TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 3
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

Ngày 03 tháng 08 năm 2000

 

Chiếc đồng hồ cũ kỹ đổ hồi chuông báo thức, ông già bán sữa đã đến bấm chuông từng nhà, tiếng chổi của những người phu quét rác lẹt xẹt kéo dài đều đặn trên đường, tiếng những người phát báo chia nhau phần báo trong ngày. Một ngày mới lại bắt đầu. Tôi thắp nén hương dâng lên đức Phật, quét dọn lại căn phòng, thu xếp những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. 11:00 giờ trưa, tôi chào cô Thoại Mẫn, nhờ Cô trông nhà dùm rồi lên ký túc xá Mansarowar. Trưa hôm ấy, chiếc xô nhựa đựng gạo "kim chỉ đến số 0", chú cháu tôi dắt nhau ra quán fast food bên đường gọi hai dĩa Chowmein[1] "mở chiến dịch" "đánh lừa bao tử", đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là Fast food, đứng ăn mà lòng thấy vui vui.

Chiều hôm ấy, thầy Thị Quả, sư Giác Ngôn, sư Giác Thạnh, sư Giác Hành đến phòng 427 của Sư thúc thăm chơi, bữa cơm chiều được thay bằng những bình trà, những câu chuyện về cố hương, về Phật tích Bồ đề Ðạo Tràng nối đuôi không dứt. Kim đồng hồ chỉ 6:30 chiều, lòng tôi lại nôn nao kỳ lạ, dù rằng thời điểm ấy quá sớm để xuất phát lên ga New Delhi, nhưng xưa nay tôi lại "thích mang bệnh lo xa". Nhớ hồi còn ở Ðại học, bạn bè thường gọi đùa tôi là "chiếc đồng hồ biết đi", có lẽ xuất phát từ "căn bệnh khó trị" ấy, tôi luôn máy móc nâng cao khẩu hiệu: "Hãy chuẩn bị trước để tránh những điều bất trắc có thể xảy ra"; những lần đi thực tập, các ngày thi cử tôi đều có mặt trong danh sách "Topten - Những người tập trung sớm nhất", ban đầu điều ấy xuất phát từ thực tế hay kẹt xe ở Sài gòn, rồi dần trở thành thói quen cố hữu. Tôi bắt đầu "thuyết trình" hàng loạt bài phân tích: nào không có xe buýt vào buổi tối, đi trễ quá Autorishaw sẽ nâng giá lên cao, hiện tượng kẹt xe có thể xảy ra, tôi cố tìm tất cả các lý do để có thể xuất phát thật sớm. Cuối cùng, chú cháu chúng tôi cũng lên đường, lúc đó nhà ăn ký túc xá Mansarowar bắt đầu mở cửa cho bữa cơm tối (20:00).

Không có tuyến xe buýt chạy trực tiếp từ khuôn viên Ðại học Delhi đến ga New Delhi, chú cháu tôi phải sang xe hai, ba lần và mỗi lần sang xe là mỗi lần vừa đi vừa chạy, vừa chạy vừa thở, trên lưng mỗi người là chiếc ba lô to tướng, phút chốc nhìn sang Sư thúc chạy bên cạnh, tôi bỗng mỉm cười : "Không biết người Ấn có gọi mình là Việt Nam ba lô[2] không nhỉ?!". Chiếc xe buýt đưa chúng tôi đến ga New Delhi, nhìn lên đồng hồ chỉ mới 21:40 tôi thở phào nhẹ nhõm. Sân ga New Delhi to lớn và ồn ào với đủ loại âm thanh, tiếng chuông leng keng của những người bán hàng dạo, tiếng mời gọi của những người bán hàng trên "Shop on wheels"[3], tiếng còi tàu, những thông báo phát ra từ loa, tiếng xin đường của những người phu khuân vác... tấp nập những âm thanh ồn ào hội tụ. Cố vượt qua những dòng người đông đúc, chúng tôi tìm đến toa xe của mình, một danh sách hành khách đi trên toa được in đậm dán ở cửa vào, để chắc chắn không lộn tàu tôi dò lại một lần và đối chiếu với chiếc vé cầm trên tay, mọi chi tiết không sai một chữ. Tàu hỏa Ấn Ðộ lớn hơn nhiều so với tàu hỏa ở Việt Nam, bề ngang khoảng 3.5m, đường ray rộng 1.67m, mỗi toa thường có sức chứa 72 giường nằm, đặc biệt tàu hỏa Ấn Ðộ có bộ phuộc nhún chịu áp lực cao. Lên đến tàu và ổn định chỗ ngồi, thời gian vẫn còn quá sớm, tôi quan sát mọi vật chung quanh: đó đây vài người thuộc giai cấp thấp vô gia cư đang "say giấc", mặc cho âm thanh cuộc đời réo gọi bên tai, những anh phu khuân vác đang bán sức mình đổi lấy vài chục rupees, ông lão hành khất cố lê những bước chân cuối ngày nặng nề đến một "chỗ trọ" dưới trụ đèn điện, một người đàn ông làm "thủ tục" lẽ ra phải đến W.C. ngay trước mặt mọi người, bên cạnh đường ray là đàn chó hoang còm cõi đang cố tìm kiếm thức ăn mà con người còn sót lại hoặc ăn dư vừa vứt ra khỏi tàu, một con trong đàn chỉ còn lại ba chân... tất cả diễn ra rất thật, rất tự nhiên trong cái không gian hôi nồng nặc nằm giữa những cặp đường sắt. Tôi không hiểu ngôn ngữ Hindi, không trực tiếp tiếp xúc, nhưng tôi đọc được trong những cảnh vật ấy là sự tàn phá của nghèo đói, khổ đau, bệnh tật... tất cả đang đổ ập lên đầu của những con người bất hạnh đang sinh sống trên đất nước chiếm hơn một nửa dân số nghèo thế giới này[4]. Tuy nhiên, đằng sau khuôn mặt nghèo nàn kia, người Ấn lại vô cùng hãnh diện trước mọi người về những cuộc triển lãm vũ khí chiến tranh kéo dài hàng tháng, những lần thử vũ khí hạt nhân của mình!?

Ðúng 22:35, tàu khởi hành. Ga New Delhi xa dần, xa dần dưới ánh đèn mờ ảo. Ðối diện chú cháu tôi là một gia đình người Ấn trung lưu theo đạo Hindu, gương mặt người đàn ông mang nét lạnh lùng pha chút cương nghị, người vợ tỏ vẻ nhẹ nhàng với đôi mắt man mác buồn, cô con gái khoảng tuổi tôi cũng có nét lành lạnh giống bố, chỉ có cậu con trai 12 tuổi vô tư trước mọi chuyện. Qua câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra sau đó, mới biết gia đình người Ấn nọ đang trên đường đến mảnh đất mới lập nghiệp. Ở Ấn độ, thường thì gia đình người phụ nữ chủ động trong việc tìm người đàn ông lý tưởng để xây dựng "tổ ấm trăm năm"; trước khi kết hôn người đàn ông có quyền ra giá và đưa ra những yêu cầu, nếu nhà gái đồng ý những yêu cầu đó (Ví dụ: một căn nhà 2 tầng, một xe hơi hiệu MARUTI, mấy triệu tiền mặt v.v. nói theo tiếng Việt là của hồi môn, số của hồi môn tùy theo trình độ học vấn và địa vị xã hội), hôn lễ sẽ được tiến hành sau đó. Và cũng kể từ đó, người đàn ông thực sự trở thành trụ cột của gia đình, đảm đang hết mọi công việc: từ việc bươn chải kiến tiền sinh sống, đến những việc thu chi, đối nội-đối ngoại... đều do người chồng đảm trách. Bất kỳ ở đâu trên đất nước Ấn Ðộ, nam giới làm tất cả mọi công việc từ buôn bán, may vá, nấu nướng, phục vụ ở các nơi công cộng, đến việc kinh doanh, giáo dục (tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ). Phụ nữ chỉ có trách nhiệm "ở nhà và làm mẹ". Tôi hỏi người đàn ông ngồi đối diện về việc học tập của cậu con trai, ông đăm chiêu nhìn ra khoảng không đen nghịt bên ngoài, thở dài đáp: "Tôi cũng không biết nữa". Ông bắt đầu kể về gia cảnh của mình: Ông làm nghề khai thác đá từ nhiều năm nay, thời gian gần đây công ty của ông giải thể, sức ép kinh tế gia đình ngày một nặng nề hơn từ lúc ông thất nghiệp, mọi lo toan chuẩn bị cho người con gái tuổi đã cận kề ngày "kén rể", "ngồi ăn núi lở" ông quyết định tìm đến miền đất mới vùng Nam-Ấn lập nghiệp, dù rằng ông chưa biết cuộc sống nơi đó sẽ ra sao...

Càng về khuya, mọi hành khách trên tàu dường như đã thiếp đi, tôi nhắm mắt cố tìm giấc ngủ sau một ngày mỏi mệt, nhưng vẫn không sao ngủ được. Tôi nằm yên, lắng nghe đoàn tàu đang lướt nhanh tạo thành những đợt âm thanh vun vút, tiếng phát ra từ động cơ tàu xình xịch, xình xịch đều đặn trong đêm tối mênh mông. Lại tiếp tục suy nghĩ miên man, đầu óc tôi như chập chờn bay bổng vào một thế giới vô cùng xa lạ. Những lần đi xa, tôi thường hay có tâm trạng như vậy. Tôi cố tìm một điều gì đó để có thể tập trung tư duy, nhưng suy nghĩ mãi vẫn không ra, tìm một đề thi cho chính bản thân mình quả thật không đơn giản. Ðoàn tàu chạy ngang qua một thị trấn nhỏ, bên ngoài những ngọn đèn đường tỏa sáng cả một vùng. Tôi ngồi dậy uống hớp nước và nhìn ra bên ngoài cửa kiếng, đoàn tàu lại xa dần khu thị trấn đi về khoảng không vô tận của màn đêm, chốc chốc cảnh vật bên ngoài tạo nên những hình thù quái dị chợt gần chợt xa, tôi bắt đầu cảm thấy trong người lành lạnh, nằm xuống và lòng lại nhủ lòng "Hãy ngủ đi !". Song, không tài nào chợp mắt, những hình ảnh quái dị bên ngoài đã chuyển thành nỗi ám ảnh trong tâm. Bất ngờ, tôi lại nhớ và liên tưởng đến những đoạn phim Ðường Tăng gặp vô số loài ma quái trong bộ "Tây Du ký", một bộ phim nổi tiếng do Nữ nghệ sĩ tài ba Trung Quốc-Dương Khiết - đạo diễn, dàn dựng dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Dù biết rằng "Tây Du Ký" là sự hư cấu về cuộc hành trình đến Tây Trúc cầu học của ngài Huyền Trang, nhưng tôi đã xem đi xem lại khá nhiều lần vẫn không thấy chán, chỉ tiếc rằng "Tây Du Ký" không đề cập đến việc chiêm bái các thánh tích của Tam Tạng Pháp sư Trần Huyền Trang. Hình ảnh cuộc đời Danh Tăng, Học giả Huyền Trang (玄奘 / HSUAN TSANG / Xuan Zhang, tục danh Trần Vỹ, sinh 596 - tử 664) trong những trang sử lại hiện ra trong tôi.

Tương truyền, Pháp sư Huyền Trang người gốc Lạc Dương. Thưở ấu thơ, không khác Ðạo An Ðại sư đời Ðông Tấn, Trần Huyền Trang được mọi người thời ấy gọi là "thần đồng", khi tuổi vừa lên tám với bẩm chất thông minh trong việc học và những kỳ tích của mình. Năm mười ba tuổi, như một định mệnh đã sắp đặt, Huyền Trang tự tìm đến chùa Tịnh Ðộ toạ lạc tại kinh đô Lạc Dương thời bấy giờ xin xuất gia đầu Phật. Mỗi ngày Huyền Trang cùng chúng trong chùa siêng năng chấp tác, thức khuya dậy sớm, không ngại việc đọc tụng kinh điển, tham thiền - trì giới. Năm hai mươi tuổi, Huyền Trang chính thức đăng đàn lãnh thọ giới pháp Tỳ kheo, bắt đầu cuộc đăng trình "vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai" để từ đó "hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự". Trong chùa, Huyền Trang là một đệ tử, một huynh đệ tinh tấn tu học; đối với người thế tục, Huyền Trang như một ngôi sao sáng, một tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá, ở Huyền Trang người ta có thể nhận thấy sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố tuyệt mỹ: một trí tuệ uyên bác, một cốt cách tao nhã hoà quyện trong một thân thể tráng kiện.

Tháng ngày dần trôi, Huyền Trang vẫn hàng ngày không ngại việc đọc tụng, nghiên cứu điển chương. Một ngày kia, Huyền Trang nhận ra rằng có một sự khác biệt khá lớn về những triết lý giữa các tông phái Phật giáo, một trong những khác biệt rõ nét nhất là giữa Trung Quán Tông và Duy Thức Tông. Ít lâu sau, Huyền Trang được Sư phụ gởi đến kinh đô Trường An tiếp tục con đường học Ðạo, nhưng những giải đáp của các bậc danh Tăng ở đất Trường An thời bấy giờ cũng không thể làm Huyền Trang thông suốt những kiến nghi phật học của mình. Huyền Trang quyết định thực hiện cuộc hành trình sang Tây Trúc cầu Ðạo, chuyến hành hương vĩ đại mà từ bao thế kỷ qua đã trở thành niềm cảm hứng cho không biết bao nhiêu người cầm bút, là niềm say mê cho các học giả phương Ðông lẫn phương Tây, là huyền thoại tuyệt vời cho bao thế hệ đã đi qua, là tấm gương vĩ đại cho lớp Tăng sĩ trẻ hôm nay, và mãi mãi sẽ là hình ảnh sáng ngời, bất diệt trong dòng thời gian sanh diệt vô tận.

Năm xưa ở tuổi 26, để đến được Ấn Ðộ chiêm bái và cầu học, pháp sư Trần Huyền Trang đã ra đi vào lúc nửa đêm, cuộc hành trình "nhập Trúc cầu Pháp" mười bảy năm cô thân vạn dặm từ Trung Hoa đến Tây Trúc với bao gian nguy khổ nhọc: đói, khát, bệnh tật, rừng thiêng nước độc, thú dữ, giang hồ thảo khấu... Rời kinh đô Trường An, pháp sư Huyền Trang đi theo con đường bộ duy nhất nối liền Trung Hoa với Tây Trúc thời bấy giờ - "Con đường Tơ lụa". Không có la bàn pháp sư Huyền Trang nhìn mặt trời lấy hướng Tây Bắc làm định hướng, đi dọc theo bờ Nam của Vạn Lý Trường Thành, đến Ðôn Hoàng và tìm cách vượt ải Ngọc Quan. Thời ấy, cửa ải Ngọc Quan có đến năm lớp thành, lính canh rất đông, vì phải tìm cách tránh các vọng gác vào giữa đêm tối, mất định hướng pháp sư Huyền Trang đã bị lạc vào lối sa mạc, nơi đó suốt năm ngày liền pháp sư Huyền Trang sống giữa ranh giới của tử sinh vì thiếu nước... Cuối cùng pháp sư Huyền Trang cũng đến được một thị trấn nhỏ thuộc Turkistan ngày nay.

Năm 629, sau những lần thoát khỏi những gian nguy, những lúc phải đối diện với tử thần, cũng có những tháng ngày được đón tiếp trọng vọng, có khi phải biện luận, đấu khẩu gay gắt với các luận sư về những quan điểm Phật học, trên cuộc hành trình; cuối cùng pháp sư Huyền Trang cũng đặt chân đến Gandhāra (乾陀羅) - vương quốc giá lạnh vùng Bắc Ấn (phía bắc Punjab ngày nay). Năm 631, pháp sư Huyền Trang rời Gandhara tiếp tục cuộc hành trình đến Kashmir (劫比舍也 / 罽賓), nơi có nhiều bậc luận sư Phật giáo trứ danh thời đó. Tại Kashmir, Huyền Trang được các luận sư hướng dẫn nghiên cứu về Duy thức học[5]. Sau hai năm khổ học, Huyền Trang quyết định rời Kasmir đi chiêm bái các Thánh tích. Ðiểm đầu tiên pháp sư Huyền Trang đến thăm là Hằng Hà, con sông mà Ðức Phật thường hay dùng số cát của nó để diễn tả con số không thể tính được trong các bản kinh Phật. Sau đó, pháp sư Huyền Trang hướng ngược về phía Bắc Ấn đến thành Xá Vệ (Sravasti). Rời thành Xá Vệ, pháp sư Huyền Trang hướng về chiêm bái Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Từ Lâm Tỳ Ni, Huyền Trang đến Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu)[6] thăm quê hương của Ðức Phật. Sau đó, lại xuôi dòng nước thiêng sông Hằng (Gangā)[7] viếng thành Ba La Nại (Varanasi) cùng Lộc Uyển (Sarnath), vượt qua những con đường đất quanh co, hun hút pháp sư Huyền Trang đến Bồ đề Ðạo tràng đảnh lễ cội Bồ đề nơi Ðức Phật nhập Ðại định và chứng ngộ. Sau đó, Ngài đến Học viện Na Lan Ðà (Nalanda Mahavihara), nơi mà pháp sư Trần Huyền Trang gặp người thầy đích thực của đời mình - ngài Giới Hiền (戒賢 / Śīlabhadra / 尸羅跋陀羅) - lúc ấy đã hơn trăm tuổi.

Tương truyền: Khi đến được Ðại Tòng Lâm Na Lan Ðà, pháp sư Huyền Trang đảnh lễ và bạch cùng ngài Giới Hiền: "Con pháp danh Huyền Trang từ Trung Hoa đến, xin thành tâm đê đầu đảnh lễ tam bái và cầu xin được thọ giáo cùng Ngài". Nghe vậy, ngài Giới Hiền rưng rưng nước mắt, đáp lại rằng: "Tôi đợi ông đã lâu, sao nay mới đến!". Pháp sư Huyền Trang đảnh lễ ba lạy và cũng không cầm được nước mắt, kể từ ngày đó pháp sư Huyền Trang thọ học với ngài Giới Hiền. Chuyện rằng, trước đó không lâu, ngài Giới Hiền lâm bệnh tưởng không thể kéo dài thêm sự sống được nữa. Một ngày kia, trên giường bệnh Ngài mơ thấy ba vị Thánh Tăng hiện ra bảo với Ngài rằng: "Ông phải sống để đợi một người học trò từ Trung Hoa sang cầu pháp". Ngài Giới Hiền tỉnh giấc và vài ngày sau đó bệnh cũng mau chóng qua khỏi. Nhiều học giả gọi Na Lan Ðà là quê hương thứ hai của ngài Huyền Trang. Vì nơi đó, Ngài đã tìm được vị minh sư của chính mình, nơi đó ngài Huyền Trang thực sự tìm thấy những gì mà Ngài đã ôm ấp từ Trung Hoa. Tại Na Lan Ðà, dưới sự hướng dẫn tận tuỵ của ngài Giới Hiền, pháp sư Huyền Trang được tinh thông các bộ luận quan trọng như : "Du già sư địa luận" (Yogācārya-bhūmi-śāstra / 瑜伽師地論), "Duy thức tam thập luận" (Vidyamatrāṣiddhitridasakarika-śāstra / 唯識三十論), v.v. và chính những gì học được từ ngài Giới Hiền, từ Na Lan Ðà, pháp sư Trần Huyền Trang đã làm đổi thay cục diện Phật giáo Trung Hoa thời Ðường, đưa Phật giáo Trung Hoa đến điểm phát triển cực thịnh.

Trong thời gian lưu học tại Na Lan Ðà, Ðường Huyền Trang thường xuyên đến Vương Xá Thành (Rajagrha), Linh Thứu Sơn chiêm bái và hành thiền. Ðến năm 638, Trần Huyền Trang rời Na Lan Ðà chu du khắp miền Nam Ấn Ðộ, để học hỏi và sưu tầm tất cả những bản kinh, luận Phật giáo nguyên văn chữ Phạn, cũng như các trường phái triết học của ngoại đạo Ấn Ðộ thời bấy giờ. Cuộc chu du này được thực hiện trong suốt bốn năm ròng, sau đó Trần Huyền Trang trở lại Na Lan Ðà tiếp tục con đường nghiên cứu của mình. Vào khoảng cuối năm 643, sau khi đã hoàn thành sở nguyện về việc học Ðạo của mình, pháp sư Trần Huyền Trang quyết định quay về cố hương, nơi có dòng Hoàng Hà thiêng liêng và thơ mộng không khác con sông Hằng của người Ấn.

Ðường về, pháp sư Trần Huyền Trang lại đi ngược về con đường năm xưa đã đưa Người đến "Tây Trúc Phật Quốc". Pháp sư Huyền Trang nương theo con đường phía Bắc của Tây Tạng hướng Nam của dãy Thiên Sơn, đi xuyên qua các nước Trung Á, băng qua sa mạc Gobi (Qua Bích), và đến cuối năm 644 thì đặt chân đến Ðôn Hoàng. Mùa xuân năm 645, Ngài huy hoàng trở về kinh đô Trường An, chấm dứt mười năm dài khổ học tại Na Lan Ðà và mười bảy năm hoàn thành chuyến hành hương vĩ đại của mình[8]. Khi pháp sư Huyền Trang về đến Trung Hoa được Đường Thái Tông cung thỉnh về trú ngụ tại chùa Hoằng Phúc. Sau đó, theo kiến nghị của Ngài, Vua kiến lập Viện Phiên dịch tại chùa Từ Ân, và thỉnh Ngài về chủ trì công cuộc phiên dịch tại đó. Ít lâu sau, Vua lại thỉnh Ngài về chùa Tây Minh, rồi cung Ngọc Hoa để an dưỡng và tiếp tục công việc dịch kinh, viết luận. Hai mươi năm kể từ ngày đặt chân trở lại cố hương, pháp sư Trần Huyền Trang dốc hết tâm nguyện đem cuộc đời còn lại và tài năng xuất chúng của mình phiên dịch Phật kinh, viết các sớ luận giảng giải về "Duy Thức"[9]. Năm 664, khi đang dịch bộ "Bát Nhã Ba La Mật" tại cung Ngọc Hoa, Pháp sư lỗi lạc bậc nhất Trung Hoa - Trần Huyền Trang - tự biết mình đã đến giờ lâm chung, thuận thế vô thường Ngài khoác bộ Tổ Y lễ Phật ba lạy, ngồi kiết già và thâu thần thị tịch, chấm dứt một cuộc đời phi thường như huyền thoại, lỗi lạc và uyên thâm mà nhiều thế hệ qua ít ai sánh bằng, ở tuổi 63. Bấy giờ thuộc niên hiệu Lâm Ðức thứ nhất đời vua Cao Tông. Vua Cao Tông đã ra lệnh bãi triều ba ngày để làm lễ Ðại Quốc Táng nhằm tỏ lòng kính tiếc vị "Ðệ nhất Pháp sư" lỗi lạc và siêu quần của mọi thời đại Trung Hoa.

 

 

Chú thích

1. Chowmein giống như món "Hủ tiếu xào" của người Hoa ở Việt Nam, nhưng người Ấn gia vị rất nhiều ớt Tây nên hơi có vị cay. Ở Ấn Ðộ, món này giá rất rẻ mà ăn rất no, phù hợp với túi tiền sinh viên.

2. Ở Sài gòn khái niệm "Tây ba lô" thường để chỉ những du khách nghèo từ các nước phương Tây đến Việt Nam du lịch, hành lý họ mang theo chỉ vỏn vẹn có chiếc ba lô trên người; mảnh đất "hào phóng" Sài gòn cũng dành riêng cho họ một khu phố mà người ta gọi là "khu phố Tây ba lô" (khu vực này nằm ở phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1- khu trung tâm Thành phố).

3. "Shop on wheels" là lối gọi của người Ấn Ðộ nghe cho sang, thực ra đây là loại xe đẩy bán hàng rong như ở Việt Nam.

4. Diện tích đất liền Ấn Ðộ là 3.287.263 Km2, dân số lên đến 1.027.015.247 người, mật độ phân bố dân cư là 324 người/km2, 65.38% dân số biết đọc - viết. Thủ đô Ấn Ðộ là Delhi, với diện tích 1483 km2, dân số 13.782.976 người, mật độ cư dân 9294 người/km2, trình độ biết đọc viết là 81.82% số dân, Delhi phân chia thành 9 địa hạt hành chánh. 

5. Duy thức học hay còn gọi là "Tâm lý học Phật giáo". Duy thức tông (唯識宗/ Dharmalakṣana / 瑜伽宗 Vijñānavāda) khai triển từ bộ luận nổi tiếng - "Duy Thức Tam Thập Tụng" - do ngài Thế Thân (Vasubandhu) biên soạn vào thế kỷ thứ V, ngài Huyền Trang dịch sang chữ Hán vào thế kỷ thứ VII. 

6. Ngày nay thành Ca Tỳ La Vệ nằm cách biên giới Sonauli (Biên giới giữa Ấn Ðộ và Népal) khoảng 40 Km. Nơi này người dân Népal ngày nay gọi là "Tilaurakot".

7. Sông Hằng dài trên 5575 Km, bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn chảy xuyên qua Tây Tạng rồi đến Ấn Ðộ. Người Ấn tin rằng nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi của người quá cố, vì thế sau khi chết, thi thể con người được đưa về bên sông hỏa táng và ném tro xuống sông, nước thiêng sông Hằng sẽ tẩy rửa những tội lỗi mà con người đã tạo lúc sanh tiền.

8. Tương truyền: Pháp sư Huyền Trang đã sưu tầm rất nhiều kinh luận nguyên văn Phạn ngữ của Phật giáo Ðại thừa, Nguyên Thủy và triết học ngoại đạo, bao gồm 659 bộ. Ngoài ra, Ngài còn thỉnh được nhiều Xá-lợi Phật, hình tượng Phật. 

       9. Trong vòng 20 năm, pháp sư Huyền Trang đã dịch 76 bộ Kinh Luận (gồm 1349 quyển), trong đó có: Ðại Bát Nhã Ba La Mật Kinh (600 quyển), Bát Nhã Ba la Mật Ða Tâm Kinh, Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Tiếp Thọ Kinh, Du Già Sư Ðịa Luận (100 quyển), Ðại Thừa A Tỳ Ðạt Ma tập Luận (7 quyển), Nhiếp Ðại Thừa Luận, Duy Thức Nhị Thập Luận Tụng, Câu Xá Luận (30 quyển), Nhiếp Ðại Thừa Luận Thích (10 quyển), Ðại Thừa A Tỳ Ðạt Ma Tạp Tập Luận (16 quyển), A Tỳ Ðạt Ma Ðại Tỳ Bà Sa Luận (200 quyển), Phát Trí Luận (20 quyển), .v.v. Ngoài ra Ngài còn viết nhiều tác phẩm phật học cũng như ký sự, hai tác phẩm đáng kể là: bộ "Hội Tông Luận" do Ngài viết khi còn lưu học tại Na Lan Ðà với mục đích dung hoà học thuyết giữa Trung Quán Tông và Du Già Tông, tác phẩm này được ngài Giới Hiền hết sức ca tụng; và bộ "Ðại Ðường Tây Vực ký" (12 quyển) ghi chép lại tất cả các tráng thái tôn giáo, phong tục, địa lý, lịch sử của Ấn Ðộ thời bấy giờ, đây là bộ sử liệu quý giá cho những ai muốn nghiên cứu về văn hoá và tôn giáo Ấn Ðộ thời đó.

Xem tiếp phần 4. Ngày 4 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003