TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 1
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

 

Không chỉ riêng mình tôi, mà hàng triệu triệu những người con Phật từ khắp nơi trên thế giới đều mơ ước được đến nơi ấy một lần, dù chỉ một lần duy nhất trong đời - Bồ đề Ðạo tràng - một trong bốn Thánh tích [1] quan trọng nhất của Phật Giáo.

Ðến Ấn Ðộ 20 ngày, sau khi hoàn tất mọi thủ tục nhập học tại Trường Ðại học Delhi, vào một buổi chiều Sư thúc Ðồng Văn ngỏ ý mời Sư Giác Ngôn - vừa từ Việt Nam trở lại Delhi tiếp tục công việc viết luận án Tiến sĩ Phật học - cùng tôi đi Bồ đề Ðạo tràng chiêm bái và lễ Phật. Vì Thầy vừa hoàn thành luận án Tiến sĩ Phật học, với đề tài "A Study of the Buddhist view of the World and Man as depicted in The Abhidharmakosa of Vasubandhu", nên muốn về Bồ đề Ðạo tràng để gọi là "trả lễ". Với tôi, đó là cơ duyên tốt để thực hiện ước mơ mà từ lâu tôi hằng ôm ấp. Nhớ hồi còn theo học ở Trường Cơ Bản Phật học Vĩnh Nghiêm, vào những năm của thập niên 1990, lúc bấy giờ Cố Hòa thượng Thích Minh Thành - Vị giáo thọ môn Luật học khả kính của chúng tôi- có dịp hành hương đến Ấn Ðộ, sau khi chiêm bái các Thánh tích trở về, đến giờ Luật học Hòa thượng đem những câu chuyện, hành trình về chuyến hành hương của Ngài kể cho cả lớp, chúng tôi yên lặng, chú tâm lắng nghe dù rằng "108 anh hùng Lương Sơn Bạt" của lớp Tăng B lúc bấy giờ luôn vượt trội hơn những lớp khác về nhiều "thành tích". Bởi lẽ Lớp Tăng B là nơi các "Hảo Hán" cả nước tụ hội về: Minh Phước đen, Phước Từ cao, Hạnh Minh nhí, Tâm Khánh già, Thiện Hữu ốm, Thiện Hiền vé số... những "tay tổ" nổi tiếng của lớp hôm ấy bỗng chăm chú lạ thường. Tôi cũng là một thành viên của nhóm "các tay tổ" đó yên lặng lắng nghe. Tôi nuôi trồng ước mơ được đi Ấn độ chiêm bái các Thánh tích từ đó.

Trước ngày ra đi một vài sự cố nho nhỏ xảy ra, sư Giác Ngôn "tuyên bố rút lui", chú cháu tôi quyết định lên đường dù trong túi có phần không mấy "trù phú" lắm. Hơn nữa trong lòng tôi cứ nao nao như người con đã về đến cố hương nhưng vẫn chưa về lại ngôi nhà xưa, ở đó có người mẹ hiền đang mòn mỏi ngóng trông con bao ngày tháng.

 

 

Ngày 01 tháng 08 năm 2000

 

Chiều ngày 01/ 08/ 2000, chú cháu tôi lên ga xe lửa New Delhi (New Delhi Railway Station) mua vé đến Gaya, Bihar. Ðó là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự vĩ đại của sân ga New Delhi, sân ga lớn gấp vài chục lần ga Hòa Hưng, Sài gòn - Việt Nam. Ga có 24 cặp đường sắt, mỗi cặp đường sắt là mỗi tuyến đường, mỗi loại tàu có cổng vào từ cầu vượt gọi là "Platform", mỗi Platform có hai cặp đường sắt song song. Ðể đến được chuyến tàu của mình, hành khách phải vượt qua chiếc cầu vượt dài hơn cây số được bắc ngang trên cao, có cầu thang đi xuống từng cổng (mỗi cổng có 2 Platform); muốn biết tàu của mình thuộc cổng số mấy, hành khách phải đến xem bảng thông tin lịch tàu chạy ở cổng chính, bảng thông tin này thông báo các chi tiết cần thiết bằng điện tử giống như "lịch bay" tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ví dụ: chuyến tàu chúng tôi đi hôm ấy có những thông tin cần thiết sau: "PURSHOTTAM EXP Train No.2802, Platform No.08, Boarding on 10:35 P.M 03/08/2000,..." (Tên- số tàu, cổng vào, ngày giờ lên tàu...). Nếu hành khách đến quá sớm trước giờ ban điều hành nhà ga lên lịch, muốn có thông tin một cách nhanh nhất thì không ai khác ngoài các thành viên của "tập đoàn Cửu Vạn"[2] , họ sẽ cho ta biết chính xác cổng số mấy, đi bằng cách nào...Và nếu ai đó mang theo lượng hành lý khá nhiều, thì họ sẽ là người giúp việc khá đắc lực với chi phí hết sức rẻ: chỉ cần trả vài chục Rupees (Rs), anh chàng khuân vác sẽ chuyển cho khách cả tạ hàng hóa từ cổng chính lên đến chỗ ngồi trên toa tàu cách hàng cây số, và họ chỉ nhận thù lao trước lúc tàu xuất phát vài phút. Những người đi trước khuyên những ai lần đầu đến Ấn Ðộ muốn nhờ đến "lực lượng cộng sự" này: "Hãy kiểm tra số thẻ hành nghề đeo trên cổ (hay tay trái) của các chàng thanh niên khuân vác, trước khi giao phó hành lý". Vì sân ga New Delhi khá rộng và hết sức nhộn nhịp, nếu ai đó quên thực hiện điều này thì số đồ vật mang theo kia có thể sẽ không bao giờ trở về với chủ nó nữa. Tất nhiên không phải lúc nào hành khách cũng gặp phải những chàng phu khuân vác có "máu gian" (Ở đời, người nghèo đôi khi bị người ta nhìn thành kẻ xấu!). Những người hành nghề này hầu hết đều vạm vỡ, khoác trên người bộ y phục màu đỏ sậm, làn da đen nhánh, trên đầu là cái vòng đội (không biết gọi thế nào cho chính xác, vì trên đầu họ đội một vật như khăn đóng của các Cụ ông ở Việt nam, cái khăn đóng này được quấn bằng vải, dùng để đỡ các vật được vác trên đầu). Người Ấn không biết dùng đôi vai để gánh vác như người Việt, tất cả các vật nặng đều dùng đầu để di chuyển, nhìn họ thao tác rất nhanh và dường như các cơ bắp đều dồn lên làm tăng thêm sức chịu đựng của bộ phận phát xuất ra mọi tư tưởng của con người- cái đầu. Nếu ai đó thắc mắc "tại sao?" thì hãy đến "phỏng vấn" người Ấn, tác giả bài viết này chưa đủ "tự tin" để thực hiện điều đó.

 
 
 

Chú thích:

1. Bốn Thánh tích chính của Phật giáo là: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kushinarga (Câu Thi Na) nơi Phật nhập niết bàn.

2. Phu khuân vác.

Xem tiếp phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003