Hà Nội trên con đường phát
triển và hội nhập, mỗi ngày một hiện đại với biết bao dự án quy hoạch
khu đô thị mới, nhà hàng, khách sạn... sáng ánh đèn. Nhưng cũng trong
lòng Hà Nội, còn biết bao số phận, thân phận cơ hàn - những "bóng đêm"
của thành phố.
Những "bóng đêm" ấy, là tiếng
thở dài đầy thương cảm với người lao động bình thường, nhưng cũng là "dấu
hỏi" lớn với những người có chức sắc. Đến bao giờ có thể hóa giải được
sự phân cách giàu nghèo?
Hà Nội những đêm hè, đường
phố bao giờ cũng đông đúc hơn, người xe tấp nập. Mọi người ra ngoài tận
hưởng cái cảm giác mát mẻ khi nắng đã tắt hẳn, rồi thong thả dạo chơi,
mua sắm tại các khu chợ đêm. Một vài người thích ngồi nhâm nhi ly cà phê
đá và nhìn ngắm phố phường trong ánh đèn rực rỡ. Có ai biết rằng khi ấy
vẫn còn những cảnh đời đang lầm lũi kiếm sống trong đêm.
Tối thứ bảy, người đông, đường
tắc. Dừng xe bởi đèn đỏ tại ngã tư đường Giải Phóng. Lạ thay không thấy
mùi khói xe khét lẹt mà chỉ có hương mít thơm nồng. 23 giờ trở về đến
ngã tư, lại đèn đỏ, lại dừng xe… tôi có thời gian để ý hơn đến mấy chị
bán mít.
Một dãy dài khoảng chục người,
trông ai cũng na ná giống nhau. Mặt mũi đen nhẻm vì phơi nắng cả ngày
ngoài đường. Chẳng hàng nào có khách cả nhưng họ vẫn cứ ngồi. Bởi quả
mít bổ ra rồi làm gì có tủ lạnh mà bảo quản, ngồi đây chờ khách đi chơi
đêm về hứng chí mua, lại được thêm dăm ba nghìn.
Mệt quá, mấy chị úp mặt vào cái nón mà tranh thủ ngủ một giấc. Khách đến
mua có khi phải gọi dậy. Giấc ngủ kia không biết có ngon lành hay không
mà sao tôi bỗng thấy lòng nặng trĩu. Mỗi ngày ngồi phơi nắng, phơi sương,
hứng bụi đường được khoảng 50 ngàn. Rẻ quá.
Trong giấc ngủ của tôi đêm đó, phảng phất
mùi thơm của mít, ẩn hiện những gương mặt rám nắng nhưng không thể nhìn
rõ mặt ai. Chỉ thấy một màu mít vàng ươm, hương thơm nức.
Từ đó, tôi có thói quen khi đi chơi tối
không còn mơ màng nhìn ánh đèn đêm trên đường phố và những quán cà phê
rực rỡ nữa. Bởi trong một khoảnh khắc rất có thể bạn sẽ bắt gặp nhiều
kiếp người kiếm sống trong đêm, trên những hè đường tối tăm chật hẹp.

Kiếp sống trong đêm - ảnh Nguyễn Mậu
Một tối đi qua đường Thanh Niên - con
đường của tình yêu - chợt tôi bắt gặp một đôi nam nữ ngồi bên vỉa hè tựa
đầu vào nhau. Cô gái còn trẻ lắm, vừa ở quê ra thì phải. Anh thanh niên
trông khá già dặn và có vẻ từng trải. Một xe hoa quả với đủ thứ cam, ổi,
củ đậu và một xe ngô luộc, sắn luộc còn nghi ngút khói dựng bên cạnh
nhau như… một đôi tình nhân.
Họ là vợ chồng hay người yêu? Không biết.
Nhưng chắc chắn rằng họ đang mệt mỏi. Cô gái ấy tựa đầu vào chàng trai
như để tìm một chỗ dựa, một sự sẻ chia những vất vả của cuộc sống mưu
sinh. Mặc cho người xe qua lại, họ cứ ngồi đấy. Còn lòng tôi không nặng
trĩu như khi nhìn mấy chị bán mít ngủ vùi trên chiếc nón nữa, ấm áp hơn,
nhưng vẫn buồn.
Ngày nào tôi cũng đi làm gia sư từ 7 giờ tối đến 9 giờ, ít có thời gian
đi chơi cùng người yêu và bạn bè. Nhiều lúc đứng chờ xe buýt trên phố
Nghĩa Tân một mình mà muốn khóc. Dưới mấy gốc cây ven đường, ba bốn đống
rác to đùng. Thỉnh thoảng lại có chiếc xe đạp của một người phụ nữ hay
một đứa trẻ lao tới, người trên xe nhảy xuống mở hết những túi bóng rác
nhặt vỏ nhựa, lon bia… thậm chí cả cơm thừa.
Rác chỉ có từng đó mà hết người này đi
lại người khác tới. Đống rác bị bới tung. Mấy người dân ở đó bực mình
chửi: “Cái lũ nhà quê, chỉ giỏi bầy bừa”. Không một câu đáp trả, người
phụ nữ lại vội vã lên xe đạp nhanh lẫn vào trong bóng tối.
Chợ đêm phố cổ lâu nay đã trở thành nét
văn hoá mang đậm chất Hà thành. Trên con phố đông đúc này, chỉ thấy toàn những
nam thanh nữ tú, quần áo sành điệu dắt tay nhau dạo phố. Nhưng hãy thử
một lần nhìn xuống đường. Hai đứa trẻ nhỏ xíu, rách rưới, bẩn thỉu.
Thằng anh để cho đứa em gái nhỏ quặt quẹo nằm trong lòng. Nó còn cẩn
thận để một tờ giấy bên cạnh để cánh tay em nó không chạm xuống đường bê
tông.
Một bát tiền với vài đồng xu lẻ. Dòng
người vẫn cứ đi, hai đứa trẻ vẫn cứ nằm đó, bát tiền vẫn nguyên vẹn.
Người ta còn mải nhìn ngắm những gian hàng bắt mắt, làm gì có thời gian
để ý hai đứa trẻ hay những cụ già tóc bạc phơ, những thân người cụt cả
hai chân nằm lê bên đường. Vả chăng có thấy thì cũng tìm cách tránh xa.
Tôi sống gần khu Bến xe Giáp Bát. Nơi đây có một xóm tập trung toàn
những người lao động nghèo khổ. Đàn ông làm cửu vạn (phu khuân vác), phụ
nữ buôn thúng bán mẹt. Cái xóm nghèo lúc nào cũng vắng tanh, vắng ngắt
bởi người ta đi làm từ năm giờ sáng và chỉ về nhà sau 11 giờ đêm.
Trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo không có
lấy một ánh điện nhưng ngày nào tôi cũng nhận rõ từng con người. Anh
hàng bánh mì với cái thùng xốp to đùng phía sau luôn phóng hết… “ga”,
bác bán than với cái xe xích lô đen sì chậm rãi đạp từng vòng, mấy chị
nhặt rác thì toàn những bao tải to uỳnh phía sau. Mấy bà hàng nước bao
giờ cũng về muộn nhất, với hai cái làn toàn cốc chén và phích nước đeo
bên ghi đông, họ đạp xe thật cẩn thận trên con đường đá toàn những ổ gà
kẻo không thì vỡ hết đồ nghề.

Mơ ước... - ảnh Phạm Hải
Cứ thế họ quay về cái "tổ ấm" (trị giá
3.000 đồng mỗi đêm) để lấy sức cho cuộc mưu sinh ngày mai. Có những đêm
hè gà gáy canh ba còn nghe tiếng dội nước tắm ùm ùm phía sau nhà y như
là có ma. Trở mình không sao ngủ lại được nữa, cơ hồ như có một nỗi buồn
len lỏi chảy trong tôi, tự hỏi lòng sao cuộc đời vẫn còn có nhiều những
bóng đêm đến thế?
Nguyễn Mậu
===========================

Chân thành cảm ơn bạn VLN đã gởi bài viết này đến trang nhà!
 |