TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

THIỀN SƯ THÍCH MẬT KHẾ

Thích Tín Nghĩa

 

Ngài họ Lê, quý danh là Chánh. Quê quán làng Thần Phù, xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngài thọ sanh năm Giáp Thìn (1904). Năm Quý Sửu (1913), lên chín tuổi, xuất gia đầu Phật với tổ Giác Tiên, chùa Trúc Lâm, cố đô Huế. Ngài tỏ ra thông minh xuất chúng trước tuổi. Năm Giáp Tý (1924), được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Từ Hiếu (Tổ Tâm Tịnh làm Đàn đầu Hòa thượng). Ngài đỗ thủ khoa vào năm 21 tuổi tròn.

          Pháp danh: Tâm Địa,

          Pháp tự:      Mật Khế,

          Thuộc giòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43.

          Sau khi đắc giới, ngài xin với bổn sư ra tổ đình Thiên Hưng để tham cầu thêm giáo lý với Hòa thượng Huệ Pháp. Năm 23 tuổi, ngài xin vào thọ giáo với Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định. Năm 1932, ngài cùng với bổn sư là tổ Giác Tiên và chư tôn đức Tăng già đứng ra thành lập An Nam Phật Học hội. Ngài là vị giảng sư đầu tiên của hội.  Và, ngài  cũng là vị sư trẻ đầu tiên tại cố đô Huế sớm ý thức đem đời vào đạo và đem đạo vào đời bằng con đường chấn hưng Phật giáo.  

          Với tư chất và hạnh nguyện ấy, nên được tổ Tâm Tịnh (Tổ khai sơn Tây Thiên Di Đà tự) tặng y bát để hành trì. Năm Quý Dậu (1933), ngài vâng lời sư phụ đứng ra lập trường Tiểu học Phật giáo tại chùa Vạn Phước và trực tiếp làm Hiệu trưởng.

          Năm Giáp Tuất (1934), ngài hợp tác với Hòa thượng Giác Nhiên (tọa chủ tổ đình Thuyền tôn, đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất 1973-1979), mở trường An Nam Phật Học tại Trúc Lâm.  Ngài làm việc với hội trong tư thế là Tổng thư ký.

          Các bài giảng của ngài dạy tại trường Vạn Phước và chùa Từ Quang gồm: Tam quy ngũ giới, Trạch pháp tu tâm, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa, Pháp môn niệm Phật, … đều có đăng trong báo Viên Âm.

          Năm Ất Hợi (1935), ngài muốn cho quần chúng thấy sự hưng thịnh của Phật giáo tại miền Trung, nhất là tại tỉnh nhà và cố đô Huế, ngài đã đi đó đây để vận động giới Tăng sĩ bản tỉnh đem hết tâm lực ra để cúng dường ngày Đản sanh thật long trọng, thật vĩ đại. 

          Ngày 10 tháng 05 năm 1935, trong lúc đại lễ Phật đản đang được cử hành rất trọng thể tại chùa Diệu Đế, thì ngài lại viên tịch ở Trúc Lâm. 

          Tổ Giác Tiên không có mặt trong ngày đại lễ này. Trước khi viên tịch, ngài bảo huynh đệ trong chúng mang bức tượng Di Đà phóng quang để trước mặt ngài. Ngài ngồi ngay ngắn như nhập định, chấp tay và niệm: Nam Mô A Di Đà Phật. Lúc ấy, tổ Giác Tiên vào đứng bên cạnh và phú kệ như sau: 

                      Tâm Địa (*) quai hàm pháp tánh viên,

                      Tây lai diệu chỉ hiểu Nam thiên,

                      Hoát nhiên trực triệt Tào Khê lộ,

                      Miễn tại linh bình ngũ thập niên.

Dịch:

                      Cõi tạm bao hàm pháp giới tánh,

                      Trời Nam sáng tỏ ý Tây truyền,

                      Bỗng nhiên thấu triệt Tào Khê lộ,

                      Khỏi mất công dài năm chục năm. 

(*) Tâm Địa là Pháp danh của ngài.  Nguyễn Lang dịch. 

          Ngài bái nhận phú kệ xong, xin Tổ được lấy ảnh Di Đà đắp lên mặt và từ từ nhắm mắt thị tịch. Ngài xả thân tứ đại đúng vào lúc 08 giờ sáng, ngày mồng Tám tháng Tư năm Ất Hợi (tức ngày 20 tháng 05 năm 1935).  Hưởng dương trần thế 31 tuổi.

          Ngài là vị sư trẻ duy nhất được Giáo hội xây tháp phụng thờ và lo liệu mọi nghi lễ trong lúc nhục thân của ngài chưa nhập tháp. 

          Giáo hội đã tặng câu đối: 

* Khả hạnh giải, chánh đạo bất chung yên, nguyệt san đề xuất, Phật học liên trường cố đa cô vũ, phông trào vô tận đăng quang tường phúc lãng, 

* Thử nhật tùng tâm, cang phùng khánh tiết, thiên tãi hạ trùng quang Phật nhựt, hồ nhi lạc quốc thốc tiên đăng. 

          Câu đối Nôm của thầy Vân Đàm tặng như sau: 

 * Rừng mai đạp tuyết, cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn nhiều hy vọng chứa chan, tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật,

* Sàng Trúc trổ hoa, tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sầu trường man mác, quyện rơi giọt lụy gọi hồn thiêng. 

          Ngài ra di giải thoát cho chính ngài, nhưng An Nam Phật Học hội mất đi một vị tăng trẻ tài cao, học chúng Trúc Lâm mất đi một hướng đạo sư tận tụy, đồng sự pháp lữ mất đi một bạn hiền vô giá. 

          Hằng năm, cứ vào ngày tưởng niệm ngài, chư Tăng Ni và Giáo hội bản tỉnh đều vào Trúc Lâm thắp nén hương long và đảnh lễ trước long vị của ngài.  Di ảnh cũng như long vị được phụng thờ bên gian tả của hậu tổ. 

          Sự ra đi sớm của ngài, theo Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận quyển ba, trang 102 có đoạn nói như sau: 

- “… Có lẻ giảng sư Mật Khế đã phí sức nhiều quá trong những ngày vận động cho lễ Phật Đản, một cuộc biểu dương đầu tiên của lực lượng quần chúng Phật giáo trong phong trào phục hưng.  Như ta đã biết, đại lễ này có vua Bảo Đại tham dự, đã làm cho báo chí trong nước nói lên nhiều lần và câu hỏi về sự cần thiết hay không cần thiết của một sự phục hưng Phật giáo đã được đặt ra giữa dư luận quần chúng quảng đại. 

… Trước đó đã vận động vua Bảo Đại chấp nhận vị Hội Trưởng Danh Dự của hội.  Từ năm trước, tức năm 1934, vua Bảo Đại đã ban hành sắc tứ cho các chùa Tường Vân, Tây Thiên và Trúc Lâm.  Chùa Tường Vân nguyên trước đã được sắc tứ rồi, bây giờ lại được sắc tứ một lẫn nữa, chùa Tây Thiên bây giờ là: “Tây Thiên Di Đà tự” và chùa Trúc Lâm: “Sắc Tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự”,  Đại Thánh Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tông ngày xưa vậy. Đến đây chúng ta hiểu thêm một phần nữa là: Qua biển sắc mà nhà vua ban cho Trúc Lâm Đại Thánh tự bây giờ có một phần liên hệ với Trúc Lâm Đại Đầu Đà ở núi Yên Tử (Bắc Việt) vậy. 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003