TRANG BÌA

www.lebichson.org

TRANG BÌA

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

LỜI VÀNG Ý NGỌC

( Phần 2 )

            Kính thưa chư vị Pháp lữ gần xa!

            Có một lần, vô tình tôi được nghe những dòng Pháp này trong một bộ băng ghi âm Sư thúc Đồng Văn để lại. Với tôi, những dòng Pháp ấy là một tài sản tinh thần vô giá.  Xin được ghi lại những bài Pháp ấy trên trang viết này để được xẻ chia cùng chư vị!

            Ấn Độ, mùa hoa nở 2003

            Lê Bích Sơn

 

            CÚNG DƯỜNG

            Cúng dường - biết bao cung kính, biết bao thương mến, biết bao nỗi niềm trong mỗi mỗi sự cúng dường. Có khi do một thôi thúc của thiện tánh, con mang lễ vật cúng dường Phật Tổ; cũng có lúc vì mong cầu một điều gì đó con cúng dường, hoặc vì thói quen, hoặc vì ai cũng làm thế, hoặc vì muốn đền đáp một cái ân mà con cúng dường Phật. Trong tất cả các tâm ấy, ý nghĩa thật sự của cúng dường nằm ở đâu?

            Khi Phật bảo: Hãy mang hương hoa thanh tịnh đến lễ bái cúng dường chư Phật. Thì đó là tâm con thanh tịnh hay lễ vật thanh tịnh? Nếu tâm thật tịnh thì lễ vật thật tịnh, nếu tâm không kiên nhứt thì lễ vật cũng không thể là tịnh vật. Khi Như Lai nói “cúng dường” là bảo con hãy xả, hãy quên đi những “của tôi”, “thuộc về tôi”, “cho tôi” để tự cởi dần trói buộc. Việc ôm về cho mình là “tâm thủ”, mà “thủ” là tự trói mình. Khi con nghĩ chọn những thứ thật tịnh để cúng dường là tâm con đang định mà không tự biết. Không có một niệm về “ngã”, không có tạp niệm nào ngoài sự thật của lúc này: con đang chọn hoa tươi nhất, hương thơm nhất, quả ngon nhất để dâng Phật. Con thấy hoa, thấy hương, thấy quả mà không thấy cái thấy ấy, không biết cái tâm đã khiến con hành động, đó chính là đang sống với vô biên trong khoảnh khắc. Sống với vô biên là sống với Phật, vì thế mà Như Lai mới dạy: Hãy cúng dường!

            Con lễ bái và cúng dường chư Phật có lợi lớn cho con. Vì sao? Vì điều đó làm tăng tưởng tín căn, đẩy lùi ngã mạn. Khi con lễ, đó là dấu hiệu của khuất phục, không phải Phật hay Bồ Tát đã khuất phục con, mà là kiêu căn, ngã mạn, kiến chấp đã bị sự khiêm cung của con khuất phục. Cho nên, cúng dường Phật chính là Đạo. Cúng dường thân mạng là bỏ tướng nhân, thọ, giả; cúng dường tài sản là diệt bỏ tâm tham. Còn cách cúng dường nào cho chư Phật quý hơn tất cả các thứ trên? Cúng dường thế nào để được giải thoát? Đó là cúng dường thức nào có thể khiến con và chúng sanh thoát khổ, thoát sanh - bệnh – lão - tử, thoát khỏi luân hồi, thức cúng dường có thể đáp đền được hồng ân của Phật, thức cúng dường cho Phật đúng sở nguyện của Ngài là mang lợi vô tận đến cho người dâng cúng, đó chính là “Pháp cúng dường”. Pháp cúng dường là tu thâm pháp, là hành Bồ Tát đạo, theo chân Phật làm lợi ích cho mọi người, trong chỗ hành không còn tâm vọng, hồi hướng tất cả công đức có được về chư Phật, đó chính là thật nghĩa của Pháp cúng dường.

            Dâng chư Phật không phải những hiện vật kết thành bỡi đất - nước – gió - lửa, nên có hoại diệt, nên không toàn thiện; Dâng Pháp là thứ không thể hoại diệt, trường cữu, bất biến, tồn tại mãi với thời gian, là ngọc của chúng sanh, kết tinh bỡi một cuộc đời tịnh hạnh. Khi con cúng dường chư Phật tại thế, Ngài còn không thật có thọ các vật ấy, chỉ vì thương chúng sanh mà có giả thân, nên nuôi dưỡng giả thân cũng vì lợi ích chúng sanh, huống nữa là khi đã nhập Niết bàn. Nên khi cúng dường Phật là dâng tấm lòng thành, chứ Phật đâu dụng những thức cúng dường ấy làm vật sở hữu của Phật; và có tâm nào quý hơn tâm của một người tu, tại sao không cúng dường tâm ấy cho Phật! Tâm tu là Pháp tướng. Con thấy có gì quý hơn một người có thể nói với mọi người rằng: “Thưa anh chị! Tôi đã nhận chân được đau khổ, tôi đã chiến đấu với kẻ thù trong một trận một mất  - một còn, và đã thắng. Chiến thắng đau khổ nên tôi không còn sợ sệt, vững chãi bước đi trên con đường vô ngã, vĩnh viễn bỏ lại sau lưng bóng đêm của chết chóc và tái sinh. Đau khổ không còn mang hình dáng của hận thù và giận dữ từng giây bóp nghẹn trái tim tôi, điều khiển tôi như con rối trong chiến tranh của “Ngã”, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn là tôi; Đau khổ không còn mang hình dáng của tài - sắc dẫn tôi vào đấu trường của tham lam và mê đắm; Đau khổ không còn mang hình dáng của “vô tư lự” để độc ác có thể len vào khống chế tôi; đau khổ đã gục ngã dưới chân tôi, không còn bị xiềng xích của hận thù trói buột, nên tôi thương cả kẻ thù tôi, không còn một xích xiềng nào của tánh chúng sanh trói buột tôi được nữa. Nên, tôi là một người tự do. Hãy nghe tôi, đau khổ sẽ không còn là hình ảnh của nước mắt, vì mặt trái của đau khổ chính là hạnh phúc. Đi xuyên qua đau khổ như đi xuyên qua một trận bão, sẽ đến được bến bình an một cách không ngờ! ”. Làm được như thế và giúp mọi người làm được như thế, kẻ ấy đã không trụ tâm vào việc đã làm mà dâng tất cả cho chư Phật, gọi là hồi hướng hay cúng dường cho Phật. Đó chính là cách cúng dường cao quý nhất, tuyệt đối, gọi là Pháp cúng dường. Con cần phải hiểu, Pháp cúng dường là lòng tri ân sâu xa, sự kính ngưỡng vô cùng đối với chư Phật, thể hiện bằng hành động dâng cả cuộc đời cho Ngài, lòng tin không chỗ trụ, nên không điều kiện, không giới hạn vào giáo pháp của Ngài, và dùng tất cả các kiếp sống hiện tại và mai sau để hành thâm giáo pháp ấy. Như thế mới là chân thật cúng dường!

            Phát tâm cúng dường Pháp chính là phát Bồ Đề Tâm. Phát Bồ Đề Tâm là đại nguyện không để Tam Bảo có cơ duyên hoại diệt, là tu giải thoát mà không lìa chúng sanh, là sanh tâm Phật Pháp, là con Phật. Khi con lập nguyện là đã trở thành con Phật, xem quãng đời trước kia như một chiếc áo cũ đã ném trả lại cho cuộc đời. Con nhìn lại sẽ thấy xa lạ với con của ngày trước, cái mà con vẫn tưởng là bản ngã thật của mình, chính mình đã rơi xuống, những cá tính làm nên con người con đã trở nên thừa thãi và có phần nào kệch cỡm cũng rơi xuống, để lộ một cái gì không tên, sáng chói tinh khiết vô cùng của nguyên sơ, tạm gọi “Chân Ngã”, chính là “Thánh Thai”. Nguyện lực đầy đủ thì chân ngã hiển lộ, nguyện lực chưa đầy đủ thì chân ngã chỉ lóe sáng rồi bị che lấp, tinh tấn siêng năng hành Đạo là nuôi dưỡng thánh thai. Đến ngày công hạnh đầy đủ, Pháp thân tức thánh thai xưa kia hiện đủ trong thân, thân nay trở thành hoá thân. Vì công hạnh viên mãn, quả báo viên mãn, nên báo thân là thân Phật, ba thân hiện đủ tướng là giải thoát, là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác, là Phật - Thế Tôn – Thiên Nhân Sư! Cho nên, phát Bồ đề tâm là nguyện rất lớn. Nơi đâu có người phát Bồ đề tâm là nơi ấy có chấn động, Thiên Long vì chúng sanh và vì vị Phật tương lai mà ủng hộ người đó.

            Đừng sợ không đủ sức làm tròn lời nguyện, chỉ sợ tâm buông lung mà không quyết chí đi đến nơi. Chính khi phát nguyện là đã nói lên một thần chú bí mật, một đại thần chú có công năng dẹp trừ tất cả ma oán, chuyển bánh xe nghiệp quả trở thành bánh xe của Pháp, một vô thượng chú, biến người nói trở thành người không đối thủ. Như thế cách cúng dường cao quý nhất là Pháp cúng dường. Đã phát nguyện Pháp cúng dường thì con hãy vui mừng, an nhiên hành Đạo, chớ khởi tâm thối lui!

            MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN

            Hàng năm, vào tháng Tư là con lại hân hoan, náo nức chờ ngày kỷ niệm Phật giáng thế. Con mong chóng đến ngày Phật Đản để đến chùa lễ Phật, cùng gia đình tưởng niệm Thế Tôn, vị Thầy của tất cả chúng sanh biết nếm mùi Đạo pháp, vị Cha lành của chúng sanh còn lăn chìm trong sanh tử. Con phải quán về ngày Phật Đản như thế nào để hiểu về đại nhân duyên nhập thế của Đức Phật Thích Ca?

            Trước khi Đức Thích Ca thị hiện có giả thân Thái tử Tất Đạt Đa, chân lý vẫn có, vẫn sáng tỏ, nhưng thiếu duyên lành, nên số chúng sanh tầm Phật đạo không bao nhiêu người đến được bến Giác Ngộ. Vì thế, Như Lai tạm mượn giả thân cùng chúng sanh đồng sự để chỉ bày con đường giải thoát từ chính nơi con đang ở, đang đứng, chứ không phải một giải pháp viễn vong, một con đường bắt đầu từ nơi khác. Đó là duyên lành lớn nhất của chúng sanh, được thấy vũng bùn mình đang ở và hoa sen mà mình có thể thành, nương theo duyên lành ấy là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là “Tâm” quy chứ không phải “Tướng”, tâm đã quy y Tam Bảo thì hành tướng quy y sẽ đến. Bằng giả danh bảo rằng: Tâm đã quy y thì không cần tướng quy y. Những kẻ ấy chấp tướng là thật có, nên chỉ thiêng hướng về tâm cũng là một tướng khác của “Ngã”; còn những người chỉ có hành tướng quy y mà tâm thì không biết Phật, con hãy khoan bàn luận Phật Pháp với họ.

            Con tưởng nhớ Đức Thích Ca Như Lai như tưởng nhớ một người đã mất thật là một sai lầm không sao nói hết. Thân Phật vẫn có đây, trong mỗi lời Ngài dạy, trong mỗi chiếc y mà con thấy, trong tâm của mỗi hành giả chân thành. Thân Phật không đâu khác ngoài tâm của con, tâm xa Phật thì chỉ có y là có Phật, người đắp y thì ở rất xa; tâm xa Phật thì chỉ có lời nói, chỉ có văn tự, chỉ có Phật Pháp là có Phật, còn người nói thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì dù ở gần vẫn không thấy Phật, với những kẻ ấy Như Lai là người đã khuất, nên không còn Chánh Pháp, không có ai phân định chánh – tà, không có nhân quả báo ứng. Phật không có sanh và diệt, Phật đã thị hiện cho mắt trần nhìn thấy để chúng sanh biết rằng những chân lý mà nhục nhãn không thể thấy mới là bất diệt. Hiện tại, Thích Ca Như Lai vẫn đang thuyết pháp, sao mắt con không nhìn thấy, sao tâm con không cảm được! Cho nên, ngày Phật Đản là ngày kỷ niệm dành cho chúng sanh, chứ không phải dâng Phật. Con hãy hiểu như thế này mới là thật biết mừng  ngày Phật Đản. Con mừng ngày Phật Đản là ngày Phật có trong tâm con, ngày con phát tâm theo Đức Phật vượt bể khổ trần gian, đó mới chính thật là ngày Phật Đản.

            Ngày Phật Đản là ngày chư Thiên, Hộ Pháp, chư Phật, Bồ Tát mười phương thế giới lớn tiếng ngợi khen sự không thể nghĩ bàn của Thích Ca Văn Phật, Ngài đã thị hiện vào đường sanh tử để độ chúng sanh thế giới Ta Bà đi đến quả vị Phật. Chư Địa thần cũng phát tâm hộ trợ cho chúng sanh nào quyết tu Phật đạo. Cho nên đó cũng là ngày trời đất giao hoà, chúng sanh chịu hoạ báo trong địa ngục cũng được hào quang thánh đức của Như Lai soi tới, nên phát tâm Bồ Đề đông không kể xiết, gọi là ngày “địa ngục khai môn” cũng vì thế. Địa ngục đã hết đối với các chúng sanh ấy. Trong bầu không khí của ngày hội đó, con hãy lập ngày hội của con, con hãy cho mình một ngày hoàn toàn là của mình, gạt bỏ tất cả quá khứ, ngày hôm qua, gạt bỏ ngày mai và những toan tính về tương lai khỏi tâm trí. Chỉ có hiện tại, chỉ có ngày hôm nay, chỉ có Như Lai và con trong suốt ngày Phật Đản, thì mới thật là nếm được Pháp vị của ngày Phật Đản. Thời gian chỉ là chướng ngại khi tâm con còn chướng ngại, tâm không chướng ngại thì quá khứ không có nghĩa đã mất, vị lai không có nghĩa chưa đến. Nên, ngày lễ kỷ niệm Đức Thích Ca hôm nay không mảy may kém hơn 2600 năm về trước về mặt thực tế, cũng như về nghĩa vui mừng. Và tương lai cũng không vì thời gian xa hơn mà Thánh lễ càng xa Đức Phật. Như Mẹ tán thán công đức vô lượng vô biên của Như Lai, từ bi vô lượng vô biên của Như Lai trong ngày Thánh đản, chư Phật mười phương cũng đồng ngợi khen như thế. Nhưng con có đón ngày ấy với tâm trạng nào thì ngày ấy vẫn là ngày vui, là ngày vĩnh viễn đã tự tách rời khỏi quá khứ, đi mãi trong thời gian, hiện hữu mãi trong thời gian.

            Khi con đến chùa cùng chư phật tử đảnh lễ Như Lai, thì phải thấy con đã lập Đạo tràng nơi tâm, đã thờ Phật nơi tâm, đã xây ngôi chùa bất hoại bằng Tam quy ngũ giới nơi tâm để phụng thờ Đức Phật. Và con đến chùa là để thỉnh Phật lên đài tôn nghiêm tại thế, chứ không phải là đến chùa rồi mới tìm Phật. Nếu con và tất cả phật tử đồng thỉnh Phật trụ thế, sự đồng tâm ấy làm nên một vị Phật duy nhất không có tướng phân biệt, sự đồng tâm ấy là thế giới đại đồng, là Phật tánh, và sự đồng tâm ấy chính là Phật vậy.

            Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài, chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân. Lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai mừng đại nhân duyên Phật chuyển Pháp luân.

            Lễ này con nguyện đồng tâm với vô lượng chúng sanh trong quá khứ, hiện tại, vị lai tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai, vì chúng con đã chuyển Pháp luân.

            Lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai báo đáp thâm ân Ngài đã chỉ cho chúng sanh con đường diệt khổ.

            Lễ Phật phải lễ bằng tướng và bằng tâm như thế mới thật là kính lễ. Con hãy vui mừng làm theo để trọn hưởng được khí lành ngày Phật Đản.

            KINH ĐIỂN     

            Con đọc kinh điển trong tâm tướng nào, có bao giờ con tự hỏi mình như thế? Con không thể đọc kinh điển như đọc sách, thích thú với những đoạn hay, tò mò với những ý tưởng lạ, đọc như thế là tâm bất kính. Con vì thế vô tình đóng cửa chân tâm, lòng không để tác động của thần lực phát ra từ kinh điển chuyển mình, nên cũng khó có thể hiểu được nghĩa kinh. Kinh điển là sự kết tập lời nói của Đức Phật Tổ, lời nói ấy là văn sống động, giản dị, dễ hiểu, đại chúng, ở ngay trong đời sống tầm thường bình dị của mỗi ngày; chỉ bày những chân lý thật nhưng có thể nắm bắt được bằng thân, thật dưới sự có mặt vô hình đối với mức thường của gió (?).

            Đọc kinh là học, là nghe kinh. Khi mở quyển kinh, lòng của con cũng phải sẵn sàng đón nhận những lời lẽ ấy với tất cả sự kính tín của người muôn dặm thỉnh kinh. Hãy cẩn thận, muôn dặm đường xưa nay nằm trong tâm con đấy. Lời nói của Phật Tổ một bản ngã vô ngã chính là Pháp, đó không còn là lời nói, không còn là ngôn ngữ văn tự, đó là chân lý tuôn tràn, ẩn chứa trong ấy tất cả sức mạnh của vũ trụ, của tánh “Không”. Vì chúng sanh mà có tướng âm thanh, nên có chúng sanh mới có Pháp là thế. Muốn biết chắc rằng con hiểu đúng tinh thần quyển kinh mà con đọc, trước hết phải tận tường nhân duyên thuyết kinh ấy, sau phải nắm được mật chỉ trình bày xuyên suốt tất cả lời lẽ của kinh. Dù Phật có thuyết bao lời lẽ cũng để diễn bày mật chỉ ấy; mật chỉ ấy, mật mà không mật, thường chính là Tự của kinh. Những người nhân nghe một câu kinh mà thấy Phật tánh, chính là hành giả đã hun đúc, nghiền ngẫm vấn đề của mình từ rất lâu, tâm đã đạt chỗ “tri hành hiệp nhất”; lời nói và việc làm là một, nên chỉ cần một cái gõ mạnh trợ duyên là bừng sáng, đó là người đã sẵn chứa tạng Kinh trong tâm, người khác cũng có mà cũng không, vì chưa tự thấy biết tạng Kinh của mình. Lời nói của người có thể khiến người khác bỏ những việc khó bỏ, làm những điều khó làm, ắt hẳn không chỉ là lời nói.

            Giở một trang Kinh là nghe tiếng nhạc trời, đọc một dòng chữ là thấy hào quang toả sáng, đón nhận nghĩa lý như là uống giọt cam lồ, con sẽ là người sống cùng thời, được nghe chính tiếng Phật thuyết giảng. Không đọc kinh điển trong tinh thần thu thập kiến thức, thì kinh điển bao giờ cũng mang lại lợi ích nhất định cho con, vì “Kiến” đã là chướng ngại rồi. Đọc kinh trong trạng thái tinh khôi, thì tâm hồn con là tờ giấy trắng được in đậm chân lý giải thoát của chư Phật. Con hãy đọc kinh điển trong tinh thần ấy!

            KINH PHÁP HOA

            Nghe kinh Pháp Hoa và trì tụng con được an ổn thân tâm, nhưng để hiểu và hành thì con chưa đạt được điều ấy. Vần đề ở chỗ là phải tìm hiểu và quán, tu trong kinh là “Tri kiến Phật”. Tri kiến Phật đó là sự thấy biết của Phật Đà, đó là trí huệ viên mãn tột cùng. Nói tất cả mọi người, mọi vật đều có Phật tánh là nói tất cả chúng sanh đều sẽ được Tri kiến Phật, hay chúng sanh đều là Phật, điều này con thật khó mà tin được. Vì sao? Vì con chưa thấy, chưa được, chưa ngộ Phật tánh, Phật tri kiến nên không nhìn thực thể như nó vẫn thường hằng.

            Như khi con buồn, tìm an ủi, quân bình cả tâm hồn trong sự chiêm ngưỡng tượng Phật. Đau khổ ngập trong lòng, nên trông tượng Đức Di Lặc con không cảm được từ tâm của Ngài, vì tượng Đức Di Lặc Bồ Tát là biểu tượng của Pháp hỷ, sự an ổn vô song về mặt tâm linh, điều thật xa cách với tâm trạng hiện tại của con. Con trông tượng Phật Tổ để thấy Ngài không gần gũi trần gian, con nhìn hình tượng các vị Bồ Tát với nét thương cảm chúng sanh qua gương mặt đượm buồn và nhận rằng đích thật đây là Phật của con, con cảm thấy một mối giao cảm đặc biệt với vị ấy và mở lòng cầu nguyện. Thật ra, chư Phật vẫn đồng tâm thương xót chúng sanh, nhưng chỉ vì kiến chấp của con mà Phật hoá chẳng đồng. Ở nơi “Không” lập các Pháp là chư Phật tùy tâm địa của chúng sanh mà thuyết giảng, với người thích Giáo pháp Thanh văn, Phật vì đó nói Pháp ấy là Thanh văn; với người thích Đại thừa, Phật vì đó nói Pháp ấy là Đại thừa; nhưng đâu phải vì danh tự “Đại thừa”, “Tiểu thừa” mà các giáo pháp không phải xuất sanh từ Phật tri kiến, các Pháp sai biệt ở văn tự bản tánh vốn là sự Giác ngộ của Phật, không hề khác nhau. Vì thế, muôn Pháp đều dẫn đến Giác ngộ. Dù hàng Thanh văn không biết, không hay Phật đã gieo Phật trí nơi mình.

            Một người cư xử không phải với con, ức hiếp con, con thở than, buồn bã hay giận dữ. Tại sao? Tại sao con cần phải phản ứng lại sự việc trên như thế? Có phải vì trong con những ý niệm về bất công, ức hiếp vẫn còn đầy dẫy, nên con cảm thấy sự bất công, tức là chính con cũng không khác người kia. Như thế con có thực sự tốt hơn người kia, con là thiện và họ là ác không? Tuy con không hành ác nghiệp nhưng tâm không lìa ác, nên tất cả giai đoạn nhân quả của điều ác vẫn diễn biến đầy đủ trong con, đó là sự thấy biết của chúng sanh. Nếu trong cảnh “oán tắn hội” đó, đau khổ của con chuyển thành thuận cảnh, con sung sướng biết bao! Thế nghĩa là trong đau khổ có mầm hoan lạc, hạnh phúc đến sau khi vượt qua đau khổ là hạnh phúc có sự dự phần của trí huệ. Trí huệ là giai đoạn mở đầu tri kiến Phật.

            Trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, con vẫn còn niềm tin vào điều vượt ngoài phạm trù của lý trí sẽ xoá tướng tuyệt vọng mà con đang nhận biết rõ ràng, niềm tin ấy khiến con niệm Phật cầu thoát khổ, cầu điều kỳ diệu, đó chính là niềm tin vào bản tánh thiện vẫn chi phối vũ trụ. Sợ hãi là tin vào sự chiến thắng của điều ác, nếu có một sự tin tưởng tương đương vào điều thiện thì sợ hãi tiêu tan. Phải chăng giây phút cầu nguyện ấy, con vượt qua tướng thời gian, nên vượt qua tướng của sanh tử, đã nói với hiểm nguy, với tứ đại, với giả duyên, với tam nghiệp rằng: “Bất chập sự cản trở của các ngươi, bất chấp sự trói buộc mà các ngươi đang giam giữ ta, ta cũng tiến lên, tiến mãi về phía trước, về cảnh giới có tri kiến tuyệt đối, sẽ giải thoát cho ta khỏi hoàn cảnh hiện tại”. Đó là vươn tới Phật, và tri kiến Phật như một phép mầu, phải đưa con vào nước “Trí” (?). Sự mầu nhiệm mà con mong cầu phải đến, vì bản thể Phật vốn không hạn lượng, không cùng tận, nên không gặp cảnh trái nghịch, luôn gặp thuận cảnh.

            Đề Bà Đạt Đa là Phật, vì đã chỉ cho chúng sanh thấy định lực của Phật Tổ; Đề Bà Đạt Đa là Phật, vì đã phỉ báng Phật, ghét Phật vì Phật là Phật. Hình ảnh của Phật là hình ảnh mà Ông chối bỏ, tức là ý niệm về Phật có trong Ông. Người ta không thể phản đối một hình tượng không hề hiện hữu. Nghiệp chướng, chúng sanh kiến ngăn trở Đề Bà Đạt Đa phản Phật, hoà nhập vào Phật, thấy Phật nơi mình, nhưng Phật trong Ông vẫn hiện diện. Tại sao con lại nghĩ rằng Ông ta ghét Phật, mà không biết rằng Ông chưa bao giờ không kính Phật! Ghét hay thương chỉ là hai cách tiếp nhận một tiền đề sẵn có, cách này hay cách kia là phương tiện diễn đạt, nên tướng ghét cũng như tướng thương kính mà thôi! Đề Bà Đạt Đa là Phật thị hiện làm Bồ Tát độ oán tắn.

            Phải biết rằng mọi sự con vẫn thường cho là thuận - nghịch từ chỗ đứng của con, đều không thật. Tâm con đem vào những phán đoán, mà tự thể các hiện tượng hay Pháp ấy không có. Ví dụ: Con vẫn cảm thấy mặt đất rất vững chắc, từ bao kiếp vẫn cho rằng vòng tay của đất đáng tin cậy vô cùng; nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu mặt đất trở thành trong suốt, thì bầu trời mênh mông đáng sợ trên đầu lại vẫn có dưới chân, con không có nơi trú ẩn an toàn, con sẽ thấy chân lý trời trên đầu và đất dưới chân trở thành nghịch lý. Nước chảy xuôi chỉ là giả tướng, hãy tìm tướng xuôi ngược nơi tâm, và luôn nhớ không thể tin vào con để quyết định chân tướng của sự vật.

            Vì sao con phải lễ Phật? Vì Phật ở ngoài. Không đảnh lễ vị Phật ở trong ư? Như thế vẫn chưa thấy Phật. Đảnh lễ Phật mà không hướng vào đâu, không hướng về phía trước, không hướng về phía sau, không trên, không dưới, không phía trong, chẳng phải không phía trong, lìa tướng quỳ, tướng đứng vào nơi vô biên, đó là “Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”.

            Hoa sen mọc từ bùn nhơ lại có mùi thơm ngào ngạt, đó là nhờ mọc từ bùn mà có hương, hay bản chất của sen là thơm? Từ nơi muội manh (?) lại nảy điều cao quý, chính vì tánh của bùn vốn không nhơ. Tướng bùn lầy là phương tiện cho hạt giống nẩy mầm, vì muốn chỉ tánh của bùn và sen là một, nên hoa phải chấp tướng hiện hữu. Nếu không muốn chỉ tánh ấy thì vắng bặt tướng tịnh và bất tịnh, vắng bặt nói năng, tên gọi, không có tướng thiện-ác, chúng sanh và Phật. Tánh không tên ấy khi động thì hoá ra vũ trụ, không động thì vô hình, rắn hơn sắt đá, tạm gọi là “Tánh Không”. Ngộ tánh không của vạn vật là ngộ Phật tri kiến.

            Không ghét người xấu, không ngại đau khổ, với sức kham nhẫn vô biên, thề tận độ chúng sanh thành Chánh giác, tất cả chúng sanh chưa thành Phật thì con nguyện chưa thành Phật. Đó là Pháp môn tự tu dẫn đến Tri kiến Phật. Có phát tâm như thế mới có thể hiểu kinh Pháp Hoa, mới thật trì kinh Pháp Hoa, đó mới chính là thật hành Diệu Pháp.

            Con hãy phát tâm!

 

                        * Vì băng ghi âm đã quá cũ, nên có một số từ chúng tôi không thể nghe rõ hoặc phỏng đoán được, xin đánh dấu (?) phía sau những từ ấy để quý vị lưu tâm.

 

 

..

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003