TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 Dòng đời lãng đãng

KỲ SƠN

         Đã có duyên vào đời, có lẽ không ai không có kỷ niệm. Ðời tôi không ra ngoài quy lệ ấy. Nếu buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau.... là những hình thái sống của một cá thể, khi nổi trôi trong dòng đời, thì kỷ niệm một thời của tôi cũng đầy ắp những mảng tình nhẹ tênh và giản dị chồng chất lên nhau. Ai đó cho rằng hạnh phúc sẽ hiện hữu, khi mình chấp nhận thực tại và khổ đau chỉ hình thành, lúc mình không toại nguyện, với tôi, hạnh phúc đến từ may mắn nhiều hơn chấp nhận.

     Ngay những ngày đầu tiên có mặt ấy, cảm nhận tiếp xúc cuộc đời của tôi là một xâu chuỗi tâm thức đầy vô tư và tự tại. Như những mầm sống đang vươn lên mơn mởn, tự nhiên, tôi cùng các bạn của tôi vui đến ngất ngây với công việc hằng ngày. Dù có đôi phút bâng quơ để ra vẻ tư lự, nghĩ về tương lai, nhưng như làn chớp, chỉ là chợt lóe lên trong thoáng chốc trên cao xanh vô tận, rồi biến dạng vào khoảng không vô cùng. Vâng! chẳng cần nghĩ đến quá khứ, chẳng cần nghĩ về tương lai. Vì quá khứ là gì? tương lai là gì? nếu không là kết quả và hành động mình trong hiện tại. Tương lai là màu xanh ư? không thể được, khi hiện tại chỉ là một màu xám. Những ngày ấy của chúng tôi là thế. Hiện hữu mà không tính toán, không so đo, không phát nguyện, không vì một chủ thuyết, hay cá nhân nào!

     Thế nhưng, thực tế không đơn giản như chúng tôi tưởng, cuộc đời đâu chỉ là một con đường dài, với điểm khởi đầu khi vào đời và điểm kết thúc là lúc vĩnh viễn ra đi. Cuộc đời là một ngôi trường đa dạng trong đó có nhiều bài học, mà chúng ta cần phải học để mà tồn tại trong cuộc đời. Thuở ấy, khi đồng loại chúng tôi có mặt càng lúc càng đông trong không gian hạn hẹp là lúc mà những nguyên tắc sống, những quy luật vận hành càng phải được nhắc đến nhiều nhất để tạo sự an toàn. Thế mà đã có một lần thiếu may mắn, và chỉ có một thôi, khi tôi quên sự hiện diện của tôi trên dặm đường thiên lý, kết quả dẫn đến một trận cọ xát, dù chỉ đủ để in nhẹ trên hình dáng thanh tú của tôi một vết sẹo nhỏ, nhưng vẫn là vết thương đời, để nhớ, để gẫm và để thương cho thân phận mình.

     Thấm thoát thế mà đã hơn hai năm rồi kể từ ngày may mắn tôi đủ tất cả nhân duyên để giã từ các bạn đồng hành của tôi, lên đường đến chùa Viên Giác! Hai năm như một giấc mơ mà trong trí nhớ của tôi, tất cả dường như mới ngày nào hôm qua. Ngày ấy, đặt chân về đây, tôi không thể tưởng tượng được công việc của tôi như thế nào, dù rằng ý thức của tôi lúc nào cũng nhắc tôi tâm nguyện, mà tôi đã phát trước khi lên đường. Biết rằng tôi được về đây là cả một sự thương tình, Thượng Tọa và đại chúng dành cho tôi. Rất nhiều và rất nhiều cả tài lực lẫn tinh thần. Sự hiện hữu của tôi không chỉ là kết quả của bàn thảo và thông qua nhiều thủ tục hành chánh, mà còn bằng trị giá của những mẩu bánh đạo tình, quý cô đã dành nhiều thời gian gia công và phát hành. Vốn là kẻ nhạy cảm tôi càng nhạy cảm hơn khi tôi đặt cả hai phần đạo tình cao cả ấy và công việc của mình lên trên bàn cân phân biệt. Làm sao tôi có thể để đáp đền ân đức cao dày nầy?

     Hơn ai hết tôi là người biết rằng diễm phúc nầy của tôi là điều mà rất nhiều nguời bạn của tôi đã và đang mong đợi. Ðời như một dòng sông chảy mãi, có những hạt nước trôi qua, có những hạt nước đang đến và sẽ có nhiều hạt nước nữa góp mặt để tạo một lưu lượng liên tục từ quá khứ đến hiện tại, và từ hiện tại về tương lai. Nguồn nước không bao giờ khô cạn khi còn rất nhiều đám mây thương yêu đang âm thầm chuyển nước về nguồn, khi còn nhiều tảng băng lặng lẽ trên cao ôm giữ hạt nước vào lòng, đang chờ một ngày đẹp trời nắng ấm tiễn nước ra đi, như những nguời mẹ gửi con vào đời. Hạt nước nầy rời nguồn mẹ, hạt nước khác liền đến, để tiếp tục bổn phận và tạo nên duyên mới. Dòng chảy nầy vừa rẽ nhánh sang ngang, dòng chảy khác thay vào chỗ trống. Tôi như hạt nước bé nhỏ ấy đang được trôi theo dòng thời gian, không được phép dừng chân lâu tại đâu, dù muốn hay không, tôi phải vận hành, tôi phải buông mình về phía trước theo dòng đời để thích ứng với môi trường mới của mình.

     Rồi ngỡ ngàng của ngày đầu tiên cũng lặng lẽ trôi qua, tôi quen dần với công việc riêng tôi, quen với cá tánh của từng người ở thầy Hạnh Hòa thông minh, nơi thầy Hạnh Ðịnh vui vẻ, ở thầy Hạnh Giới nguyên tắc, ở cô Hạnh Ngộ nhanh nhẹn, với chú Hạnh Tuệ nhuần nhuyễn, nơi chú Hạnh Giả cẩn thận... nhưng người hiểu và lo cho tôi nhiều nhất là chú Hạnh Tuệ. Với tôi, chú dành cho tôi rất nhiều nỗi cảm thông vì gần gũi tôi và chăm sóc tôi khi trái gió trở trời. Nghe tiếng tôi, chú hiểu tôi muốn gì. Ngược lại, tôi chưa bao giờ làm chú phật lòng, và tôi cũng chẳng lấy làm buồn, khi chú chơi tôi sát ván. Mở số de, chú cho tôi lùi, mà không cần quan sát sau lưng, chú đem mông của tôi để thử cột sắt, nhưng với tôi chẳng sao cả! Tôi chưa hề giận chú ấy, bởi vì giận chú tôi chỉ chuốc lấy bệnh hoạn và khổ đau thôi. Giận chú, chú cho rằng Không biết gì về ÐIỆN! Giận chú, ai sẽ là người lo cho tôi được tắm mát, được ăn no, được uống đủ khi tôi cần. Những chuyến đi xa của tôi, có chú bên cạnh tôi an tâm. Và những lần tôi trở về, chú quan sát tôi rất kỹ từ trong ra ngoài. Chú bắt tôi hát cho chú thưởng thức; kể chuyện cho chú nghe, thậm chí có nhiều lúc tôi phải trùng tuyên lại những bài giảng của quý thầy cho chú học. Tôi với chú là một. Chú vội vã, thì tôi chạy nhanh, thế là chú bị phạt. Tôi bệnh, chú cũng bệnh theo. Biết chú quan tâm cho tôi, tôi không lấy làm hãnh diện chỉ thầm nghĩ đến hai chữ cảm ơn mà thôi.

     Theo gương người xưa Chỗ nào chúng sanh cần con đến, chỗ nào Ðạo Pháp gọi con đi, Chẳng ngại gian lao, Chẳng nề khó nhọc, tôi vào cuộc và làm tất cả mọi công việc với ước mong đáp đền ân đức của Thượng Toạ. Sức tôi khoẻ, dáng tôi đẹp, tiếng tôi tốt, nên tôi chiếm được nhiều cảm tình từ mọi người. Vả lại, ngoài chú Hạnh Tuệ ra, tôi sẵn sàng chiều lòng bất cứ ai cần tôi giúp đỡ. Ðời tôi gắn liền với hai chữ LƯU ÐỘNG, chứ không phải LƯU VONG, nên hầu như cả ngày tôi ở trên đường phố nhiều hơn, và cuối tuần nào cũng được hầu Thượng Toạ đi xa. Nơi nào có người Phật tử Việt Nam hiện diện, nơi đó có hạnh nguyện của Thượng Tọa sáng soi, và hẳn nhiên có hình dáng của tôi thấp thoáng tới lui qua lại.

     Ai gặp tôi một lần không quên, bởi hình dáng đặc biệt bên ngoài RẤT NGẦU, với Bộ CÀNG INOX trắng tinh gắn phía trước gương mặt khả ái không ốm không mập của tôi. Công việc của tôi không chỉ biết đưa đón, biết hát, biết kể chuyện mà còn biết lắng nghe nữa. Ðường càng xa, tôi càng được nghe nhiều câu chuyện tu học từ thuở làm điệu của Thượng Toạ, chuyện Chùa, chuyện Ðạo đầy tình quê hương và dồi dào tình ÐẠO. Tôi nhớ mãi chuyện đời tu của Sư Ông Chơn Ðiền, khi đến Hồng Kông gặp gỡ một người thọ ân của Ngài khi Ngài ở chùa Ấn Quang, mà chính Ngài cũng không ngờ. Ôi! Một miếng khi đói bằng một gói khi no, không chỉ triết lý mà là sự thật của tiến trình NHÂN QUẢ TRẢ VAY. Ðã gọi là Nợ, dù TIỀN hay TÌNH không ai có thể XÙ được, khi còn hiện hữu trong thế giới TA Bà nầy. Tôi ngẫm nghĩ sự đời, gẫm lại đời mình biết đến bao giờ tôi mới đền đáp trọn vẹn những thâm ân mà chư Tôn Ðức, chư Phật tử đã dành cho tôi. Càng nghĩ càng xót xa cho thân phận mình! Thôi thì chỉ biết cố gắng làm hết sức mình để tròn những tâm nguyện mình vốn cưu mang.

     Không chỉ được nghe, mà tôi còn được sử dụng đôi mắt sáng ngời để chiêm ngưỡng và quan sát, để thu vào tầm mắt của tôi những nét chấm phá của cuộc đời. Ði cùng Thượng Tọa sang đất nước Anh, quê hương của những người từng tuyên bố mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước họ, tôi được chứng kiến cảnh Vô Thường. Mới ngày nào đây, mỗi lần đài BBC cất tiếng phát thanh, nghe tiếng chuông đồng hồ đổ, tôi tưởng tượng hình ảnh cái đồng hồ BIGBEN to lớn oai hùng, giờ đây cái đồng hồ ấy, với tôi đã trở thành thô kệch không thể sánh với ngôi nhà BÚT CHÌ hiên ngang phong độ ở thành phố Frankfurt. Phi cảng Luân Ðôn, tôi mơ tưởng ngày ấy chắc chắn không thể nào bằng OSAKA rực rỡ ánh đèn, đêm cũng như ngày. Nước Anh còn đó những địa danh như YORK, như SETTLE, nhưng hào hoa của nó đã bị những thành phố mang thêm chữ NEW che phủ mất rồi. Ở Anh, có lẽ vì vật giá đắt đỏ, người Việt định cư không đông, chưa có ngôi chùa Việt Nam nào dựng lên xứng đáng để che chở hồn dân tộc. Chỉ có một vài Niệm Phật Ðường nho nhỏ khiêm tốn đủ là nơi trở về cho những người con Phật mang dòng máu Tiên Rồng.

     Paris, với tôi đã qua rồi cái thuở huy hoàng của thủ đô ánh sáng hoa lệ của Pháp, được mệnh danh là thành phố văn hóa Tây Phương. Paris ngày nay sao ngột ngạt quá! Ðường chật, xe nhiều, không trật tự... khác với thành phố Hannover êm đềm và yên tĩnh. Nếu được hỏi rằng Paris có gì lạ không em, tôi trả lời "Lạ lắm"! Lạ hơn thuở trước! Paris có dòng sông Seine nước đục, có tháp Effel đầy du khách đến nỗi khó mà mua cho được một chiếc vé tham quan, có con đường đầy rác chạy dọc hai bờ sông, vì ảnh hưởng khủng bố mà nắp các thùng rác bị khoá lại cẩn thận, có chợ 13, rất nhiều người Việt đến đi buôn bán hàng hóa Á Ðông; có ngôi chùa Khánh Anh to lớn đang xây dựng và không biết đến bao giờ tâm nguyện của Hòa Thượng cùng chư Tăng, Phật tử ở Âu Châu được hoàn thành.

     Vượt cả trăm ngàn cây số về phương Bắc, có những con đường xa lộ xuyên qua những cánh đồng mênh mông, có những cây quạt gió khổng lồ quay từ từ như những Thiền sư kinh hành. Tôi thích Bắc Âu, một phần vì Bắc Âu thanh bình, một phần vì những cây quạt gió nầy. Có lần ngồi trên phà lênh đênh trên biển Bắc Băng Dương, qua Thụy Ðiển, lên Na Uy, thăm chùa Khuông Việt, một ngôi chùa mang hình dáng Thiền Môn Việt Nam nơi xứ tuyết. Thời tiết lạnh nhưng lòng người vẫn ấm. Những con đường quanh co khúc khuỷu nhưng tấm lòng lại bằng phẳng như mặt hồ đóng băng mỗi khi Ðông về. Có một sự khác biệt tĩnh và động thật rõ ràng giữa hai không gian biểu trưng cho hai nền văn hóa.

     Về miền Ðông, tôi đến tận chân tường Bá Linh lịch sử để chứng kiến cảnh thương hải biến vi tang điền. Thủ Ðô Bá Linh kiêu hùng đã hết rồi cái thời đau thương chia đôi thân thể của mình. Như cánh chim Bằng sắp sửa tung mình vào không gian vô tận, Bá Linh đang thay màu áo để xứng đáng thủ đô có hai lần viết nên lịch sử, dù lịch sử ấy đầy nước mắt đau thương, để bước lên tầm cao của thời đại hoàng kim. Chiến tranh bao giờ cũng bị lên án, thì thống nhất trong hoà bình không rơi một giọt máu đào là việc không ai không ca ngợi tuyên dương. Chỉ được một lần thống nhất trong hòa bình nầy thôi, Bá Linh cất cao tiếng hát tự hào cho quê hương của những Triết gia lừng danh thế giới. Dù vẫn còn đó một đoạn thành loang lổ, một hào sâu ngậm ngùi, một nhà thờ cụt đầu của Bá Linh để giữ lại tiếng nói đau buồn muôn thuở của chiến tranh.

                 Dù sao tôi cũng là dân Ðức, sinh ra và hiện hữu trên đất nước nầy, tôi xót xa với quá khứ đau thương, nhưng tự hào trong hiện tại và hy vọng tương lai đầy tươi sáng của nước Ðức của tôi. Nhưng tôi có duyên với chùa Viên Giác với Thượng Toạ kính yêu, với chư Tăng Ni, với người Phật tử Việt Nam. Từ may mắn nầy đến may mắn khác, được gần gũi Thượng Toạ và chư Tăng cũng như những thiện hữu tri thức, trong tôi đã nhẹ đi phần nào những cá tính cố hữu mà trước đây rất khó khăn để tôi vượt qua. Tôi có thể dễ dàng chấp nhận tất cả và san sẻ những gì dung dị nhất cho mọi người. Dòng đời hẳn vẫn còn lãng đãng khi tôi còn phải tròn bổn phận mình với thầy Hạnh Tấn, với thầy Hạnh Giới, với chú Hạnh Tuệ, chú Hạnh Giả, chú Thiện Tịnh, chú Ðồng Tâm... trên những con đường mà Thượng Toạ hướng đi. Với tôi, chỉ còn một hướng đến Tây phương khi mà Sự đời, đã tắt lửa lòng, Chen chi vào chốn bụi hồng khổ thân.

 KỲ SƠN

Chân dung tác giả

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003