www.lebichson.org

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

CUỘC HỘI NHẬP TÂM LINH

TRẦN GIA PHỤNG (Toronto)

 

Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt vào thế kỷ 17 được tiến hành một cách ôn hòa, ít đụng chạm, không gây ra hận thù dân tộc, bắt nguồn từ nhiều lý do vừa về phía Đại Việt, vừa về phía Champa, trong đó có một yếu tố rất ít được nói đến là cuộc hội nhập tâm linh mà các chúa Nguyễn đã khéo léo thực hiện khi hướng dẫn dân chúng Việt càng ngày càng tiến sâu vào đất Champa và Chân Lạp (tức Cambodia).

1.-   NGƯỜI KHỞI XƯỚNG

a)  Lai lịch Nguyễn Hoàng:  Nguyễn Hoàng là con trai thứ nhì của Nguyễn Kim.  Nguyễn Kim nguyên là Tả vệ Điện tiền Tướng quân, tước An Thanh Hầu, trông coi đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) (1) đời vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522).  Sau khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Nguyễn Kim trốn sang Ai Lao (Lào ngày nay).  Vua Ai Lao là Sạ Đẩu cho ở đất Sầm Châu.(2)  Nguyễn Kim xây dựng Sầm Châu làm căn cứ địa, chiêu mộ quân sĩ, tìm cách khôi phục nhà Lê. Năm 1529 (kỷ sửu), Nguyễn Kim đem quân về đánh Thanh Hoa nhưng năm 1530 (canh dần) bị tổn thất nặng, phải quay trở qua Sầm Châu để chỉnh đốn binh mã.

Vào tháng giêng năm quý tỵ (1533), Nguyễn Kim tìm được người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lúc đó 18 tuổi, lập lên làm vua tức vua Lê Trang Tông (trị vì 1533-1548), mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê. Lê Trang Tông phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ thái sư, tước Hưng Quốc Công, trông coi mọi việc đối nội cũng như đối ngoại. Trong số những hào kiệt về theo Lê Trang Tông và Nguyễn Kim lúc đó có Trịnh Kiểm, người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, Thanh Hoa, là một tướng tài, được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo, và được vua Lê phong làm Dực Quận Công. 

Năm 1539 (kỷ hợi), vua Lê sai Trịnh Kiểm đem quân về đánh Lôi Dương (Thanh Hoa). Năm 1540 (canh tý), Nguyễn Kim về Nghệ An thăm dò tình hình.  Hai năm sau, chính Lê Trang Tông cũng xâm nhập trở về nước. Năm 1543 (quý mão), quân vua Lê chuẩn bị tấn công Thanh Hoa. Tổng trấn Thanh Hoa của nhà Mạc là hoạn quan Trung Hậu Hầu Dương Chấp Nhất, đem người đến xin đầu hàng, được vua Lê cho cầm giữ binh quyền như cũ. Sau thành công bước đầu, Nguyễn Kim được vua Lê gia phong làm Thái tể đô tướng, tiết chế tướng sĩ các doanh.

Nguyễn Kim dẫn quân ra Sơn Nam vào tháng 4 năm ất tỵ (1545), định tiến đánh Thăng Long, nhưng bị lụt phải trở về. Khi đi ngang qua làng Yên Mô (Ninh Bình), Nguyễn Kim không phòng hờ, bị Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, thọ 77 tuổi. Dương Chấp Nhất bỏ trốn trở về nhà Mạc.

b)  Nguyễn Hoàng vào Nam:  Sau khi Nguyễn Kim từ trần, Trịnh Kiểm lên nắm quyền thay Nguyễn Kim và được vua Lê phong làm Đô tướng, tiết chế thủy bộ quân, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, rồi gia phong Thái sư, tước Lạng Quốc Công. Về phía Nguyễn Kim, ông có hai con trai: con trưởng là Nguyễn Uông được phong Lãng Quận Công, con thứ là Nguyễn Hoàng được phong Đoan Quận Công, cùng giữ binh quyền đi đánh giặc. Trịnh Kiểm nghi kỵ và sợ Nguyễn Uông cùng Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, quyết định ra tay trước và giết Nguyễn Uông.(3) 

Nguyễn Hoàng lo ngại Trịnh Kiểm sẽ kiếm cách hại luôn mình, liền nhờ chị là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho mình vào trấn đóng Thuận Hóa.  Nguyên vào năm 1557 (đinh tỵ), Trịnh Kiểm cử tướng Phạm Đốc đem quân đánh hai tướng nhà Mạc là Phạm Quỳnh và Phạm Dao, chiếm Nghệ An, chận ngang quân nhà Mạc không thể tiến xuống quấy phá Thuận Hóa và Quảng Nam. Tuy nhiên, tình hình an ninh vùng nầy vẫn chưa an toàn vì nhà Mạc thường gởi chiến thuyền vào tấn công. Trong tình hình đó, nếu vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng thành công thì Trịnh Kiểm đỡ lo mặt Nam; nếu Nguyễn Hoàng thất bại, bị tướng nhà Mạc hãm hại, thì Trịnh Kiểm cũng đỡ lo mối tranh chấp quyền lực trong gia đình về sau nầy. Do đó, Trịnh Kiểm đồng ý trình lên vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, thay Luân Quận Công Tống Phúc Trị. Lê Anh Tông (trị vì 1556-1573) chuẩn thuận đề nghị của Trịnh Kiểm.  Nguyễn Hoàng ra đi vào tháng 10 năm mậu ngọ (1558), đem theo gia quyến và các thân binh, cùng những lưu dân gốc Thanh Nghệ xuôi Nam lập nghiệp. 

2.-   MẪU SỐ TÂM LINH CHUNG VIỆT-CHĂM

Thuận Hóa nguyên là đất của Champa. Biên giới thiên nhiên Việt-Champa đầu tiên khi Ngô Quyền xưng vương năm 939 là dãy Hoành Sơn, tức núi Đèo Ngang, nằm giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay. Sau cuộc chiến năm 1069 (kỷ dậu), biên giới Việt-Champa được nới rộng xuống sông Thạch Hãn. Sông nầy đổ ra Cửa Việt ở Quảng Trị ngày nay. Đến cuộc hôn nhân năm 1306 giữa Huyền Trân công chúa và vua Champa là Chế Mân (Jaya Simhavarman IV, trị vì 1287-1307), nước ta rộng tới sông Thu Bồn (tại Quảng Nam ngày nay). Biên giới nới rộng thêm nữa vào năm 1402 dưới đời nhà Hồ khi vua Chăm là Ba Đích Lại (Indravarman XII, trị vì 1401-1441) thất thế, xin tặng Chiêm Động (Nam Quảng Nam) và Cổ Lũy Động (Quảng Ngãi). Nhà Hồ đổi thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Lúc đó biên giới mới là đèo Bình Đê, phía Nam Quảng Ngãi. Năm canh dần (1470), vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn (trị vì 1460-1471) thân hành đem quân thủy bộ đánh úp Hóa Châu. Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) liền quyết định Nam chinh, chiếm cửa Thị Nại, hạ thành Đồ Bàn, bắt Trà Toàn năm 1471 (tân tỵ) đưa về Thăng Long. Nhà vua lấy vùng đất mới chiếm đổi thành phủ Hoài Nhơn, sáp nhập vào Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, lập thành Quảng Nam thừa tuyên đạo (đất đai mở rộng về phương Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hóa). Biên giới là núi Cù Mông nằm giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay.

Như thế, cho đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558, Thuận Hóa đã nhập Việt tịch được hơn 250 năm. Trong thời gian nầy, người Việt di dân dần dần xuống phía Nam, hòa nhập với cuộc sống của người điạ phương, xây dựng vùng đất mới. Dầu vậy, đối với chính quyền và đa số người Việt lúc đó, Thuận Hóa (Thuận Châu và Hóa Châu) là vùng biên viễn xa xôi, và được sắp vào loại “ngoại châu” (tức là châu ở ngoài biên giới).(4)

Thời tiền sử, người Việt và người Chăm vốn cùng chung nền tảng văn hóa bản điạ Đông Nam Á. Về sau, người tộc Mông Cổ (Mongolia) ào ạt di dân đến cổ Việt, rồi cổ Việt bị gần một ngàn năm bắc thuộc; trong khi người Chăm trải qua hơn một ngàn năm văn minh Ấn Độ và Hồi giáo, nên các lớp phủ văn hóa kế tiếp giữa hai bên Việt Chăm phát sinh nhiều dị biệt. Tuy nhiên, khi Nguyễn Hoàng vào Nam cuối thế kỷ 16, người Việt và người Chăm vẫn còn giữ nhiều điểm tương đồng như tín ngưỡng vật linh (animism, vạn vật có linh hồn), sản xuất lúa nước (wet field), nền tảng tâm linh Phật giáo...  để từ đó hai dân tộc có thể sống chung với nhau mà không xảy ra tranh chấp đẫm máu gây hận thù giữa đôi bên.

a)  Tính hữu thần: Giống người Việt, người Chăm hữu thần và đa thần, tin tưởng ở những mãnh lực siêu nhiên. Nếu người Việt tin rằng “Trời” là đấng tối cao sắp đặt mọi việc trên cõi đời, và “thổ thần đất đai” là những vị thần linh phù hộ con người trong cuộc sống, thì người Chăm có những vị thần gọi là “Dàng”.  Đặc biệt họ thờ cúng những vị vua mà họ đã thần linh hóa. Những đền tháp Chăm còn lưu lại nhiều tấm bia vinh danh những vị “vua thần” nầy. Trong số các “dàng” của người Chăm, quan trọng nhất là nữ thần Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar. Người Chăm tin rằng Ngài là Mẹ Đất Nước, là người đã sáng tạo ra đất đai, cây cối và dạy dân chúng trồng trọt để sinh sống. Nữ thần Pô Yang Inô Nagar hay Pô Nagar chẳng những có tên Việt là Thiên Y A Na mà còn được nhiều người Việt tin tưởng và thờ chung với Thánh mẫu Liễu Hạnh, xuất hiện vào thế kỷ 16, tại Phủ Giày, huyện Vụ Bản, Nam Định. 

b)  Phật giáo: Cũng giống như người Việt, người Chăm theo nhiều tôn giáo khác nhau. Trong khi tam giáo của người Việt là Phật Nho Lão, thì tam giáo của người Chăm là Ấn, Phật, và Hồi giáo. Như thế, giữa người Việt và người Chăm có một tôn giáo chung là Phật giáo. Đối với người Việt, Phật giáo được du nhập rất sớm, có thể vào đầu Công nguyên, vừa cả đường biển, vừa cả đường bộ qua ngả Trung Hoa.(5)  Phật giáo là nền tảng tâm linh và tinh thần tiên khởi của người Việt, trước cả Nho giáo. Trong những ngày đầu xây dựng thể chế quốc gia, các triều đại đầu tiên như Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1010) rất cần đến các thiền sư vì các ngài là những người được đào tạo trong các tu viện, có trình độ văn hóa cao, giỏi chữ Nho, giúp các triều đại trong việc giáo dục quần chúng và ngoại giao với Trung Hoa. Đến thế kỷ 11, vị sáng tổ nhà Lý (1010-1225) là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ (trị vì 1010-1028), xuất thân từ chùa làng Cổ Pháp (về sau là làng Đình Bản, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh). Dưới triều đại nầy, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, và có thể xem là quốc giáo lúc bấy giờ.

Về phía người Chăm, năm 875, họ đã xây dựng một Phật học viện tại kinh đô của họ là Indrapura (Đồng Dương),(6) phía Nam Đà Nẵng, gần Tam Kỳ ngày nay. Di tích Phật học viện nầy ngày nay vẫn còn tồn tại. Phật học viện được xây dựng tại kinh đô Indrapura chứng tỏ rằng nếu đạo Phật không được xem là quốc giáo của Champa thời đó, thì đạo Phật cũng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của quan viên và dân chúng Chăm. Cũng vào thế kỷ thứ 9, khi Champa bắt hai sứ giả của Đại Cồ Việt, vua Lê Hoàn (trị vì 980-1005) đã đem quân đánh trả đũa năm 982. Trong số chiến lợi phẩm nhà vua đem về, có một vị thiền sư Phật giáo gốc người Thiên Trúc.(7)  

c)  Tinh thần hòa đồng tôn giáo: Người Việt vốn tôn trọng sự sống, và sự sống chung giữa người với trời đất, cũng như giữa người với người, nên người Việt rất hòa đồng tôn giáo. Khi tiếp xúc với người Chăm, người Việt luôn luôn tôn trọng tôn giáo của người Chăm, và ngược lại, người Chăm cũng rất tôn trọng tín ngưỡng của ngưới Việt. Như thế, trong đời sống tâm linh, giữa người Việt và người Chăm có nhiều điểm căn bản khá giống nhau có thể xem là mẫu số chung cho cuộc sống của hai dân tộc. Khi vào Nam năm 1558, Nguyễn Hoàng và các chúa kế nghiệp đã biết cách khai thác những mẫu số chung nầy, thực hiện cuộc hội nhập tâm linh giữa những người điạ phương, để tiến hành một cách êm thắm cuộc Nam tiến vào đầu thế kỷ 17.

3.-   CUỘC HỘI NHẬP TÂM LINH

a)  Những truyền thuyết lập quốc: 

*  Vạn đại dung thân:  Tương truyền rằng khi lo sợ Trịnh Kiểm hãm hại, Nguyễn Hoàng cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Nguyễn Bỉnh Khiêm trả lời ngắn gọn: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là dãy Hoành Sơn có thể là nơi dung thân được lâu dài. (Hoành Sơn là núi Đèo Ngang giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình.)(8)  Nguyễn Hoàng hiểu ý liền nhờ bà chị là Ngọc Bảo xin với chồng là Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng vào trấn đóng đất Thuận Hóa. Muốn kêu gọi đồng hương ra đi lập nghiệp tại vùng đất hoang vu chưa ai biết, thì câu sấm truyền “vạn đại dung thân” là lời tuyên truyền mạnh mẽ thầm kín bảo đảm sự thành công trong tương lai, khuyến dụ những người lên đường tin tưởng và hăng hái nhập cuộc.  Không biết câu chuyện lưu truyền nầy do ai là tác giả? Chỉ biết chắc chắn hai truyền thuyết dưới đây nếu không từ Nguyễn Hoàng thì cũng từ bộ tham mưu của vị lãnh tụ nầy mà ra.

*  Nữ thần áo xanh:  Khi mới đến Thuận Hóa năm 1558, Nguyễn Hoàng đặt dinh ở xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, Thuận Châu (còn gọi là Đăng Xương, nay thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị). Năm 1570, kiêm nhiệm đất Quảng Nam, ông dời dinh qua xã Trà Bát cũng thuộc huyện Vũ Xương, cách Ái Tử không bao xa. Chính tại đây, bắt đầu xuất hiện truyền thuyết “trảo trảo”. Nguyên vào năm 1572 (nhâm thân), tướng nhà Mạc là Lập Bạo đem quân đánh Thuận Hóa. Lập Bạo vốn là tướng của vua Lê, đầu hàng nhà Mạc khi Trịnh Kiểm từ trần (1570) và anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng đánh nhau.(9) Vì Lập Bạo đã từng làm quan ở Thanh Hoa trước khi ra bắc đầu hàng nhà Mạc, có thể giữa Lập Bạo và Nguyễn Hoàng có ít nhiều quen biết, và có thể Nguyễn Hoàng cũng hiểu biết cá tính của Lập Bạo. Khi Lập Bạo tiến đánh Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng liền dùng mỹ nhân kế, sai một thị tỳ có sắc đẹp và giỏi biện bác tên là Ngô Thị Ngọc Lâm (người làng Thế Lại, Hương Trà, Thừa Thiên) đem vàng lụa đến xin Lập Bạo giảng hòa, và mời Lập Bạo đến hội minh. Lập Bạo nhận lời, nhưng khi đến chỗ hẹn bên bờ sông Ái Tử thì Lập Bạo bị Nguyễn Hoàng phục binh đánh úp giết chết. Thừa thắng, Nguyễn Hoàng dẹp tan luôn đoàn quân của Lập Bạo. Những người đầu hàng được Nguyễn Hoàng sắp đặt cho định cư tại Cồn Tiên (ngày nay là tổng Bái Ân, gần cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị).(10) Nguyễn Hoàng báo tin chiến thắng cho vua Lê ở Thanh Hoa, và được nhà vua phong làm Thái phó năm 1573.  Từ đó, quân nhà Mạc không còn vào quấy phá Thuận Quảng nữa.

Tương truyền rằng khi Lập Bạo đến, Nguyễn Hoàng đóng quân bên bờ sông Ái Tử. Đêm đó, ông nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”. Ông khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc.”  Khi ngủ, Nguyễn Hoàng mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến cho biết: "Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ nhân kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức.”  Nguyễn Hoàng hiểu ý mới sai Ngô thị ra đi. Sau khi thành công, Nguyễn Hoàng hậu thưởng cho Ngô thị, đem gả cho một viên quan là Võ Doãn Trung, và phong thần cho sông Ái Tử là "Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân ", cho lập đền thờ.(10)

*  Nữ thần áo đỏ quần xanh:  Năm 1593 (quý tỵ), Trịnh Tùng chiến thắng Mạc Mậu Hợp,  đưa vua Lê Thế Tông (trị vì 1573 – 1599) về Thăng Long.  Nguyễn Hoàng, lúc đó 68 tuổi, từ Thuận Quảng ra kinh đô chúc mừng vua Lê.  Bị Trịnh Tùng giữ chân ở lại Thăng Long, Nguyễn Hoàng âm thầm tìm cách thoát thân. Năm 1600 (canh tý), nhân mượn cớ dẹp loạn Phan Ngạn ở Nam Định, Nguyễn Hoàng phóng thuyền ra biển trở về Nam. 

Trở lại cứ điạ của mình, Nguyễn Hoàng dời dinh một lần nữa qua phía đông dinh Ái Tử. Dinh mới nầy gọi là dinh Cát. (Dinh Cát, dinh Trà Bát, và dinh Ái Tử đều thuộc Thuận Châu tức Quảng Trị ngày nay.) Từ nay, quyết chí lập nghiệp chống lại chúa Trịnh ngoài bắc, Nguyễn Hoàng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc mở mang phương Nam. Năm 1601 (tân sửu), Nguyễn Hoàng vào Hóa Châu (Thừa Thiên ngày nay). Tại đây, ông cho trùng tu chùa Thiên Mụ năm 1601 (tân sửu). Lúc đó phát sinh truyền thuyết về một bà già áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh đồi Thiên Mụ và phán rằng: “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Vì vậy, chùa nầy gọi là chùa Thiên Mụ.(10)

Cả hai truyền thuyết “Nữ thần áo xanh” và “Nữ thần áo đỏ quần xanh” đều nhắm đề cao nhà lãnh đạo Nguyễn Hoàng là vị chân chúa được thần linh bảo trợ, giống như những truyền thuyết của các vua Chăm được kể lại trên các bia đá. Thêm nữa, một câu hỏi đặt ra là tại sao không phải tiên thánh hay rồng vàng như trong các chuyện truyền kỳ Trung Hoa, mà lại là thần, và là nữ thần nữa? Rõ ràng hình tượng nữ thần bắt nguồn từ tín ngưỡng vật linh và tổ chức xã hội mẫu hệ là nền tảng chung của vùng Đông Nam Á trước thời Bắc thuộc, tức trước Công nguyên, đồng thời cũng bắt nguồn từ tín ngưỡng “Đạo nội” tức đạo lên đồng, mà hệ phả chư thần Tứ phủ (bốn cõi) gồm có bà Trời (Cửu thiên thần nữ), bà Đất (Điạ mẫu), bà Nước (Mẫu thủy hay Mẫu thoải) và bà Rừng (Bà chúa thượng ngàn). 

Ở đây ảnh hưởng có thể theo hai hướng: Hướng thứ nhất, người Việt vào vùng đất của Champa, bị ảnh hưởng của tín ngưỡng hoặc cổ tích Chăm, nên ứng dụng và sáng tạo ra truyền thuyết mới. Hướng thứ nhì, chính những truyền thuyết mới được sáng tạo nầy nhắm mục đích gây ảnh hưởng trở lại đối với người Chăm, để thuyết phục họ về theo với chúa Nguyễn, hòa nhập vào xã hội Việt. Trong quan niệm thần học về cuộc sống, người Chăm cho rằng khi người Việt đến định cư trên vùng đất của họ, có nghĩa là thần của người Chăm không còn linh nghiệm, mà thần của những người Việt mạnh hơn, phù hộ cho những người mới đến chứ không phù hộ cho người Chăm.(11) Do đó, sự xuất hiện của truyền thuyết bà già áo đỏ quần xanh trên đỉnh đồi Thiên Mụ đã thần linh hóa Nguyễn Hoàng trước mắt người Chăm, làm cho họ tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Việt đích thực là người được thần linh bảo trợ, nếu không phải là những vị vua-thần giống như những vị vua Chăm trong truyền sử Champa.

Như thế, những truyền thuyết trên đây chẳng những nhắm chinh phục người Việt di dân mà còn nhắm lôi cuốn sự cảm phục tinh thần của cả những người Chăm điạ phương tại vùng đất mới, mà Nguyễn Hoàng bắt đầu cố gắng xây dựng thành một căn cứ vững mạnh để chống lại chúa Trịnh ở ngoài bắc.

b)  Phát huy Phật giáo: 

Có hai lý do khiến Nguyễn Hoàng, và các chúa Nguyễn kế nghiệp, phát huy mạnh mẽ Phật giáo:

Thứ nhất, từ thời Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497), Nho giáo rất thịnh hành trong xã hội Đại Việt. Nho giáo là một triết thuyết chính trị làm nền tảng cho chế độ quân chủ, trong đó khái niệm “trung quân” (trung với vua) là thang giá trị căn bản cho tất cả những hành động của con người.(12) Trong khi đó, dầu không chống vua Lê, nhưng Nguyễn Hoàng và con cháu muốn tách ra khỏi quyền lực của chúa Trịnh. Chúa Trịnh lại không lật đổ nhà Lê, mà dùng vua Lê làm bình phong bù nhìn để thao túng quyền lực, nên khi chúa Nguyễn chống chúa Trịnh, còn có nghĩa là ở thế chẳng đặng đừng phải chống luôn vua Lê.  Một khi đã quyết định chống chúa Trịnh và vua Lê, thì chúa Nguyễn không thể nói chuyện “trung quân”, nghĩa là không thể sử dụng Nho giáo làm nền tảng tinh thần cho xã hội Đàng Trong (ngày nay gọi là ý thức hệ Nho giáo). Do đó, chúa Nguyễn phải thay thế nền tảng Nho giáo bằng nền tảng tinh thần Phật giáo. 

Thứ nhì, so sánh các tôn giáo chính của người Việt lúc đó (Phật, Nho, Lão) và người Chăm (Phật, Ấn, Hồi) thì rõ ràng hai bên có một tôn giáo chung là Phật giáo, dầu mỗi bên chịu ảnh hưởng của mỗi con đường truyền bá khác nhau,(13) với những biến thái khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là đạo Phật. Chúa Nguyễn cho xây dựng chùa chiền khắp nơi, nhiều nhất là ở Phú Xuân, Hóa Châu. Đặc biệt, để khuyến khích Phật giáo, chúa Nguyễn cho phép các tu sĩ Phật giáo, nếu có quan điệp (giấy chứng nhận do chính quyền cấp) thì được miễn thuế sai dư (loại thuế mỗi dân đinh phải nạp ngoài sưu dịch, tức thuế thân) và cả các thứ thuế khác.(14)

Khi phát triển Phật giáo, chẳng những các chúa Nguyễn chỉ xây dựng nền tảng tâm linh cho lưu dân Việt, mà còn hướng dẫn đời sống tôn giáo của người Chăm theo cùng chiều hướng với người Việt, mà người Chăm có thể chấp nhận được và không phản đối, vì Phật giáo không xa lạ gì với người Chăm. Phật giáo đã có mặt lâu đời ở Champa, cũng như Champa đã từng có một Phật học viện nổi tiếng là Đồng Dương (Indrapura) ở vùng Quảng Nam ngày nay. Con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên (cầm quyền ở Đàng Trong 1613-1635) được gọi là Sãi Vương (Sãi = sư) vì ăn bận như một tu sĩ Phật giáo. Chữ “Sãi Vương” đầy dụng ý, vì Sãi Vương vừa là vua về chính trị và cũng là vua về tôn giáo.

Một vị chúa khác, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (cầm quyền ở Đàng Trong 1691-1725), trùng tu chùa Thiên Mụ hay Thiên Mẫu (Mẹ trời) một lần nữa năm 1714. Trong dịp nầy, Minh Vương đã viết một bài minh khắc trên bia đặt trước tháp Phước Duyên trong chùa, có đoạn viết: “Cầu mong Phật chứng giám cho lòng thành của Trẫm để phù hộ cho khắp mọi miền vương quốc”.  Nhà chúa đã kết thúc bài minh nầy bằng bốn câu thơ:

 “Phía Nam nước Việt có nhiều sông núi tuyệt vời

Ánh mặt trời làm tăng vẻ lộng lẫy của ngôi chùa

Phật tìm nơi yên tĩnh giữa tiếng suối róc rách

Đất nước thái bình người dân yên vui.”(15)

c)   Bảo vệ đền đài tín ngưỡng người Chăm và người Chân Lạp: Từ sau trận đánh năm 1471 dưới thời Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497), xứ Đàng Trong trải dài đến Bình Định, phía bắc đèo Cù Mông. Năm 1611 (tân hợi), được tin người Chăm quấy phá ở biên giới, Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong (không biết họ), đem quân vượt núi Cù Mông, tiến xuống tới núi Đèo Cả, nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay. Vùng đất mới nầy được lập thành phủ Phú Yên, gồm hai huyện Tuy Hòa (phía đông) và Đồng Xuân (phía tây), sáp nhập vào xứ Quảng Nam.

Năm 1653 (quý tỵ) là một niên đại đáng chú ý vì vua Chăm là Bà Thấm (Po Nraup, trị vì 1652-1653)  sang quấy nhiễu Phú Yên. Nhân cơ hội nầy, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (cầm quyền ở Đàng Trong 1648-1687) cử Hùng Lộc (không biết họ) làm thống binh, Minh Vũ (không biết họ) làm tham mưu cùng đem 3.000 quân vượt núi Đèo Cả, bất ngờ dùng hỏa công tấn công Bà Thấm.  Bà Thấm bỏ trốn. Quân Việt tiến đến sông Phan Rang tức sông Krong Pha hay sông Đa Nhim. Bà Thấm sai con là Xác Bà Ân đưa thư xin hàng. Hùng Lộc trình báo lên Hiền Vương. Nhà chúa quyết định lấy sông Phan Rang làm biên giới. Từ sông Phan Rang trở vào thuộc Champa, từ sông Phan Rang trở ra thuộc Đại Việt. Vùng đất mới được chia làm 2 phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Phủ Thái Khang (hay Thái Khương) có hai huyện Quảng Phúc và Tân An; phủ Diên Ninh có 3 huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu; và đặt thêm dinh Thái Khang, giao cho Hùng Lộc trấn giữ. (Dinh Thái Khang sau đổi làm dinh Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa).  (Chú ý: phủ, huyện là đơn vị hành chánh, dinh hay doanh là đơn vị quân sự.)

Tháng 8 năm nhâm thân (1692), vua Chăm là Bà Tranh (Po Saut, trị vì 1659-1693) tấn công phủ Diên Ninh. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính, con Nguyễn Hữu Dật) làm thống binh, Nguyễn Đình Quang làm tham mưu cầm quân đánh Chiêm Thành. Tháng 3 năm quý dậu (1693), Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh cùng một số viên thuộc là tả trà viên Kế Bà Tử (Po Saktiraydaputih, em ruột cuả Bà Tranh), và Nương My Bà Ân, rồi đưa họ về giam ở núi Ngọc Trản (Hòn Chén, Huế ngày nay), hàng tháng cấp lương thực đủ dùng. Minh Vương lấy phần đất còn lại của Champa lập thành trấn Thuận Thành.

Tháng 8 (âm lịch) cùng năm (1693), Minh Vương đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận, cử tả trà viên Kế Bà Tử làm khám lý, ba người con của Bà Ân làm đô đốc, đề lĩnh, và cai phủ ăn bận theo y phục người Việt, cùng lo vỗ về dân Chăm. Champa chỉ còn là một khu vực nhỏ ở Bình Thuận, dưới sự quản trị của người Việt. Trong cuộc Nam tiến do các chúa Nguyễn lãnh đạo, người Việt đến sống chung với người Chăm, nếu không theo tôn giáo của người Chăm thì người Việt rất tôn trọng tín ngưỡng của người Chăm. Người Việt còn bảo vệ và giúp người Chăm trùng tu các đền tháp của họ. Ví dụ cụ thể nhất là tháp Pô Nagar tức tháp Bà hay tháp Thiên Y Thánh Mẫu ở Nha Trang (Khánh Hòa).  Tháp nầy đã bị tàn phá bởi người Java năm 774, người Chân Lạp năm 945, và người Chân Lạp một lần nữa vào cuối thế kỷ 12,(16) nhưng từ năm 1653, khi Hùng Lộc vâng lệnh Hiền Vương chiếm vùng nầy cho đến nay, tháp Bà chẳng những được giữ gìn an toàn mà còn được trùng tu lại nữa. Phan Thanh Giản (1796-1867), thượng thư bộ Lễ triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), đã thâu thập những truyền thuyết điạ phương ghi lại trong tấm bia mà ông cho dựng ở đây vào năm Tự Đức thứ 9 (1856).

Ngay cả khi bị bắt đưa về giam tại núi Ngọc Trản (gần thành phố Huế ngày nay) năm 1693, vua Chăm là Bà Tranh vẫn được tự do xây dựng điện thờ đấng Thiên Y [bà Trời] A Na, vị nữ thần chánh của người Chăm. Điện thờ nầy, tức điện Ngọc Trản hay điện Hòn Chén, cho đến nay vẫn tồn tại, và hằng năm người Việt đến chiêm bái rất đông. Trước đây, hàng năm, vào ngày rằm (ngày 15) tháng 7 âm lịch, tại Thừa Thiên (Huế) cũng như một số điạ phương ở miền Trung, có đám rước Thiên tiên Thánh mẫu của những người tin theo đạo “Lên đồng” mà ai cũng biết trung tâm chính là điện Hòn Chén, Huế.

Chủ trương của chúa Nguyễn tôn trọng tín ngưỡng người Chăm và người Chân Lạp chẳng những phù hợp với tinh thần của người Việt là sống cùng với người khác và để người khác cùng sống với mình, mà còn làm cho người Chăm và người Chân Lạp cảm phục và không thù ghét người Việt. Họ an tâm sinh sống dưới chính quyền Đại Việt mà không xảy ra những cuộc tranh chấp tôn giáo, mà ai cũng biết các cuộc tranh chấp tôn giáo dễ tạo ra hố sâu chia rẽ, còn nặng nề hơn cả vấn đề chủng tộc.

KẾT LUẬN

 

 

Trong cuộc Nam tiến, những trận giao tranh giữa người Việt với người Chăm, hoặc giữa người Việt với người Chân Lạp, được sử sách ghi nhận cụ thể.  Sức mạnh quân sự và kinh tế giúp người Việt xâm nhập vùng đất mới, nhưng sức mạnh quân sự và kinh tế chưa đủ để người Việt có thể yên ổn định cư tại vùng đất mới. Chính nhờ chính sách tín ngưỡng khôn khéo của các chúa Nguyễn mới có thể làm cho người Chăm và người Chân Lạp chịu chấp nhận cùng sống chung với người Việt và dần dần đồng hóa theo dòng sống Việt.  Cuộc hội nhập tâm linh âm thầm, không được sử sách ghi lại. Tuy âm thầm, nhẹ nhàng và chậm chạp, nhưng cuộc hội nhập nầy tạo dựng cơ sở căn bản cũng như gây ảnh hưởng sâu xa lâu dài cho cuộc Nam tiến của người Việt, mà hoàn toàn không có hận thù dân tộc. Điều nầy rất quan trọng vì đức tin là nguồn sức mạnh vô biên hướng dẫn và chi phối toàn bộ các hoạt động xã hội.

Cho đến nay, thỉnh thoảng xuất hiện vài áng thơ nhạc mang tính lãng mạn sử thi, mơ về một thuở vàng son Chiêm quốc, với những anh hùng vang bóng như Chế Bồng Nga, hoặc những vũ công xinh tươi dạo khúc nghê thường trên các phù điêu của các di tích lịch sử, nhưng trong thực tế, đồng bào Việt gốc Chăm hay gốc Chân Lạp luôn luôn vui sống và sinh hoạt cùng với các sắc dân khác trong xã hội mới, mà họ xem đó chính là xã hội chung trên lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải của riêng một sắc dân nào.

Trên nền tảng tâm linh chung của Đông Nam Á, tôn trọng đời sống, tôn trọng người khác, tôn trọng hòa bình, nếu các sắc dân cùng chung sống ở Việt Nam ngày nay mà không vận dụng di sản của mình để thực hiện cuộc hội nhập tâm linh, là bài học lớn của lịch sử, thì chắc chắn sẽ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng để thúc đẩy xâu xé nhau, sẽ trở thành nạn tranh chấp qua phân như gương các nước Yugoslavia cũ hay Trung đông bây giờ, sẽ dẫn tới chiến tranh tôn giáo và chiến tranh diệt chủng.

 

          TRẦN GIA PHỤNG

* CHÚ THÍCH:

Thanh Hoa: Thanh Hóa vốn tên là Thanh Hoa. Khi vua Thiệu Trị lên làm vua năm 1840, Thiệu Trị (trị vì 1840-1847) ra lịnh kỵ húy chữ “Hoa”, vì mẹ của nhà vua tên là Hồ Thị Hoa, từ trần khi ông mới sinh (1807).  Do đó, tất cả từ ngữ mang tên “Hoa” đều phải đổi ra chữ chữ khác.  Ví dụ: Mộ Hoa (Quảng Ngãi) đổi thành Mộ Đức, Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa.

Sầm Châu nằm ở tây Nam Thanh Hóa, giữa nước ta với Ai Lao.  Năm 1827, nước Ai Lao bị quân Xiêm La (Thái Lan) đánh phá, Sầm Châu xin phụ thuộc nước ta, được đổi thành huyện Sầm Nưa (hay Sầm Nứa), thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Trong sách Theo dòng lịch sử, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1996, trang 99, khi viết về "Làng Bùng - Trạng Bùng", tác giả Trần Quốc Vượng viết: "... Ai cũng biết Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đã bỏ đất Mạc mà vào xứ Thanh theo Lê - Trịnh (Khoảng cuối năm 1553-1554), lại hết lòng giúp rập cho Trịnh Kiểm là người chuyên quyền, giết bố vợ là Nguyễn Kim - là người nâng đỡ Trịnh Kiểm lên hàng đại thần (đây là theo tài liệu của giáo sĩ đương thời có mặt ở xứ Thanh, còn Trịnh Kiểm vẫn tung tin là Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết).  Sau đó Trịnh Kiểm lại giết con trai đầu của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và mưu sĩ Nguyễn Hưng Long cũng khuyên ông ta giết luôn Nguyễn Hoàng..."  Như thế, ông Trần Quốc Vượng khẳng định rằng Trịnh Kiểm giết Nguyễn Kim, nhưng ông chỉ nói "là theo tài liệu của giáo sĩ đương thời có mặt ở xứ Thanh".  [Câu in đậm do người viết.]  Cách viết của tác giả Trần Quốc Vượng mơ hồ, không trưng ra bằng chứng cụ thể là giáo sĩ nào, ở đâu, viết dưới dạng bút ký hay dạng thư từ, và viết trong thời gian nào?  Theo Cương mục, bản dịch tr. 1514, năm 1533 giáo sĩ I-nê-khu (Ignatio) đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở các làng Ninh Cường, làng Quần-Anh thuộc huyện Nam Chân (hay Nam Trực), và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy. (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, viết tắt Cương mục, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, bản dịch tập 2, tr. 301 (lời chua).)  Theo Nguyễn Hồng, năm 1549 giáo sĩ François Xavier (Dòng Tên) đáp tàu từ Goa (Ấn Độ) sang Nhật Bản, phải ghé vào Đại Việt hai lần để tránh bão: lần thứ nhất ở bờ biển Quảng Nam, lần thứ nhì phải vào cửa Bạng ở Thanh Hóa ngày 22-7-1549 đời Lê Trung Tông (trị vì 1548-1556). (Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1, Sài Gòn: Nxb. Hiện Tại, 1959, tr. 21).  Chưa thấy có một tài liệu nào của một trong trong hai giáo sĩ trên đây về mối quan hệ giữa Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, được để lại.  Ngoài ra, lúc bấy giờ việc truyền đạo Thiên Chúa bị cấm đoán, các giáo sĩ tây phương chỉ hoạt động lén lút, và không ở lại lâu trong nước ta, họ chỉ có thể nghe kể lại nên khó có thể xác thực được.  Theo Trương Vĩnh Ký, giáo sĩ đến giảng đạo đầu tiên ở Đàng Trong là một người Tây Ban Nha tên Diego Adverte năm 1596 rồi bỏ đi. (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn: Sống Mới, 1968, tr. 189).  Một sự kiện sáng tỏ không bàn cãi là Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông.  Nhưng không thể từ sự kiện Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông mà suy diễn ra là Trịnh Kiểm đã đã hại Nguyễn Kim.  Cương mục, bộ chính sử của triều đình nhà Nguyễn ghi rõ chi tiết Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông (Cương mục, bản dịch tập 2, sđd. tr. 137), nhưng ngược lại Cương mục chỉ trình bày vụ Nguyễn Kim như đã trích dẫn trên đây.  Ngoài ra, nếu quả thật Trịnh Kiểm giết Nguyễn Kim thì anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng đã kiếm cách phòng thân và đã bỏ trốn rất sớm, không đến nỗi Nguyễn Uông phải bị chết sau đó.  Khi Nguyễn Kim từ trần năm 1545, Nguyễn Hoàng đã 20 tuổi, chắc chắn ông đủ trí khôn để biết ai là thủ phạm trong cái chết của Nguyễn Kim, và kể lại cho con cháu về sau.  Bên cạnh Nguyễn Hoàng còn có Nguyễn Ư Kỷ, em vợ Nguyễn Kim và cậu ruột của Nguyễn Hoàng, rất trung thành với gia đình Nguyễn Hòang.  Nếu trong gia đình có gì nghi ngờ thì bộ Cương mục hay bộ Đại Nam thực lục tiền biên đã ghi lại rồi.  Đàng nầy cả hai bộ sử nầy đều ghi rõ là Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết và Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông.  Vậy không thể nói dễ dàng như tác giả Trần Quốc Vượng là Trịnh Kiểm giết cha vợ mà không có trưng dẫn cụ thể.  Như thế, khi Nguyễn Kim còn sống, Trịnh Kiểm chưa nghĩ đến việc hại cha vợ, nhưng khi đã thay cha vợ cầm quyền, Trịnh Kiểm lo ngại các người em vợ tranh quyền nên mới hại Nguyễn Uông.

Hình luật thời Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433) được chia ra các tội: xuy (đánh roi), trượng (đánh gậy), đồ (làm tạp dịch), lưu (đi đày), tư (giết).  Mỗi tội chia thành nhiều bậc khác nhau.  Riêng tội lưu chia thành 3 bậc: lưu cận châu (đày đi châu gần, tới Nghệ An), lưu viễn châu (đày đi châu xa tới Bố Chánh), và lưu ngoại châu (đày đi châu ngoài biên giới, tới Tân Bình, Thuận Hóa).

Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr. 11-13.

Đồng Dương là một vùng đồng ruộng bằng phảng nằm cách Đà Nẵng 53 cây số về phía Nam, và cách quốc lộ 10 cây số về phía tây (phía núi).   Nhiều tài liệu cũ cho rằng Đồng Dương một thời gian là kinh thành Indrapura của người Chiêm.  Toàn bộ kiến trúc nằm trong một khu vực theo chiều đông tây 300 mét, và theo chiều bắc Nam 150 mét, chia thành ba lớp kiến trúc từ ngoài cửa đông vào.  Dựa vào tấm bia phát hiện tại đây, người ta được biết rằng đền tháp Đồng Dương được đặt tên là Laksmindra Lokesvara, do vua Indravarman II xây dựng năm 875 để thờ Dharma (Phật pháp), vì vậy Đồng Dương được xem là một Phật học viện Chăm.  Indravarman II là vương hiệu.  Tên thật của vua là Laksmindra Bhumisvara.  Nhà vua còn có tên thụy là Paramabuddhaloka.  Các đại danh từ nầy cho thấy sự hiện diện của hai vị thần Bà La Môn giáo (Indra, Laksmi) và hai vị "thần" của Phật giáo (Buddha, Lokesvara).   Đây là hiện tượng chuyển biến từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo ở bên ngoài Ấn Độ.  Ngoài minh văn trên, các tượng Phật và Bồ tát bằng sa thạch và bằng đồng phát hiện tại đây cho thấy Đồng Dương đúng là một Phật đường của các vua Chăm. Tổng thể kiến trúc nầy gồm một Phật đường chính lớn, chung quanh có những đền nhỏ thờ các vua Chăm đã hiển thánh, các tăng viện, các bảo tháp.  Các đền tháp ở đây bị hư hại nặng vì thời tiết, thiên tai và chiến tranh.  Năm 1978, tại đây, người ta phát hiện một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 1,14 mét, với đôi mắt long lanh bằng ngọc trên gương mặt phúc hậu.  Đây là một di chỉ nguyên bản rất quý hiếm.

Đại Việt sử ký toàn thư [chữ Nho], Hà Nội: bản dịch của Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, tập 1, tr. 222.

Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb Tân Việt, in lần thư 7, 1964, tr. 287. 

Năm 1570 (canh ngọ), Trịnh Kiểm từ trần. Lê Anh Tông cử Trịnh Cối lên thay, thống lĩnh các quân doanh thuỷ bộ.  Em cuả Trịnh Cối là Trịnh Tùng không phục, kiếm cách tranh quyền cùng anh.  Trịnh Tùng đưa vua Lê vào phía trong cửa ải Vạn Lại.  Trịnh Cối đem quân đến đánh nhiều lần nhưng không được.  Liệu thế không chống nổi Trịnh Tùng, Trịnh Cối đầu hàng nhà Mạc trong cùng năm.  Vua Lê Anh Tông phong Trịnh Tùng, lúc đó 21 tuổi (tuổi ta) làm Tả thừa tướng tiết chế chư quân để đánh nhà Mạc.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, [chữ Nho], Hà Nội: bản dịch cuả Nxb. Giáo Dục, 2002, tập 1, tt. 30-31, 35. Sông Ái Tử là một nhánh của sông Thạch Hãn.

Ý kiến của tiến sĩ Po Dharma, gốc người Chăm, chuyên viên về Champa làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) trong cuộc gặp gỡ với người viết tại Toronto ngày 13-12-1999.

Một câu nói nổi tiếng về tính trung quân thời quân chủ là: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.”(Nghĩa là: Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung; cha bảo con chết, con không chết là không hiếu.)  Câu nầy thường được gán cho là giáo điều Nho giáo.  Thật ra câu nầy là của thái tử Phù Tô.  Nguyên khi Tần Thủy Hoàng (trị vì 221-210 TCN) từ trần năm 210 TCN, thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao làm chiếu giả, buộc thái tử Phù Tô, con trai đầu của Tần Thủy Hoàng tự tử.  Lúc đó, Phù Tô đang phụ trách công việc xây dựng Vạn lý trường thành.  Khi chiếu chỉ đến, có người can ngăn Phù Tô, nói rằng coi chừng chiếu chỉ giả, Phù Tô trả lời: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, rồi tự tử theo chiếu chỉ giả mà ông nghĩ là thật. [Phù Tô vừa là con, vừa là bề tôi của Tần Thủy Hoàng].  Về phần Lý Tư và Triệu Cao, hai ông lập người con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi, tức Tần Nhị Thế (trị vì 209-207).  Triệu Cao gièm pha Lý Tư nên Nhị Thế giết Lý Tư.  Triệu Cao lên làm tể tướng giết Nhị Thế, lập Tử Anh là con của thái tử Phù Tô lên làm vua tức Tần Tam Thế (trị vì 206-203).  Tần Tam Thế lại giết Triệu Cao.  Tần Tam Thế đầu hàng khi Lưu Bang đánh hạ Trường An (Thiểm Tây) năm 203 TCN.

Đạo Phật xuất phát từ Nepal, một nước nhỏ phía bắc bán đảo Ấn Độ, truyền về phía đông bằng hai hướng: một hướng đi về phía bắc, qua Trung Hoa, đến Đại Việt, và một hướng xuống phía Nam, qua các nước Đông Nam Á, vào Champa và Đại Việt bằng đường biển. Đối với Đại Việt, hướng nầy không mạnh bằng hương từ Trung Hoa.

Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong [Sài Gòn], Houston: Nxb. Xuân Thu tái bản không đề năm, quyển hạ, tr. 486.

A. Bonhomme, “Chùa Thiên Mẫu” [Thiên Mụ], tạp chí Những người Bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế) tập 2, 1915, Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính, Huế: Nxb Thuận Hóa, 1997, tr. 423.

Dohamide và Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Sài Gòn: 1965, tt. 43, 47-48, 65-68.

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
khách viếng

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003