TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

Truyện ngắn

PHẬT Ở TRÊN CAO KIA!

ĐỖ THIỀN ĐĂNG

 

          Mỗi buổi sáng rằm và mùng một, tôi đều đem hoa lên chùa cúng Phật. Hoa Lam, đứa cháu gái bé nhỏ của tôi, những lần được nghỉ học ở nhà đều nằng nặc đòi đi theo. Tôi tật nguyền, phải ngồi xe lăn từ nhỏ, không thể coi ngó nó, nên tôi thường từ chối. “Thôi, cháu ở nhà chơi với ngoại đi. Ngoại nằm một mình buồn lắm!”. “Nhưng cô ơi, ngoại bảo cháu lên chùa nhìn ông Phật lớn, coi thử ổng đã đứng dậy chưa?”. Tôi đưa mắt nhìn mẹ như cầu cứu. Mẹ tôi khẽ gật đầu: “Cho nó lên chùa cho quen đi con. Mẹ nằm ở nhà yên tĩnh niệm Phật cũng được mà, không buồn đâu!”.

          Vậy là tôi đưa nó lên chùa. Nói là đưa, song kỳ thực, nó đẩy tôi đi. Một mình thì tôi cũng tự lo liệu được, nhưng con bé nhất định không chịu. “Với lại, mỗi lần đẩy cô đi, con thấy ai cũng nhìn con bằng cặp mắt trìu mến!”, nó nói. Ô hay, cái con bé này! Tôi thật lấy làm ngạc nhiên vì câu nói có vẻ người lớn và cái nhìn rất ư là tinh tế của nó. Lòng tôi bỗng rung lên nhè nhẹ. Một cô, một cháu - cô xanh xao ốm yếu như cọng lau, ngồi nhẹ hẫng trên xe lăn, tay phải ôm bó hoa sen thật lớn, tay trái tì vào thành xe; cháu thì xinh tươi mũm mĩm, má hồng cánh sen, đang chăm chú đẩy cô đi dọc vỉa hè, miệng không ngớt hỏi han điều này điều nọ. 

          Buổi sáng, đường phố đông đúc những người là người, nhưng trên vỉa hè vẫn cứ bình yên với những chú sẻ nâu vô tư nhặt thóc - những hạt thóc mà ai đó, không biết do vô tình hay hữu ý, đã vãi xuống. Cháu đẩy cô đi, như vô nhiễm với cái thế giới ồn ào âm thanh và khói bụi vốn cách họ chỉ chừng vài bước ấy. “Cô ơi, sao lại có cái bông sen to như vậy được hả cô?”, Hoa Lam lại hỏi. Tôi nhìn sang bó hoa mình cầm. Có dễ đến ba bốn chục đóa sen đang cựa quậy chực xòe nở, hương thơm thoang thoảng dễ chịu. Cái nào cũng giống cái nào, làm gì có cái to hơn? Tôi nói: “Cô thấy chúng bằng nhau hết mà!”. “Không, ý cháu nói là cái hoa sen mà ông Phật lớn với ngài Bồ tát ngồi lên kia, làm sao có cái hoa sen to như vậy?”… 

          Chùa nằm trong một con hẻm nhỏ, nhưng khuôn viên lại rộng. Từ cổng tam quan vào đến chánh điện phải đi qua một khoảnh đất trống, không hoa cảnh gì cả, chỉ có cây bồ đề cao vút tỏa bóng xuống một khoảnh đất yên lành. Đó là khoảng không gian cách biệt với phố xá bên ngoài, để người ta, trước khi bước vào chùa, có thời gian rũ bỏ đi những lớp bụi trần. Nhưng dưới bóng cây ấy, mỗi buổi trưa đều có dăm ba gã đạp xích lô ghé vào đây, hoặc ngủ, hoặc cãi cọ, lắm khi còn đem thức nhắm ra nhậu; mấy người ăn xin, già có, trẻ có, hễ chùa mở cửa là y như rằng họ đã có mặt ở đó, ngửa tay xin khách thập phương - những người khách vốn giàu lòng từ bi, bố thí mà ít khi nghĩ ngợi! Trong số đó, tôi thấy một phụ nữ có đôi chân cong vẹo, lở loét, phải lê đôi nạng gỗ trông rất khổ sở. Nhưng tôi không chút mủi lòng, vì tôi cũng là một kẻ tật nguyền đó thôi! 

          Hồi mẹ tôi còn khỏe, mỗi sáng rằm, mùng một, mẹ lại đẩy tôi đem hoa lên chùa cúng Phật. Những người ăn xin không bao giờ ngửa tay xin mẹ con tôi. Nhưng thỉnh thoảng mẹ lại cho người phụ nữ ấy dăm ba ngàn. Mẹ tuy không nói ra nhưng tôi vẫn đọc được suy nghĩ của mẹ. Có phải mẹ nghĩ đến tôi chăng? Một mình mẹ lên chùa cũng được, nhưng mẹ lại cứ bảo tôi ôm hoa và tận tay giao cho thầy hương đăng. Rằng mẹ muốn tôi dâng hoa cúng dường chư Phật là mong cho tôi sau này có được phước tướng trang nghiêm, không bị dị tướng, tật nguyền. Tôi nghĩ mà thương mẹ đến trào nước mắt. Mẹ ơi, giả như kiếp sau con có được làm người, con có được xinh xắn, đẹp đẽ, thì chắc gì con vẫn là con của mẹ? Con đã làm khổ mẹ quá nhiều. Kể từ khi con mới lọt lòng, nước mắt mẹ đã chảy không biết bao nhiêu. Cho đến khi con lớn lên không như chúng bạn, mẹ lại âm thầm gạt lệ. Mẹ siêng năng tụng kinh, lễ Phật cũng là để hồi hướng công đức cho con, mong con luôn được mạnh khỏe, không phải ốm đau, bệnh tật. Trong sáu người con, con là người được mẹ thương nhất - không phải là một sự bù lấp, mà là một điều rất đỗi tự nhiên trong tấm tình thiêng liêng của mẹ. Bây giờ mẹ lâm bệnh nặng, nằm liệt giường rồi, tôi một mình chậm chạp lăn xe đi. Riết rồi quen, mỗi tháng cứ mong đến ngày rằm, mùng một…

          “Cô ơi, sao chưa thấy thầy hương đăng xuống hả cô?”, tiếng Hoa Lam hỏi cắt ngang dòng suy tưởng của tôi. Tôi cũng cảm thấy hơi ngạc nhiên, vì mọi hôm, mỗi lần tôi đem hoa lên chùa, đã thấy thầy hương đăng đứng dưới chân cầu thang phía trước chánh điện đợi và hoan hỷ nhận hoa. Hoa sen mau tàn, thầy phải để dành riêng ba chiếc bình để chưng lên bàn thờ, đến chiều lại phải hạ xuống. Chánh điện nằm trên tầng lầu, tôi không lên đó được, tôi cũng không cắm và thay hoa, nhưng vẫn có cảm giác như là mình đang tự tay dâng hoa cúng Phật vậy. Tôi bảo: “Hay là con lên coi thầy hương đăng có trên chánh điện không, tiện thể coi ông Phật lớn của con đã đứng dậy chưa?”. Hoa Lam chạy ù lên lầu từng hai nấc một, tôi sợ nó vấp quá. Nhưng thoáng một cái, nó đã quay lại. “Cô ơi, ông Phật lớn vẫn còn ngồi. Ổng không biết mỏi chân, cô ha!”. “Vậy thầy hương đăng có trên đó không?”. “Để con coi đã!”. Chưa nói xong, nó đã lại ù chạy. Còn lại một mình, tôi nhìn vơ vẩn khắp sân chùa. Bó sen trên tay tôi tỏa hương thoang thoảng, nồng nàn. Dăm ba chú ong ở đâu đó bay đến, lượn quanh vài vòng rồi hoan hỷ hết chui vào đóa hoa này đến đóa hoa khác, mình mẩy lấm lem phấn vàng y như mấy đứa trẻ con nghịch ngợm. 

          Buổi sáng, nắng vàng tươi. Sân chùa rộng rãi, đây đó lại điểm vài ba cái lá vàng rụng sớm nằm ẹp mình trên đất. Vài sợi nắng len lỏi qua vòm cây nhỏ xuống cánh tay tôi và bó sen những giọt vàng ấm áp. Cánh sen vì thế sáng bừng lên. Có lẽ lúc này mặt tôi cũng ửng hồng, bớt đi cái vẻ xanh xao, bệnh hoạn. Bỗng tôi chú ý đến bà lão ăn xin có đôi chân cong vẹo, lở loét mà mẹ tôi vẫn thường cho tiền đang cố gắng lần lên những bậc tam cấp ở cầu thang phía bên kia. Bà đang cố leo lên chánh điện. Kết quả của những nỗ lực ấy là một cái té phịch rất đỗi đau lòng. Tôi quay mặt đi chỗ khác. Không, không phải tôi không cảm thấy xót xa trong lòng, mà là vì tôi ý thức đuợc rằng mình không thể giúp gì được cho bà ấy…

          - A Di Đà Phật, chào cô! Xin lỗi, tôi bận quá. Hôm nay hoa thật nhiều… - Thầy hương đăng đứng trước mặt tôi tự lúc nào, nói như phân trần. Tôi trao hoa cho thầy, không quên gởi lời cảm ơn và hỏi han thầy dăm ba điều rồi nhìn quanh quất để tìm Hoa Lam. Thì ra nó đang đứng phía đằng kia, bên cạnh người đàn bà ăn xin tật nguyền. Lúc này bà không còn cố lên cầu thang nữa. Bà đang ngồi bệt dưới đất, chiếc túi vải nằm lăn lóc bên cạnh. Hoa Lam như đang chăm chú nhìn bà. Tay nó cầm một cánh sen hồng không biết đã nhặt được từ đâu. Nghe tiếng tôi gọi, nó chậm rãi đi giật lùi về phía tôi, mắt không rời khỏi nguời đàn bà. Bà ta hơi ngẩng đầu lên một chút. Con bé phát một cử chỉ chào bà. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên vì dường như con bé có vẻ đã quen bà ta rồi thì phải. 

          Trên suốt đường về, Hoa Lam có vẻ trầm tư, mất đi cái vẻ nhí nhảnh, liến thoắng thường ngày. Tôi cũng im lặng theo đuổi những dòng cảm xúc của mình. Về đến gần nhà, bỗng nó hỏi: “Cô ơi, có bao giờ cô muốn lên chánh điện nhìn ông Phật lớn của con không hả cô?”. “Ơ, có… có chứ!”, tôi lúng túng trả lời. Quả thật, niềm mong muốn ấy đã dấy lên mãnh liệt trong tôi ngay từ lần đầu tiên mẹ đưa tôi lên chùa. Nhưng như thế sẽ thật khó cho mẹ, bởi làm sao mẹ có thể đẩy chiếc xe lăn lên những bậc tam cấp được? Vả lại, tôi nghĩ, ở dưới này tôi chiêm ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm cũng được. Phật ở trong lòng mình, tôi đâu nhất thiết phải lên trên đó. Lâu dần, nỗi mong muốn ấy cũng phai đi. Thỉnh thoảng nghe Hoa Lam nói trên chánh điện có cái này cái nọ, tôi chỉ mỉm cười. “Ông Phật cứ phải ngồi mãi vậy hả cô?”, Hoa Lam hay hỏi tôi như vậy. “Không đâu, tôi trả lời, mỗi khi không có ai thì Phật sẽ đứng lên một chút cho khỏi mỏi chân!”. Trong cái đầu chứa toàn truyện cổ tích của con bé, câu nói của tôi gần như là sự thật. Nhưng tôi đâu có nói dối, chẳng qua tôi nghĩ Đức Phật cũng là con người, thế thôi! 

          - Cô ơi - con bé lại nói - Bà lão hồi nãy nói với con rằng bà muốn lên chánh điện, nhưng Đức Phật ở trên cao kia, bà không sao lên được! Cô ơi, vài bữa nữa con nói với thầy hương đăng làm một con đường riêng để con đẩy cô lên trên đó nghe cô!

          Ừ, thì Phật ở trong lòng, nhưng nghe con bé nói vậy, bỗng dưng tôi mong muốn lên chánh điện để được đảnh lễ dưới chân Đức Phật lớn kinh khủng!

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003