|
||
![]() |
.. |
mảnh đất nào ....và Sơn
TRẦN TRUNG ĐẠO
Trong suốt mười bảy năm lưu lạc xứ người, tôi đã hàng nghìn đêm mơ một ngày trở lại, trở lại với Việt Nam và trở lại với quê hương Quảng Nam thân thiết của tôi. Vẫn còn đó trong tôi hình ảnh những ngôi trường thân thuộc Duy Xuyên, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, nơi tôi đã ngồi nôn nao nghe tiếng ve vọng về báo hiệu mùa hoa phượng nở. Vẫn còn đó trong tôi hình ảnh hai hàng tre nghiêng nghiêng soi bóng bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa đang đổ ra hướng cửa Đại, hướng cửa sông Hàn. Vẫn còn đó trong tôi hình ảnh người dân xứ Quảng cần cù và khổ cực suốt bao mùa bão lụt, nắng mưa. Quê hương tôi nghèo khổ quá. Một hạt lúa trồng được ở Trung Phước, Đức Dục, Điện Bàn công khó bằng trồng cả ký lúa ở Sa Đéc, Cần Thơ. Một trái bòn bon Đại Lộc quý bằng cả chục trái xoài, trái mít ở miền Tây. Nhiều khi tôi nghĩ câu "ngọt như bòn bon Đại Lộc" chẳng qua là bà con tôi nói để tự an ủi mình chứ bòn bon Đại Lộc làm sao so sánh với cây trái miền Tây. Và cũng vì khổ quá nên bà con xứ Quảng mới biết thương nhau hơn, biết tìm nhau và che chở hơn. Trong những ngày ở Mỹ, tôi may mắn học được rất nhiều từ các chú bác anh chị văn nghệ, trong đó có rất đông là người gốc Quảng, đã cầm bút đi mở đường trong con đường sáng tác và cũng không quên ngoái đầu nhìn lại để chờ đợi tôi, thằng em nhỏ trong gia đình văn nghệ. Từ đó và cũng nhờ ở đó mà thơ văn tôi chập chững bước đi trong tình người và trong máu mủ di truyền từ tổ tiên xứ Quảng chúng tôi. Từ nhỏ, tôi may mắn học những bài học về đặc tính anh hùng, nhân kiệt trong con người xứ Quảng và học cả từ những thất bại cay đắng của tổ tiên Quảng Nam chúng tôi đã phải chịu đựng. Càng học tôi càng cảm thấy kính trọng tổ tiên và thương cho quê hương nghèo khổ của tôi hơn. Một lần trước 1975, trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Quảng, tôi xin bác tài xế xe đò ráng chạy để đến ngã ba đi Nha Trang thì hãy dừng lại ngủ đêm. Bác hỏi tại sao không ngủ ở nơi khác mà phải năn nỉ bác ráng chạy đến Nha Trang, có ai bà con ở đó hay sao. Tôi đáp lời bác rằng tôi muốn luôn dịp đó để được đi thắp hương ở miếu thờ cụ Trần Quý Cáp. Bác tài xế nhìn tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên. Bác không hứa điều gì nhưng một lúc sau, bác bỗng tăng tốc độ khá nhanh và đến ngã ba đường đi Nha Trang thì bác dừng xe lại nghỉ đêm. Tôi mua một bó hương, vừa đi vừa hỏi thăm đường đến chân cầu ngoài ngã ba và mon men theo bờ dốc xuống miếu thờ cụ Trần. Tôi thắp nén hương lên bàn thờ cụ và lạy ba lạy. Trong mùi khói hương nghi ngút tôi nghe lòng dâng lên niềm xúc cảm sâu xa khi nghĩ đến bản án chém ngang lưng mà triều đình nhu nhược đã dành cho cụ. Dù không phải là con cháu xa gần gì với cụ Trần Quý Cáp, tôi vẫn cảm thấy rằng dòng máu đang chảy trong tôi đã bắt nguồn từ tinh hoa và tinh huyết của cụ và của tiền nhân xứ Quảng. Tôi thầm cầu nguyện hương linh cụ phò hộ cho dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Quảng Nam "đất cày lên sỏi đá với xương khô" của chúng tôi sớm không còn chiến tranh, nghèo đói, hận thù. Mấy chục năm sau, trong những đêm thao thức xứ người tôi vẫn thường mơ ngày về thắp nén hương trên miếu cụ Trần Quý Cáp, thăm lại bà con xứ Quảng. Tôi yêu những con người chơn chất hiền hòa như dòng sông Thu mênh mông đổ về biển cả, và tôi cũng yêu cả tính ngang tàng thẳng thắng của đồng bào tôi sừng sững như dải Trường Sơn. Sáng hôm sau, khi xe sắp sửa lăn bánh, tôi nói vài lời cám ơn bác tài xế. Bác vui vẻ gật đầu và nói rằng bác cũng là người Quảng, nhà ở gần chợ Cồn. Bác lái xe cho hãng Phi Long tuyến đường Sài Gòn-Đà Nẵng cả chục năm nên nghe rất nhiều chuyện linh thiêng về ngôi miếu thờ cụ Trần Quý Cáp. Dân chúng trong vùng đồn rằng cụ Trần thường hiển linh trị bịnh cho dân chúng và có lần đã giúp một bà cụ mù mắt được sáng trở lại. Trong ánh mắt của bác tài xế không dấu được niềm hãnh diện được làm người dân xứ Quảng. Bà cụ trong câu chuyện mà bác tài xế kể có thật sự sáng mắt hay không không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là ở chỗ lòng tin của dân chúng đã dành cho cụ. Niềm tin đó phát xuất từ lòng yêu nước mà ra. Niềm tin đó đã từng giúp Lý Thường Kiệt đánh bại hùng binh nhà Tống trên dòng sông Như Nguyệt, giúp cho đoàn quân của Quang Trung Hoàng Đế có thêm sức mạnh trên đường về giải phóng Thăng Long. Mảnh đất đó, con người đó đã trở thành một thôi thúc không ngừng theo mỗi bước tôi đi trong quãng đời biệt xứ mà tôi đã có lần ghi lại trong bài thơ Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng:
Bao giờ nhỉ
tôi về thăm xứ Quảng
Hải Vân đứng
ngậm ngùi bao thế kỷ
Còn chăng
nhỉ những con đường kỷ niệm
Cho tôi ghé
thăm trường Trần Quý Cáp
Đường Phố
Hội chưa mưa đà ngập nước
Cho tôi ghé
bến xe đò Nam Phước
Bao giờ nhỉ
tôi về thăm Núi Quế
Ai đứng đó
bên kia bờ Giao Thủy
Trái tim tôi
có một dòng máu đỏ
Bao giờ nhỉ
tôi trở về Đà Nẵng
Em Trường Nữ
có bao giờ trở lại
Mây có trắng
trên đỉnh chùa Non Nước
Tôi một dạo
hay ôm đàn đứng hát
Tôi đã bảo
thơ tôi buồn hơn trước … Và cũng từ đó tôi viết nhiều về mẹ. Bởi vì tôi tin rằng không có một bà mẹ nào trên thế giới đã phải sống trong chịu đựng nhiều hơn bà mẹ Quảng Nam, bà mẹ Việt Nam. Ca ngợi bà mẹ Việt Nam, không chỉ ca ngợi tình thương của mẹ dành cho chúng con mà, hơn tất cả, ca ngợi sự hy sinh, sự chờ đợi, sự chịu đựng vô bờ bến của những bà mẹ Việt Nam. Trong thơ tôi, có câu chuyện thật về một Bà Mẹ Điên" bỏ vùng Kinh Tế Mới về Sài Gòn tìm chỗ sống. Mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khổ. Mẹ bán tất cả những gì mẹ có thể bán kể cả máu của mình để mua sữa cho con. Cuối cùng, đứa con nhỏ cũng chết. Những đêm khuya nhớ lại tiếng khóc của con đói lả trên tay mẹ ngày nào, bà mẹ một mình ôm chiếc gối ra đứng hát như người điên trên vỉa hè Đồng Khởi. Tôi có bà mẹ đã chết ngoài biển khơi trong cuộc hành trình bi thảm của những con chim Việt xa đàn. Mẹ gục xuống trên sàn ghe như thân chuối sau vườn nhà của mẹ năm xưa trong một đêm giông bão, đói khát tuyệt vọng. Những ngày còn ở trại Palawan, tôi nghe nhiều câu chuyện ăn thịt người khủng khiếp. Người ta kể rằng có chiếc ghe nọ chết máy trôi dạt năm sáu tuần trên biển, thực phẩm hết, nước uống hết, những người chưa chết bắt đầu nghĩ đến chuyện ăn thịt những người đang ngắc ngoải để sống. Một bà mẹ van xin những người còn sống: "Hãy đập chết tôi mà ăn nhưng xin đừng ăn thịt con tôi vì nó còn nhỏ quá, chỉ có một chút thịt mà thôi!" Không ai nỡ đập chết mẹ để ăn nhưng sau đó mẹ cũng chết vì đói khát trước khi ghe được vớt. Người ta ném xác mẹ vào biển khơi trước đôi mắt tròn xoe, khinh hoàng và ngơ ngác của con. Đời em từ đó là cuộc đời của một viên sỏi nhỏ:
Bé thơ ơi
cuộc đời em viên sỏi
- Viên kẹo
tròn nầy để dành cho Mẹ
Bên bờ biển
Palawan
- Em đến từ
Việt Nam
Mẹ em đâu?
Chị của em đâu?
Ba em đâu? - Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa
Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
- Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Nơi cha chết không tiếng kèn đưa tiễn
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi (Em Bé Việt Nam và ViênSỏi, thơ TrầnTrung Đạo) ... Và tôi, như đứa con của mẹ còn sống sót, mãi mãi ám ảnh bởi hình ảnh cuộc hải hành bi tráng đó:
Cho anh hôn xác mẹ nổi bềnh bồng Tôi mang vào thơ hình ảnh đau thương của những bà mẹ Việt Nam thời chiến tranh đang chen sống giữa một quê hương đày đọa... Như chúng ta đã thấy, chiến tranh đã chấm dứt từ sau 1975 nhưng hòa bình thật sự vẫn chưa đến. Tiếng đại bác đêm đêm không còn dội vào thành phố nhưng người phu quét đường vẫn còn dừng chổi để lắng nghe, lắng nghe tiếng rên của những bà mẹ, lắng nghe tiếng rên của đám em thơ vừa chạy về từ vùng Kinh Tế Mới... Sài Gòn 1978, tôi có bà mẹ nghèo phải thức khuya dậy sớm chăm nom quầy thuốc lá ven đường để nuôi một bầy con đói khổ:
Quầy thuốc lá ven đường em đứng đấy Trong những ngày ở Mỹ, tôi có người mẹ ôm những tập thơ tôi vừa in đi bán dạo những quán sách San Jose như bán chút tình thương còn lại trong chuỗi ngày cuối của đời mình. Lần đầu tiên tôi ra mắt sách ở San Jose chỉ có ba bốn chục người đến dự, nhưng trong đó có một bà mẹ 75 tuổi đã đi xe buýt suốt 2 giờ mới đến nơi tổ chức để nghe đọc thơ tôi. Nghe xong mẹ còn phụ các bạn tôi cặm cụi đi bán từng cuốn sách. Dĩ nhiên chẳng ai mua thơ của một kẻ làm thơ không tên không tuổi như tôi trong thời buổi những đau thương đã trở thành quá khứ và vật chất mới là điều thực tế. Thương mẹ vất vả nên tôi đã viết tặng mẹ bài thơ Mẹ Là Thơ Nước Việt Sẽ Hồi Sinh:
Mẹ ngồi suốt hai giờ trên xe buýt
Bảy mươi lăm năm
Mẹ chờ lâu không?
Mẹ đi xe buýt suốt hai giờ
Có giống dân nào như một giống chim
Có ai cần đọc thơ con
Nhờ có mẹ thơ con còn hy vọng Tôi có người mẹ ra đi với tôi và cũng có người mẹ đang chờ bên kia biển. Bà mẹ Hòa Hưng, quận 10 Sài Gòn, bao năm qua đang chờ đợi tôi về. Mẹ đã đánh thức tôi dậy trong đêm đông ở xứ người bằng tiếng điện thoại buồn như tiếng mưa rơi trên căn nhà tôn nghèo nàn ở gần chợ Hòa Hưng, thảng thốt như tiếng rên của mẹ vọng qua từ nửa vòng trái đất. Khi vừa gác phone, tôi ngồi xuống viết bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười:
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người Tôi cũng còn có những người mẹ không bằng xương bằng thịt mà chỉ là cây, như cây đa chùa Viên Giác ở Hội An. Cây đa già đã ru tuổi thơ tôi trong một điệu kinh buồn đầy đau xót. Bao nhiêu đêm tôi nằm dưới gốc đa già nghe lá đổ xuống sân tôi và miên man nghĩ về một điều mà cha tôi hằng mơ ước về tôi: có một mảnh bằng đại học. Ước mơ của một người thợ dệt nghèo nàn ở xóm dệt Duy Xuyên, tưởng khó hơn tìm kim đáy biển. Dù sao ba mươi năm sau, nói như nhà văn Duyên Anh, giấc mơ của một "đại dương trong lòng con ốc nhỏ" kia cũng đã thành sự thật. Đa dạy tôi làm người chân thật, đa dạy tôi chịu đựng, đa dạy tôi vươn lên trong cuộc đời vẫn còn đầy những gian nan trắc trở. Tôi đã vươn lên, không to lớn như vóc dáng tôi từng thêu dệt, không hoàn hảo như ước mơ tôi đan ở tuổi thiếu thời nhưng cũng không làm đa buồn trách. Tôi chưa bỏ quên mơ ước của mình, tôi vẫn cố làm một người chân thật, một người yêu thương lấy cuộc đời nầy.
Bốn mươi năm trên quãng đường trần Tôi vẫn hằng mơ ngày trở lại để được ngồi một mình dưới bóng mát cây đa như ngồi bên người mẹ già nua trong buổi xế chiều, để nghe tuổi hoa niên trở về thổn thức. Đa ơi đừng gục xuống, hãy chờ tôi trở lại. Tôi sẽ kể đa nghe chuyện đời tôi qua mấy độ thăng trầm nghiệt ngã. Và đặc biệt tôi đã viết rất nhiều về một bà mẹ Quảng Nam, người đã vĩnh viễn ở lại với hàng tre Nghi Hạ, ở lại bên những đồi sim tím Quế Sơn. Bà mẹ Quảng Nam của tôi đã chết từ ngày tôi còn quá nhỏ. Tôi không biết gì nhiều về mẹ Quảng Nam ngoài những chuyện do cha tôi kể lại, tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, tôi không biết gì nhiều về Quế Sơn, tôi không biết gì nhiều về mảnh đất miền núi cao của quê hương Quảng Nam nghèo khổ của tôi, mảnh đất đã từng chôn khúc nhau tôi. Cha tôi kể lại rằng ở đó có hàng tre, cha tôi gọi là hàng tre Nghi Hạ. Dưới bóng mát của hàng tre ấy ông và Mẹ Quảng Nam đã gặp nhau, đã yêu nhau và đã cưới nhau. Họ cùng nhau dựng lên căn nhà tranh, đúc lò ươm tơ, đóng khung dệt lụa và xây một tình yêu chân thành, mộc mạc bên nhau. Đêm tân hôn của họ trong thời buổi tản cư không có rượu nồng, pháo đỏ, không nhẫn cưới và vắng đi cả những lời chúc tụng của cha mẹ, của bà con thân thuộc. Họ chúc nhau bằng ly nước nấu từ lá vối. Tôi chưa bao giờ được uống một ly nước vối nhưng nghe bà con nói nước vối nhà nghèo thường uống thay cho nước chè xanh, nước vối hơi chua và hơi chát. Dù sao, ở đó, trong một đêm huyền diệu của đất trời, những giọt máu của họ đã hòa vào nhau thành một, đã quyện vào nhau thành một, đã đan chặt lấy nhau, đã ôm ấp nhau để tái tạo nên tôi, tái tạo nên một kiếp con người. Cha tôi kể rằng ở đó có rừng sim tím. Không biết ông có thường hái tặng mẹ Quảng Nam khi mùa hoa sim nở. Một người có tâm hồn đầy thơ như cha tôi thế nào mà chẳng có. Thế nào ông chẳng hái một bó hoa sim cắm lên chiếc lọ bằng đất trên đường đi làm về và nhẹ nhàng đặt lên chiếc bàn bằng gỗ mít của mẹ. Thế nào ông chẳng có khi dắt mẹ đi dạo trên đồi sim trong những buổi chiều tà khi mặt trời rực đỏ dưới chân dải Trường Sơn hùng vĩ, cùng nhau thêu dệt ước mơ và niềm hy vọng ở đứa con sắp chào đời của họ. Cha tôi kể rằng ông rất mê hát bội và thuộc làu làu mọi tuồng hát bội. Trong những đêm thanh vắng ông cũng hát cho mẹ tôi nghe những đoạn Nam Ai mùi mẫn mà các anh kép, cô đào thần tượng của ông như Phó Phẩm, cô Dần, cô Cơ thường diễn trong mấy vở tuồng tàu. Ông thường nhìn vào khoảng không gian xa xăm trong ký ức, ở đó có hai vợ chồng trẻ và một đứa con mới chào đời. Ở đó có hạnh phúc đang tràn đầy nhưng đau khổ tột cùng cũng đang chờ đón họ. Ngày tôi mới ra đời cũng là ngày mẹ tôi ngã bệnh. Giữa một làng quê hẻo lánh như làng Nghi Hạ, sự sống còn của một con người hoàn toàn tùy thuộc vào số mệnh. Số mệnh nghiệt ngã đã cướp đi của đời tôi vầng trăng tròn tháng bảy, cướp đi của đời tôi một giòng sữa mẹ hiền hòa mà mọi đứa bé sơ sinh cần phải có. Cha tôi kể rằng ở đó có con đường. Con đường chạy dài từ ngã ba Hương An lên cầu chợ Đụn, qua Sơn Khánh, Sơn Thượng và cứ thế lên tận dải Trường Sơn trùng điệp. Con đường đó cha mẹ tôi từ Duy Xuyên chạy giặc và đã gặp nhau. Con đường quê hương đất đỏ và đầy ổ gà đó, sau nầy, đã trở nên chứng tích cho cuộc chiến tương tàn, đẫm máu. Chiến tranh đã tàn phá quê hương tôi, đã chia cắt gia đình tôi và làm tan nát phần đời đẹp nhất của tôi. Đến bao giờ những chiếc áo ngoại lai vong bản mới được ném đi, trả lại tình thương và sức sống cho da thịt ốm o gầy mòn của mẹ Việt Nam? Cha tôi kể rằng ở đó có những con người mà giọng nói rất cực kỳ khó nghe thường là trò cười cho những người thành phố như "đi Sơn Lểnh, bán nồi đếch" (đi Sơn Lãnh, bán nồi đất). Có lần ở Sài Gòn, nghe một anh hề nhái tiếng Quế Sơn trong một vở kịch tôi cảm thấy như cha mẹ mình bị xúc phạm, chính mình bị xúc phạm. Tôi đứng dậy bỏ ra ngay. Bỏ đi không phải vì giận anh hề mà chỉ cảm thấy đau lòng khi trong trí nhớ mơ hồ của tuổi thơ tôi lại hiện ra những con người Quế Sơn khốn khổ. Tiếng Quế Sơn của tôi như thế đó, người Quế Sơn tôi là thế đó, núi đồi hoang vu cách trở đã tạo cho bà con Quế Sơn một giọng nói khó nghe nhưng tâm hồn họ vẫn mang đầy đủ đặc tính Quảng Nam hiền hòa và cương trực. Quế Sơn trong những năm 1960 vẫn còn trong một sinh hoạt kinh tế thủ công lùi sau kỹ thuật hiện đại nhiều thế kỷ, với những chiếc cối bằng đá, khung cửi dệt bằng tay, những lò nước sôi đun nóng từng con kén. Trong thời kỳ chiến tranh, Quế Sơn là nơi chịu đựng nhiều thiệt thòi và mất mát nhiều hơn hết. Hàng ngàn đồng bào tôi đã trở thành "liệt sĩ" cho một ý thức hệ mà họ, với tâm hồn mộc mạc bẩm sinh, không thể nào tưởng tượng ra nổi. Tháng Năm năm ấy, trên con đường đất đỏ Quế Sơn, cha tôi, tay ẵm tôi, chầm chậm bước theo sau chiếc quan tài làm bằng tre ép lại của mẹ Quảng Nam. Nắm đất nầy, nơi đó không lâu đã chôn khúc nhau tôi, một lần nữa chôn dấu đi người đàn bà yêu dấu nhất đời tôi. Tháng Năm ở Quế Sơn cơn mưa rừng vừa đổ xuống. Trời đang mưa hay đang khóc thay tôi.
Trời tháng
năm năm ấy Cha tôi kể mà không khóc. Nước mắt chẳng còn để chảy trên đôi má già nua của ông nữa. Tiếng mẹ cười đã tắt từ hôm đó. Trong căn nhà tranh ở Quế Sơn chỉ còn lại giọng Nam Ai thê thảm của cha tôi, vọng lại trong cô đơn, như tiếng con nai cha gào thét giữa núi rừng Quế Sơn quạnh vắng. Và không lâu sau đó cha tôi từ bỏ căn nhà tranh vách đất ở làng Nghi Hạ, ẵm tôi về quê nội Duy Xuyên. Tôi ra đi, giã từ Nghi Hạ, hành trang của tôi là một tuổi sơ sinh bất hạnh, một tuổi sơ sinh đầy nước mắt. Tôi về lại vùng đất thánh nầy chỉ một lần vào năm tôi lên sáu tuổi. Cha tôi đưa tôi về lại Quế Sơn, qua cầu Chợ Đụn nước xấp xỉ bàn chân, ngồi trên chiếc xe đò già nua chạy dọc đường đi Sơn Khánh, nhìn đồi sim bát ngát chạy dài vào chân núi lòng cảm động biết bao nhiêu khi nghĩ về người mẹ Quảng Nam thân yêu đã khuất của mình. Mẹ tội nghiệp biết bao. Mẹ có biết con của mẹ đã hàng nghìn đêm ngồi tưởng tượng ra bàn tay của mẹ, tưởng tượng ra áng mây Tu La che mát cuộc đời bất hạnh của con, đã hàng nghìn đêm tưởng tượng ra khuôn mặt dịu hiền của mẹ đang nhìn xuống trần gian đầy lửa đỏ mà con đang ngụp lặn.
TRẦN TRUNG ĐẠO |
.. |