TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

LỘC DÃ UYỂN

THÍCH THIỆN CHÁNH

 

I. LỘC DÃ UYỂN:

          Suốt 49 năm truyền pháp độ sanh, Đức Phật du hoá khắp vùng Bắc Ấn dọc theo vùng đồng bằng sông Hằng, Ngài đã hoá độ vô số chúng sanh thoát khổ được vui. Một trong những địa danh quan trọng trong cuộc hoằng hoá của Đức Phật chính là nơi xe Pháp được “chuyển bánh” lần đầu tiên, cũng là nơi đánh dấu Tam Bảo được hình thành. Nơi ấy chính là Lộc Dã Uyển (Benares) hay còn gọi là vườn Nai, một khu vườn linh thiêng ấm áp, yên tĩnh và xanh mát. Sử sách ghi nhận rằng Đức Phật đã nhiều lần trở lại kiết hạ an cư tại đây và để lại những bài Pháp vô cùng quý giá và lợi lạc.

          Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng hai trăm năm, vào thời vương triều Khổng Tước xuất hiện một vị vua võ nghệ cao cường, thâm tín Phật pháp, đó là vua A Dục (Asoka). Để kỷ niệm và đánh dấu nơi chuyển pháp luân đầu tiên của đức Thế Tôn, vua A Dục cho dựng một trụ đá rất nổi tiếng với hình tượng bốn đầu sư tử và mở rộng xây dựng Phật tháp và Tăng viện, hộ trì Phật pháp truyền lưu trong dân gian.

          Tiếp sau đó, vương triều vua Saka và vua Kushana tiếp tục kiến thiết xây dựng kiên cố Lộc Dã Uyển và nhiều công trình vĩ đại khác, tiếp nối công việc hộ trì Tam bảo của tiền bối. Qua nhiều triều đại đã không ngừng xây dựng và kiến tạo, vì thế Lộc Dã Uyển đã trở thành một trung tâm đặc sắc trong tiến trình phát triển và truyền bá Phật giáo.

          Theo dòng thời gian với những đổi thay của thời cuộc, tình hình diễn tiến của lịch sử càng phức tạp, thời kỳ phân chia bộ phái của Phật giáo diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự kỳ thị của Ấn Độ giáo và Tantra đã đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Phật giáo ngày càng suy vi. Đúng lúc này, người Hồi giáo xâm lược Ấn Độ, tàn sát Phật giáo và làm cho Phật giáo từ suy vi đi đến diệt vong trên đất Ấn.

          Đến năm 1194, một lần nữa, Qutabudin Aibak, lãnh binh Hồi giáo đem quân càn quét Lộc Dã Uyển, cảnh huỷ diệt trong sát na, cảnh hưng thịnh của thánh địa Phật giáo biến thành hoang phế, khói toả tro bay. Mời bạn cùng đọc những dòng chữ sau đây được viết bỡi các nhà sử học và khảo cổ học, khi họ nói về sự kiện Phật giáo tại Lộc Dã Uyển bị tàn sát bỡi quân Hồi giáo: “Sự huỷ diệt đến với Lộc Dã Uyển dường như quá đột ngột, đến nỗi một bữa ăn trong tu viện vừa nấu xong mà chưa kịp ăn, thì ngọn lửa tàn bạo của đám nghiệt quân quá nhanh khiến cho những tu sỹ trong tu viện không kịp dùng bữa. Phía đông của tu viện còn ngổn ngang những thức ăn chưa nấu, bình bát và đồ nhật dụng tan tát bị ngon lửa nung chảy thành khối đen như đồng. Đông tây bốn bề lửa cháy, những cột trụ tu viện bằng gổ, gạch ngói đều biến thành tro bụi dày khoảng sáu tấc. Ngọn lửa bùng cháy khiến những mạch đất sét giữa những hàng gạch trên tường kết thành một khối gạch cứng. Khắp nơi đều cho thấy cảnh phòng ốc Tăng xá bị thiêu cháy hiện lên dưới bàn tay của kẻ thù hung ác chứ không phải là một tai họa bình thường.”

          Trải qua bao thăng trầm của kiếp nạn, Phật pháp truyền thừa trên đất Ấn trên 1700 năm và suy tàn trầm trọng. Lộc Dã Uyển cũng như bao thánh địa Phật giáo khác dần dần bị chôn vùi vào quên lãng. Thế nhưng, sự hư hại và hoang phế vẫn chưa dừng nghỉ. Khoảng thế kỷ 17,18, Lộc Dã Uyển còn bị nhiều vận mệnh bi thảm. Người dân bản xứ đên đây lấy đi những gì có thể sử dụng được như gạch ngói trên tường, tháp… Rồi Hồi giáo dị tộc chiếm lĩnh thống trị Ấn độ, lấy đây làm trụ sở hành chính và tha hồ đập phá. Còn người dân thì gở từng viên gạch ngói đem về xây nhà cửa và nơi công cộng. Vì vậy, các nền móng cơ sở còn lại của toàn kiến trúc Lộc Dã Uyển bị chôn vùi trong lòng đất, đến ngày nay chúng ta khó xác nhận được mô hình kiến trúc vỹ mô chính thức của Lộc Dã Uyển thời vàng son.

          Khoảng 100 năm trở lại đây, những nhà khảo cổ của Anh quốc đến đây và tiến hành công tác khai quật điều tra, cảnh tiêu điều hoang phế của Lộc Dã Uyển được bắt đầu khôi phục và bảo tồn. Hy vọng một lần nữa Lộc Dã Uyển hưng thịnh để những nhà chiêm bái trên toàn cầu đến đây chiêm ngưỡng và đảnh lễ nơi đánh dấu lần đầu tiên đức Phật chuyển pháp luân, và Tam bảo chính thức được hình thành.

 

II. Quần thể di tích Lộc Dã Uyển:

1.            Tháp Dhamekh:

 

Tháp Dhamekh

          “Đại Đường Tây Vực ký” của Ngài Huyền Trang mô tả như sau: “Trong tháp Đại Đán có Tịnh xá cao hơn 200 xích, dùng vàng làm hình trái Yêm Một La để trang trí. Nền móng làm bằng đá, gạch xây thành tháp, tháp xoay đều bốn hướng, xếp hằng trăm lớp gạch, khắp nơi gắn nhiều tượng Phật bằng vàng”. Đó là hình ảnh của Tháp Dhamekh vào thế kỷ VII. Ngày nay, đến Sarnath, Lộc Dã Uyển nằm ngay trên con đường cái, bên trong nền móng gạch đỏ xếp hằng dãy dài, cỏ xanh mơn mởn, trong thế giới đó một kiến trúc trang nghiêm đồ sộ làm rung động lòng khách chiêm bái là tháp Dhamekh đứng vững chải dưới bầu trời xanh trong. Đây là một đỉnh tháp vỹ đại được làm bằng đá và gạch nung bởi những vị vua Ấn độ khoảng thế kỷ thứ Năm (V) tây lịch. Căn cứ vào di chỉ khảo cổ khai quật cho thấy đây là một đỉnh tháp có lịch sử kiến trúc cổ xưa nhất. Tháp được gọi tên là Dhamekh nên nó có một quan hệ rất gần với chữ Dharma (Pháp). Do vậy các nhà khảo cổ suy luận rằng, đây là một trong những tháp mà vua A Dục xây dựng để tưởng niệm Tam Bảo, và sau đó không ngừng được mở rộng và kiến thiết của đời sau mới có được mô hình hoành tráng như vậy.

          Trên bảo tháp còn có thể nhìn thấy được nhiều đường nét điêu khắc chạm trổ công phu, hình dáng của tháp được thiết kế bằng những hoa văn, cỏ cây, tượng, chim và nhiều biểu tượng vô cùng mỹ miều và công phu, mỗi hình ảnh đều diển tả một ý nghĩa riêng của văn hoá Ấn độ thời bấy giờ. Đặc biệt có nhiều biểu tượng hình chữ “Vạn”. Toàn bộ nghệ thuật điêu khắc cho chúng ta thấy được đây là một tác phẩm nghệ thuật của nhiều vương triêù xây dựng để hộ trì Phật pháp. Lộc Dã Uyển trải qua nhiều binh biến và thăng trầm của thế sự, sự tàn phá không ngừng của ngoại đạo và cư dân ở đây. Một trong những câu chuyện thương tâm được ghi lại trong lịch sử Ấn Độ theo dòng sự kiện những kẻ ngoại đạo tàn phá Lộc Uyển như sau: Năm 1794, Babu Jagat – một viên Tướng người bản xứ tại đây – muốn làm rạng danh của mình, ông ta ra lệnh cho xây một trung tâm thương mại có tên là “Jagatganj”, bằng cách lấy những vật liệu xây dựng có sẵn trong Lộc Dã Uyển để xây trung tâm thương mại… Và dĩ nhiên, hầu hết gạch, đá và những gì có sẵn ở di tích ngàn năm của Phật giáo này biến thành vật liệu xây dựng cho trung tâm thương mại nọ…

          Những tàn phá Lộc Uyển hoặc cố tình hoặc vô ý được ghi lại trong khá nhiều sách vở, và dường như tất cả đều bày tỏ sự vô vọng cho sự phục hồi của khu thánh địa này… Nhưng kỳ diệu thay… từ những mảnh vụng của đổ nát, từ những tàn tích điêu linh, những bàn tay, những con tim với tất cả thành tâm của những người con Phật từ khắp nơi trên thế giới, tháp Dhamekh dần “hồi sinh”… Năm 1835, một nhà khảo cổ đến đây và tiến hành công tác khai quật điều tra, đã mở được cửa vào tháp, thế nhưng vẫn không tìm thấy được hiện vật gì. Cuối cùng , chính phủ Ấn độ cũng nhìn thấy được tầm quan trọng của bảo tháp và Lộc Dã Uyển, nên đã tiến hành công tác bảo tồn và khôi phục. Họ đã cho tôn tạo nhiều công trình điêu khắc mới nhưng vẫn gìn giữ phong cách cổ điển, khôi phục những tác phẩm điêu khắc bị hư hại, hy vọng bù đắp vào những hành vi sai lầm trước đó… Sự phục hồi thánh địa đã là một giấc mơ, giữ được hình dáng nguyên vẹn ban đầu lại là chuyện viễn vông, nhưng Pháp Phật nhiệm mầu thay, như hoa sen “ tùng địa dũng xuất” tháp Dhamekh nhô lên, cao dần, cao dần trong niềm tin của người con Phật và những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, ngày nay tháp Dhamekh được phục hồi ngay trên nền đất cũ với dáng vẻ vỹ đại như xưa.

         

2.            Tháp Pháp Vương (Dharmarajika):

Nền tháp Pháp Vương (Dharmarajika)

          Trong Đại Đường Tây Vực ký của Ngài Huyền Trang chép: “Về phía Tây nam của Tịnh xá có một gò đất cao, trên xây một đỉnh tháp bằng gạch đá, do vua Vô Ưu (Asoka) xây dựng. Nền móng vững chải, ước chừng hơn trăm xích.” Sau khi thống nhất toàn cõi Ấn độ, vua A Dục khuyến khích dân chúng quy y Tam bảo, nhà vua cho thu thập tám phần Xá lợi của Phật bị phân tán khắp Ấn độ lại, và chia thành một ngàn phần, cho xây dựng Phật tháp ở những Phật tích và những trung tâm giao thông phát triển toàn Ấn độ, đem một ngàn Xá lợi tôn thờ trong một ngàn Phật tháp để người dân qua lại chiêm bái. Tháp Dharmarajika là một trong một ngàn tháp đó, hiện nay còn lại rất ít ỏi.

          Vào thế kỷ 19, một nhà khảo cổ đã phát hiện tháp này cách Tháp Dhamekh khoảng 500 mét, tháp hình tròn, nền gạch đỏ. Căn cứ vào các kiến trúc phụ cận cho thấy tháp này được xây dựng theo mô hình bán cầu, một kiểu nghệ thuật tháp cổ điển Ấn độ. Với đường kính 13.5 mét, chắc chắn đây là một đỉnh tháp rất lớn và tráng lệ, và được trải qua nhiều triều đại tôn tạo mở rộng, gia tăng chiều cao, có bốn cửa ra vào, hành lang bằng đá để nhiểu tháp kinh hành. Ngoài ra những nhà khảo cổ còn cho rằng tháp này cùng một mô hình kiến trúc với tháp ở Sanchi, có hành lang quanh tháp và một thang cấp lên đến đỉnh tháp, và bốn phía đông, tây, nam, bắc đều có cổng bằng đá chạm trổ công phu và tráng lệ.

          Về mặt hình thức kiến trúc tháp có thể biết được đây là một trong những đỉnh tháp rất quan trọng nên những nhà khảo cổ khẳng định đây chính là tháp Pháp vương (Dharmarajika stupa) của vua A Dục cho xây dựng để kỷ niệm nơi thuyết pháp lần đầu tiên của Đức Phật. Nhưng ngày xưa tháp trang nghiêm, sáng lạn, rực rỡ như thế nào thì ngày nay chỉ còn một nền gạch hình tròn thật cảm động lòng người! Đây là một tài liệu đáng tin cậy kể về sự hư hại của tháp: “Năm 1754, một vị vua của Baranas (Varanasi) ra lệnh đập phá tháp Dharmarajika để lấy vật liệu xây dựng”, lại có người cho rằng số gạch đá ngôi tháp này cũng đem xây dựng trung tâm thương mại như số gạch đá của tháp Dhamekh, nhưng tháp Dharmarajika còn có vận mệnh bi thảm hơn; số gạch đá của tháp bị di dời triệt để không còn gì trên mặt đất, chỉ còn lại nền móng gạch đỏ như ngày nay. Một điều an ủi giữa bi kịch thảm khốc, trong quá trình di chuyển gạch đá, hy hữu thay, người ta bỏ sót một tảng đá nằm sâu trong lòng đất có điêu khắc chạm trổ tinh xảo, bên trong có một chiếc hộp bằng đá xanh còn bảo vệ hoàn hảo Xá lợi của đức Phật và một số trân châu, ngọc đá, vàng, bạc, bông tai. Đào sâu dưới tảng đá người ta còn phát hiện thêm hai tượng đá, trong đó có một tôn tượng Bồ tát bằng đá đỏ, ngoài ra là một tôn tượng đức Phật chuyển pháp luân (Ngày nay, những tôn tượng này được bảo quản, gìn giữ trong viện bảo tàng Lộc Dã Uyển). Tất nhiên, những bày tay tội lỗi không dừng lại ở thời điểm đổ nát của Lộc Dã Uyển, bằng chứng cho điều này được ghi lại với hình ảnh tên Tỉnh trưởng – Jonathan Duncan – sau khi đoán biết trong lòng đất còn nhiều tượng cổ, hắn đã cho đào tung khu tháp Dharmarajika… Những nhà khảo cổ đã đến quá muộn!

 

3.            Trụ đá vua A Dục ( Asoka Pillar ):

          Trong Đại Đường Tây Vực ký của Ngài Huyền Trang chép: “Phía trước tháp tự có dựng một trụ đá cao hơn bảy mươi xích, trụ đá có đính ngọc, phản chiếu ánh sáng trong suốt…”

          Năm 1905, đoàn khảo cổ khai quật di tích một tu viện cách tháp Dharmarajika về phía bắc không xa và tìm thấy nhiều mảnh vỡ của trụ đá. Trụ đá nằm sâu trong lòng đất và hoàn toàn hư gãy.Theo phán đoán, các nhà khảo cổ cho rằng trụ đá  bị sét làm hoại, nhưng cũng có khả năng do ngoại tộc xâm lăng và ngoại đạo phá vỡ. Hiện nay những đoạn trụ đá được thu thập trong một cái đình nhỏ có rào sắt bảo vệ tại khu vườn để khách tham quan thăm viếng.

          Trụ đá vua A Dục dựng lên để đánh dấu nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên và Tăng già được thành lập. Trên thân trụ đá có khắc hàng chữ: “Chư Tăng tu hành trong Lộc Dã Uyển, các Tỷ kheo và Tỷ kheo ni! Tu đạo cần phải tinh tấn giữ gìn giới luật, nếu có người không giữ gìn giới luật sẽ bị trục xuất ra khỏi tịnh xá Lộc Dã Uyển”.

 

4.            Di tích tu viện:

 

Tăng viện

          Trong quần thể kiến trúc Lộc Dã Uyển, di tích của tu viện ở đây cũng tạo thành một nét đặc sắc riêng. Dưới bóng cây tươi mát, cỏ xanh như thảm, nền gạch đỏ nhấp nhô hằng dãy dài, đó là di tích của tu viện Lộc Dã Uyển. Những nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều nền móng của tu viện, phòng ốc Tăng xá lớn nhỏ. Nhưng hầu hết tường gạch đều bị tháo gở. Trong quá trình khai quật của những nhà khảo cổ, họ phát hiện rằng trong tàn tích Tăng viện có đến bốn hoặc năm tầng. Nguyên do là trong đống đổ nát Phật tháp, điện thờ, Tăng xá từng lớp từng lớp chồng lên nhau. Có đến ba mươi toà kiến trúc đổ xuống trên nền gạch đá. Di tích đổ nát hầu như có thể thấy được những mảng tường cháy đen nên thảm kịch hoả thiêu không chỉ diễn ra một lần.

          Trong số di tích Tăng viện có một ngôi chùa có kiến trúc khá vỹ đại, bao gồm 104 phòng Tăng và một chánh điện rất lớn. Nơi đây những nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tượng Phật; và họ cho rằng trước khi sơ tán các Tỷ kheo đã tìm cách dấu các tôn tượng này.

          Trên phạm vi di tích hùng vỹ này, chúng ta có thể thấy được hai ngàn năm trước chắc chắn đây là một tu viện rất to lớn và cũng là trọng điểm tu học Phật pháp. Qua cơn thảm nạn, ngày nay chỉ còn lại nền móng hoang sơ tiêu điều có nhiều chú chim nhảy nhót, trong công viên vài du khách và người chiêm bái qua lại, thi thoảng đó đây một vài vị Tỷ kheo ngồi trên nền gạch tụng kinh, tĩnh toạ. Phút chốc người chiêm bái đứng lặng chăm chú nhìn cảnh vật và chiếc áo ca sa của các vị Tỷ kheo mong muốn lục tìm một vài quang ảnh của lịch sử.

          Quang cảnh trang nghiêm của tu viện giờ thành hoang phế, cảnh chùa hưng long nay về với u tịch. Truy niệm quá khứ huy hoàng, xin dừng chân nhẹ bước trong khu vườn Lộc Dã Uyển một phút yên lặng…

 

III. DI TÍCH LÂN CẬN

1.            Đồi Chaukhandi (Chaukhandi Mound):

          Chaukhandi cách vườn Lộc Uyển về phía tây nam khoảng một cây số, có một ngôi chùa tháp hình bát giác toạ lạc trên một vùng đất cao. Theo truyền thuyết kể rằng đây chính là nơi năm vị Tỷ kheo nghinh tiếp đức Thế Tôn sau khi Ngài thành đạo trở lại thăm những người bạn đồng tu thuở trước. Nên còn có tên là Ngũ Tỷ Kheo Nghinh Phật Tháp.

          Theo sự miêu tả của Ngài Huyền Trang, nơi đây là một đỉnh tháp hình bán cầu, cao khoảng 300 xích, là nơi đánh dấu Đức Phật gặp lại năm người bạn đồng tu thuở trước, và họ quy y Phật và trở thành Tăng già đầu tiên. Ở trên gò đất này có một ngôi tháp được xây dựng ở thời đa vương triều. Bên dưới là một nền móng kiến trúc quy mô lớn hơn, khai quật được hình ảnh của năm vị Tỷ kheo nghinh Phật, nhưng quá trình khai quật không thể kết thúc, cho nên còn những hiện vật còn nằm trong lòng đất không hiển hiện được để làm minh chứng cho lịch sử.

          Năm 1588, Govardhan con của Todal Mal kỷ niệm đại đế Akbar của Mông cổ đã đến đây, Govardhan đã xây dựng một ngôi chùa tháp hình bát giác theo kiến trúc Mông cổ, điều này nói lên chính nơi đây ngày xưa đã có một ngôi tháp hình bát giác. Tuy nhiên toàn bộ kiến trúc không nhất trí, trên tháp có nhiều mô hình kiến trúc Ấn độ bị ảnh hưởng nhiều loại hình văn hoá ngoại lai. 

2.            Chùa Ma Kiền Đà Câu Đề (Mulgandhakuti Vihara):

          Khoảng hai nghìn năm trước, chính trong khu vườn Lộc Dã Uyển có một ngôi chùa gọi là Ma Kiền Đà Câu Đề (Mulgandhakuti Vihara) cạnh tháp Dhamekh. Tương truyền rằng chính nơi đây là địa điểm an cư kiết hạ đầu tiên của Đức Phật và năm vị Tỷ kheo, nên về sau một ngôi chùa được xây dựng ở đây để tưởng niệm sự kiện này. Vì vậy mỗi lần ghé lại Lộc Dã Uyển, Đức Phật đều tịnh trú ở đây. Thế nhưng thời gian đổi thay cùng với sự xâm lăng của ngoại bang, một địa điểm linh thiêng cũng không tránh được bàn tay hung ác, ngôi cổ tự trở thành bình địa hoang tàn. Trong công cuộc khảo cổ của thời cận đại đã phát hiện một tôn tượng Bồ tát khoảng thế kỷ thứ nhất và một tấm bia đá khắc tên chùa, ngoài ra không còn gì khác.

          Mùa đông năm 1931, một đại lễ khánh thành rất lớn được tổ chức tại Lộc Dã Uyển, hầu hết thành viên của các quốc gia Phật giáo đều tham dự đầy đủ. Đại lễ được hiệp hội Mahabodhi tổ chức, long trọng khánh thành một ngôi chùa mới tráng lệ xây lại ở nơi đây và đặt tên là Chùa Ma Kiền Đà Câu Đề (Mulgandhakuti Vihara). Sự kiện này không những có ý nghĩa kỷ niệm sự tái kiến thiết ngôi cổ tự mà Đức Thế Tôn đã an cư kiết hạ lần đầu tiên tại đây mà còn tượng trưng cho Phật giáo Ấn độ đã suy vi từ lâu nay đã dần phục hồi trở lại trên mảnh đất lần đầu tiên Đức Phật chuyển bánh xe Pháp, cho nên ý nghĩa càng thêm to lớn.

          Đỉnh chùa mô phỏng kiến trúc tháp Bồ đề đạo tràng nên có nhiều chi tiết kiến trúc trông rất giống nghệ thuật Đại tháp. Toàn bộ kết cấu đều bằng đá tạo thành một phong thái kiến trúc cổ điển. Đây là một sự nỗ lực kiến tạo mới trong phong trào phục hưng Phật giáo tại Ấn độ.

          Trong chánh điện tôn trí một bức tượng Phật Thích Ca kiết già phu toạ, ngón tay cái và ngón tay trỏ của tay trái kết thành vòng tròn, ngón tay trỏ của tay phải chạm nhẹ vào vòng tròn, gọi là Chuyển pháp luân ấn biểu thị tuyên thuyết giáo lý, Pháp luân thường chuyển. Đây là tôn tượng được mô phỏng với tôn tượng Chuyển pháp luân trong viện bảo tàng Lộc Dã Uyển hiện nay. Tôn trí phía dưới là một tháp nhỏ thờ Xá lợi của Đức Phật tìm được trong quá trình khai quật ở tháp Taksasila tây bắc Ấn và ở Nagarjunakonda nam Ấn. Trong chùa có một đại hồng chung rất lớn do hiệp hội Mahabodhi Nhật bản hiến cúng. Trên vách chùa có nhiều hoạ bích màu nước rất đẹp, miêu tả những sự kiện trọng đại của cuộc đời Đức Phật. Tác giả những bức tranh này là nhà hoạ sỹ người Nhật Kosetsu  Nosi vẽ ròng rã trong bốn năm (1932-1936) để hoàn thành kiệt tác.

          Phía bên phải của chùa có một cây Bồ đề rất lớn, cành lá sum suê có tường rào bao quanh. Đây là cây Bồ đề được chiết nhánh từ cây Bồ đề ở Sri Lanka do ngài Dharmapala tặng, hiệp hội Maha Bodhi trồng và bảo quản. Việc làm này mang một ý nghĩa rất quan trọng là “Pháp Phái Tương Truyền” và đem hết tâm nguyện đưa Phật pháp trở lại Ấn độ.

          Năm 1932, ngài Dharmapala chủ trì lễ khánh thành Tăng viện, thâu nhận đệ tử Tỷ kheo và ba năm sau Ngài viên tịch tại Lộc Dã Uyển. Cứ hằng năm tại nơi đây đều lấy ngày khánh thành làm ngày lễ kỷ niệm Hiệp hội Mahabodhi, Tăng ni và tín đồ khắp thế giới quy tụ về đây tham gia ngày lễ kỷ niệm ngày thành lập hiệp hội Mahabodhi và tưởng niệm công lao của trưởng lão Dharmapala.

3.            Viện bảo tàng Sarnath:

          Đến Lộc Dã Uyển một nơi rất đáng tham quan là viện bảo tàng Sarnath, ở đây bảo tàng và trưng bày gần ba ngàn tượng Phật, bia ký và cổ vật. Ngoài ra còn nhiều tượng Phật được gửi đi trưng bày ở những viện bảo tàng quốc gia khác như ở Delhi và Calculta, nhưng ở đây vẫn còn những quốc bảo độc nhất vô nhị đủ làm tự hào cho đất nước Ấn độ.

          Trước hết là tôn tượng Phật Đà chuyển pháp luân, đây là một bức tượng trân quý, có những đường nét điêu khắc vô cùng hoàn hảo và thẩm mỹ. Từ thân tướng đoan nghiêm của Đức Bổn Sư cho đến bệ toà có hình tượng của năm vị Tỷ kheo, tài nghệ điêu khắc vô cùng tuyệt đỉnh làm cho bố cục quang huy, tự nhiên và hài hoà. Nét mặt của Ngài vô cùng thanh thoát, mắt nhìn xuống, vi tiếu, hai vai buông tự nhiên, hai tay bắt ấn Chuyển pháp luân, phong thái an lạc tợ hồ như nói với chúng ta rằng đây là sự an lạc, nhẹ nhàng và giải thoát. Tôn tượng uy nghiêm, giải thoát khiến khách tham quan muốn chiêm ngưỡng mãi hoài khôn nguôi.

          Kế đến là đầu tượng sư tử đá của vua A Dục, đây là quốc huy của Ấn độ được trưng bày ở gian phòng chính của viện bảo tàng. Tượng cũng toát lên vẻ uy nghiêm vững chải hướng về tứ phía hiển thị sự quang huy của một thời đại hộ trì Phật pháp.

          Ngoài ra, viện bảo tàng còn nhiều văn vật rất có giá trị và nhiều tượng Phật với đường nét điêu khắc tinh xảo, bia ký… hấp dẫn du khách tham quan.

          Thời gian mở cửa: 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Giá vé: 10 Rupees một người. Quầy bán vé đối diện viện bảo tàng cùng nơi bán vé vào vườn Lộc Uyển, không được phép chụp ảnh và túi xách phải gửi ở bên ngoài. 

4.            Cảnh quang xung quanh:

          Bên cạnh Chùa Ma Kiền Đà Câu Đề (Mulgandhakuti Vihara) có một hồ nước nhân tạo, ven hồ cỏ mọc xanh tốt, có nhiều nai được thả nuôi ở đây, tạo thành một ức niệm về phong quang một thời của vườn Nai (Lộc Dã Uyển). Cạnh vườn Nai có một sân chim vui nhộn, hy vọng đây là nơi thích hợp nghỉ ngơi, thư giãn chốc lát khi bộ hành đã mỏi chân.

          Ngoài ra, Lộc Dã Uyển cũng như Bồ Đề Đạo Tràng là nơi thiêng liêng của Phật giáo, vì vậy có nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới đến đây xây dựng chùa chiền, tịnh xá, Phật học viện với nhiều phong cách kiến trúc đặt sắc khác nhau, bao gồm chùa Trung Hoa, Trung tâm tu học nghiên cứu cao đẳng Phật học Tây tạng, chùa Miến Điện… Nếu có đủ thời gian xin du khách thuận tiện chiêm bái.

-               Lễ hội: Hằng năm đến ngày lễ Khánh đản của Đức Phật Thích Ca, ngày trăng tròn tháng tư, ở đây đều cử hành đại lễ kỷ niệm, có rất nhiều chư Tăng và tín đồ đến đây tham gia lễ hội Khánh Đản, cầu nguyện, chiêm bái, thực tập thiền và văn nghệ cúng dường ngày đản sanh của Đức từ phụ. Và cũng hằng năm vào cuối tháng mười một, chư Tăng và giới nghiên cứu Phật học câu hội kỷ niệm chu niên ngày tái kiến Chùa Ma Kiền Đà Câu Đề (Mulgandhakuti Vihara). 

IV. GIAO THÔNG, CHỖ Ở, ĂN UỐNG GIẢI KHÁT:

1.            Giao thông:

          Lộc Dã Uyển hay còn gọi là vườn Nai hay Sarnath, về phía tây bắc thành phố Varanasi khoảng 11 km, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn độ, giao thông tương đối tiện lợi.

          Xe công cộng: Từ ga xe lửa Varanasi (Varanasi Junction Train Stasion) có nhiều chuyến xe bus công cộng đến Lộc Dã Uyển. Du khách muốn sử dụng phương tiện này cần chú ý, từ ga xe lửa phía bên trái có một trạm xe bus xuất phát nên hầu hết chổ ngồi còn trống, lúc lên xe du khách cần phải hỏi chuyến xe đến Lộc Dã Uyển (Sarnath), và dặn tài xế hoặc người kiểm soát vé lúc đến Lộc Dã Uyển báo bạn biết để xuống xe. Lệ phí mỗi vé 10 Rupees, thời gian ngồi trên xe mất khoảng 45 phút.

          Xe Auto Rishaw: Auto Rishaw là một loại xe ba bánh chạy bằng gas trông giống như xe Lambro ở Việt nam. Cũng từ ga xe lửa Varanasi, bên cạnh trạm xe bus có thể nhìn thấy bãi xe Auto Rishaw và xe Taxi, xe đến Lộc Dã Uyển giá khoảng 50-60 Rupees với Auto Rishaw; 80-90 Rupees với Taxi (thời điểm tháng 2 năm 2004), thời gian đi khoảng 20 phút. Dĩ nhiên là du khách còn có thể đi xe Rishaw ba bánh bằng sức người đạp nhưng vừa tốn kém lại vừa mất thời gian không đáng.

          Nói chung xe bus công cộng là một loại phương tiện khá tiện lợi, tuy hơi chậm nhưng có thể tiết kiệm được tiền.

2.            Chỗ ở:

          Theo kinh nghiệm cho biết hầu hết các tu viện, chùa chiền của các nước xây dựng ở các Phật tích, nhằm mục đích tu học và tiếp đón khác thập phương đến tham quan chiêm bái, nên du khách không ngại đến đây xin tá túc trong thời gian hành hương chiêm bái, tuy nhiên vấn đề ăn uống đều tự phục vụ.

Ngoài ra khách chiêm bái có thể ở lại khách sạn hay nhà nghỉ:

-               UP Tourist Bungalow, Tel: (0542) 386965. Phòng đôi kèm phòng vệ sinh riêng, giường mềm, giá 250 Rupees; có máy điều hoà phụ gia 250 Rupees; giường cứng giá 60 Rupees. Tại đây có một nhà hàng nhỏ, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, giá mỗi phần khoảng 40-80 Rupees. Đây là một  nơi quả thật lý tưởng cho du khách từ chỗ ăn đến ở hiếm thấy ở Lộc Dã Uyển.

-               Golden Buddha, Tel: (0542) 311033. Phòng đôi kèm phòng vệ sinh riêng, giá 200-300 Rupees. Đây là một khách sạn mới nhưng phương tiện khá đơn giản, ngoài ra khách sạn có một khu vườn hoa khá đặc biệt.

3.            Nơi ăn uống:

          - Rangoli Garden Restaurant: là một nhà hàng cách khách sạn UP Tourist Bungalow khoảng 1 km về phía bên trái, nhà hàng khá thoáng mát, có bàn ăn ở trong phòng và cả ở ngoài vườn hoa, phục vụ đầy đủ các món ăn chay, thực khách chọn món và yêu cầu phục vụ nên thời gian hơi lâu, mỗi món giá từ 25 – 60 Rupees.

          - Holiday Inn Restaurant: nằm đối diện với chùa Ma ha Kiền Đà Câu Đề và bên cạnh hiệp hội Mahabodhi. Nhà hàng cũng có một khu vườn nhỏ, thực khách có thể chọn chỗ ngồi trong phòng hoặc ngoài vườn, thức ăn chay cũng khá ngon, giá mỗi món khoảng 25-40 Rupees.

 

@ Các thông tin bổ sung:

          Sông Hằng là một con sông quan trọng ở Ấn độ, dài 2510 km, bắt nguồn từ rặng Himalayas, chảy vào Ấn độ qua Bangladesh và đổ vào vịnh Bengal, chiếm một diện tích khoảng một triệu km². Tên của nó liên quan đến một vị thần của Ấn độ giáo – Ganga. Đây là là con sông phì nhiêu và  cư dân sinh hoạt đông đúc.

          Trong đó đoạn sông chảy qua Varanasi được xem là dòng sông thiêng. Đoạn sông có nhiều huyền thoại khiến những đạo sỹ khổ hạnh, hành giả Yoga, loã thể Kỳ Na giáo, thường dân bách tánh… đều tụ tập ở đây cầu nguyện, tắm gội tẩy rửa tội nghiệp túc thế.

          Trên dòng sông nhiều tử thi thuỷ tán trôi bềnh bồng, người dân cho rằng người chết thuỷ tán trên đoạn sông này linh hồn sẽ tẩy sạch được tội lỗi kiếp này và sanh lên cõi trời. Theo tinh thần Phật giáo, tất thảy quan niệm như vậy đều sai lầm và đoạ lạc. Không có đấng sáng thế, không có sự cứu rỗi mà chỉ do nhân quả và nghiệp báo của tự thân mà sau khi chết sinh vào cõi lành hay nẽo ác mà thôi. Khách hành hương thăm viếng nên gia tâm cầu nguyện cho những linh hồn kia sớm được siêu thoát, lai sanh chánh tín Tam bảo, cải tà quy chánh, lợi lạc hữu tình.

          Hầu như hoàn cảnh và nghi thức sinh hoạt ở đây không có gì thay đổi suốt hơn 2.500 năm, khi Đức Phật đến đây đã như vậy, thế kỷ thứ bảy Ngài Huyền Trang thỉnh kinh đến đây vẫn vậy, đến ngày nay sinh hoạt xã hội và con người vẫn y cựu hấp dẫn và làm kinh ngạc du khách toàn thế giới.

 

          Thành cổ Varanasi: Thành cổ dọc theo bờ sông Hằng, nước sông cuồn cuộn, tô điểm những dãy nhà bằng đá có những đỉnh tháp cao và tráng lệ phủ màu thời gian bàng bạc. Hơn một trăm lầu tháp dọc bờ sông gọi là Ghat. Hầu hết những Ghat này được sử dụng làm nơi tắm tẩy tội và cầu nguyện của những nhà khổ hạnh, đạo sỹ và cư dân ở đây cũng như những người dân khắp Ấn độ đến đây. Ngoài ra còn một vài Ghat dùng để làm nơi hoả táng.

          Khoảng lúc bình minh vừa ló dạng, trên bến sông đạo sỹ và tín đồ của họ đã đến tụ tập tắm gội và cầu nguyện. Trong tất cả Ghat, Dasaswamedh Ghat là tráng lệ và đồ sộ nhất. Có Ghat dùng để làm bến tắm gội, có Ghat để thực hành Yoga, cầu nguyện, cũng để làm nơi bán cau trầu, tràng hoa, đấm bóp trị liệu, bơi lội, và cả hành khất xin ăn…

          Vào mùa mưa nước sông Hằng dâng cao, hầu hết các Ghat đều bị ngập chìm quá nửa, vì thế dọc bờ sông tạo thành nơi giao thông qua lại bằng thuyền càng thêm đông đúc, nhưng chỉ giới hạn từ Dasaswamedh Ghat đến Manikarnika Ghat mà thôi.

          Assi Ghat là Ghat cuối cùng, mọi người thường tập trung tắm gội, bơi lội đông nhất, vì nơi đây có ngôi đền cổ Panchatirthi Yatra. Nơi đây là nơi tắm gội, cầu nguyện đầu tiên và lần lượt đến Dasaswamedh Ghat, Adi Keshava Ghat, Panchganga Ghat, Manikarnika Ghat  mới gọi là đầy đủ nghi lễ.

          Harishchadra Ghat là hoả táng đài. Bên cạnh sông bày một lò thiêu điện, lò thiêu điện dùng cho người nghèo không mua nổi củi than để hoả thiêu phải thuê lò thiêu điện này. Còn người giàu có được thiêu bằng củi, khói toả nghi ngút và không khí cầu nguyện trở nên ồn ào hơn.

          Dasaswamedh Ghat, truyền thuyết Bà La Môn kể rằng Phạm thiên (Brahma) đã tế cúng mười con ngựa cho lão thần bà ở đây. Vì thế đạo sỹ và Bà la môn đến đây cầu nguyện, đọc kinh. Hầu hết thuyền được cho thuê ở đây. Nhiều trẻ con chào bán hoa và đèn cầy. Người mua thắp đèn cầy thả trôi trên sông mong rằng thiên thần nghe thấu được lời cầu nguyện của họ

          Manikarnika Ghat cũng là một Ghat cổ xưa, đây là lò hoả táng lớn nhất, người dân Ấn độ tin rằng người chết được hoả táng ở đây là được một phước báo rất lớn.

          Khi hoả táng, tử thi được một người đốt lò dùng vải bọc kín, đàn ông dùng vải trắng, đàn bà dùng vải đỏ, đặt lên giàn hoả thiêu, chất đầy củi, rồi người thân tự châm lửa đốt. Thi thể cháy đen và đem vứt xuống sông. Họ tin rằng linh hồn người chết được thăng thiên.

 

          Đại học Delhi, tháng 2 năm 2004

          THÍCH THIỆN CHÁNH

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003