TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 2
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

 

Ngày 02 tháng 08 năm 2000

 

Trước ngày khởi hành lòng tôi nôn nao khó tả. Sáng hôm ấy, sư cô Thoại Mẫn thức dậy, mở cửa đã thấy tôi đang ngồi "suy tư" trên sân thượng trước cái "Lò Thiêu số 2 Bình Hưng Hòa" [1] quen thuộc mà hàng ngày tôi vẫn trú ngụ trong ấy. Cô hỏi: "Hôm nay có điều gì là lạ khác mọi ngày?", tôi chỉ mỉm cười. Thật ra tôi đã thức trắng đêm hôm ấy. Cũng lạ, kể từ ngày đặt chân đến xứ sở "nhịn đói, suy tư và chờ đợi" này, không đêm nào tôi chợp mắt trước 3 giờ sáng, mọi việc trong tôi dường như bị nhào lộn, không thứ tự gì cả. Mặt trời ở Ấn Ðộ mọc từ lúc 5:30 sáng và lặn vào lúc 7:30 chiều, thời tiết ở đây nóng vô cùng, đêm về đường dây điện trước nhà chạm vào nhau xẹt lửa làm tôi hoảng kinh[2], những khó khăn cứ như chồng chất ngày càng cao dần trước mặt, những món tiền phạt hơn cả ngàn rupees, nỗi nhớ nhà- nhớ quê làm lòng buồn muốn khóc... tất cả những thứ ấy hiện ra trong tâm thức mỗi lúc đêm về, khi chỉ còn một mình với bốn bức tường đối diện: suy nghĩ, lo lắng và khóc thầm. Thao thức đến 3, 4 giờ sáng mới chợp mắt, 5 hoặc 6 giờ phải dậy lễ Phật, tụng thời kinh sáng. Xong thời kinh sáng người Ấn vẫn chưa bắt đầu một ngày mới, mặt trời lên đã cao nhưng họ vẫn còn say trong giấc điệp, cửa nhà vẫn còn đóng chặt (người Ấn thường bắt đầu làm việc vào lúc 9:30 sáng), ngoài đường các chú bò thong dong, nhởn nhơ, tự tại xếp thành từng hàng đi tìm những thứ trái cây, bánh Chappati, bánh mì vụn, lá cây mà con người cố tình đặt trước cửa nhà đêm qua. Phải chăng đó chính là lúc chúng bình yên nhất trên những con đường không có một sự đe dọa nào của cơ giới, con người? Mặt trời đã lên khá cao, vẫn chỉ một mình, lại suy nghĩ và lo lắng, rồi thiếp đi đến lúc chiếc đồng hồ đánh thức "chàng sinh viên khốn khổ" dậy tiếp tục đi làm thủ tục nhập học, lúc ấy mọi người trong cùng căn hộ tôi đã khóa cửa và ra khỏi nhà không biết từ lúc nào. Ở Ấn, người ta nâng cao khẩu hiệu: "Nhịn đói, suy tư và chờ đợi", điều này tôi cảm nhận rất rõ từ ngày đầu tiên đặt chân đến Delhi và những ngày tiến hành thủ tục nhập học sau đó. Tuy nhiên, với tôi vẫn còn thiếu một điều mà quý Tăng ni Việt nam đều đồng ý cho những ai lần đầu đến Ấn Ðộ, tôi xin mạo muội sửa câu khẩu hiệu ấy thành: "Nhịn đói, mất ngủ, suy tư và chờ đợi". Tất nhiên, còn nhiều điều mà khi còn ở Việt Nam ít ai có thể tưởng tượng ra được.

Ðêm ấy, điện cúp cả mấy tiếng đồng hồ, nằm trong phòng cứ như đang "xông hơi", tôi đem chiếc ghế cũ kỹ ra trước sân vừa làm ghế vừa làm giường, phòng tôi nằm ở sân thượng, nên đương nhiên được "cai quản" cả phần sân 9 mét vuông lý tưởng, dù rằng chẳng ai phân công cả. Từ ngày đến Ấn Ðộ, nhờ cái sân này mà tôi biết ngủ ngồi mỗi khi trời nóng hoặc cúp điện. Trời càng về sáng càng nóng, tôi bắt đầu hình dung mọi thứ trong đầu, tôi góp nhặt tư liệu mỗi nơi một ít: Trong các bộ sách lịch sử Phật giáo Ấn Độ, những câu chuyện được nghe ai đó kể lại, những góc độ hình ảnh về tháp Ðại Giác, về Bồ đề Ðạo tràng mà tôi đã có lần xem qua. Tất cả những chi tiết ấy được bộ nhớ nhỏ bé của tôi xử lý, thiết kế một cách chủ quan, lộn xộn và không trật tự như nếp sinh hoạt những ngày đầu của tôi ở Ấn: Hình ảnh về Bồ đề Ðạo Tràng có những lúc hoa lệ với đầy những hoa thơm cỏ lạ, đôi khi lại điêu tàn, đổ nát như dấu ấn bị ngoại đạo tàn phá một thời. Những hình ảnh ấy cứ chập chờn, xen lẫn vào nhau bên trong đầu óc nhỏ bé của tôi. Rồi đến những diễn biến lịch sử của Bồ đề Ðạo Tràng cũng chắp vá, vụn vặt như người ta đã đặt ra quá nhiều giả thuyết về khu thánh tích này. Tôi cố gắng sắp xếp một mạch các biến cố của vùng Bồ đề Ðạo tràng:

...Sau thời gian dài, Thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhārtha) trải qua hết vị danh sư này đến vị thầy khác học đạo, một ngày kia Sa môn Cồ Ðàm (Gotama) cùng năm anh em Kiều Trần Như (Ājñāta-kāuṇḍinya) tìm đến khu làng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvelā) bên cạnh dòng sông Ni Liên Thiền (Nairaṅjanā), nơi có rất nhiều đạo sĩ thực hành nhiều hình thức ép xác: chỉ đứng một chân, treo mình trên cây ngược đầu xuống đất, lấy cây gậy tự đập vào thân thể đến khi bất tỉnh ngã xuống hàng ngày, chặt và đốt hết các ngón tay dâng lên Phạm Thiên ( Brahmā / 梵王)... Tất cả các hình thức khổ hạnh ấy nhằm vào mục đích: "Chế ngự các cảm thọ của thân xác để có thể tập trung vào tâm linh mà hòa nhập vào đại thể của Phạm Thiên". Sa môn Cồ Ðàm cùng năm anh em Kiều Trần Như cũng gia nhập vào sự tu tập hành xác khắc khổ ấy. Thời gian dần trôi hết năm này qua tháng nọ, phong vũ tuyết sương đã làm yếu dần xác thân bậc vương giả mang tên Tất Ðạt Ða, một ngày kia không thể chống đỡ lại thân thể đã quá suy nhược, Người ngã xuống bất tỉnh khi đang cùng các đồng tu thực hành pháp môn ép xác. Khi tỉnh dậy, Người nghe ông lão hành khất đánh đàn với đôi mắt mù lòa, vẫn hàng ngày qua lại trên sông, đang dạy người học trò của mình: "Con không nên để dây đàn chùng quá, cũng không làm dây căng quá, chùng quá đàn sẽ không kêu, quá căng khi gảy dây sẽ dễ đứt. Hãy canh dây đúng mức, cây đàn sẽ phát ra những âm thanh kỳ diệu". Nghe lời ấy xong, như người vừa chợt tỉnh sau đêm dài mộng mị, Người cố gắng lê thân mình rời chỗ ngồi xuống ngâm mình trong dòng nước xanh mát, dòng nước vô tình của con sông Ni Liên chảy qua cơ thể Người tạo thành những luồng cảm giác dễ chịu, tinh thần Người cũng phấn chấn hẳn lên. Tắm xong, Người cố gắng đi về phía bóng râm của làng Ưu lâu Tần loa, đi được một đoạn Người không tài nào cất nổi bước chân nữa, vì thân thể đã quá suy yếu; Người ngồi xuống một gốc cây nhỏ bên con đường mòn, bắt đầu suy nghĩ tự tìm ra cho mình một con đường mới, một giải pháp mới. Rồi lại thiếp đi trong sự tàn phá, dày vò của xác thân đã quá suy nhược. Người tỉnh dậy vào sáng hôm sau, khi ấy nàng mục nữ có tên gọi Su Dà Ta (Sujāta) cũng bắt đầu một ngày mới với công việc chăn dê của mình, xa xa nàng thấy hình bóng một con người, nàng tiến lại gần và thật gần, trước mắt nàng là một người lạ hoắc có khuôn mặt hóp sâu, tóc đánh cao trên đỉnh đầu, râu ria dài bao phủ quanh mặt, thân thể khô héo, chỉ còn da bọc xương. Tuy vậy, nàng vẫn nhận ra một cái gì đó rất cao quý tỏa sáng đằng sau khuôn mặt đầy hốc hác vì lớp thời gian khổ hạnh và tật bệnh bao phủ kia. Có một sự cảm ứng vô hình nào đó khiến nàng quỳ sụp xuống, cởi chiếc túi vải đeo trên người, lấy chiếc bình bát đổ vào đó đầy cháo sữa[3] mà nàng đã mang theo để ăn trong ngày, cùng một chút mật ong thơm phức, dâng lên Người, rồi nàng đứng lên tạm biệt, khuôn mặt nàng không dấu được vẻ hân hoan.

Trong lúc Sa môn Cồ Ðàm dùng bát cháo sữa, năm anh em Kiều Trần Như cũng vừa tìm đến nơi, trời đất như sụp đổ trước mắt họ "Sa môn Cồ Ðàm đã chịu khuất phục trước sự cám dỗ của lạc thú cuộc đời rồi sao?"; không một lời từ giã, họ bỏ mặc Người và ra đi. Ăn xong bát cháo, Người quyết định vượt qua bên kia sông để nhập định, nhận được bó cỏ Cát Tường (Kusa) từ một ông lão bán cỏ trước khi vượt qua con sông Ni Liên Thiền, đến dưới gốc cây Tát bát La (Pippala, Pipal, Pippali) Người trải bó cỏ kia làm đệm và phát nguyện: "Nếu không đạt thành đạo quả ta thề không rời khỏi nơi này". Rồi 49 ngày trôi qua, ánh sáng trí tuệ bừng dậy trong Ngài. Từ đó nhân gian có thêm tôn giáo mới: Phật giáo. Cũng kể từ ngày ấy, người ta quên đi tên của loài cây Tát bát La mà thay vào đó là cái tên rất Phật giáo "Bồ Ðề" (Bodhi); cũng từ đó ngôi làng Ưu lâu Tần loa (Uruvela) được thay thế thành địa danh có tên gọi là BodhGaya (một số sách gọi theo cách phiên âm của người Hoa là xứ Phật Ðà già da) được rất nhiều người trên quả địa cầu này biết đến. Phật giáo Việt Nam hướng tâm về vùng đất ấy gọi là "Bồ Ðề Ðạo Tràng" (Bodhimaṇḍa). Vùng đất thiêng này trở thành nơi chiêm bái đối với những người con Phật có cơ duyên đến Ấn độ. Tất nhiên, nơi ấy cũng là "mục tiêu phải tiêu diệt, tàn phá, sang bằng" của những kẻ cuồng tín ngoại đạo...

Có khá nhiều giả thuyết về ngôi Ðại tháp Giác Ngộ và một số vùng phụ cận có liên quan đến khu Thánh tích Bồ đề Ðạo tràng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một kết luận nào xác đáng được số đông các nhà nghiên cứu đồng ý, một dấu hỏi lớn vẫn còn treo lơ lửng. Theo các tài liệu sử học: Sau khi Ðức Phật nhập diệt khoảng 200 năm, phạm vi Phật giáo phát triển đã lan rộng hầu hết các nước thuộc vùng Trung Ấn và trải rộng ra trên lưu vực sông Hằng. Rồi lại trải qua thêm 100 năm nữa, Phật giáo không những ảnh hưởng lan rộng khắp nước mà còn vượt biển và dãy Hy Mã Lạp Sơn đến các nước lân cận dưới sự chấn hưng và hộ trì Chánh pháp của A Dục Vương (Aśoka Ðại đế- vị vua có công thống nhất toàn bộ lãnh thổ Ấn Ðộ, cũng là vị Vua đã tổ chức thành công cuộc Kết tập kinh điển lần thứ Ba cùng những đóng góp hết sức lớn lao cho sự nghiệp phát triển Phật giáo). Một giai thoại kể rằng: Sau khi Ðức Phật nhập diệt 234 năm[4], A Dục lên ngôi Ðại đế, Vua hối hận về tội sát hại vô số loài hữu tình cho trận chiến Kalinga dành thống nhất Ấn Ðộ[5]. Một lần may mắn gặp được vị thiện tri thức là Tôn giả Da Xá (Yasa) cảm hóa, Vua phát thệ nguyện không tạo nghiệp ác nữa, hồi đầu quy y Tam Bảo[6]. Sau khi quy y, A Dục vương thường thỉnh chư vị Trưởng lão, Ðại đức vào cung thuyết pháp, luận bàn điển chương và trở thành một trong những người thực hành và truyền bá học thuyết "Ahiṃsā" (Non-Violence, bất bạo động) trên toàn cõi Ấn độ. Ngày kia, Vua nghe pháp với vị Ðạo sư Thạc học- Tôn giả Ưu Ba Cấp Ða (Upagupta / 優婆掘多)- dưới sự chỉ giáo của Tôn giả, Vua phát nguyện thân hành đi chiêm bái các thánh tích. Trước tiên, Vua đến vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini-nơi Phật đản sanh), rồi Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu-quê hương của Ðức Phật), đến thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela-nơi Ðức Phật hành khổ hạnh), Bồ đề Ðạo tràng (Bodhgaya-nơi Phật thành Ðạo), Lộc Uyển (Sarnath-nơi Phật sơ chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (Kushinagar - nơi Ðức Phật nhập Niết bàn)... Theo nhiều nguồn sử truyền: Vua cho xây dựng hết thảy 84000 ngôi chùa và bảo tháp lớn nhỏ trên khắp đất nước Ấn Ðộ. Tất nhiên một số công trình tại Bồ đề Ðạo tràng cũng nằm trong số đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng: Tại Bồ đề Ðạo tràng, chỉ có Kim Cang tòa (金剛座/vajrāsana) và một vài trụ đá là của chính vua A Dục xây dựng, còn lại hầu hết các công trình kiến trúc là tác phẩm của người đời sau Asoka. Theo hai Thầy Hạnh Nguyện & Hạnh Tấn trong cuốn "Xứ Phật - Tình quê" trang 97 có đoạn chép: "...Vua A Dục đã cho làm một tòa Kim Cang bằng đá, bên trên có khắc các hoa văn. Phía trước tòa có bốn cây trụ dẹp, bên sau tòa là cội Bồ Ðề. Mỗi bên cội Bồ Ðề đều có biểu tượng của Tam Bảo và bánh xe Pháp trên hai cây cột ngắn. Hai bên Kim cang tòa lại có hai nhà thủy tạ tương tự như tại Kim cang tòa. Bên trên Kim cang tòa được ghi nhận rằng không hề có an trí tượng Phật bởi vua A Dục. Ðiện Kim cang tòa nằm trong đền thờ chính như ngày nay. Nếu chúng ta tinh ý sẽ thấy những trụ đá gãy nơi góc tường".

Từ triều đại Mauryan Asoka trở về sau, Phật giáo tại Ấn độ cực kỳ phát triển dưới sự ủng hộ của nhiều vị vua kế vị: Phật giáo phát triển thành nhiều bộ phái, nhiều bậc Luận sư trứ danh xuất hiện như các ngài Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ... đã để lại những đóng góp lớn lao cho nền văn- triết học Phật giáo ngày một phát triển, nở rộ và ảnh hưởng sâu rộng đến những nước khác. Bồ đề Ðạo tràng thực sự trở thành một khu thánh địa tương đối có tầm vóc. Khi Tam Tạng Pháp sư Trần Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Ðộ chiêm bái, Bồ đề Ðạo tràng đã hình thành một khu thánh tích khá hoàn chỉnh, thông qua Ký sự của Ngài mô tả một cách chi tiết về Bồ Ðề Ðạo Tràng[7].

Ðến thế kỷ VIII, Hồi giáo tấn công vào Tây-bắc Ấn Ðộ và đánh phá Trung Ấn liên tiếp kéo dài đến thế kỷ XI, gây nhiều thiệt hại cho Phật giáo. Ðể phản kháng quân Hồi, các tôn giáo ở Ấn Ðộ thời bấy giờ kết hợp lại thành một tôn giáo gọi là Thời-Luân-Giáo (Kàlacakra Tantra) chống trả lại. Nhưng đến năm 1203, tướng Iktiyar Uddin chỉ huy quân Hồi giáo tiến vào Trung Ấn Ðộ, rồi làm bá chủ Trung Ấn, đương nhiên Trung Ấn trở thành lãnh thổ của đế quốc Hồi giáo. Vì mục đích thiết lập một đế quốc Hồi giáo, nên các tôn giáo khác hiện diện trên đất Ấn đều trở thành "kẻ thù không đội trời chung" của họ: Phật giáo cùng Ấn giáo lâm vào đại nạn. Ðối với Phật giáo, quân Hồi đối đãi một cách bạo tàn: phá hủy chùa tháp, thiêu đốt kinh điển, đập phá tượng Phật, tịch thu bảo vật, giết hại Tăng chúng... làm cho đạo Phật gần như bị tiêu diệt trên chính mảnh đất Phật giáo được sinh ra. Các vị Cao Tăng lúc bấy giờ một mặt lánh vào rừng núi ẩn tu, số đông bỏ sang các nước Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ tị nạn. Thời kỳ này các sử gia gọi chung là: "Trang sử tang thương nhất trong lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ". Tất nhiên, Bồ đề Ðạo tràng cũng "cùng chung số phận": trở thành nơi hoang phế, điêu tàn, đổ nát mà những thế kỷ tiếp sau đó, Bồ đề Ðạo tràng gần như rơi vào quên lãng.

Một tài liệu viết rằng: Vào năm 1234, Dharmasvamin – người Tây Tạng – đến đảnh lễ Bồ đề Ðạo tràng, khi ấy thánh địa này chỉ còn sót lại một thiền viện hoang phế, tất cả Tăng sĩ đã lần lượt ra đi dưới sự khủng bố của quân đội Turushka; Thiền viện này chỉ còn lại bốn vị Tăng sống trong cảnh bị "phong tỏa" về mọi mặt. Trong thời kỳ Phật giáo suy tàn trên đất nước Ấn Ðộ, người Miến Ðiện đã âm thầm đến và sửa chữa lại Bồ đề Ðạo tràng ít nhất ba lần trong hai thế kỷ XIV và XV, lần sửa chữa sau cùng bắt đầu từ năm 1472 và kết thúc vào năm 1492. Gần một trăm năm sau đó (1590), ông Gosain Giri – tu sĩ Ấn giáo– cho xây dựng một ngôi đền Hindu tại Bồ đề Ðạo tràng, sự có mặt của ngôi đền Hindu này đã biến Bồ đề Ðạo tràng vốn đã bị lãng quên, càng trở nên một bóng mờ trong tâm trí những người Phật tử. Bồ đề Ðạo tràng lại rơi vào tay của những người theo Ấn giáo. Năm 1811, vua Miến Ðiện đến viếng Bồ đề Ðạo tràng, sau đó gởi hai vị sứ giả lo việc tu bổ Bồ đề Ðạo tràng (vào năm 1847), nhưng mãi đến năm 1884, Ấn Ðộ mới "bắt tay" vào việc tu sửa. Sau khi khôi phục lại tháp Ðại Giác (Maha Bodhi Temple), Bồ đề Ðạo tràng vẫn trực thuộc dưới quyền quản lý của Giáo hội Ấn giáo Mahant.

Năm 1891, Anagarika Dharmapala[8] sau khi đến Ấn Ðộ, chứng kiến cảnh điêu tàn của Thánh địa Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ông xúc động: "Thật quả là một thắng cảnh vô tỷ của Thế giới. Mỗi Phật tử chúng ta, ai nấy phải có nhiệm vụ bảo hộ- duy trì, ... không thể để cho một Thánh địa vĩ đại như thế này phải đoạn tuyệt". Ông đến các nước: Nhật Bản, Hoa Kỳ, một số nước thuộc Âu châu kêu gọi hỗ trợ công cuộc tu sửa lại Bồ đề Ðạo tràng, kiên quyết từng bước ngăn chặn những hành vi phá hoại của những người ngoại đạo tại khu thánh địa này. Anagarika Dharmapala thành lập Hội Ðại Bồ Ðề Ấn Ðộ (Maha Bodhi Society of India)[9] và trực tiếp vận động phong trào phục hưng Phật giáo tại Ấn Ðộ. Ông làm đơn xin tu sửa lại Bồ đề Ðạo tràng, nhưng vì một lý do nào đó Anagarika Dharmapala không được cấp giấy phép, chính phủ Anh tại Ấn Ðộ quyết định rằng: ngôi Tháp và vùng chung quanh Bồ đề Ðạo tràng thuộc về đền Ấn giáo. Sau khi giáo hội Ấn giáo được quyền sở hữu toàn bộ thánh địa Bồ đề Ðạo tràng, họ đã công kích phản đối về sự có mặt của những Tăng sĩ Phật giáo người Miến Ðiện và Tích Lan tại đây. Vào một ngày giữa tháng 02 năm 1893, những kẻ cuồng tín Ấn giáo đã tìm cách tấn công hai vị Tăng sĩ người Miến Ðiện một cách tàn nhẫn. Hai năm sau đó Anagarika Dharmapala cũng bị những người Ấn giáo tấn công và gây trở ngại khi đang làm lễ an vị một tượng Phật do phật tử Nhật Bản cúng dường ở tầng trệt tháp Ðại Giác. Năm 1906, họ yêu cầu trục xuất tất cả Tăng sĩ Phật giáo rời khỏi khu vực Bồ đề Ðạo tràng. Sau hơn 45 năm nỗ lực đấu tranh, cuối cùng Bồ đề Ðạo tràng lại trở về với những người Phật tử. Năm 1952, Ủy ban quản lý Bồ Ðề Ðạo Tràng được thành lập, từ đó mọi hoạt động tu bổ và chấn hưng Bồ đề Ðạo tràng tiếp tục cho đến ngày nay[10].

Tôi sắp xếp một mạch theo chiều dọc các dữ kiện về cuộc đời Ðức Phật, thánh tích Bồ đề Ðạo tràng mà tôi đã từng tham khảo từ một số tài liệu trước đó. Dĩ nhiên, có quá nhiều tài liệu viết về Ðức Phật và Bồ đề Ðạo tràng, nhưng phần lớn những tài liệu ấy không trùng khớp với nhau. Hơn nữa, với khoảng thời gian hơn hai ngàn năm đủ để xóa nhòa hoặc tô bóng tất cả, vấn đề bất đồng ý kiến là điều đương nhiên xảy ra...

 
 
 

Chú thích

1.Tên quý Thầy Việt Nam đặt cho căn phòng tôi thuê ở sân thượng căn nhà 7F Kamla Nagar. Ðây là căn phòng hết sức nóng, đã có rất nhiều người thuê ở, nhưng cuối cùng phải "rút lui". Vì cái "lò sưởi" này thật "khó thở" vào mùa hè, và trở thành "hộp đá lạnh" vào mùa đông. Nhưng vì là học trò nghèo mới qua đến Ấn, tiền tôi còn dùng vào nhiều việc, làm sao dám thuê những căn phòng thoáng mát. Phòng của tôi giá thuê rẻ nhất Delhi.

2. Vì dây điện trước nhà hay bị chập vào nhau, tôi sợ chúng sẽ gây hỏa hoạn, nên lúc nào tôi cũng bọc tất cả mọi giấy tờ quan trọng trong mình (kể cả lúc đi ngủ).

3. Ngày nay, người dân Ấn vẫn còn duy trì loại cháo sữa này. Ở ký túc xá Mansarowar nấu cho sinh viên ăn vào các sáng chủ Nhật, cháo được nấu bằng sữa tươi với hạt cao lương, ăn có vị ngọt như ăn chè.

4. Asoka (A Dục) có tên riêng là Devànapìya Piyadasa (Thiên Ái Thiện Kiến Vương). Với 41 năm tại vị, Asoka có thể được coi là vị vua có công lớn nhất trong sự nghiệp Chấn hưng và phát triển Phật giáo từ xưa đến nay. Các sử gia cho rằng: "Sự nghiệp hộ trì của Vua Asoka đối với Phật giáo còn hơn cả sự nghiệp của Hoàng đế Constantine của La Mã bảo hộ Thiên Chúa giáo".

5. Hơn 100.000 người đã ngã xuống trong cuộc chiến Kalinga. Sau khi chiến thắng, A Dục Vương đã ra lệnh lưu đày hơn 150.000 người.

6. Có một giai thoại kể rằng: Ðể sám hối cho việc thời gian trong vòng bốn năm, Asoka giết sạch thân tộc chỉ chừa lại một người em cùng mẹ, tự lên làm Vua. Vì thế ông cho xây 84000 chùa, tháp trên khắp Ấn Ðộ để sám hối tội lỗi xưa.

7. Hầu hết những khai quật sau này về khu Thánh địa Bồ Ðề Ðạo Tràng đều dựa vào bộ "Ðại Ðường Tây Vực Ký" (大唐西域記) của ngài Huyền Trang. Một số bài viết gọi tác phẩm "Tây Du Ký" của ngài Huyền Trang là thiếu căn cứ và hoàn toàn sai lệch. "Tây Du Ký" là tác phẩm văn học phóng tác của Ngô Thừa Ân vào thế kỷ XVI, dựa vào tác phẩm "Ðại Ðường Tây Vực Ký" của ngài Huyền Trang viết vào thế kỷ VII. "Ðại Ðường Tây Vực Ký" của ngài Huyền Trang cùng với "Phật Quốc Ký" (佛國記) của ngài Pháp Hiển là những sử liệu quan trọng và hết sức quý giá trong việc nghiên cứu về Phật giáo Ấn Ðộ, cũng như phục hồi các Thánh tích sau này.

8. Anagarika Dharmapala người Tích Lan (Srilanka), Ông là con một gia đình có truyền thống Phật giáo ở Colombo - Thủ đô Tích Lan. Thuở thiếu thời, dù mỗi ngày phải đọc Thánh kinh khi theo học ở Trường học của Thiên chúa giáo, nhưng ông vẫn chứng tỏ mình là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Khi Ðại tá Henry Steelle Ocott - người Hoa kỳ- sang Tích lan chấn hưng Phật giáo, Anagarika Dharmapala là người trợ lý đắc lực cho Ông ta. Từ đó lòng mộ đạo A.Dharmapala ngày một vững, việc học Phật ngày một uyên thâm, mục đích duy nhất của A. Dharmapala là chấn hưng Pgiáo tại hai nước : Tích Lan & Ấn Ðộ. A. Dharmapala đến Ấn Ðộ năm 29 tuổi (1891), đến năm 1892 A.Dharmapala cho phát hành tờ báo mang tên "Bodhi Journal" (Bồ Ðề Tạp chí) làm cơ quan ngôn luận truyền bá Phật giáo và liên lạc với Phật-giáo-đồ các nước trên thế giới, làm phương tiện "kêu gọi mọi người tham gia vào công cuộc phục hưng các Thánh tích Phật giáo" tại Ấn Ðộ. Ðến ngày 13/07/1930, Ông chính thức thế phát xuất gia, thọ bệnh và qua đời tháng 12/1932.

9. Hội Ðại Bồ Ðề Ấn Ðộ (Mahabodhi Society of India) được thành lập chính thức vào ngày: 31/05/1891, với tên ban đầu là Hội Ðại Bồ Ðề Budha Gaya (The Buddha Gaya Mahabodhi Society).

10. Một nhân vật lịch sử vĩ đại như Ðức Phật, được người đời đưa vào sử sách từ những quan điểm khác nhau, thời gian khác nhau, kể cả những giai thoại do con người thêu dệt. Những chi tiết về cuộc đời Ðức Phật, cũng như quá trình hình thành, phát triển thánh địa Bồ Ðề Ðạo Tràng được góp nhặt từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tất không sao tránh khỏi những sai sót nhỏ. Rất mong sự chỉ giáo từ các bậc cao minh.

Xem tiếp phần 3. Ngày 3 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003