TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG

HOÀNG VŨ

 

          Tôi còn nhớ rõ một buổi sáng đẹp trời vào khoảng cuối tháng 9/1956, tôi lên Văn phòng Giám Học trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon để xin từ biệt. Vị Giám Học với mái tóc bạc phơ, đôi mắt ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi: "Em định đi đâu, sao lại có ý rời bỏ ngôi trường mà bao nhiêu người ao ước được bước chân vào mà không có dịp may". Lòng tôi hơi xao động vì giọng nói ngọt ngào và đầy cảm tình của vị Giám Học. Tôi khẽ nhìn ông rồi chậm rãi thưa rằng: "Em muốn rời bỏ Saigon vì lý do riêng, dịp may em được đỗ vào trường Quốc Gia Nông Lâm Mục, nên em quyết định từ giã Saigon để lên Blao". Tôi tần ngần bắt tay ông mà tâm hồn xao xuyến, bước chân ra khỏi cổng trường, lòng vẫn nao nao, nửa vấn vương phải lìa bỏ mái trường yêu dấu, nửa bồi hồi vì sắp phiêu lưu đến một nơi xa lạ.

          Một trong những lý do mà tôi không lưu luyến Saigon là chán ngán cho tình đời đen bạc. Lúc đó tôi đang ở trọ nhà một ông chú họ ở Saigon, vốn có nhiều thâm tình với gia đình tôi, và đã từng được thân phụ tôi giúp đỡ trong những ngày đầu chạy giặc. Chiến tranh làm cho gia đình tôi sa sút, phải đến nhờ vả người chú họ. Sự đối đãi lạnh lùng và bạc bẽo của gia đình ông, nhất là khi tôi bị ốm nặng thập tử nhất sinh, đã làm tôi tủi thân. Tôi tự nhủ rằng nếu có dịp may nào là tôi sẽ rời bỏ ngay. Dịp may đó đã đến khi tôi được đậu vào trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao. Ngoài lý do trên, cái học bổng 1500 đồng một tháng là một khích lệ lớn lao đối với tôi, một học sinh nghèo vừa mới từ vùng kháng chiến về chưa được bao lâu.

          Tôi xuất thân từ một gia đình khá đặc biệt. Ông cố tôi là Tổng Đốc Hoàng Diệu, đỗ Phó Bảng dưới thời vua Tự Đức. Ngoài Ngài ra, ba anh em khác của Ngài đều đỗ Cử Nhân và cùng làm quan tại Triều Đình Huế. Năm 1882, Ngài là Tổng Đốc Hà Ninh kiêm trấn nhậm thành Hà nội. Sau khi thành phố Hà Nội thất thủ vào tay người Pháp ngày 25/04/1882, ngài thắt cổ tuẫn tiết cùng thành. Trước cái chết cao cả của Ngài, các giới sĩ phu, văn thân và nhân dân Bắc Hà và cả nước khâm phục thương tiếc. Tôn Thất Thuyết một đại biểu nổi tiếng của những sĩ phu kiên quyết chống Pháp đã ca ngợi Ngài trong hai câu đối:

"Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện,

Bình sanh trung nghĩa, dương niên đại cuộc khởi vô tâm"

Dịch:

“Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước.

Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”

          Mặc dầu không ủng hộ Ngài trong việc chống với quân Pháp tại thành Hà nội, vua Tự Đức vẫn phải hạ chiếu khen Ngài đã tận trung tử tiết, sai quan Tổng Đốc Quảng Nam làm lễ quốc táng. Sĩ phu Hà Thành lập đền thờ Ngài ở phố Văn Tân, sau thờ chung với ông Nguyễn Tri Phương trong Đền Trung Liệt trên Gò Đống Đa với câu đối như sau:

“Thử thành quách, thử giang sơn

Bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc

Thập niên tâm sự vọng thanh thiên”

Dịch:

“Kìa thành quách, kìa giang sơn

Trăm trận phong trần trơ đất đỏ

Là trời sao, là sông núi

Mười năm tâm sự thấu trời xanh”

          Ông nội tuy đỗ đạt nhưng không chịu ra cộng tác với người Pháp và triều đình Huế. Ông lo kinh doanh ruộng đất, nuôi tằm ươm tơ, trồng mía và làm nhà máy đường, chẳng bao lâu trở nên một trong những đại điền chủ ở Quảng Nam, giàu có và phong lưu một thời. Thân phụ tôi là con út, được nuông chiều trong cảnh giàu sang, không chịu học hành, sống sa hoa với của cải của ông bà để lại. Rồi chiến tranh bùng nổ, gia đình chúng tôi bị kẹt ở vùng kháng chiến trong thời gian chống Pháp 1945-1954. Gia đình tôi bị kiệt quệ sau 9 năm gian khổ, trải qua bao nhiêu thử thách, gian truân, một phần vừa chạy giặc Pháp, phần khác phải bám lấy mảnh đất cằn cỗi còn lại để sinh nhai. Gia đình chúng tôi phải tần tảo lắm mới sống được qua ngày.

          Vào khoảng tháng 9/1954 tôi theo một ông bác họ vào Saigon. Lênh đênh trên một tàu buôn người Hoa suốt ba ngày đêm, tàu cập bến Saigon trong một buổi sáng đẹp trời, giữa sự ngạc nhiên tận cùng của tôi về cảnh náo nhiệt, phồn hoa và lộng lẫy của Hòn Ngọc Viễn Đông. Tôi theo học lớp đệ tứ trường trung học Hồ Ngọc Cẩn trên đường Bùi Thị Xuân, và thi đậu trung học đệ nhất cấp vào tháng 6/1955. Tôi tiếp tục học lớp đệ tam cùng trường cho đến khi thi đỗ vào Quốc Gia Sư Phạm và trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao.

          Tôi còn nhớ rõ một buổi sáng vào khoảng tháng 10/1956, với chiếc ba lô trên vai và không một người thân đưa tiễn, tôi trình diện Bộ Canh Nông, cảm thấy lạc loài giữa đám đông người đang ríu rít đưa tiễn nhau đi. Bước chân lên chiếc xe Cosara lòng tôi mới thấy nhẹ nhàng, phơi phới, nhưng chẳng khỏi bâng khuâng. Chiếc xe lăn bánh rời Bộ Canh Nông, chạy theo hướng Biên Hòa, rồi mấy chốc Saigon chỉ còn là một bóng mờ kỷ niệm, mất hút sau các rừng cao su cao vút của Dầu Giây, Xuân Lộc. Bầu trời xanh ngắt không một áng mây, ánh sáng dìu dịu của những ngày cuối thu len lỏi giữa các tàn cây xanh mướt hai bên đường. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, rừng cây vẫn xào xạc xen lẫn với những líu lo của mấy cánh chim rừng, tạo nên một cung đàn tuyệt diệu. Say mê trong cảnh rừng hùng vĩ của đồi núi chập chùng, chẳng mấy chốc xe đã vượt qua Định Quán, đèo Chuối và các đồi trà thơ mộng của Tân Phát, Blao. Xe chầm chậm lướt qua cổng trường, hai hàng chữ "Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục" và "National College of Agriculture Forestry and Animal Husbandry" nổi bật giữa các tàn cây cao vút và các thảm cỏ mượt mà. Vừa bước chân xuống xe, chúng tôi đã thấy khóa đàn anh -Khóa I- ào ra đón tiếp, ríu rít chào mừng, và hướng dẫn chúng tôi đến căn nhà gỗ, nơi mà gần 50 anh em chúng tôi chen chúc nhau sống gần một năm trời cho đến ngày dọn qua phòng ngủ mới. Do tình cờ, chiếc ghế bố tôi năm bên cạnh Bùi Tiên Khôi. Sau đôi câu chuyện hàn huyên, tôi được biết Khôi quê ở Bình Định, cùng ở vùng kháng chiến trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp 1945-1954. Do đặc điểm tương đồng về cảnh ngộ và tính tình chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân. Suốt ba năm trời ở Blao, nằm cạnh bên nhau và chia sẻ ngọt bùi, tôi xem Khôi vừa là người bạn thân và cũng là người anh thân mến. Cái bề ngoài của hai chúng tôi còn phảng phất hình ảnh nghèo nàn của những ngày ở Liên Khu 5, đã làm cho một số bạn bè cùng khóa châm biếm và "chọc quê". Ngày xưa tôi bực tức lắm, nhưng tự nhủ rằng gia thế của mình chẳng kém ai, chỉ khác nhau là thời thế đã tạo nên cái nét đặc thù của những người vừa rời bỏ quê hương "cày lên sỏi đá"…

          Hơn bốn mươi năm qua cuộc thế đổi thay, con người cũng thay đổi. Những kỷ niệm ngày xưa dù buồn hay vui cũng là những nỗi tiếc của những ngày hoa mộng. 

          Hiện nay gia đình tôi sinh sống tại một thành phố nhỏ thuộc tỉnh British Columbia, Gia Nã Đại. Những hồ nước phẳng lặng ẩn hiện sau các đồi thông chập chùng càng làm cho tôi ray rứt nhớ đến Bảo Lộc và Đalạt. Có những đêm trăng sáng không ngủ được, ngồi tựa lan can trên sân thượng, nhìn ra bầu trời đầy sao lấp lánh. Xung quanh tôi là một sự im lặng hoàn toàn, chỉ có ánh trăng sao vằng vặc và dãy Rocky Mountains hùng vĩ nằm ngủ yên ở dưới chân trời, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Lamartine trong bài: "L'étoile du soir" mà tôi học ở trường Quốc Gia Sư Phạm hơn 40 năm trước, và tôi đã phỏng dịch ra như sau:

Sao khuya vằng vặc chơi vơi

Phải chăng cô lữ bên trời xa xôi

Lung linh ánh ngọc tuyệt vời

Ngân hà một dải mịt mờ khói sương

Sao ơi còn có vấn vương

Tìm ai trên bến Tầm Dương... mỏi mòn.

Nhân nghĩ đến trăng sao, tôi không khỏi liên tưởng đến mấy vần thơ trác tuyệt của nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

"Hoa đợi trăng lên trả bóng mình

Kìa hoa run rẩy bóng rung rinh

Vầng trăng hữu ý lên cao mãi

Đẩy bóng về hoa nhập với mình”

Rồi tôi bỗng nhớ đến dãy núi Đại Bình mà chúng ta đã nhiều lần thưởng ngoạn:

“Đại Bình hùng vỹ đỉnh mờ khói sương” (Trích thơ của chính tác giả). Rồi trí tôi miên man nhớ đến những con đường dài hun hút dẫn sâu vào trong các khu rừng phía sau trường, ăm ắp đầy kỷ niệm với những buổi đi bộ tuyệt vời cùng với các thầy Ký, thầy Phú, thầy Tân, những tiếng la hốt hoảng của một vài kiều nữ khóa II khi bị mấy con vắt thám hiểm các đôi chân ngà ngọc. Rồi con đường Hoàng Hoa Lộ thơ mộng đã là một nguồn thơ bất tận, mà chính tôi cũng đã ngậm ngùi nhắc đến: “Nhớ Hoàng Hoa Lộ mà lòng ngẩn ngơ !”

          Hơn bốn mươi năm qua trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời Blao chắc chắn đã đổi thay nhiều. Con đường Hoàng Hoa Lộ thơ mộng ngày xưa, các thảm cỏ xanh mướt ẩn dưới tàn cây cao vút bên cạnh các giảng đường còn thơm mùi sơn mới, các đồi núi chập chùng phía sau trường từng là chứng tích của nhiều cuộc tình thơ ngây, vụng dại, ngày nay chắc cũng phôi phai theo năm tháng! Chúng ta mới ngày nào mái tóc còn xanh, còn tung tăng như cậu học sinh hồn nhiên mà nay đã điểm sương hay trắng bạc. Vậy mà giờ đây, một số thầy và bạn chúng ta đã vĩnh viễn ra đi dưới lòng đất lạnh, những người còn lại thì phiêu bạt khắp bốn phương trời, kẻ còn ở quê nhà phải vất vả mưu sinh, những người bên kia Đại Tây Dương này vẫn ray rứt nhớ quê hương, vừa bị cuốn xoay trong cuộc sống mới mà những giá trị tinh thần cố hữu đã bị thử thách và chi phối bởi kinh tế thị trường, bởi nếp sống vật chất đua chen, bởi những tấm bills hàng tháng phải trả không bao giờ chấm dứt. 

          Những phút giây sung sướng nhất có phải chăng là lúc vọng về quá khứ với những mộng mơ của tuổi xuân thì. Tôi xin mượn mấy vần thơ của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu để chấm dứt mấy trang hồi ký "Một chút gì để nhớ để thương" này:

"Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.

Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng

Tiếc mộng bao nhiêu để chán đời”

 

HOÀNG VŨ

 

Chân thành cảm ơn bạn Jennifer Cẩm Hằng Lê đã gởi bài viết này đến trang nhà!

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003