.. |
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
I. THÂN THẾ Hoà thượng thế danh là Phan Thanh Bình, sau đổi tên là Phan Chín, sinh năm Mậu Dần 1938 tại Làng Vĩnh Lộc, xã Bình Hoà, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Phan Liễn. Thân mẫu là cụ bà Hà Thị Bộ. Hoà thượng có tất cả 10 người anh chị em, trong đó hai người mất sớm. Được sự hướng dẫn của song thân, gia đình của Hoà thượng đều quy y Tam Bảo tại chùa Vĩnh Lộc với Tổ Huệ Chiếu, nhờ đó cả gia đình đều trở thành các Phật tử thuần thành, hết lòng kính tin Tam Bảo. Riêng Hoà thượng khi được Tổ Huệ Chiếu thí giới khai tâm, có pháp danh là Nguyên Ngôn, như ngầm thọ ký rằng trong tương lai thiện nam tử này sẽ trở thành một bậc sứ giả Như Lai với tâm nguyện truyền thừa nguyên ngữ chánh pháp của đức Phật.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC Nhờ căn lành xuất thế đã gieo trồng trong nhiều kiếp, lại có khuynh hướng ưa chuộng đời sống đạm bạc của nhà thiền, tham cầu học đạo, Hoà thượng đã không nối nghiệp cha anh theo đường chính trị, mà chọn con đường thoát tục. Năm 1952, khi vừa tròn 15 tuổi, được sự cho phép của Mẹ, Hoà thượng đã được thế phát xuất gia với Hoà thượng Như Nguyện, hiệu Tâm Đạo, tại tổ đình Nhạn Sơn - một trong các di tích lịch sử của thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng đã được Bổn sư đặt pháp danh là Thị Lộc, tự Thành Văn. Từ thập niên 1950, chốn Tổ này cũng chính là Trường Sơ Cấp Phật Học của Tỉnh nhà. Dưới sự hướng dẫn của thầy Bổn sư, Hoà thượng đã được theo học với các bậc danh tăng thạc đức thời bấy giờ từ những năm 1955 đến 1957. Năm 1955, khi tròn 18 tuổi, căn lành tăng trưởng, giới hạnh tinh chuyên, Hoà thượng đã được Bổn sư cho lãnh thọ giới pháp Sa-di. Hai năm sau đó, tức năm 1957, Hoà thượng tiếp tục theo học lớp Trung Đẳng Phật Học tại Tổ đình Thập Tháp, tỉnh Bình Định. Cũng tại nơi này, Hoà thượng đã lãnh hội được yếu chỉ của Phật pháp, phát tâm dũng mãnh tu hành, trở thành một trong những Học tăng ưu tú của Trường. Nhờ thành tích đặc biệt này, sau khi học xong học kỳ một của năm thứ nhất, Hoà thượng là một trong bốn Tăng sinh xuất sắc được chư tôn đức Ban Đốc Gíao tuyển chọn, gởi vào Phật Học Đường Nam Việt, tức chùa Ứng Quang, nay là Tổ đình Ấn Quang. Tại Phật học đường này, Hoà thượng đã được tham học với các danh tăng nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 như quý Hoà thượng Thiện Hoa, Thiện Hoà, Trí Tịnh, Trí Quang, Nhất Hạnh và Hoàn Quan. Vài năm sau đó, Hoà thượng theo học Phật học viện Phước Hoà, thuộc tỉnh Trà Vinh, dưới sự chủ giảng của HT. Thích Thanh Từ. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp lớp Phật Học tại Phật học viện Phước Hoà, Hoà thượng lại trở về Tổ đình Ấn Quang, tiếp tục theo học chương trình Trung Đẳng Phật Học, niên khoá 1960- 1964. Từ năm 1966- 1969, để đào sâu nội điển song song với ngoại điển như một nhu cầu không thể thiếu đối với các sứ giả hoằng pháp lúc bấy giờ, Hoà thượng đã theo học chương trình Cử nhân Phật khoa tại Đại học Vạn Hạnh. Cũng cùng thời điểm này, Hoà thượng vừa học thêm Cử nhân Hán Việt, và được mời làm giáo thọ tại các trường Trung học Bồ-đề Sài Gòn - Chợ Lớn.
III. SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ HOẰNG PHÁP Với chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức của bậc sứ giả Như Lai, khi còn ngồi ghế học đường, từ những năm từ 1966 đến 1973, Hoà thượng đã dấn thân giảng dạy cho rất nhiều tăng ni và Phật tử tại các tự viện, đạo tràng ở Sài Gòn và Lục Tỉnh. Năm 1974, với nhiều thành tích trong lãnh vực hoằng pháp, Hoà thượng đã được chư tôn đức Viện Hoá Đạo bổ nhiệm chức vụ Tổng thư ký Tổng Vụ Hoằng Pháp Gíao Hội Phật Gíao Việt Nam Thống Nhất, đồng thời cũng là trợ lý đặc biệt cho Hoà thượng Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Thích Huyền Vi. Với khả năng kiêm ưu trong lãnh vực trước tác và biên tập, Hoà thượng đã được mời làm Thư ký Đặc san Hoằng Pháp của Tổng vụ Hoằng Pháp. Đặc san này mang hương vị pháp âm, gắn liền với tinh thần nhập thế, đáp ứng nhu cầu học Phật đa dạng của quảng đại quần chúng thời bấy giờ. Năm 1978, với tài đức kiêm ưu, Hoà thượng được Viện Hoá Đạo bổ nhiệm làm Chánh Đại Diện Phật Giáo quận 10. Từ năm 1980 đến 1984, Hoà thượng làm giáo thọ sư Phật Học Viện Sơ đẳng Thiện Hoà tại chùa Giác Ngộ và Trung Đẳng Phật Học tại chùa Ấn Quang, Q.10. Từ năm 1984, khi các Phật học viện trong Sài Gòn ngưng hoạt động, Hoà thượng vẫn tiếp tục giảng dạy gia giáo tại các tự viện trong Thành phố như chùa Ấn Quang, chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ, chùa Từ Nghiêm, chùa Hưng Phước, chùa Bồ-đề Lan-nhã .v.v…, theo phương châm: “nơi nào cần chánh pháp, xin phát nguyện dấn thân.” Có những đêm mưa tầm tã, Hoà thượng vẫn không ngại lao nhọc, cửi chiếc xe đạp cọc cạch, đến giảng dạy tại các giảng đường. Đôi lúc vì hoàn cảnh khách quan, số lượng học viên chỉ còn vài ba người, Hoà thượng vẫn không sờn chí nản lòng, tha thiết với những lời pháp âm trầm bổng, hùng hồn. Khi Trường Trung Cấp Phật Học TP.HCM được thành lập tại chùa Vĩnh Nghiêm, từ năm 1989, Hoà thượng tiếp tục tham gia giảng dạy. Kể từ khi có Lớp Cao Đẳng Phật Học, Hoà thượng trở thành một trong các giáo thọ sư để lại nhiều ấn tượng về kinh nghiệm tu học sâu sắc nhất, trong khi truyền thụ cho nhiều thế hệ tăng ni sinh các chất liệu chánh pháp, vừa mang tính triết lý nhưng lại không kém phần ứng dụng thực tế. Nói chung, về giáo dục và hoằng pháp, Hoà thượng là người tinh chuyên, chịu khó và kiên trì giảng dạy liên tục từ những thập niên 1960 cho đến những năm tháng cuối đời. Hoà thượng không bao giờ từ nan giảng dạy Phật pháp cho bất kỳ các trường Phật Học, các trường hạ, các khoá bỗi dưỡng trụ trù, các khoá đào tạo và bồi dưỡng giảng sư, cho đến các đạo tràng ở các tự viện, bất luận lớn nhỏ. Hoà thượng chẳng quản ngại đường xa, chẳng hề than khó. Miễn sao thính chúng chí thành và cầu học, Hoà thượng đều phát tâm giảng dạy với tất cả bầu tâm huyết của một bậc tiền bối vì tương lai và vận mệnh của Phật pháp. Cuộc đời dấn thân và hoằng hoá của Hoà thượng đã thực hiện trọn vẹn tôn chỉ hoằng pháp của cố Hoà thượng Viện Trưởng Thích Thiện Hoa: “Nơi nào Phật pháp cần, con đến; nơi nào chúng sanh cần, con đi; chẳng ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc” Với gương hạnh cao cả và đặc biệt đó, Hoà thượng thật xứng đáng là vị đại sứ giả của Như Lai.
IV. TRỤ NHƯ LAI XỨ, TRÌ NHƯ LAI SỰ Trên đường hoằng pháp lợi sanh, lúc đầu Hoà thượng chủ yếu tập trung vào hai Phật sự quan trọng là giáo dục và hoằng pháp. Nhưng kể từ khi được Hoà thượng Thích Hoàn Quan, một bậc đại giáo thọ sư của các Phật học viện, nhiều lần mời gọi làm Trụ trì, Hoà thượng đã về trú tại chùa Khánh Vân, chăm lo ngôi Tam Bảo, tiếp tăng độ chúng. Ngày 12-11-1996 Hoà thượng chính thức được Hoà thượng Trưởng Ban Trị Sự THPG TP.HCM lúc bấy giờ ký bổ nhiệm. Từ ngày làm Trụ trì chùa Khánh Vân, Hoà thượng đã xây dựng nhà thờ Tiêu Diện và Hộ Pháp, tu sửa bàn thờ Tổ, trang hoàng lại nơi tôn thờ các Tổ sư hữu công với Phật giáo, kiến dựng bảo tháp (sinh phần) cho Hoà thượng Nghiệp sư, xây dựng nhà thờ linh cốt, trùng tu Chánh điện và kiến dựng mới dãy nhà Tăng rất khang trang, rộng rãi, lòng những mong làm nơi cư trú tu học cho chư tăng hữu duyên, có phương tiện tốt trong sinh hoạt tu học.
V. TRƯỚC TÁC VÀ BIÊN DỊCH Mặc dù bận rất nhiều Phật sự, đặc biệt là công việc giảng dạy, Hoà thượng vẫn không quên việc biên soạn và dịch thuật một số tác phẩm Phật học trọng yếu. Trong số các tác phẩm dịch và chú giải của Hoà thượng, có thể kể: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác, Bát-nhã Tâm Kinh, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Bát Đại Nhơn Giác, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Phát Bồ Đề Tâm Luận, v.v... Ngoài ra, Hoà thượng còn biên soạn một số giáo trình cho các lớp Trung đẳng và Cao đẳng Phật học như Duy Thức Học Cương Yếu, Bát Thức Quy Củ, Bách Pháp Minh Môn Luận, Sáu Pháp Hoà Kính, Tam Vô Lậu Học và hầu hết các bài khoá trong bộ Phật Học Phổ Thông, với một giáo trình độc lập và chi tiết. Hầu hết các tác phẩm, dịch phẩm và giáo trình này đều còn dưới dạng cảo bản, chỉ phổ biến nội bộ cho các tăng ni sinh nghiên cứu học tập, chưa ấn hành chính thức.
VI. THUẬN THẾ VÔ THƯỜNG Vì tấm lòng tha thiết với sứ mạng giáo dục và hoằng pháp, vì nghĩ đến tương lai của thế hệ tăng ni trẻ, dù mang bệnh tim và thể lực kém, Hoà thượng vẫn tham gia giảng dạy thường xuyên, không hề gián đoạn và ngơi nghỉ. Dù biết tuổi hạc đã cao, Hoà thượng vẫn không bận tâm về sức khoẻ, luôn miệt mài với năm tháng gió sương. Vì lẽ ấy, sức khoẻ của Hoà thượng ngày càng sa sút. Sáng ngày 18-5-2005 nhằm ngày 11 tháng 4 Ất Dậu, cơn đau tim bắt đầu tái phát. Như biết trước huyễn thân sắp rời khỏi trần thế, Hoà thượng đã thản nhiên không vào bệnh viện theo đề nghị của bác sĩ chuyên khoa, để chuẩn bị xả bỏ báo thân. Hoà Thượng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 19/5/2005 nhằm ngày 12 tháng Tư năm Ất Dậu. Nhập đạo 54 năm, Hạ lạp 46 mùa an cư kiết hạ, Trụ thế 68 năm. Những tưởng, duyên hoá độ còn lâu hơn nữa, Nào ngờ đâu, sớm cỡi hạc quy Tây. Trong vô thường, vẫn điềm nhiên tự tại, Sống chết dường gió thoảng mây bay. Nguyện giác linh sớm hồi nhập Ta-bà Cùng pháp lữ diễn xương chánh pháp. Nam-mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập nhị thế, Nhạn Sơn Đường thượng, Khánh Vân Tự trụ trì, huý thượng THỊ hạ LỘC, tự THÀNH VĂN, hiệu NGUYÊN NGÔN Hoà thượng Giác Linh, thuỳ từ chứng giám. Điếu văn Ban Hoằng Pháp TWGHPGVN Lời tiễn biệt chư Pháp lữ đồng hương Bình Định Lời cảm niệm của môn đồ pháp quyến Điện thư phân ưu tang lễ HT Thích Nguyên Ngôn Thầy về cõi Phật - Thích Đồng Văn Cung tiễn Giác linh Thầy - Trí Thắng Lễ truy niệm HT Thích Nguyên Ngôn tại Ấn Độ
|
.. |
Phật giáo nhập môn Phật giáo và xã hội Phật giáo và văn hoá Phật giáo và giáo dục Phật giáo quốc tế Phật giáo sử - truyện PG và vấn đề tái sanh Thơ ca Phật giáo Âm nhạc Phật giáo Tin tức Phật giáo Mẹ và Quê hương Di tích & văn hoá đất võ Bình Định: Đất & Người Thơ ca Bình Định Bài mới đăng tải Nối vòng tay lớn Thông báo Linh tinh Hình ảnh Trang chủ English Liên lạc Trang chủ
(This homepage is best viewed with a screen size of 1024 x 768 pixels Trang nhà hiển thị tốt nhất với chế độ màn hình 1024 x 768 pixels) |
Thành lập ngày 10 tháng 9 năm 2003 |