www.lebichson.org

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

MỘT CHUYẾN ĐI

NGUYỄN CHÁNH TÂM

 

Ngồi trên chuyến bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất mà lòng tôi bồn chồn lo lắng một cách lạ lùng, giống như ngày tôi rời Việt Nam hay là ngày đầu tiên đến Úc. Có phải chăng đây là tâm trạng nôn nao chung của những người xa quê hương lâu năm lần đầu trở về thăm chốn cũ?

Tôi trở về Việt Nam với nhiều bở ngỡ và lạ lẫm, bởi tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều khác lạ sau một thời gian dài xa xứ. Tôi đến Việt Nam vào ngày 25 Tết và rời ngày mùng 3. Với một tuần về Việt Nam, tôi dành phần nhiều thời gian đi viếng mồ mã ông bà và thăm gia đình bạn bè. Số ít thời gian còn lại tôi dành cho công việc của nhóm Hands for Hope. Một số thành viên trong nhóm cũng đang có mặt ở Việt Nam thực hiện các công tác của nhóm mà tất cả chi phí của chuyến đi họ đều tự trang trải. Chỉ khi đi chung một số công tác tôi mới hiểu được và cảm phục phong cách làm việc hăng say và quên mình của các bạn trong nhóm. Dường như họ không mệt mõi, và càng đi thì càng có nhiều nghị lực để tiếp tục những công tác kế tiếp. Tôi có dịp cùng Mai Nhơn đến thăm Cờ Đỏ - Ô môn nơi mà nhóm đang giúp khoảng 95 em học sinh có cơ hội đến trường. Tôi ngồi xe honda từ Cần Thơ đến Cờ Đỏ khoảng một tiếng. Đường từ thành thị đi vào nông thông càng đi sâu càng nhỏ hẹp và gồ ghề - giống như cuộc sống thiếu thốn và vất vả của người dân ở đây. Đến đỗi người bạn chở tôi đi cũng phải le lưỡi lắc đầu, bởi có những đọan đường đất rất hẹp và khó điều khiển, chỉ cần nghiêng nhẹ qua một bên là được tắm sông và nghiêng nhẹ qua bên nọ là văng vào nhà ở. Cuối cùng tôi đến một căn chùa nhỏ và tiếp chuyện với hai sư cô. Khi tìm hiểu thêm về những việc từ thiện hai sư cô làm, tôi thấy mình quá nhỏ bé và thấy nhiều việc cần giúp. Ngay sau đó, chúng tôi đi ghe máy đến thăm các em đang được nhóm bảo trợ đi học. Khoảng đường từ thị trấn đi vào nơi một số em ở là khoảng 15 phút đi ghe máy, đến thăm các em thì mới biết đó là khoảng đường các em đi bộ mỗi ngày đến trường. Khi đến thăm một gia đình khác, nhìn thấy cái nhà…không phải, đúng hơn là “cái nóc với bốn vách trống lổng không cửa” chỉ bằng cái garage bên đây, tôi thấy chạnh lòng buồn tủi cho người dân mình. Với một số tiền nhỏ của các quí vị bảo trợ bên Úc, các em này tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng vẫn có cơ hội đến trường với hy vọng là sau này có một tương lai tươi sáng hơn. Khi trò chuyện, các em và gia đình có ngõ lời tri ân đến các vị ân nhân và hứa rằng sẽ cố gắng học hành thay vì nghỉ học đi làm mướn hay làm thuê. Khi trời chạng vạng tối, lúc mà muỗi bắt đầu làm chủ tình hình và người  ta giăng mùng chuẩn bị ngủ, tôi lên xe honda trở về Cần Thơ để lại Cờ Đỏ sau lưng và mang  theo những mẫu chuyện và hình ảnh khó phai mờ trong lòng.

Thật là một dịp may cho tôi về thăm quê hương vào dịp Tết bởi không khí Tết Việt Nam khác với bên đây nhiều, làm cho chuyến đi mang nhiều ý nghĩa. Phong tục của người Việt mình là dù có khó khăn đến đâu đi nữa thì trong ba ngày Tết người ta mua sắm, đón Xuân một cách tươm tất. Nhưng cái nghèo khổ của người dân vẫn còn đó. Nó thể hiện qua nếp nhăn của một bà cụ đến mời tôi một tờ vé số, qua nét mặt mệt mỏi của một em gái nghỉ học để bán rong ngoài đường để phụ giúp gia đình (còn tương lai trước mắt???), qua sự chán chường của một anh thương phế binh lê từng bước trên chuyến phà không ngần ngại phơi bày những thương tích trên người xin vài ngàn đồng Việt Nam để sống qua ngày….

Ngày nay, khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam rất lớn, mà dường như chiều dài phải tính bằng quá trình tiến triển của đất nước, chiều ngang tính bằng những thành quả hiện tại của thị trường kinh tế, và chiều sâu được tính bởi sự quan tâm của mỗi cá nhân. Hai kích thước đầu có thể  khó đo luờng chính xác được, nhưng kích thước sau cùng là cái mà chúng ta có thể tự đo lường cho chính bản thân mình .Tất cả bạn bè và thân nhân tôi ở Việt Nam dường như chỉ có thời gian lo cho chính mình và gia đình, ngoài ra không còn thời gian nào khác để nghĩ đến những người xung quanh. Họ tâm sự rằng, mình lo cho mình chưa xong thì sao nghĩ đến chuyện lo cho những người khác, mặc dù biết rằng vẫn còn quá nhiều người khốn khổ. Bởi lẽ, “lá tả tơi” thì sao đùm “lá rách” được. Tôi không nghĩ rằng họ không có những quan tâm, nhưng dường như xã hội không cho họ có thời gian để nghĩ đến chuyến khác ngoài việc kiếm sống.

Tôi trở lại Úc với tâm trạng nặng trĩu và mang nhiều suy tư. Buồn nhiều hơn vui. Một tuần ở Việt Nam có lẽ là vừa đủ đối với tôi vì  nếu ở lâu thêm nữa có lẽ tôi sẽ không chịu nổi. Trước khi đi Việt Nam tôi có chuẩn bị tâm lý vì biết rằng có nhiều cảnh nghèo khổ và nhiều người bất hạnh. Nhưng tôi vẫn bị sốc bởi tất cả những hình ảnh mình chứng kiến. Nó đập mạnh vào mắt tôi, như gió bụi bay vào mặt khi ngồi xe honda giữa trưa nắng gắt làm mình khó chịu, đắng môi  và chảy nước mắt  như một việc không thể tránh được. Không có sự chuẩn bị nào giúp bạn đương đầu với thực tế, chỉ khi bạn về bên đó, tai nghe và mắt thấy bạn mới cảm nhận được phần nào của cuộc sống nghèo khổ của người dân. Điều tôi học được là dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn, trong khi bản thân tôi thấy xót xa và ngậm ngùi, thì người ta vẫn có thể mở miệng cười với đời tạo cho bản thân có một cái nhìn lạc quan hơn. Bởi lẽ họ biết được rằng vòng tay đầy tình người vẫn còn đó, cho dù xa xôi vạn dặm.

Trong những ngày đầu trở lại Úc, tôi bất chợt bắt gặp mình tính nhẩm trong đầu giá tiền nhừng thứ tôi mua, thí dụ cái áo sơ mi bình thường mà tính ra tiền Việt Nam thì một gia đình có thể sinh sống ít nhất 2-3 tuần. Tôi biết rằng nhu cầu cuộc sống bên đây cao, mình không thể sống theo mức sống bên Việt Nam và tách ly ra khỏi xã hội bên này. Nhưng manh áo bình thường của mình là nhiều miếng ăn cho nhiều người khác – một vấn đề làm tôi tự hỏi chính mình rằng cái gì là nhu cầu cần thiết của tôi, và thế nào là nhu cầu tối thiểu của những người khác. Giống như câu nói bất hủ của Gandhi: “Be the change you want to see in this world”. Với cuộc sống tươm tất và may mắn hơn nhiều người khác đang hưởng, tôi có thể san sẻ sự may mắn đó đến những người kém may mắn khác, nhất là những người cùng chung màu da và tiếng nói.

Hãy cùng nhau làm một việc gì đó để mang lại nhiều thay đổi tốt đẹp hơn bạn nhé!

 Nguyễn Chánh Tâm

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
khách viếng

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003