www.lebichson.org

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

CÁC NGÀY TẾT TRONG PHONG TỤC VIỆT NAM

khuyết danh

 

Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...

 

Giao thừa

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại - mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.


Ngày Tết của các dân tộc Việt Nam

Nước Việt Nam là một cộng đồng các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một kiểu ăn Tết riêng, đôi khi kéo dài rất dài ngày tạo thành mùa gọi là mùa Tết. Mỗi kiểu ăn Tết đều biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình. 

 

Tục Lễ đầu Xuân

Tục lễ Ðộng thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Ðộng thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.


Tết Thanh minh

Thanh Minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm).

 

Tết Ðoan Ngọ

nước ta, Tết đoan ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Ðán. Vì vậy các cụ thường nói "Mồng 5 ngày Tết". Học trò tết thầy, con rể tết bố mẹ vợ... quanh năm cũng chỉ tập vào hai lễ Tết đó.


Tết Hàn Thực

Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần Văn Công), bị chết cháy ở núi Ðiền Sơn. Cũng như ngày mùng năm tháng năm tết Ðoan Dương cũng xuất xứ bên Trung Quốc là giỗ ông Khuất Nguyên (đời Xuân Thu, thờ vua Sở Hoài Vuơng) gieo mình chết trôi ở sông Mịch La. Ðành rằng dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình.

   

Tết Thượng nguyên (Tết nguyên tiêu)

Tết Thượng nguyên (tết nguyên tiêu) vào đúng Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền…. Thành ngữ "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" xuất phát từ đó. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.

 

Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy)

Rằm tháng Bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức. Với Phật giáo, Tết Trung Nguyên là Lễ Vu Lan, ngày báo hiếu song thân và cửa huyền thất tổ. Lễ này dựa trên nội dung kinh “Vu Lan Bồn” do Đức Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên cách cứu thoát Mẹ ngài là bà Thanh Đề bị đoạ vào địa ngục do ác nghiệp.

 

Tết Trung thu

Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám. Trung thu là Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng nhân đây họp mặt, uống rượu, uống trà, ngắm trăng... Thường ban ngày người ta làm lễ cũng gia tiên, tối mới bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ con vui chơi, phá cỗ, trông trăng rước đèn... Nhiều nơi còn tổ chức hát trống quân (trai gái hát đối đáp trong tiếng trống đệm nhịp).

 

Tết Hạ nguyên (Tết cơm mới)

Tết Hạ nguyên vào Rằm hay mồng Một tháng Mười. Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới của vụ vừa xong - trước là để cúng tổ tiên, sau để thưởng công cầy cấy.

 

Tết Trùng cửu

Mồng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên gọi Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy Phí Tràng Phòng bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên cao mà tạm trú ngụ. Quả nhiên, ngày Chín tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhớ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn. Từ xưa, nho sĩ Việt Nam đã theo lễ này, nhưng lại biến thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc - gọi là thưởng Tết Trùng dương.

 

Tết Trùng thập

Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dược lễ thì mồng Mười tháng Mười (âm lịch) cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Ðông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc).

 

Tết Táo quân

Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hoá rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...

 

Cây nêu ngày Tết

Có nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ về tục dựng cây nêu trước nhà của các dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên đán, song trong đời sống, nó vẫn lạ lẫm với nhiều người bởi ngày nay tập tục xưa đã không còn nữa. Cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết là để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên.

 

Mâm ngũ quả

Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về. Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ. Hoa qủa là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.

 

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
khách viếng

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003

Hit Counter
ISP Internet Access