TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

DUYÊN PHẬT SANH

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn

 

          Thời gian bay biến đối với kiếp nhân sinh như bóng câu qua cửa, như giấc mộng kê vàng. Nhân sinh quả, quả sinh nhân, trùng trùng điệp điệp, vô thủy vô chung, vô cùng vô tận. Trăm năm qua một kiếp người, nghiêng vai nhìn lại khóc cười chóng thay. Ái, ố, lạc, bi, khổ như những mắt lưới vô hình giăng mắc, giam giữ con người trầm lạc trong cõi vô minh, trôi nổi trong luân hồi sinh tử.

     Nếu có hành giả giác ngộ đứng quan sát chúng sinh, chắc chắn thức giả ấy phải kêu lên thương xót: "Than ôi, chúng sinh quanh quẩn trong luân hồi sinh tử như kiến bò miệng bát, như trẻ lên ba cố trèo qua bờ tường thước rưỡi!". May nhờ Tam Bảo, chúng sinh bớt khổ vì mê mờ lầm lạc. Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã tìm ra con đường giải thoát, ngài chuyển Pháp Luân và truyền thừa mệnh mạch Phật giáo qua hình ảnh Tăng Già. Từ nhân duyên khởi điểm ấy, mãi đến hôm nay dẫu đã hơn 2500 năm trôi qua, chúng sinh vẫn được hưởng an vui. Tùy phước phận mỗi người, các vị xuất gia chân tu đắc được an lạc tự tại thường trụ nơi tâm, bạch y cư sĩ thì tùy hỷ công đức mà có được những chuỗi tháng ngày thanh lương thong thả! Người học Phật (cả xuất gia lẫn tại gia) sau khi thấm nhuần giáo pháp vi diệu, họ hành Bồ Tát Ðạo, cung kính với mọi chúng sinh có nhân duyên với họ, phát nguyện độ khắp tất cả chúng sinh, sau đó còn hồi hướng công đức cầu cho tất cả chúng sinh đều thành Phật. Nếu một người có nhân duyên tìm đến Phật Thừa, ta bảo người ấy có DUYÊN PHẬT, thì khi người ấy mang chủng tử Phật tiếp tục trao truyền đến chúng sinh hữu duyên khác, ta có thể gọi sự kiện ấy là DUYÊN PHẬT SANH!

     Vâng, tôi sử dụng Duyên Phật Sanh để chỉ các khóa học Phật Pháp Châu Âu do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) Châu Âu tổ chức vào mùa hè hằng năm, để Phật tử có nhân duyên lãnh hội các thời hóa duyên, thuyết Pháp của chư Tôn Ðức.

     Năm 2003 cũng giống như bao năm trước đây, từ đầu mùa hạ bà con Phật tử gần xa đã ơi ới rủ nhau khăn gói đi tu! Người thì chuẩn bị lấy hè, người lo phương tiện chuyên chở, người lo trì tụng Lăng Nghiêm, quyết thuộc lòng trước khi thọ Bồ Tát Giới, có vị ham dzui chỉ lo viết kịch, làm thơ, soạn vũ khúc, diễn tuồng v.v... mong trổ tài biểu diễn, trên là cúng dường chư Tôn Ðức, dưới phục vụ đạo hữu ít giây phút thoải mái sau những ngày tận tâm, tận lực "nhồi Duy Thức, nhập Tánh Không" trong suốt khóa Huân Tu. Phải thành thực công nhận rằng: Khóa Phật Pháp vào mỗi mùa hè đã đóng một vai trò hết sức thiết yếu trong đời sống cư sĩ Phật tử tại Châu Âu.

     Như bản thân tôi, năm nay do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, không thể nhận thêm người thay thế khi vài ba đồng nghiệp mãn duyên với sở, nên bận rộn túi bụi, không làm sao sắp xếp lấy thêm hè để tham dự khóa học từ đầu đến cuối như Ba Mẹ tôi được. Nhưng nhớ lời hứa năm kia tại Thụy Ðiển, không ít thì nhiều phải tham dự. Suy qua tính lại, tôi bèn đặt vé đi tu 5 ngày cuối khóa (khóa học kéo dài 10 ngày từ 18 đến 28 tháng bảy), thi sĩ Tuệ Kiên ở Texas biết chuyện bèn viết email khôi hài rằng "chúc cháu hưởng nhiều lợi lạc tinh tấn trong pháp môn tu học nửa mùa!".

     Cảm quan khác lạ khởi sanh trong tâm thức tôi, đây là lần đầu tiên tôi không đến với khóa học trong vị trí người khách, mà trong vai trò người chủ. Cảm giác quen thuộc, thân thương nào đó chiếm hữu tôi, để tôi phải buột miệng kêu lên: Ồ, không phải ta đi đến với khóa học Phật Pháp, mà là ta về với Tam Bảo! Giống đứa con hoang đàng trở lại nhà cha, sau chuỗi ngày giang hồ gió bụi. Ngày trước, tôi chỉ học Phật qua lăng kính khoa học, triết lý... thành ra rất ngại ngùng khi sử dụng những từ ngữ, phương tiện thông dụng trong các đạo tràng Phật Giáo. Chao ôi, những danh từ như Ngưỡng Bạch, Cung Thỉnh, Triêm Ân, Tán Thán... những đồ dùng như Vạt Hò, Áo Tràng, Tràng Hạt, Tọa Cụ... sao mà xa lạ với tôi quá sức. Nhất là gặp các Thầy Cô trẻ, tôi không biết xưng hô sao cho phải, nên thường dùng câu không có chủ ngữ hay thiếu vị ngữ. Nhưng nay tất cả những phương tiện, ngôn từ đó trở thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của tôi. Hơn nữa, tôi đã Quy Y Tam Bảo, giữ gìn Ngũ Giới, hàng ngày trì tụng Kinh Ðiển, Chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi Ðà Ra Ni... Chính vì vậy, tôi giống người cùng tử, đã dám mon men đến gần đấng Trưởng Giả Cha Lành và khẽ gọi nho nhỏ Cha ơi!

     Ðan Mạch là một vương quốc nhỏ, nằm phía Bắc nước Ðức, tiếp giáp với Thụy Ðiển, Na Uy. Diện tích khoảng 80.000 cây số vuông, dân số trên dưới 5 triệu người. Dân Ðan Mạch sống chính yếu nhờ các nông sản thực phẩm, ngư nghiệp, dịch vụ du lịch, bào chế dược phẩm (hãng Novo Nordisk nổi tiếng trên thế giới với thuốc chống tiểu đường), ngân hàng v.v... Mặc dù là thành viên trong Liên Hiệp Âu Châu, song Ðan Mạch vẫn sử dụng đồng Kroner chứ không chịu dùng đồng Euro. Ðã hai lần chính phủ kêu gọi người dân biểu quyết dùng đồng Euro làm đơn vị tiền tệ quốc gia, song đều bị đa phần bác bỏ. Trái ngược với Na Uy, Ðan Mạch không có các mỏ dầu lớn nhỏ. Người dân Ðan Mạch vẫn thường bảo họ là những người bị Thượng Ðế ruồng bỏ, tổ tiên họ là những tên cướp biển Wikinger. Lương hướng tại Ðan Mạch khá cao, song thuế thu nhập cũng không dưới 50%. Ðời sống an sinh xã hội rất tốt, các phương tiện công cộng như bệnh viện, trường học đều miễn phí. Người già, người thất nghiệp và thanh niên được chính phủ chu cấp đầy đủ. Một thanh niên tròn 18 tuổi, chính phủ trợ cấp cho khoảng 3.500 Kroner (hối đoái 1 USD = 7 Kroner) mỗi tháng, họ có thể ra mướn nhà ở riêng, tự lập và đi học. Nếu còn ở với cha mẹ thì số trợ cấp chỉ khoảng 1.000 Kroner/tháng. Có khoảng 15-20 ngàn người Việt đang định cư tại Vương quốc Ðan Mạch. Nhờ chịu khó siêng năng, cầu tiến nên người Việt được người dân bản xứ rất thương mến và nể vì. Tại Ðan Mạch có năm ngôi chùa Việt Nam: Chùa Quảng Hương do Thượng Tọa Thích Giác Thanh trụ trì và chùa Vạn Hạnh do Ðại Ðức Thích Hạnh Bảo trụ trì và 3 ngôi chùa khác chưa có trụ trì. Tinh thần học Phật của bà con Việt Nam tại Ðan Mạch rất cao. Họ hội nhập phong tục của người bản xứ, nên rất thành thật và hiền hòa.

     Khóa tu học Phật Pháp châu Âu lần thứ 15 được tổ chức tại Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Ðan Mạch, sau Copenhagen. Tôi lấy máy bay chuyển tiếp tại Copenhagen, đi Aarhus. Trên đoạn đường này, tôi ngồi bên cửa sổ và lặng lẽ chiêm ngưỡng cảnh trí Ðan Mạch bên dưới. Ðan Mạch không giống Thụy Sĩ chập chùng đồi núi, mà rất bằng phẳng. Những cánh đồng lúa mì, lúa mạch bạt ngàn vàng rực dưới ánh nắng mặt trời. Biển xanh bao bọc xung quanh vương quốc. Vương quốc không phải là một mảnh lục địa nối liền, mà được tạo dựng bởi các hòn đảo san sát bên nhau. Ngày nay, khoa học và kinh tế cho phép người dân Ðan Mạch "nối tấm sơn hà" của họ bằng những nhịp cầu. Chính nhờ vậy, người ta có thể lái xe đi khắp lãnh thổ mà chẳng cần phải xuống phà, sang bắc. Từ phi trường Aarhus, tôi lấy xe bus đến ga xe lửa cách đó 45 phút. Một chú trong Ban Tổ Chức đón tôi tại nhà ga với nụ cười thân thiện. Trên đường lái xe về trại, chú kể cho tôi nghe đời sống sinh hoạt của dân mình tại Ðan Mạch. Theo chú thì đời sống nước này rất tốt đẹp, cộng đồng thương yêu đùm bọc nhau, dù rằng cũng có những phần tử cá biệt thích tọc mạch bới móc, hoặc dựng đứng những chuyện thị phi, song nơi nào chẳng thế! Ngay cả khi Ðức Thế Tôn còn tại thế, cũng có người chửi rủa, ám hại Ngài nữa mà! Chú bảo Ðan Mạch một năm được có vài ngày nắng đẹp, gom cả lại đây để cúng dường cho đạo tràng thanh tịnh này! Chú đúng là một người Phật tử thuần thành, nhìn đâu cũng thấy Pháp Phật nhiệm mầu, bàng bạc hiển hiện trong nắng trong mưa! A Di Ðà Phật, xin thành tâm tán thán, cảm niệm công đức của chú.

     Khóa học được tổ chức tại ngôi trường trung học, tiện đường xe cộ, song biệt lập và tĩnh lặng. Vừa vào văn phòng ghi danh, tôi gặp Ðại Ðức An Chí, tân trụ trì chùa Khuông Việt Na Uy. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, vì Thầy An Chí là phát ngôn viên chính của GHPGVNTN tại các khóa Phật Pháp. Hơn nữa, năm trước tôi được cùng Thầy tham dự thuyết trình tại trại sinh hoạt thanh thiếu niên Phật Giáo (SHTTNPG) ở Aschaffenburg Ðức Quốc do Thầy Hạnh Tấn chủ trương. Nên vừa thấy tôi, Thầy An Chí đã lo cho nơi ăn chốn nghỉ. Thầy cho biết Thượng Tọa Viện Chủ chùa Khuông Việt lên ngôi Phương Trượng và nhập thất nên Thầy rất bận rộn với công việc Phật sự, cho nên năm nay Thầy không đến tham dự trại SHTTNPG ở Ðức được. Xin thành kính tri ân Thầy và mong được gặp Thầy trong trại SHTTNPG năm tới tại Frankfurt.

     Nói sao cho hết niềm hân hoan khi được gặp lại chư vị Tôn Ðức khả kính: Hòa Thượng Viện Chủ Khánh Anh, Hòa Thượng Trưởng Lão Duy Thức Học Thắng Hoan, Thượng Tọa Phương Trượng Viên Giác Tự, Thượng Tọa Phương Trượng Khuông Việt Tự, Thượng Tọa Nguyên Siêu tới từ Hoa Kỳ, Thượng Tọa Bồ Ðề Tâm Nhất Chân, Ðại Ðức Trụ Trì Viên Giác Tự Hạnh Tấn, Ðại Ðức Thích Ðồng Văn, Sư Bà, Sư Cô (nhất là Sư Cô Diệu Trạm Tổng Trì) và nhiều vị nữa.

     Hạnh phúc thay trở về căn nhà Phật Giáo. Bà con quyến thuộc tâm linh, ai cũng hoan hỷ chắp tay niệm hồng danh chư Phật chào hỏi, vấn an. Tôi được các bác các cô trong Ban Trai Soạn lôi ngay vào bếp (tôi đến trễ, thành ra giờ Quá Ðường (ăn trưa) vừa hoàn mãn), đãi cho bữa cơm chay hết sức thanh tịnh và ngon miệng. Ðang lúc đói bụng, thay vì theo luật người tu học chỉ được ăn một bát cơm úp vào buổi trưa, tôi ăn ngay bốn chén cơm, một đĩa xào và một tô canh lớn. Các cô các bác trong Ban Trai Soạn nhìn tôi ăn như rồng cuốn, vừa hài lòng vừa ái ngại. Hài lòng vì cơm chay có ngon thì thực khách mới chiếu cố tận tình như vậy. Ái ngại vì các bác biết rằng sau khi hết đói, tôi phải lên Chánh Ðiện sám hối vì tội... ăn tham!

     Nhưng chẳng đợi cho tôi có thời gian sám hối, cô Huệ Liên từ Anh Quốc, cô Diệu Lý từ Ðức Quốc và "đạo hữu bất đắc dĩ" Diệu Như (tức Mami yêu quý của tôi) đã kéo xuống bếp thúc tôi ăn cho nhanh để còn bàn chuyện làm văn nghệ. Than ôi, tôi đến khóa học để tu thân, tâm, khẩu, ý chứ có phải để đóng tuồng đâu! Nhưng mọi người cứ cả quyết rằng: Phải Tri Hành hợp nhất thì mới là tu! Dù rằng tôi có cái giọng rổn rảng của ông Trương Phi cũng không thể cãi lại Tam Nữ Ðồng Ngôn (ba người đàn bà cùng nói)! Thế là tôi bị/được chỉ định lập chương trình văn nghệ và làm MC cho buổi văn nghệ bế giảng cuối khóa cùng với cô Huệ Liên (biệt hiệu Sen Hồng, tôi không thích màu sắc nên lâu lâu gọi tắt là cô Sen!)

     Qua đó, tôi bị cuốn hút vào thế giới thanh sắc của đêm văn nghệ. Ngoài các giờ giáo lý nghe Pháp, công phu, cầu an, chấp tác trong Ban Hành Ðường... chúng tôi phải liên lạc với các "nghệ sĩ" để lên chương trình. Quả thật chưa từng thấy, năm nay số tham dự viên khoảng 650, hơn 50% là thanh niên, trong lứa tuổi 16-35. Ðiều cần biết đến, thanh niên Phật Tử Việt Nam, thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba... tham gia các khóa Huân Tu, phần đông rất thành công trên đường học vấn, sự nghiệp thế tục. Không hiếm các Bác sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư, Luật sư, Cao học, Cử nhân, Tú tài và các chuyên viên các ngành dịch vụ, kỹ thuật cao cấp ở các quốc gia Châu Âu, họ đã tốt nghiệp, hoặc sắp tốt nghiệp. Nhiều người còn giữ những chức vụ lãnh đạo trong các công ty, xí nghiệp... Nhưng khi tới với khóa Phật Pháp, họ cởi bỏ lớp áo thế tục, quên đi đời sống nghề nghiệp mà xắn tay áo tham gia các Ban, làm các công việc như vệ sinh, bưng khay, rửa chén, giữ trật tự... một cách hoan hỷ và hăng hái. Số lượng thanh niên thọ Bồ Tát Giới cũng không dưới 50% tổng số Bồ Tát tại gia! Lành thay, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại tài cao, chí cả, hăng say xây dựng sự nghiệp tương lai tại xứ người, nhưng không vì vậy mà xao lãng đời sống tâm linh, dấn thân bố thí, trau giồi văn hóa dân tộc, tinh tấn trong đạo Pháp! Tương lai đất nước dân tộc, nhìn vào đây đã thấy khởi sắc lắm vậy!

     Khoảng 40 tiết mục văn nghệ được ghi danh đóng góp với rất nhiều đề mục: Ca, vũ, kịch, ngâm thơ, vọng cổ, hát đối... nhưng vì thời gian trình diễn chỉ vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ, nên chúng tôi phải lược bỏ đi phân nửa. Sự chọn lựa hết sức khó khăn, phải phân đồng đều ra các tiết mục, các quốc gia, các ban và các lứa tuổi. Chúng tôi hết sức đau lòng, khi phải gạt bỏ sự đóng góp quí báu của quý vị ra khỏi chương trình văn nghệ bế giảng. Hôm nay, tôi ngồi viết lại những dòng tạp ghi này, xin thành tâm sám hối và xin lỗi tới quý cô bác, anh chị nào không được sắp xếp trình diễn trong đêm văn nghệ ấy. Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!

     Chúng tôi cũng chân thành tán thán đến công đức lớn lao của các bác, các cô chú và anh chị em tại Ðan Mạch. Quý vị lo lắng cho đại chúng thật chu đáo, từ nơi ăn chốn ở, đêm đến sau giờ chỉ tịnh, mọi người đã an giấc, thì các anh em trẻ trong ban trật tự, chia nhau thức thâu đêm để đi tuần quanh trại, trông coi xe cộ cho học viên không để cho kẻ xấu đập phá như trường hợp xảy ra trong đầu khóa học.

     Những ngày ở trại, thật tuyệt vời. Ðược nghe Pháp vi diệu, được trò chuyện tiếp xúc với các thiện hữu tri thức, được ăn các món chay thanh tịnh và nhất là tìm thấy sự an lạc tuyệt đối từ thân tâm.

     Ngẫm lại, từ khóa tu học Phật Pháp tại Thụy Ðiển mùa hạ 2001 đến nay vỏn vẹn 2 năm. Ngày ấy, tôi may mắn được Thượng Tọa Phương Trượng Viên Giác khai thị và đánh thức sự kỳ diệu của đời sống tâm linh, khi tôi đến cầu Ngài chỉ dạy cho những điểm thắc mắc trong triết học Phật Giáo, để viết luận án. Thầy Viên Giác là bậc chân tu, nên chánh khí pháp lực rất mạnh. Tôi vốn là người dạn dĩ trước đám đông, vì đời sống nghề nghiệp, tôi tiếp xúc rất thường với những Topmanagers của các phái đoàn trên thế giới, các chính trị gia các nước Tây Phương... chưa khi nào tôi tỏ ra nao núng hay... run, khi phải ăn uống, hội họp, đàm đạo với họ. Nhưng khi ngồi trước mặt Thầy cầu Pháp, tôi run bần bật, không nói lên lời. Tôi có cảm giác Thầy nhìn thấu hết cái tâm thế tục hoang đàng của tôi. Thầy dạy tôi những điều rất cơ bản trong các nghi thức tâm linh, nhưng những lời khai thị đầu tiên ấy như những ánh sáng nhiệm mầu soi vào nơi tâm thức tối tăm bị bao bọc bởi ngã mạn, trí thế biện thông, vô minh mà tôi thường hãnh diện. Từ đó, tôi tìm đến các thiện hữu tri thức cầu học hỏi với họ, các thiện hữu tri thức tìm đến tôi để hướng dẫn, chỉ bảo. Bao nhiêu vị Thầy đã đến cho tôi những bài Pháp nhiệm mầu.

     Mùa xuân năm nay, tôi được duyên lành đến hầu Ðại Lão Hòa Thượng Huyền Quang tại Quảng Ngãi, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những giây phút được hầu Ngài, quả là phước đức cho tôi. Tôi đến Thanh Minh Thiền Viện xin được hầu chuyện cùng Hòa Thượng Quảng... nhưng nhân duyên chưa đủ  đành đứng trước phòng Ngài bái chào và lui bước. Một duyên phúc lớn lao cho tôi là những giờ tiếp kiến với Thượng Tọa Tuệ Sỹ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam. Tôi được biết về Ngài rất nhiều qua sách vở, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có phước phần làm đệ tử của Ngài. Thầy Tuệ Sỹ gầy lắm, dáng người khắc khổ, đơn sơ, nhưng Thầy có đôi mắt sáng diệu kỳ và sâu thăm thẳm. Ðôi mắt của trí tuệ siêu phàm, của ý chí vững chắc như kim cương bất hoại, của từ bi che chở cả chúng sinh. Tôi đến hầu Ngài vào buổi sáng tinh sương, Ngài tiếp tôi trong căn phòng nhỏ được ngăn làm hai của Ngài. Tôi vừa kính phục, vừa thương cảm ngước mắt nhìn Thầy, một nhà bác học với tri sở Phật học, Triết học, Ngôn ngữ học và Thi phú sâu thẳm vô bờ. Giọng nói của Thầy nhỏ nhẹ, nhưng rất rõ ràng đi sâu vào lòng người nghe. Qua một tuần trà, tâm tôi bị Ngài nhiếp phục hoàn toàn, dù không chuẩn bị sẵn, tôi chợt thấy nhân duyên đến với Tam Bảo bừng sáng trong lòng, tôi xin Thầy làm lễ quy y cho ngay tại phòng Thầy. Thầy thắp nhang bàn Phật, hướng dẫn tôi hành lễ và ban cho tôi Pháp danh Quảng Diệu. Tôi ngập chìm trong hạnh phúc an lạc. Thân tâm tôi chấn động mãnh liệt, tôi thấy mình như hóa thai hoán cốt bước vào cuộc đời khác, từ nay tôi đã trở thành người con Phật chân chính. Từ một kẻ hoang đàng phàm phu, tôi chợt thấy được ý thức phụng sự Tam Bảo và chúng sinh bừng sống trong lòng. Sau khi đảnh lễ trước bàn thờ Phật, tôi cung kính đảnh lễ Sư Phụ tam bái. Xin nói thêm, vì cái tâm ngã mạn của tôi trước đây, tôi chỉ lạy Phật, lạy chư vị Ðại Bồ Tát và Ông Nội tôi. Thầy Như Ðiển là vị Thầy đầu tiên tôi tạ lễ khai thị bằng ba lạy và Thầy Tuệ Sỹ là vị Thầy thứ hai tôi thành tâm đảnh lễ.

     Sau khi quy y với Thầy Tuệ Sỹ, tôi ra Hà Nội nhìn cảnh Bắc Hà đón xuân. Nhưng trong tâm tôi, nguồn an lạc vẫn chan hòa giữa chốn chợ đời. Thấy bao nhiêu cảnh khổ, khiến tâm tôi xao động và tìm cách giúp đỡ, song sự nhiệm mầu trở thành người con Phật vẫn cho tôi sự bình an tự tại. Có lần đứng ngắm cảnh hoàng hôn bên bờ Hồ Tây, tôi chợt lạc vào cảnh giới tĩnh lặng của thiền định. Tôi không nghe tiếng người nói, tiếng ồn ào xung quanh nữa, cơn gió nhẹ thổi tới, cánh hoa Ðào vương rơi, cánh hoa Mãn Ðình Hồng chợt lay, cánh hoa Vạn Thọ rì rào rung rẩy, cánh hoa Thược Dược khiêu khích thách đố, hoa Mai vàng (chắc mới từ miền Nam chở ra) và nụ Tầm Xuân như dệt nên bức tranh tuyệt mỹ. Nguồn thơ từ đâu tràn về, tôi sắp xếp viết được nên bài thơ Thất Ngôn Bát Cú, dâng lên cúng dường, thay lời cảm tạ Thầy Bổn Sư Tuệ Sỹ:

Gió nhẹ, mây trôi, hoa vẫn tươi

Trời Tây, ánh sáng rạng ngời ngời

Trúc biếc, Tầm Xuân e ấp nụ

Mai vàng, Ðào thắm rộ nơi nơi

Tâm thiền tuy nhạt, song liễu ngộ

Trí thế dầu thâm, chẳng hiểu đời

Trăm ngàn vạn Pháp, do tâm tạo

Gió nhẹ, mây trôi, hoa vẫn tươi.

     Sau cái nhân duyên nhiệm mầu ấy, cánh cửa Phật Pháp chợt mở ra cho tôi. Tôi có cơ hội được bao nhiêu thiện hữu tri thức dẫn dắt chỉ bày. Hôm nay tôi viết xuống đây những hàng chữ tri ân gửi tới chư vị Tôn Ðức: Hòa Thượng Thắng Hoan, Hòa Thượng Minh Tâm, Thượng Tọa Như Ðiển, Thượng Tọa Trí Minh, Sư Phụ Tuệ Sỹ, Ðại Ðức An Chí, Ðại Ðức Hạnh Tấn, Ðại Ðức Ðồng Văn, Ðại Ðức Hạnh Từ... xin cảm tạ các Bồ Tát tại gia cô Diệu Ðông, cô Quy Nguyên, cô Nguyên Ngọc, bác Nguyên Biên, chị Diệu Lý, anh Thiện Tín... và hai vị Bồ Tát đặc biệt Diệu Như và Ðức Trí đã nuôi con khôn lớn nên người, chỉ cho con đường ngay lối thẳng.

     Ðêm văn nghệ bế mạc khá thành công, tuy nhiên vì thiếu nhân lực trong ban văn nghệ nên có đôi khi sân khấu bị trống ít phút, nên MC Huệ Liên và Quảng Diệu phải nói dông dài đến tiết mục kế tiếp được chuẩn bị. Chương trình có nhiều tiết mục rất độc đáo, các vũ khúc thật tuyệt vời, các giọng ca thật điêu luyện... Mọi người đều vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Tuy nhiên, có ít nhiều sự việc không thể tránh khỏi sai sót, chúng tôi chân thành mong chư vị vì tình từ bi của chư Phật chư Bồ Tát mà hoan hỷ cho.

     Năm ngày trôi qua thật nhanh, bao nhiêu kỷ niệm thân thương còn vương vấn trong lòng, những gương mặt an lạc, những nụ cười vô ưu, những bài Pháp trân báu, tôi chưa thể tường trình hết được, nhưng tôi hứa sẽ trình bày đến quý độc giả trong các bài kế tiếp.

Ðể kết thúc bài tạp ghi này, tôi viết hai câu thơ cổ gửi hầu quý vị:

"Thửa khắc tương phùng như nhất mộng

Mộng trung cựu hữu cánh như hà?"

(Giờ khắc tương phùng như giấc mộng

Bạn lòng nay biết ở nơi nao?)

 

Kính chúc chư vị thân tâm thường an lạc, tinh tấn và chóng thành Phật Quả.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003