www.lebichson.org

  NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM MẾN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA BAO NIỀM HẠNH PHÚC LẪN NHỮNG KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

Mùa xuân lên đỉnh Phù Vân

LÊ BẢO

 

Đứng giữa mây ngàn, gió núi, trên đỉnh Yên Tử ở độ cao hơn 1.000 mét, khách hành hương như được đắm mình vào không gian yên tĩnh, linh thiêng với tiếng chuông văng vẳng ngân vang. Ai lên tới đây cũng muốn tự tay thỉnh ba hồi chuông, bởi họ tin rằng, có như vậy, con người mới đắc đạo.

 

Vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông, thiên nhiên núi Yên hùng vĩ hiện ra với hệ thống chùa chiền trải đều từ chân núi lên tới đỉnh, khiến những du khách phụng thờ tín ngưỡng không thể không ghé chân. Sự quyến rũ của đất trời với thời tiết quanh năm mát mẻ, mây quấn quanh núi, đậu vào tóc, vào cơ thể khách hành hương để lại những ấn tượng khó phai mờ với bất kỳ ai đã lên tới đỉnh Phù Vân huyền thoại.

Ngay dưới chân núi, suối Giải Oan đã sẵn sàng rửa sạch mọi oan khuất trần tục, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người bắt đầu cuộc hành trình. Con đường dẫn đến nơi đắc đạo dài hơn 10 km được xếp bởi hàng nghìn bậc đá chắc chắn, với độ dốc khá lớn. Bước lên mỗi bậc thang, lòng người bỗng như nhẹ bớt nỗi ưu phiền, bỏ lại đằng sau mọi lo toan mệt mỏi của cuộc sống thường nhật, thành tâm hướng tới từ bi.

Hòn Vọng Phu với dáng hình người mẹ bồng con, kiên tâm một đời chờ chồng qua bao tháng ngày bền bỉ đến khi hóa đá... gợi niềm xót xa thương cảm về thân phận con người. Rồi thời gian sẽ bào mòn tất cả, nhưng lòng chung thủy sắt son, nghĩa tình cao đẹp sẽ vẫn được thiên nhiên vẽ lên như một minh chứng cho hình tượng người phụ nữ VN mọi thời đại.

Nhưng thu hút những tăng ni phật tử đến với Yên Tử nhất phải kể đến sự linh thiêng mà ngọn núi này đã có được gần một nghìn năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà giới mộ điệu truyền nhau: "Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu". Khởi nguồn từ vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, bỏ triều đình lên đỉnh Yên Tử tu hành, nơi đây dần trở thành trung tâm thờ phụng phật pháp lớn nhất VN. Thiền phái Trúc Lâm với pháp chủ là đức vua Trần Nhân Tông, coi trọng tu tâm, truyền tâm ấn, hướng tới vũ trụ hóa, hợp nhất con người với thiên nhiên, bỏ qua những nghi thức hành đạo tu luyện pháp thuật, tà ma bùa ngải... đã quy phục hàng triệu trái tim ngưỡng đạo. Giáo lý thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo. Giáo lý này hướng tới sự giản đơn, lương thiện trong đời sống và tâm linh con người. Và vì thế, nó phù hợp với mong ước về một cõi yên bình mà con người luôn vươn tới.

Khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Dù rằng giờ đây, lòng thành tâm đã bị vơi mất một nửa vì con đường chinh phục "chân tu" đã có được sự trợ giúp của hệ thống cáp treo, nhưng sức hút của hội chùa Yên Tử vẫn không vì thế mà bớt đi mỗi độ xuân về.

Lê Bảo

 

Chân thành cảm ơn bạn đọc Lê Bảo Thùy Hương đã gởi bài viết này đến trang nhà!

..

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử      Mẹ và Quê hương     Di tích& văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh     Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

Hit Counter
"khách viếng chùa"

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003