TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

Ghi nhanh

“Festival of Sacred Chanting & Singing”

Cuộc hội ngộ các tôn giáo trên toàn cầu tại New Delhi

LÊ BÍCH SƠN

 

       New Delhi, Viện Tây Tạng (Tibet House) phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (India International Centre) tại New Delhi tổ chức Lễ hội xướng tụng Thánh điển (Festival of Sacred Chanting & Singing) trong ba ngày 6-8 tháng 10 năm 2003, diễn ra tại Công viên Phật Đản (Buddha Jayanti park) và Trung tâm Quốc tế Ấn Độ. Đây là một lễ hội vô cùng ý nghĩa cho những ai quan tâm đến vấn đề âm nhạc tôn giáo và hoà bình tôn giáo trên toàn cầu.

       Âm nhạc không chỉ mang trong nó ý nghĩa một nền nghệ thuật, giải trí, mà nó còn là phương tiện để con người trình bày những ý nghĩ, thái độ và tình cảm đối với tha nhân và cộng đồng, như lời tuyên bố của vị lãnh đạo tinh thần tối cao Phật giáo Tây Tạng – ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Có thể nói, Lễ hội xướng tụng Thánh điển là cuộc hội ngộ, giao lưu giữa các nền âm nhạc tôn giáo trên toàn cầu.

       Tại công viên Phật Đản sáng 06-10-2003, lễ hội được khai mạc với sự tham dự của hơn 5000 người đến từ nhiều quốc gia và tôn giáo khác nhau trên toàn cầu. Ông R.Venkataraman - cựu Tổng thống Ấn Độ - cùng nhiều quan chức cao cấp chính phủ Ấn Độ cũng đến tham dự buổi khai mạc này. Lễ hội bắt đầu bằng những âm thanh an lạc và giải thoát trong bài “kinh Karaniya Metta” được các vị sư Phật giáo Nguyên Thuỷ xướng tụng. Phần xướng tụng Thánh điển Phật giáo Nguyên Thuỷ này do Thượng toạ Olande Ānanda đến từ Hà Lan chủ trì, cùng chư tăng Hội Đại Bồ đề và các vị du học Tăng Tích Lan tại Đại học Delhi. Tiếp theo là phần xướng tụng Thánh điển Đại thừa Phật giáo do chư Tăng Phật giáo Việt Nam đại diện, dưới sự chủ trì của Thượng toạ Thích Như Điển đến từ Đức Quốc và Thượng toạ Thích Hải Ấn đến từ Việt Nam, cùng hơn 20 Tăng ni nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Delhi. Thông điệp Tuệ-Giác của Phật giáo Đại thừa được gởi đến các tôn giáo bạn và quan khách qua những âm thanh trầm hùng của “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Kim cang thừa Phật giáo (Mật tông) tiếp nối Phật giáo Đại thừa trong bài “kinh Konchok Jeydran” và cúng dường Mạn-đà-la, dưới sự hướng dẫn của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cùng chư Tăng tu viện Gyuto, Phật giáo Tây Tạng. Chương trình khai mạc kết thúc bằng bài giảng ngắn của Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về ý nghĩa “kinh Konchok Jeydran” trong đời sống tu tập của một Phật tử và lời chào mừng của ban tổ chức.

       Phần khai mạc với nghi thức xướng tụng Thánh điển Phật giáo của ba tông phái Phật giáo: Nguyên thuỷ, Đại thừa và Mật tông nhằm giới thiệu đôi nét về lễ nhạc Phật, vai trò và ảnh hương của âm nhạc trong việc truyền bá giáo lý Phật Đà đến với mọi người. Âm nhạc có sức thu hút kỳ diệu, dễ dàng được mọi người gần gũi và chấp nhận; nắm bắt được yếu tố này, bên cạnh việc phổ biến những giáo lý, triết học giải thoát siêu việt bằng nhiều hình thức truyền bá như thuyết giảng, sách vở,v.v. Phật giáo còn dùng âm nhạc như một phương tiện (công cụ) để hướng dẫn, tiếp xúc, gần gũi và truyền bá tư tưởng Phật giáo đến với cộng đồng. Mỗi quốc gia có một nền âm nhạc riêng biệt, vì vậy Phật giáo mỗi nơi khai thác, vận dụng những tiết tấu và giai điệu của nền âm nhạc từng địa phương tạo nên những nghi lễ Phật giáo ngõ hầu làm phương tiện “nhập thế”. Phật giáo đến đâu vườn hoa âm nhạc Phật giáo lại được góp thêm hương sắc mới, cảnh “trăm hoa đua nở” trong nghi lễ Phật giáo là dấu hiệu chứng tỏ Phật giáo đã đi sâu vào đời sống cộng đồng nhân loại và ngày càng quảng bá trên khắp toàn cầu.

       Sau phần khai mạc là buổi trình diễn âm nhạc của nhiều tôn giáo và sắc thái tính ngưỡng trên toàn thế giới. Chương trình biểu diễn và xướng tụng Thánh điển lần lượt như sau:

       Thánh điển Do Thái “Yom Kippur” được trình bày bởi Ruth Wieder Magan, Victoria Hanna và nhóm tín đồ Do Thái đến từ Israel dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Mordehai đến từ Canada.

       Phần xướng tụng Thánh điển Vệ Đà (Vedic) được gởi đến lễ hội trong bài “kinh Kirtan” do Giáo sư Vachaspati Upadhyaya và nhóm tín đồ Ấn giáo tại Delhi trình bày.

       Đạo Sikh đến với lễ hội qua một bài kinh của Gurunanak do gia đình Bhai Ajit Singh và Jatha xướng hoạ.

       Cơ Đốc giáo (Cross) xướng tụng Thánh kinh Cơ Đốc qua phần trình diễn của Tosi Poleri đến từ Ý.

       Xướng tụng Phật kệ và chơn ngôn của nghệ sĩ Vidya Rao, New Delhi.

       Tín ngưỡng sắc dân Indonesia giới thiệu sắc thái tín ngưỡng mới mẻ này qua phần xướng ca của nhóm người đến từ mạn Nam Sulawesi và trung tâm Java.

       Xướng tụng thánh điển “Arhat-Vandana” của phái bạch y đạo Jaina (đạo loả thể, Jainism) do Samani Malli Pragya và nhóm trình diễn Delhi trình bày.

       Shaman đến từ Cộng hoà Tuva thuộc liên bang Nga trình bày phần đặc xướng do anh sáng tác.

       Thánh nhạc Thiên chúa trung cổ Gregorian được các nữ tu thuộc cộng đồng tu viện Benedictine, Hà Lan trình bày.

       Các tín đồ Bái hoả giáo (Zoroastrianism / đạo thờ lửa) đến từ Bombay (Mumbai) xướng tụng thánh điển phái Parsi (một nhánh của Bái hoả giáo).

       Karen Therese Moore đến từ Hoa Kỳ trình bày bài cầu nguyện của tín ngưỡng sắc dân châu Mỹ.

       Nhạc cổ truyền Ấn Độ được bang nhạc Nizami Bandhu, New Delhi trình bày.

       Thánh nhạc Baha’i được các tín đồ đạo Baha’i thuộc đền Hoa sen (Baha’i Temple / Lotus Temple), Delhi trình ca.

       Nhóm Alafia cầu kinh trong tiếng trống nhạc và giai điệu tín ngưỡng của sắc dân châu Phi…

       Kết thúc buổi trình diễn lễ nhạc của hơn 18 đoàn tôn giáo khác nhau từ  nhiều quốc gia, ngài Đạt Lai Lạt Ma lần lượt trao khăn chúc phúc theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng: Đoàn khách chính phủ Ấn Độ, Tăng ni Phật giáo Việt Nam, Nhật Bản, Tích Lan, các đoàn Thiên chúa, Ấn giáo (Hindu), Sikh, Bái hoả giáo, Jaina .v.v.

       Buổi lễ kết thúc để chuyển sang phần hội thảo vào buổi chiều trong sự luyến tiếc của hơn 5000 người tham dự. Phần xướng tụng Thánh điển của các tôn giáo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Trong suốt chương trình diễn xướng thánh điển, người tham dự đã thưởng thức và chìm đắm trong thế giới lễ nhạc tôn giáo. Những lời kinh bình an của Phật giáo Nguyên Thuỷ, giọng trầm hùng trong thông điệp Tuệ-Giác của Phật giáo Việt Nam, những âm thanh đầy bí ẩn trong lời cầu kinh của Phật giáo Tây Tạng, giọng thanh thoát trong phong cách Do Thái, giai điệu huyền bí cổ xưa trong cách trình diễn thánh điển Vệ Đà, lời tụng thánh điển “Arhat-Vandana” phái bạch y đạo Jaina như đưa thính chúng thoát khỏi sự ràng buộc của thể xác và thế giới nhục dục, hay nét vui nhộn trong tiết tấu và trình diễn của anh  Shaman đến từ Cộng hoà Tuva.v.v. Âm nhạc của mỗi tôn giáo, tông phái, sắc thái tín ngưỡng mang một nét đặc trưng riêng, một cung bậc âm thanh và giai điệu riêng tạo nên một thế giới âm thanh tâm linh đặc sắc.

       Buổi chiều, cuộc hội thảo chuyên đề “Spiritual Ways of Sustainable and Non-Aggressive Living” (những lối sống tâm linh (Đạo): kham nhẫn và không sân hận) giữa các tôn giáo trên thế giới được tổ chức tại India International Centre – New Delhi. Đại diện từng tôn giáo lần lượt trình bày quan điểm của mình trong tiến trình hướng nhân loại đến một đời sống vị tha và tích cực. Tiến sĩ Franz-Theo Gottwald đọc lời khai mạc và Thượng toạ Olande Ānanda điều khiển chương trình với kiến thức uyên thâm, sự khéo léo và tinh tế đã làm cuộc hội thảo trở nên sinh động.

-         Swami Jitatmananda đến từ tiểu bang Gujarat - Ấn Độ đại diện Ấn Độ giáo (Hinduism).

-         Tiến sĩ S. Ausaf Ali đại diện Hồi giáo (Islam).

-         Thượng toạ Thích Như Điển đến từ Đức Quốc đại diện Phật giáo (Buddhism).

-         Nữ tu Samani Malli Pragya đại diện đạo Jaina (Jainism)

-         Nữ tu Karin Lelyveld đến từ Amsterdam – Hà Lan đại diện Cơ Đốc giáo (Christianity).

-         Tiến sĩ Mohinder Singh đại diện đạo Sikh (Sikhism).

-         Tiến sĩ Homi B. Dhalla đến từ Bombay đại diện đạo thờ lửa (Zoroastrianism/Bái hoả giáo).

-         Tiến sĩ A.K.Merchant đại diện đạo Baha’i (Baha’i).

-         Tiến sĩ Mordehai Wosk đến từ Vancouver đại diện Do Thái giáo (Judaism).

-         Kết thúc chương trình Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Phật giáo Tây Tạng nhấn mạnh những then chốt của buổi hội thảo, mở rộng và hướng đến đề tài cho Lễ hội xướng tụng Thánh điển và hội thảo tôn giáo quốc tế trong tương lai.

       Nội dung xuyên suốt các tôn giáo trình bày trong buổi hội thảo nhằm hướng đến một thế giới hoà bình không có tranh chấp giữa các tôn giáo và con người, vị kỷ và sân hận là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đấu tranh, niềm tin được xem là một trong những nền tảng cơ bản và định hướng nhân sinh quan cho mỗi con người hướng đến sự hoàn thiện đạo đức và nhân cách, tôn giáo là môi trường đào tạo con người hoàn thiện nhân cách vô cùng hữu hiệu bên cạnh môi trường giáo dục và gia đình, và là yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh.v.v. Và mẫu số chung của tất cả mọi tôn giáo hướng đến là: Đem hạnh phúc và an lạc đến cho con người. “Chúng ta có thể gọi các tôn giáo là những trường học dạy con người niềm an lạc, những trường học đó không cung cấp văn bằng và học vị, nhưng chúng rèn luyện và khai thông tâm trí con người đạt được sự hiểu biết, sự cảm thông, những trường học lấy sự hiểu biết sâu sắc và đời sống tâm linh làm nền tảng (Schools for peace, We would call them. Not the kind of school that issues diplomas or degrees, but that educates and opens the mind to understanding, based on insight and spirituality)”.

       Buổi hội thảo cũng đề cập đến vấn đề những ảnh hưởng của phim ảnh và đồ chơi trẻ em trong tiến trình hình thành nhân cách của thanh thiếu niên trong thời đại “siêu nhân điện tử”. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống ngày một cao dần, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải bương chải nhiều hơn để trang trải cho nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt gia đình, họ phải đầu tư nhiều thời gian để lao vào công việc nhằm “hái ra tiền”, thời gian chăm sóc và giáo dục con cái giảm dần theo mức độ gia tăng của công việc, điều này đưa đến một hình ảnh “đem con bỏ vào… chợ trời điện tử”. Các “cục cưng” được trang bị quanh mình thế giới điện tử, tốt có xấu có, cùng các đồ chơi mang tính bạo lực. Người ta nhận ra rằng các tai nạn do súng đem đến ngày một gia tăng chóng mặt trên đất nước Hoa Kỳ, và cũng đưa ra hình ảnh hầu hết trẻ em trên đất Mỹ ít nhất một lần trong đời được “trang bị” một cây súng nhựa bỡi cha mẹ hay bạn thân, và bình quân số lần các trẻ chứng kiến cảnh đấu súng trên màn ảnh ít nhất nhiều gấp ba lần so với số ngày tuổi thọ của chúng. Trẻ em Hoa Kỳ cũng xem việc đem các đồ chơi bạo lực như súng giả, dao nhựa v.v. đến những nơi tôn nghiêm như chùa, nhà thờ, tu viện và đền thờ là “chuyện thường ngày ở huyện”; Thỉnh thoảng người ta cũng chứng kiến cảnh lũ trẻ “chia đều ra hai bên đánh” và “tập trận” tại những nơi tôn nghiêm ấy nữa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong thanh thiếu niên tại Mỹ là do “hụt hẫng niềm tin và lý tưởng sống”. Niềm tin và lý tưởng của giới trẻ bị cuống hút theo những viễn cảnh hào nhoáng, những ảo ảnh do kỷ xảo điện tử tạo thành, những món ăn tinh thần nguy hiểm, độc hại trên các phương tiện thông tin đã phần nào hướng giới trẻ đến một thế giới viễn vông và giả tạo, cộng vào đó là sự thiếu quan tâm, kiểm soát của các bậc phụ huynh. Người đời thường nói: “thế giới ngày mai là tuổi trẻ hôm nay” và “ngày mai” đó sẽ như thế nào đều tuỳ thuộc vào phương pháp “hướng đạo” của các bậc phụ huynh dành cho con em mình!...

       Phần cuối buổi hội thảo, Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm tắt những vấn đề đã được nêu ra bởi các tôn giáo trên toàn cầu. Ngài cũng nhắc lại và nhấn mạnh rằng: bên cạnh những yếu tố ích kỷ và sân hận, tiền bạc cũng là nguyên nhân đưa đến sự đấu tranh và làm con người khổ đau nếu con người không biết cách “điều khiển” chúng. Tiền bạc chỉ là phương tiện đo lường giá trị vất chất, chúng không thể đem đi mua lấy hạnh phúc hay sự an lạc nội tâm, giải thoát,… muốn tìm được an lạc con người hãy tập sống hạnh xả, ly. Và vị lãnh đạo tinh thần tối cao Phật giáo Tây Tạng kết thúc buổi hội thảo trong câu nói hài hước và ý vị: “Chúng ta thường xưng rằng: tôi là phật tử, tôi là con chiên của chúa, tôi là một người do thái, tôi là một bậc Bà La Môn, .v.v. nhưng chúng ta rất ít khi vâng giữ và thực hành theo giáo lý tôn giáo mình đang tôn thờ, hoặc có chăng đi nữa cũng thực hành một cách hời hợt. Phần đông con người đều chạy theo và tự nguyện làm tín đồ ngoan đạo của một “Đạo” có sức hấp dẫn vô cùng đối với mọi người trên toàn thế gian, đó là ĐẠO THỜ TIỀN”. Cả hội trường cười ồ hoan hỷ kèm theo những tràng pháo tay không dứt. Đức Đạt Lai Lạt Ma nhường lời cho người dẫn chương trình thay mặt ban tổ chức cảm tạ các thuyết trình viên và thính chúng.

       Các buổi tối 6, 7 và 8 tháng 10 tại vườn hồng (Rose garden) India International Centre, một lần nữa các tôn giáo nói trên cùng các đoàn nghệ thuật Ấn Độ lần lượt trình bày những tiết mục đặc sắc, những giai điệu đặc trưng của từng tôn giáo và sắc thái tín ngưỡng. 20:45 ngày 8 tháng 10, Lễ hội xướng tụng Thánh điển (Festival of Sacred Chanting & Singing) kết thúc. Mọi người tham dự vừa hân hoan vừa nuối tiếc, tất cả cùng chào tạm biệt nhau trong câu: “See you again, and hope that His Holiness the XIV Dalai Lama will be organising this programme soon again. Good luck!” (Chào tạm biệt, và mong rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội này trong thời gian sớm nhất. Chúc gặp nhiều may mắn!).

 

       LÊ BÍCH SƠN

       Đại học Delhi, 23:30 ngày 8-10-2003                

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003