TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

GIẤC MƠ

CÓ MỘT NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO

TẠI MOSKVA

INNA MALKHANOVA

 

          Riêng tại Moskva có tới 2000 người Nga theo đạo Phật, vậy mà toàn nước Nga không hề có một ngôi chùa nào.

 
         
Bây giờ thật khó ai có thể tin được, rằng hồi ấy Kinh Thánh luôn là một cuốn sách cấm. Nếu ai đó khi ra nước ngoài mua về một cuốn Kinh Thánh, thậm chí bằng tiếng nước ngoài chứ không phải bằng tiếng Nga, thì người ta cũng sẽ tịch thu nó ngay ở biên giới, còn “kẻ tội phạm” đã mua nó, thì chắc chắn sẽ gặp muôn vàn phiền toái ở chỗ làm việc.

          Tất cả chúng tôi ở trong các trường đại học bắt buộc phải học một môn “khoa học” là chủ nghĩa vô thần “khoa học”, còn sinh viên nào dám mạo hiểm tự gọi mình là một “tín đồ” thì sẽ bị đuổi học. Trong những năm nước Nga dưới chế độ XHCN, hàng ngàn giáo đường Chính thống giáo, ngôi chùa Phật giáo, thánh đường Hồi giáo đã bị phá hủy, hàng trăm ngàn tu sĩ đã bị giết chết.

       Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga mới có cơ hội mua và tìm hiểu về các vấn đề tôn giáo, tự do lựa chọn các tôn giáo để tin theo. Và khi đó, tôi, cũng như hàng triệu người Nga khác, đã bắt đầu đọc các sách về tôn giáo, đầu tiên về Thiên chúa giáo, sau đó đến Phật giáo, và thậm chí cả Hồi giáo nữa. Mặc dù tôi hết sức cố gắng đọc các sách về Thiên chúa giáo và Hồi giáo, nhưng tôi không cảm thấy một sự đồng cảm nào trong trái tim tôi cả. Ngược lại, càng đọc nhiều về Phật giáo bao nhiêu, tôi càng muốn đọc nhiều hơn về tôn giáo này. Và cuối cùng, khoảng 15 năm trước, tôi đã trở thành một phật tử.

      Liên Xô trước khi sụp đổ có 280 triệu người sinh sống. Còn bây giờ ở Nga chỉ còn một nửa dân số, khoảng 140 triệu người, trong đó có rất nhiều người không phải là người Nga, đa số dân chúng hoặc là vô thần, hoặc là Chính thống giáo, nhưng cũng có cả những dân tộc theo Phật giáo nữa, như người Tuvin, Kalmyk, Buriat, Triều tiên, Trung quốc, và một vài dân tộc khác. Ngay tại Moskva, theo tính toán của tôi cũng có tới hai ngàn người Nga theo đạo Phật. Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn phật tử người nước ngoài cũng đang sinh sống ở Moskva thuộc các dân tộc khác nhau: Nhật, Trung quốc, Triều tiên, Việt nam, Thái Lan, Sri Lanca...

      Thế mà ở Moskva, thủ đô của Liên Xô trước đây, và nước Nga bây giờ không hề có một ngôi chùa Phật giáo nào, dù là nhỏ bé, khiêm nhường nhất. Trong khi đó ở nhiều nước Scandinavo nhỏ hơn nước Nga rất nhiều, nơi không hề có một phật tử nào sinh ra, hay ở nước Úc xa xôi, chứ chưa kể đến Pháp, Đức hay Anh, (và không chỉ ở thủ đô, mà ngay cả những thành phố nhỏ khác) cũng đều có những ngôi chùa Phật giáo, vậy mà ở Moskva thì không hề có. Những phật tử nước ngoài mới đến Moskva không thể nào tin vào chuyện này.

      Còn bây giờ thì tôi muốn nói về một chuyện khác. Ở Moskva, ngoài chúng tôi là những người dân gốc Moskva còn có mấy chục ngàn người Việt Nam nữa. Phần lớn người Việt sinh sống ở đây bất hợp pháp, không được thống kê ở bất cứ đâu và cũng không có được cái “đăng ký” ở các cơ quan bộ nội vụ nào. Bởi vì để có được cái “đăng ký” ấy người ta phải bỏ ra không ít tiền, không ít thời gian và vô số thứ giấy tờ chứng nhận khác. Chỉ vì thiếu cái dấu “đăng ký” và những hiểu biết về tiếng Nga cần thiết, mà người Việt trở thành nạn nhân thường xuyên, trở thành nguồn nuôi sống, và tống tiền của cảnh sát Moskva. Cảnh sát Moskva luôn nhắm người Việt để săn lùng như săn lùng thú ...quý hiếm trong rừng.

      Đã có không ít trường hợp, cảnh sát không chỉ lấy hết tiền bạc của những người Việt không ai bảo vệ, mà sau khi bắt giữ, chuyển về đồn, thì một người Việt Nam khỏe mạnh, hay một người phụ nữ đang sung sức, bỗng biến thành...một cái xác không hồn, mà điều đáng nói là giấy tờ của họ hoàn toàn hợp lệ. Họ bị thiệt mạng chỉ vì họ đã quá ương bướng, đã quá tin cậy vào pháp luật và không chịu nộp giao tiền cho những kẻ trấn lột hợp pháp mà thôi.

      Phần lớn người Việt ở Moskva (có lẽ chỉ trừ một số nhỏ những “soái” - triệu phú các khu chợ hay công ty lớn), đều cảm thấy mình là một thứ dân hạng hai hay thậm chí hạng ba ở xứ sở này, một thứ bia đỡ đạn của cảnh sát hay các nhóm phát xít mới ở đây. Khi phải sống năm này qua năm khác, điều đó thật là khủng khiếp. Khi con người không thể thay đổi được hoàn cảnh sống xung quanh, thì anh ta chỉ còn biết kiếm tìm sức chịu đựng từ chính bên trong con người mình, ở thế giới bên trong của mình và cuối cùng là ở tôn giáo. Tôn giáo - đó là một sức mạnh thật to lớn. Người ta biết được rằng, trong những trại tập trung thời Stalin, nơi chính quyền Xô viết đã giết hại hàng chục triệu người, những người sống sót được đều là những người có một niềm tin nơi tôn giáo nào đó. Còn đối với người Việt Nam, các phật tử Việt Nam thường tự đặt bàn thờ trong căn hộ họ ở để làm lễ, vì ở Moskva, như tôi đã nói ở trên, hoàn toàn không có ngôi chùa nào để họ có thể đến làm lễ những ngày rằm, mồng một hàng tháng.

      Khi quyết định trở thành một phật tử, tôi đã quyết định đi đến chùa và thọ giới ở một vị Thầy thực sự. Nhưng để làm được như vậy, tôi phải rời khỏi nước Nga, sang một ngôi chùa ở một nước châu Âu. Năm 1994 tôi đã đến chùa Viên Giác của Thượng tọa Thích Như Điển ở thành phố Hanover, Đức quốc để thọ giới của một phật tử. Đến lúc đó, ở Moskva Hội Phật giáo “Thảo đường” của chúng tôi đã hoạt động được hơn một năm, từ năm 1993. Tại Niệm Phật Đường, các phật tử người Việt có thể cùng nhau làm lễ Phật và nghiên cứu Phật pháp. Từ đó đến nay đã 11 năm trôi qua và Hội của chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động. Ở Moskva, ngoài các phật tử Việt Nam còn có hàng chục các tổ chức Phật giáo khác của người Nga, người Triều Tiên, Buriat, nhưng vẫn không có một ngôi chùa nào cho họ.

      Bao nhiêu năm qua, tôi không chỉ mơ ước có được một ngôi chùa mà đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức để vượt qua muôn vàn chướng ngại, với hy vọng xây dựng được dù chỉ một ngôi chùa duy nhất, không phải để dành riêng cho người Việt, mà dành cho tất cả các Phật tử khác nữa. Tôi đã cố gắng gửi rất nhiều thư, fax, thậm chí đến gặp các nhân vật lãnh đạo trong thành phố để thuyết phục họ rằng, trong một thành phố đa tôn giáo như thế này, nơi đã có hàng ngàn ngôi giáo đường Chính thống giáo, vài thánh đường Hồi giáo, thì cũng phải cho phép xây dựng ít nhất một ngôi chùa Phật giáo chứ. Điều đó không chỉ vì quyền lợi của các phật tử, mà chính vì lợi ích của thành phố nữa, vì nó làm tăng uy tín của thành phố, lôi kéo được các du khách từ các nước châu Á và nhiều điều khác nữa.

      Cuộc chiến đấu bền bỉ của tôi với các cấp chính quyền kéo dài sáu năm, nhưng rồi cuối cùng tôi đã phải chịu thua. Tất cả các cấp chính quyền, từ phường, quận đến tận thị trưởng Moskva là ông Ludjkov đều thích cho xây dựng những công trình có thể mang lại những lợi nhuận kếch xù như casino, siêu thị, cây xăng, mỹ viện...còn đời sống tâm linh của dân chúng thì họ hoàn toàn chẳng quan tâm đến. Họ chẳng cần đến chùa...

      Những năm đầu tôi đề nghị xin một khoảng đất nhỏ, (20m x 30m) để xây chùa. Tôi đã ngây thơ làm sao! Đất ở Moskva được tính bằng vàng, và người ta cấp đất để được nhận những khoản tiền lớn, trong đó không ít là tiền hối lộ, còn tôi thì hy vọng có thể xin được chúng!

      Tôi đã đi khắp thành phố để tìm kiếm những “mảnh đất nhỏ”, không thể xây siêu thị hay casino được. Tôi đã đo đạc, vẽ sơ đồ, đến phòng thiết kế xin phép, rồi lại đến chính quyền. Tôi đã tìm được hàng chục mẩu đất như vậy. Nhưng rồi chẳng ai cho chúng tôi dù chỉ một mảnh nhỏ để xây chùa cả. Khi tôi hiểu ra rằng, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ xin được đất. Tôi bắt đầu đi xin nhà có sẵn, nhưng cái vòng luẩn quẩn cũng lại diễn ra y như vậy. Sau khi viết thư cho chính thị trưởng thành phố, ông Ludjkov, được ông cho giấy giới thiệu xuống Ủy ban nhà đất Moskva để lựa chọn một căn phòng có thể sử dụng làm chùa, tôi đã lại một lần nữa ngây thơ vui mừng, tin tưởng rằng, chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ có được một ngôi chùa đầu tiên, một ngôi chùa theo phong cách Việt nam thuần túy. Chúng tôi có thể làm lễ Phật, có thể tổ chức một trung tâm văn hóa Việt nam, mở một trung tâm từ thiện...

      Tôi lại đi vòng quanh thành phố để tìm kiếm. Tôi cũng hiểu rằng, chẳng ai dại gì cho chúng tôi một tòa nhà đẹp đẽ, to lớn, nên tôi chỉ đi tìm những ngôi nhà bỏ hoang, nhỏ bé, vừa vặn cho chúng tôi thôi: một cửa hàng một tầng bị cháy, một trường mẫu giáo hai tầng bỏ hoang phế...và lại vẽ, lại đo đạc, leo lên sân thượng trên những cầu thang sắp gãy, trèo xuống tầng hầm bị ngập nước. Đến giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên là mình không bị ai hành hung, vẫn còn sống, dù đã bao nhiêu lần đi một mình vào những nơi không người, bỏ hoang, tăm tối. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, tôi lang thang đi tìm nhà hoang đến tận tối khuya, đói và mệt, nhưng trong lòng vẫn được sưởi ấm bằng những hy vọng mong manh. Mỗi khi tìm được một tòa nhà hoang ưng ý, tôi lại đến xin chính quyền làm giấy cho chúng tôi, nhưng chỉ nhận được một câu trả lời y như nhau: căn nhà đó đã có chủ!

      Tôi lại viết hàng đống thư cho Ludjkov để hỏi tại sao lệnh của ông...vô nghĩa như vậy. Nhưng ông hoàn toàn không trả lời chúng tôi thêm một lần nào nữa. Và cuối cùng tôi đã hiểu, chẳng ai có ý định cấp cho những người phật tử ở đây dù chỉ một mẩu nhỏ đất, dù chỉ là một căn nhà đổ để làm chùa, ít nhất trong cuộc đời của tôi.

      Trước mắt tôi lúc nào cũng hiện lên ngôi chùa Viên Giác ở Hanover, nơi tôi đã có hạnh phúc được đến một vài lần, với hình ảnh bàn thờ, đồ gỗ đẹp đẽ. Năm 2000, chùa đã là một đại diện về văn hóa Việt Nam trong cuộc triển lãm EXPO-2000. Tôi như nhìn thấy những buổi biểu diễn văn nghệ tự diễn của người Việt thật vui vẻ, thú vị, như nghe thấy những bài hát Việt nam... Một trung tâm văn hóa, tôn giáo như vậy ở Moskva sẽ chẳng bao giờ có được.

          Và tôi cũng thật mừng cho những người Việt, dù sống ở một nơi xa quê hương, gia đình - tất nhiên là không phải ở nước Nga này rồi- nhưng vẫn có được những trung tâm văn hóa, tâm linh của Việt Nam, để phô diễn với thế giới cái tinh hoa của tâm hồn Việt Nam.

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

(This homepage is best viewed with a screen size of  1024 x 768 pixels

Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels)

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003