu là
nguyên do tạo nên bức tranh mang màu sắc ảm đạm của Phật giáo Trung Quốc hiện
tại? Câu hỏi này dường như thật khó trả lời trong cái nhìn toàn diện. Tuy
nhiên, với những tài liệu, thông tin có được, tác giả bài viết này mạo muội
nêu lên một vài quan điểm cá nhân như sau: Một trong những nguyên nhân chính
dẫn đến sự suy tàn của Phật Giáo tại Trung Quốc là các cuộc “cách mạng văn
hoá” do các nhà lãnh đạo Trung Quốc cầm đầu. Nhiều “trò chơi chính trị” được
các nhà cầm quyền sử dụng triệt để, công cuộc tuyên truyền “Chủ Nghĩa Vô Thần”
được truyền bá bằng những “bàn tay sắt” (Iron-hands), chính sách “nhồi sọ” bằng
chiêu bài “tôn giáo… ru ngủ quần chúng,… là thuốc phiện…” được phổ biến một
cách rộng rãi và bắt buộc tại các học đường, các phương tiện truyền thông đại
chúng thi nhau “tung ra” hàng loạt “sản phẩm độc hại” nhằm vào công
chúng.v.v. Cơn lốc kinh tế thị trường đã làm người ta nhanh chóng quên đi những
giá trị truyền thống, trong đó việc quay lưng với Phật giáo là một điển hình…
Phần
này, chúng tôi xin chỉ đề cập đến chính sách “tiêu diệt” Phật giáo qua phim ảnh.
Có thể
nói, nhằm mục đích thu lợi các nhà sản xuất phim ảnh đã khai thác chủ đề Phật
giáo một cách vô tội vạ. Kéo theo trào lưu “tiểu thuyết Kim Dung” là hàng loạt
những sản phẩm nhảm nhí ra đời và được đưa lên màn ảnh. Tuy nhiên, những sản
phẩm nhảm nhí và “nghèo về chất lượng” kia lại được không ít quần chúng thích
thú và tự nguyện làm “tín đồ” một cách vô ý thức. Điều này diễn ra không những
ở tầng lớp bình dân mà còn có cả những người “khoa cử” cũng tán thán hết lời.
Nếu như, lối mòn trong phim ảnh phương Tây là “truyền bá” bạo lực, kích động
với các pha bắn súng, đua xe, hay khêu gợi nhục dục.v.v. thì “chủ nghĩa phim
Tàu” lại muốn làm nổi bậc “nét lãng mạn thời Trung cổ”, võ thuật phương Đông,
tán dương “chủ nghĩa Trung Hoa Đệ Nhất”.v.v. qua các thước phim với những
“trò khỉ” (các bài quyền nhảm nhí), chuyện cung cấm, những tình yêu “lảng xẹt”
và các “trò cười rẻ tiền”. Một
trong những chủ đề mà các nhà làm phim thường khai thác là “Thiếu Lâm Tự”.
Hình ảnh các nhà sư xuất hiện trong phim Tàu chỉ là những anh chàng ngớ ngẩn,
lý thuyết “cứu nhân độ thế” của họ chỉ là những trận “choảng” nhau, “Giang-hồ”
là nơi các nhà sư phim Tàu thực hành “Bồ Tát Hạnh”, tiêu chuẩn để một nhà sư
trở thành “Phương Trượng” hoặc “Trụ Trì” chỉ cần “võ thuật xuất chúng” chứ
không đòi hỏi phải uyên thâm về phật học - giới đức trang nghiêm, các nhà sư
phim Tàu xuất hiện trước “giang hồ” trong nét mặt “hầm hầm”với bộ Cà-Sa khoát
trên người nhìn rất “lôi thôi”, việc nhà sư và gái giang hồ yêu nhau sau một
vài lần “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” rất phổ biến .v.v. và ngôn ngữ sử dụng
trong phim hoàn toàn sáo rỗng, các thành ngữ “Tứ Đại Giai Không”, “Phật Môn Từ
Bi”, .v.v. được lặp đi lặp lại một cách “thô bạo”. Tất nhiên, không phải là
“tín đồ thuần thành” của phim Tàu nên chúng tôi chỉ tổng hợp một vài “nét
hùng tráng” của các nhà sư thuộc trường phái Thiếu Lâm trong vô số phim ảnh
Trung Quốc trên trang viết này. Việc “đập vào mắt” công chúng những cuốn phim
độc hại ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến không ít người có cái nhìn
không mấy thiện cảm, hoặc nhìn nhận Phật giáo chẳng có ý nghĩa tích cực nào
cho nhân loại. Người ta chỉ tôn sùng các nhà sư có “nội công thâm hậu” về việc
“choảng” nhau, các nhà sư có thể bay trên không hoặc đi trên nước, các nhà sư
“nhập thế” với tôn chỉ “trà đình tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng”, hoặc
hình ảnh các nhà sư được tô bóng bỡi kỹ xảo điện ảnh.v.v., việc nghiêm trì giới
luật, đời sống phạm hạnh, cứu nhân độ thế của các bậc tăng sĩ chân chính
trong Phật giáo hoàn toàn không có “chỗ đứng” trong phim Tàu. Ngày nay, chẳng những chỉ ở Trung Quốc mà một số tự viện tại Việt Với sự
phát triển kinh tế ngày một gia tăng, các chương trình truyền hình ngày càng
trở nên phong phú với tầng suất phát sóng cao hơn, thu nhập người dân dần ổn
định, việc xem phim trở thành lối giải trí phổ thông trong giới bình dân. Giải
trí bằng phim ảnh lành mạnh là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, phải phân biệt đâu là các loại phim có tính
lịch sử, tính giáo dục, tính văn học, tính triết học, đâu là những phim ảnh xếp
hạng “nhảm nhí”. Việc lựa chọn phim ảnh để giải trí cần phải có sự gạn lọc,
nhất là đối với thanh thiếu niên. Người xưa từng dạy “chọn sách mà đọc, chọn
bạn mà chơi”, cũng vậy việc chọn lựa những bộ phim giải trí cần có sự
phân định thận trọng. Hãy dành những giờ phút thư giãn bằng những bộ phim hữu
ích cho tinh thần, đừng để các nhà làm phim “nhảm nhí” “móc túi” và giết thời
gian của bạn. Xa hơn nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những loại phim “nhảm
nhí”, rẻ tiền sẽ dần làm cho người xem thiếu cảnh giác có cái nhìn méo mó,
tiêu cực về cuộc sống, về lịch sử, về thuần phong mỹ tục..v.v. Hãy nói
“Không” (NO) với các loại phim Tàu độc hại, chối bỏ các bộ phim bịa đặt rẻ tiền,
cảnh giác với những cuộn video bóp méo, thêu dệt nhảm nhí một cách thô bạo về
Phật giáo; làm được điều này có nghĩa là bạn đã và đang góp phần vào sự nghiệp
hộ trì Chánh Pháp, ngăn ngừa được những mối hậu hoạ cho dân tộc. * * * Trên đây là những chuyện có thật cùng những
suy nghĩ cá nhân, xin gởi đến độc giả gần xa nhằm hầu chuyện trong những lúc
thư giãn. Với tri thức hạn hẹp, văn phong còn nhiều luộm thuộm, tác giả bài
viết này rất mong nhận được sự chỉ giáo, góp ý từ chư Tôn Đức, các bậc cao
minh và thân hữu gần xa! Đại học Delhi, 28 – 07 – 2003 |
.. |
(This homepage is best viewed with a screen size of 1024 x 768 pixels Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels) |
www.lebichson.org Thành lập ngày 10 tháng 9 năm 2003 |