|
||
![]() |
.. |
TÌNH MẸ TRONG THI CA Kính dâng một bông hồng tưởng nhớ Mẹ ! NGUYỄN QUÝ ĐẠI
Người Tây phương thường gọi Vaterland / Fatherland để chỉ quê cha, người VN mình gọi quê cha, đất tổ, và quê mẹ, đất mẹ, tiếng mẹ đẻ .. Để tôn trọng công ơn sinh thành, dưỡng dục như nhau giữa cha và mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn Tình yêu của cha cũng bao la, tha thiết lo lắng cho con nên người, nhưng sâu kín trong lòng, không như mẹ bộc lộ tình cảm bằng những cử chỉ vuốt ve, âu yếm.. nên các con thường gần gũi mẹ hơn cha, vui buồn đời sống các con thường thì thầm bày tỏ với mẹ, nếu mẹ không đồng ý cũng không la rầy nghiêm khắc, phê bình như cha. Nhưng phải nhìn nhận bản tính đàn ông phần lớn hơi khô cằn, thiếu mền mại . Có lẽ đàn ông bản tính như vậy nên phải có luật bù trừ. Nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân thật bất hủ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào Lời mẹ êm ái như đồng lúa rì rào Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu. Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu Tình mẹ yêu mến như như làn gió đùa mặt hồ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ Thương con thao thức bao đêm trường Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao Thương con khuya sớm bao tháng ngàỵ Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên....” Y Vân Những ai may mắn còn mẹ, được cài lên áo hoa hồng đỏ để thấy đời mình còn diễm phúc vui tươi. Đã mất mẹ không bao giờ tìm lại được tình yêu bao la, tha thiết ấy. Nếu ta đứng hàng giờ trước ngôi mộ đá rêu phong, đặt những đóa hoa tươi, đốt nén nhang thơm chỉ là phần hình thức, lễ nghi...Kỷ niệm những ngày dài hạnh phúc tuổi thơ mình đã sống trong mái ấm gia đình với tình yêu thương của cha mẹ đã đi vào thế giới xa xôi... Cuộc đổi thay 1975 không ai ngờ những gì xảy ra. Nhiều người con đã không làm tròn bổn phận phụng dưỡng mẹ già, ngược lại mẹ phải tảo tần nuôi con, nuôi cháu, thăm con qua những chặng đường dài hoang vắng, hiểm nguy. Tuổi già ngày tháng sức khỏe hao mòn, lúc ốm đau cho đến lúc ra đi vĩnh viễn về bên kia thế giới, không gặp các con trai của mẹ! Tình yêu của mẹ như những vầng sao trên trời không sao đếm được trong thiên thể mênh mông, thiếu tình mẹ như bầu trời thiếu ánh sao đêm! Vào ngày Rằm tháng bảy là lễ Vu Lan Bồn (Ullambana) theo kinh điển: Tôn giả Mục Kiền Liên lo cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục, và cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trong ngày lễ nầy người ta thường cài lên áo hoa hồng đỏ hay hoa cẩm chướng tượng trưng cho mẹ còn sống, hoa trắng để tưởng nhớ mẹ hiền. Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm bài thơ Bông hồng cài áo. Phạm Thế Mỹ phổ nhạc: “Một bông hồng cho em Một bông hồng cho anh Và một bông hồng cho những ai Cho những ai đang còn mẹ Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn Rủi mai nầy mẹ hiền có mất đi Như đóa hoa không mặt trời Như trẻ thơ không nụ cười Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm Như bầu trời thiếu ánh sao đêm Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên Là bóng mát trên cao Là mắt sáng trên cao Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau Là tiếng dế đêm thâu Là nắng ấm mương dâu Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu Rồi nói, nói với mẹ rằng "Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?" -Biết gì? Biết là, biết là con thương mẹ không?" Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em Thì xin anh, thì xin em Hãy cùng tôi vui sướng đi...”
Đời sống người Việt nam khác với người Tây phương, ở Việt nam cha-mẹ con-cháu thường sống chung trong một đại gia đình, dù nghèo hay giàu, gia đình lúc nào cũng sống bên nhau, nên không cần dành riêng một ngày nào riêng cho mẹ.. Mỗi năm vào lễ Vu Lan nhắc nhở các con nhớ ngày tình yêu cao cả của mẹ, làm nhà thơ Tùy Anh trong những ngày xa quê hương mang nỗi buồn mênh mông ngút ngàn thương nhớ: “Bài "Bông hồng cài áo" Mỗi lần thêm nhức nhối Mỗi năm nghe một lần Như xé nát tim gan” Tùy Anh (trong tập Trầm Ngải Thiết Tha)
Hình
ảnh về mẹ còn mãi trong lòng thi nhân đã gởi tâm sự mình qua những vần thơ
ngọt ngào, và chỉ biết nhắn gởi các em cắt dâng mẹ một cành hồng. Cắt dâng mẹ cành hồng Từ vườn hoa đầu ngõ Vẫn ngọt ngào đơm bông Hoa thay lòng tưởng nhớ Của đứa con phiêu bồng Hoa thay dòng lệ nhỏ Thương nhớ mẹ vô cùng” Tùy Anh Đời sống Tây phương cha mẹ dù tuổi già nắng xế nhưng vẫn sống riêng. Con cháu bận rộn công việc nhưng hằng năm đều có ngày tưởng nhớ ghi ơn mẹ, sau lễ Phục Sinh 20 ngày tính từ lễ tro vào ngày thứ Tư tuần Thánh, có thánh lễ vinh danh mẹ.. Ở Đức thường tổ chức ngày lễ mẹ vào Chủ nhật thứ 2 tháng 5, Âu Châu nhiều nước cũng tổ chức cùng thời gian trên. Theo lịch sử truyền thống ngày lễ của mẹ ở Hoa Kỳ người đầu tiên đưa đề nghị ngày tưởng nhớ tình mẹ tại Boston, Massachusetts là bà Julia Ward Howe đã vận động chọn ngày Chúa nhật thứ 2 tháng 5 và khởi đầu cài hoa cẩm chướng (carnation, Nelke, Oeillet) để tưởng nhớ me.. Hoa cẩm chướng biểu tượng cho người mẹ là loài hoa nở quanh năm, cánh hoa mỏng và thoảng hương thơm nhẹ.. Ngày 10/05/1908 các nhà thờ ở Grafton và Philadelphia cử hành thánh lễ cho ngày vinh danh mẹ... Mãi cho đến ngày 09/5/1914 Tổng thống thứ 28 Thomas Woodrow Wilson (1856-1924) ký quyết định chung thông qua Quốc Hội công bố ngày "Mother’s Day" là ngày quốc lễ của Hoa Kỳ vào Chủ Nhật thứ 2 của tháng 5. Riêng ở Pháp năm 1917 tại Pais tổ chức lễ mẹ cho những gia đình đông con, nhưng lễ mẹ chính thức công bố vào ngày 20/4/1926. Anh Quốc từ năm 1910 gọi là ngày Mother’s Day / Mutter Tag, nhà thờ có Thánh lễ tạ ơn để tưởng nhớ và vinh danh mẹ hiền “Dâng mẹ đôi tim nhỏ Dâng mẹ tình yêu lên ngôi Dâng mẹ yêu thương đong đầy Dâng mẹ cuộc sống tương lai...” Tình hồng dâng Mẹ của Văn Chi Mẹ lo cho con trưởng thành, nhưng phận làm trai thời loạn phải thi hành nhiệm vụ, các con ra đi mẹ lo lắng nhớ thương, mẹ ngồi nhìn về phương trời xa xăm thời chiến với súng đạn, đêm đen rực lên ánh hỏa châu rồi chợt tắt đã làm mẹ lo âu không ngủ, vướng bận bấp bênh phận người! Trịnh Công Sơn vang bóng một thời với những tình khúc như Gia Tài Của Mẹ dù anh chán ghét chiến tranh, nhưng anh đã sống với tâm trạng của mẹ Việt Nam: “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh, lạy trời mưa tuôn Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh Mẹ ngồi ru con mây đưa vào hồn Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương Tuổi còn bơ vơ thế giới chiến tranh ngục tù” Trịnh Công Sơn Mẹ thầm lặng chịu mọi trách nhiệm với các con, mẹ chia sẻ với con từ thuở bé thơ dạy cho con tiếng nói đầu đời cho đến lúc nên người. “Mẹ là gió uốn quanh Trên đời con thầm lặng Trong câu hát thanh bình Mẹ là gió mong manh Mẹ là nước chứa chan, Trôi giùm con phiền muộn Cho đời mãi trong lành Mẹ chìm dưới nhân gian...” Trịnh Công Sơn “Mẹ dạy con tiếng nói thật thà Mẹ mong con chớ quên màu da Con chớ quên màu da, nước Việt xưa Mẹ mong trông con mau bước về nhà Mẹ mong con lũ con đường xa Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù ...” Trịnh công Sơn Không có tình yêu nào có thể sánh với tình mẹ .. thi sĩ Trường Đinh ví tình yêu mẹ là những tháng ngày cần thiết của đời người, mẹ là ánh sáng là giọt sương mai, là tiếng chim hót trên cành buổi sáng .... “Mẹ là mùa xuân trên cánh chim bay Mẹ là mùa đông tóc bạc như mây Mẹ là mùa thu, niềm đau gió cát Mẹ là mưa hạ, hạt nhòa đắng cay Mẹ là trời xanh cho nắng vươn cao Mẹ là biển đông sóng gọi xôn xao Mẹ là bình nguyên tình yêu bát ngát Mẹ là ngân hà, lòng mẹ bao la ...” Trường Đinh Thời gian trôi qua không đợi chờ người lữ thứ, Nguyễn Đức Chương xa Đà Nẵng nhưng mỗi lần nhìn những cánh hồng tươi nở rộ làm anh nhớ thương mẹ đã 85 tuổi, vẫn mong mỏi chờ các con về như những ngày còn đi học: “Một bông hồng cho mẹ Hôm nay ngày hiền mẫu Hồng nở rộ đầy hiên Hồng thắm cả cuộc đời Nhớ về mẹ xa xôi…” Nguyễn Đức Chương Tâm trạng của các thi nhân đều nhạy cảm, nhà thơ Tùy Anh đã không dấu được ngậm ngùi, nỗi nhớ về mẹ thiết tha, mẹ và quê hương là nhưng kỳ quan tuyệt thế đã trở thành thiêng liêng nhiệm màu muôn thuở. “Mẹ ơi con mẹ chưa về Bao năm lưu lạc bên lề cuộc vui Tiếng cười không giấu ngậm ngùi Tiếng vui tắt nghẹn bên đời buồn tênh...” Tùy Anh (trong tập Khúc hát tiêu dao) Mẹ dạy con gái phải có những đức tính công-dung-ngôn-hạnh trước khi lập gia đình. Về đời sống lứa đôi, đôi khi mẹ cũng quá nghiêm khắc vì ảnh hưởng xã hội thời phong kiến, nên các nàng cũng than trách: “Mẹ em cấm đoán em chi, Để em sắm sửa em đi lấy chồng. Lấy chồng cho đáng tấm chồng Bõ công trang điểm má hồng răng đen” ca dao Việt Nam Thời xa xưa theo quan niệm hôn nhân, hai bên họ quen nhau nếu đàn trai cầu hôn bên nhà gái nhận lễ vật sẽ trở nên sui gia, nhưng tại sao không trách cha mà trách mẹ: “Mẹ em tham thúng xôi rền, Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng Em đã bảo mẹ rằng đừng Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào Bây giờ chồng thấp vợ cao, Như đôi đũa lệch so sao cho bằng..” Ca dao Việt Nam Phần lớn các bà mẹ mong con gái lập gia đình có đời sống hạnh phúc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" theo sự chọn lựa của gia đình. Nhưng tình yêu phải hợp nhau mới tạo cho cuộc sống lâu dài hạnh phúc, các cô đã nói lên nỗi lòng mình với mẹ: “Mẹ mong con đẹp lứa đôi, Con xin được tỏ đôi lời đục trong Lấy nhau lòng hiểu được lòng Tình kia mới được đượm nồng dài lâu Ví chưng mẹ trót nhận trầu, Bắt con ngậm miệng cúi đầu vâng theo...” Ca dao Việt Nam Tình cảm, tâm trạng các cô sống gần mẹ thì yêu thương mẹ, nhưng khi lập gia đình thì tình yêu đó bị chia bớt thương yêu dành cho chồng hơn: “Mẹ cha là biển là trời, Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha Mẹ cho bú mớm nâng niu, Tội trời thì chịu, không thương bằng chồng…” Ca dao Việt Nam Kho tàng thi ca bình dân, cũng như những nhạc phẩm thời đại.. ca tụng những lời như ngàn đời nhớ ơn mẹ, bởi vì mẹ đã cho các con hành trang lên đường, thành công với tràn đầy ước mong. Tình mẹ như hơi thở sưởi ấm lòng các con trong những ngày xa quê hương! Trên bước chân phiêu dạt xứ người, thời gian âm thầm trôi qua những tháng ngày phiền muộn nhớ thương, tưởng nhớ về mẹ, từ trái tim và nước mắt các con xin dâng lên mẹ và những lời cầu nguyện trân trọng nhất.
Munich tháng 4 năm 2004 * Nhà thơ Tùy Anh bút hiệu khác là Phù Vân, tên thật Nguyễn Hòa tốt nghiệp kỹ sư Thủy Lâm Sài Gòn 1964, hiện làm chủ bút báo Viên Giác - Đức quốc
Chân thành cảm ơn bạn đọc linhmucvuonxoai đã gởi bài viết này đến trang nhà! |
.. |