www.lebichson.org

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

Dòng Sông Hát

Uông Thái Biểu

 

Nếu mẹ là đất thì cha là trời.

Nếu mẹ là nước thì cha là lửa.

Nếu cha là đỉnh núi thì mẹ là dòng sông.

 
 1.     Không biết tự bao giờ, những dòng sông được ví như hình ảnh của người phụ nữ. Có lẽ cũng do bản tính mát mẻ, dịu dàng, dáng vẻ mềm mại và uyển chuyển. Người đi xa thường nhớ mẹ hơn cha, người đi xa cũng nhớ sông hơn núi.

Sông Lam trong tôi cũng là hình ảnh của người đàn bà nhưng là người đàn bà sinh nở sau những quằn quại để vượt cạn. Ở phía thượng nguồn, sông vật vã bấu víu cỏ cây, bấu víu vào những vách đá, bấu víu vào lòng bùn đất của mình. Nước từ nguồn đổ về, từ màu đỏ của đất, màu nâu của đá trở thành màu xanh hiền hòa khi càng gần với biển.

Ai đó nghĩ rằng sông có tên là Lam bởi nước sông trong xanh, còn tôi nghĩ nước sông Lam đục nhiều hơn xanh, bởi dòng sông ấy đã phải chở trong mình quá nhiều những âu lo, những trầm luân và cát bụi của thượng nguồn.

Tôi yêu con sông quê tôi bắt đầu từ những trầm tích của sông, cũng như người con yêu mẹ mình hơn khi ngắm hình dáng yếu ớt của bà xõa tóc bạc bên thềm sau những tháng ngày bươn chải…

Từ thượng lưu, qua những khúc quanh co trên nguồn, qua những bản làng heo hút giữa nơi thâm sơn cùng cốc hay trườn qua những thung lũng đầy nắng và gió, sông có lúc là sông Con, sông Cái, sông Giăng theo cách sông gắn với người và người hiểu cặn kẽ tâm tính của sông. Có lúc sông vui cười xòa như thác lành, cũng có lúc sông giận dỗi ầm ào như thác dữ. Có lúc sông chỉ là dòng suối nhỏ cho thiếu nữ mạn ngược giặt áo chàm và cũng có lúc sông trải rộng đôi bờ xa ngút mắt.

Quê tôi thật may mắn ở nơi sông Lam xuôi cửa Hội Thống đổ ra biển Đông. Đó là hình ảnh người đàn bà sau những quằn quại rên rỉ của nỗi đau sinh nở đang mãn nguyện dang rộng vòng tay nghỉ ngơi và trên miệng nở một nụ cười hạnh phúc. Bao năm qua, bao tháng qua, bao ngày qua trong một đời người. Bao đời người đã qua bên bến sông quê. Thời gian thật khắc nghiệt!

Thế nhưng, gió mãi mãi thổi lên từ mặt sông cái hương vị ngai ngái nồng nồng của bùn, của cá và của muối. Gió lau khô dòng nước mắt cho những thân phận tủi hờn. Gió xoa dịu nỗi âu lo. Gió ru em bé vào giấc. Gió đưa linh người già. Những ngọn gió của chia sẻ và thông cảm. Người bên sông, khi hò hẹn giao cảm cũng đến với sông, khi đau khổ cũng nhờ sông vuốt ve. Một nỗi oan ức vụt tan khi ta hét vang âm ba lan tỏa mặt sông. Những âu lo, vất vả biến mất khi ta lao xuống dòng nước tinh khiết an lành…

Với miền quê khắc nghiệt của tôi, dòng Lam ở phía hạ nguồn như một lời an ủi, một sự ban ơn hoặc là chuộc lỗi của Tạo hóa đối với con người…


 2.     Bác dâu của tôi thuở xuân thì không phải là giai nhân. Vẻ đẹp của bà là nét đoan trang và đặc biệt là lối bẻ chữ sắc sảo và một giọng hát nặng tình tha thiết. Giọng hát của bà, tôi còn nhớ, là giọng hiền dịu, ấm áp trong những khuya người vỗ về tôi vào giấc ngủ.

Cha tôi mất sớm, mẹ thêm một lần sang sông, bác dâu trở thành mẹ tôi. Người đã lần hồi tái tạo trên nét mặt tôi vẻ hồn nhiên. Người cho tôi những xúc cảm bình thường và cất tiếng hát để lau cho tôi khô những dòng nước mắt. Nhớ về người, tôi lại nhớ sông Lam và nhớ…

Đó là những đêm trên sông Lam trăng xanh, tranh mát lành lạnh tôi đi cùng với bác dâu những chuyến đò dọc, xuống bến “ngược lường”. Người trải cỏ khô ấm mịn, ủ tôi dưới lòng thuyền. Tôi không còn nhớ những lúc như thế mình ngủ hay là thức. Trên mặt tôi lấp lánh ánh trăng. Bên mạn thuyền sóng vỗ ì oạp cùng tiếng lẫy chèo khua nước. Lưng êm trong mùi hương nồng nồng của cỏ. Hiu hiu gió và mang mang tiếng hát. Hình như hồi ấy cả dòng sông đang hát. Dòng sông như sống động, lung linh, ảo huyền, gần gũi, đầy sự giao cảm. Người câu cá, đóng đáy, thả lưới hát. Người đưa cá, tôm, chiếu cói, võng lác từ biển lên non hát. Người chở lâm thổ sản về xuôi hát…Tiếng hát, bóng người và những con thuyền lấp lóa dưới trăng.

Người không thấy mặt người nhưng tiếng hát thì chạm vào những chốn sâu thẳm nhất của tâm hồn. Cũng như bà mẹ mượn lời ru con để tự ru mình, người hát ví trên sông cũng hát để trấn an tâm hồn cô độc trong đêm khuya mông lung quạnh quẽ. Bây giờ tôi thấu hiểu những đêm như thế nếu sông thiếu tiếng hát thì sông buồn đến chết, và con người chỉ biết lầm lũi những mái chèo độc hành…

Bóng bác dâu tôi in sẫm, dáng người uyển chuyển theo mỗi nhịp chèo. Giọng ví của người cất lên mang mang sâu thẳm những xao động và trống trếnh:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Ai biết trước cuộc đời răng là nhục là vinh
 Chơ…thuyền em lên thác mà xuống…ơ…ghềnh…

Và giọng ai đó ở một nơi nào đó trên dòng sông mênh mang:

Xuống bến sông Lam bắt vài con cá
 Lên truông Ngàn Hống hái nửa trái sim
 Thương em anh phải đi tìm
 Bây chừ xáp mặt như Kim kháp Kiều…

         Khi tôi lớn lên dòng sông hình như hẹp lại. Bác dâu tôi mất đã lâu rồi. Cụ Nhã cho thuê thuyền dưới bến Cổ Đan cũng đã về với đất từ lâu. Ngày về, tôi thẫn thờ trước bến sông quê chỉ nghe gió mang mang kể chuyện. Chuyện rằng, ngày xưa có những đêm sông hát:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây
 Sông Lam hết nước thì đó với đây hết tình.

         Cũng như công sinh thành của mẹ, công dưỡng dục của bác, dòng sông quê đã cho tôi hương vị của bùn để hiểu nỗi gian truân, màu xanh của nước để tâm hồn không bị khuấy đục, sự mát lành của gió để tôi biết thế nào là tình yêu thương...

 

Chân thành cảm ơn bạn đọc Hạnh Như đã gởi bài viết này đến trang nhà!

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
khách viếng

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003