TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

“TIẾP BIẾN VĂN HOÁ”

 

LÊ BÍCH SƠN

 

Trong một cuộc “bốc thăm trúng thưởng” giữa các loài biết bay nọ, chàng bồ câu trắng tốt số nhận được giải thưởng đặc biệt: “Một tour miễn phí tham quan xứ sở của các loài biết bay trên toàn cầu”. Hành trang đi đường của bồ câu trắng là một túi đựng đầy thóc, số thóc này vừa để bồ câu trắng “nhâm nhi” khi buồn, vừa dùng làm “quà tặng giao lưu” với ước mong được “đáp trả” từ các loài biết bay khác.

Điểm đầu tiên bồ câu trắng đến viếng là xứ sở của những chú vẹt (két), tại đây bồ câu trắng được tiếp đãi long trọng và được đáp ứng nguyện vọng: một đôi môi đỏ sau một cuộc giải phẫu. Trạm tiếp theo của chàng bồ câu “đỏ số” nọ là lãnh thổ của chào mào. Mong muốn có chúm lông màu đỏ nhạt dưới đuôi và chiếc “mào thời trang” được tặng bởi các chú chào mào mà bồ câu trắng vẫn thường cho là “đàn em”. Rời lãnh thổ chào mào, bồ câu trắng đến vương quốc của những chú bạch yến (canary), lòng ham muốn có cái bụng màu vàng để “khoe thiên hạ” cũng được các chú chim “thấp cổ bé họng” thực hiện. Lân bang của bạch yến là xứ sở của loài chim bách thanh (shrike), nơi đó phần trên của đuôi bồ câu được các chú bách thanh “lên đời” thành màu xanh theo nguyện vọng.

Dạo chơi với các loài chim có thân hình nhỏ bé ít lâu, bồ câu ta chợt nhận ra rằng: “Ồ! Những loài này không phải là hạng ngang vai phải lứa với ta”. Bồ câu quyết định đến gặp các chú diều hâu mạnh bạo. Theo cung cách xã giao, loài diều hâu dùng đôi vuốt tặng bồ câu làm kỷ niệm. Ngày này qua tháng nọ, với chiếc vé trên tay, bồ câu nhà ta đi từ xứ này qua xứ nọ và nhận rất nhiều “quà tặng” theo “nghi thức xã giao” đúng như “kế hoạch đã định”, tất cả nét đẹp đặc trưng của mỗi loài đều được bồ câu đỏ số nhà ta gắn vào thân.

Trên đường về, nhân tiện bồ câu ghé tiểu bang các chàng dơi vừa để khoe khoang với loài ấy sau chuyến du lịch dài, vừa để tìm hiểu tình hình sinh hoạt nơi đó. Với các chú dơi, bồ câu là thượng khách, nên mời lưu lại trong thời gian khá dài.

Ngày về, bồ câu háo hức được gặp đồng loại để khoe chiếc áo sặc sỡ trên người, chiếc bụng vàng óng, chúm lông duyên dáng dưới đuôi, cặp vuốt khoẻ mạnh.v.v. sau cuộc chu du và “học hỏi” khá dài. Rồi điều gì đến sẽ đến, các chàng bồ câu đồng loại chỉ nhận ra bồ câu nhà ta qua giọng nói cùng chiếc vé trên tay. Tất cả đã đổi thay. Ngày ngày, bồ câu không cùng bạn bè đi tìm kê tìm thóc mà chỉ tập hát, đêm về “treo ngược cành cây” ngủ theo lối của dơi, thỉnh thoảng dùng đôi vuốt để “dạy đời” các chú bồ câu con ngổ nghịch…

Ngày kia, người ta tìm thấy xác một con chim lông trên thân đã bị nhổ sạch, không rõ tung tích … Ngôn ngữ dân gian gọi tên chú chim kia là “nửa chim nửa chuột”. Còn thuật ngữ được dùng bỡi các nhà sinh vật học và giới văn chương là gì? Bạn sẽ tìm thấy thuật ngữ “Stuck-up bird” hay “Snooty bird” trong “Bách khoa toàn thư” xuất bản năm 2013.

 

Delhi, tháng 8 năm 2003.

LE – BICH - SON   

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003