TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 4
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

 

Ngày 04 tháng 08 năm 2000

 

5:30 sáng, tôi giật mình thức dậy. Ngoài kia vạn vật cũng đang bắt đầu một ngày mới. Vầng thái dương từ từ nhô lên ở phía chân trời, mặt trời buổi sáng trông giống như màu hồng của lòng đỏ trứng gà sáng rực. Con tàu vẫn lao nhanh về phía trước, cái lòng đỏ trứng gà khổng lồ kia dường như cũng muốn chạy theo đùa giỡn. Một khung cảnh thật nên thơ, lâu lắm rồi tôi lại có dịp được nhìn mặt trời mọc lúc bình minh. Cuộc sống nơi phố thị đôi khi làm cho con người ta quên lãng sự hiện diện của thiên nhiên. Ðoàn tàu chạy ngang qua những cánh đồng bạt ngàn, xa tắp, xanh rì thấp thoáng một chút hình bóng quê hương, tôi chợt phát hiện ra một điều gì đó thật xa lạ, đó đây một vài cây xoài đứng bơ vơ, lạc lõng, xa xa những hàng cọ cao cao tạo thành một phong cách "rất Ấn Ðộ", khác với đồng quê Việt Nam ở đâu cũng thấy thấp thoáng lũy tre làng. Thỉnh thoảng tàu chạy ngang qua những vùng có hàng trăm lều trại dựng tạm, ban đầu tôi cứ ngỡ học sinh- sinh viên đi dã ngoại, sau thấy có cả người già và trẻ em, rồi những đàn gia súc lớn, cùng lời thuyết minh của Sư thúc bên cạnh, tôi mới biết họ là dân du mục, hai tiếng "Du mục" tôi từng biết qua sách vở và phim ảnh hoàn toàn khác, họ là những con người hung hăng, thiện chiến, lúc nào trong tay cũng cầm cây cung hoặc một loại vũ khí, họ ngồi trên những con ngựa to lớn phóng như tên bay. Còn ở đây, trong mắt tôi những du mục trên thảo nguyên Ấn Ðộ là những con người sống trong chịu đựng, đói rách, tật bệnh. Ngồi trên tàu, tôi tiếp xúc hàng loạt những hình ảnh và khái niệm qua lời thuyết minh của Sư thúc: khắp đất nước Ấn Ðộ, lò thiêu được cất lên chi chít, có cái trông giống như bản sao thu nhỏ lò nung gạch ở quê tôi, có cái đơn giản chỉ là bốn bức vách bằng gạch, hai loại lò thiêu này thường chỉ dùng vào những ngày mưa gió, còn hầu hết các thi thể người chết chỉ đem ra bãi đất trống chất củi lên hỏa táng. Cứ vài chục phút tàu chạy lại thấy một đài hỏa táng, rải rác trên những cánh đồng hoặc bên những nhánh sông lớn của con sông Hằng thiêng liêng mang đầy màu sắc huyền thoại. Theo những truyền thuyết trong trí tưởng tượng phong phú của người Ấn, sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gangā/Gange) như hai cô gái kiều diễm, vốn là hai chị em sinh đôi, nhưng từ khi sanh ra đã ngoảnh mặt lại nhau và mãi mãi chẳng bao giờ nhìn mặt nhau. Sông Hằng bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), ngọn núi hùng vĩ xếp thành vòng cung bao bọc Ấn Ðộ với chiều dài hơn 2600 Km, Hy Mã Lạp Sơn có cả thảy 40 ngọn núi cao trên 7000 mét so với mực nước biển. Người Ấn thời xa xưa tin rằng Hy Mã Lạp Sơn là "trụ trời" nâng cao vòm trời lên, để cho nhân gian sinh sống; Hy Mã Lạp Sơn là nơi tiếp giáp giữa cõi trời và trần gian, là nơi trú ngụ và đi về của các đấng thần linh giữa Thiên giới và hạ giới. Himalaya, theo tiếng Sanskrit, có nghĩa là "nơi trú ngụ của tuyết" hay "xứ sở của tuyết". Hy Mã Lạp Sơn là dãy núi cao nhất thế giới với khối băng tuyết vĩnh cửu là nguồn nước vô tận của sông Hằng. Vì vậy trong tư duy huyền thoại của người Ấn, sông Hằng là người con gái của Hy Mã Lạp Sơn. Không những thế, sông Hằng là con sông bắt nguồn từ trên trời, nó chảy tung bọt dưới chân thần Vishnu (thần bảo tồn), nên nó có tên là Vishnupadi. Sông Hằng chảy xuống tưới mát trần gian ngang qua Hy Mã Lạp Sơn và tiếp tục chảy xuống âm phủ. Vì vậy dòng nước sông Hằng chảy qua cả ba thế giới: trên trời nó là Ngân Hà, ở mặt đất nó là Hằng Hà và dưới âm phủ nó có tên là Patalaganga. Vì nó chảy qua ba thế giới nên còn được gọi là Tripathaga. Với người Ấn, nước sông Hằng có sức thanh tẩy rất mầu nhiệm, ai có tội đến tắm nước sông sẽ trở lại trong sạch. Chính vì tin vào sự thanh lọc đặc biệt đó mà việc tắm nước sông Hằng đã trở thành một sinh hoạt tôn giáo hết sức thiêng liêng - Lễ hội tắm Kumbh Mela - với hàng triệu tín đồ Hindu, không phân biệt già-trẻ, trai-gái, trí thức- bình dân,từ khắp nơi hành hương về mỗi năm, với ước mong được tắm dưới dòng nước mát sông Hằng, để được rửa sạch mọi lỗi lầm, để được tĩnh tâm, được an ủi. Sông Hằng được xem như một người mẹ hết sức bao dung nhân từ, thông qua hình ảnh nhân hóa là một người đàn bà mang trên mình bình nước đầy, đứng trên một con cá sấu. Vì vậy trong nền văn học Ấn Ðộ ví nước sông Hằng là sữa trường sinh, Mẹ muôn đời nuôi dưỡng đàn con khao khát. Sông Hằng là nơi mà mọi tín đồ Hindu đều mong được ngâm mình trong lòng của nó một lần trong đời, và cũng mong được diễm phúc nằm lại nơi đó khi trút bỏ xác thân để đi về thế giới vĩnh hằng. Bởi vì: "... nó là con sông của người Ấn Ðộ, con sông đã nắm giữ trái tim của những người dân xứ Ấn, nó đã thu hút hàng bao nhiêu triệu triệu con người đến bên bờ của nó từ buổi bình minh của lịch sử." như Jawaharlal Nehru từng viết trong cuốn "Discovery of India".

Tục lệ người Ấn thường hỏa táng sau khi chết, khi mãn phần thi thể người quá cố sẽ được đưa đến một lò thiêu, hay một bãi đất trống bên sông trên một chiếc cáng được làm bằng hai thanh gỗ đơn sơ, không có áo quan chỉ một tấm vải thô quấn quanh thi thể, đám tang chỉ có bốn thanh niên vác chiếc cáng có thi thể và một vài người thân lặng lẽ theo sau, chẳng có kèn trống, di ảnh, bát hương, lễ nhạc, cũng chẳng có tiếng khóc than của những người thân trong gia quyến, sau khi hỏa thiêu người ta đem tro ném xuống dòng sông, tất cả diễn ra trong sự lặng im, vô tình. Vâng, cái dấu chấm hết của một kiếp người trên mảnh đất Ấn Ðộ huyền bí và khổ đau này lạ thường đến như vậy[1]! Cái chết đã lạnh lùng, cuộc sống cũng hết sức giản đơn: hầu hết nhà ở người dân vùng Bắc Ấn rất đơn sơ, không xây dựng cầu kỳ, cao tầng, chỉ dùng phân bò trộn với đất sét làm vật liệu đắp lên khung gỗ làm tường, giống như cách làm nhà đất ở nông thôn Việt Nam, các gia đình khá giả cũng xây nhà rất đơn giản, chỉ là những mái nhà nhỏ xây bằng gạch, và hầu như nhà ở người Ấn đều xây rất vuông vức, xa xa nhìn như những cái hộp quẹt màu hồng (không có nóc nhà như ở Việt Nam). Phương thức canh tác nông nghiệp phần nhiều vẫn còn ở cấp độ thủ công, dùng sức kéo động vật, máy móc cơ giới hầu như chưa được vận dụng nhiều vào lĩnh vực này (quan sát từ trên tàu hỏa cho chuyến đi này).

Trên tàu Ấn Ðộ không như ở Việt Nam, cứ mỗi 15 phút tôi lại tiếp một vị "khách không có thư mời" đến "thăm hỏi", tất nhiên sau những lời chào hỏi vài giây kia tôi phải "trả lễ" mỗi lần 2 hoặc 3Rs. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một chú bé có đôi chân tật nguyền, đến chỗ ngồi của hành khách xin được quét rác, dù rằng một chú bé khác vừa làm công việc tương tự vài phút trước đó. Ðồ nghề làm "kế sinh nhai" của các chú bé hành khất kia đơn giản chỉ là một chiếc khăn lông rách tả tơi hoặc vài que tăm nhóm lại, sau khi làm xong công việc "phục vụ vệ sinh hành khách" từ đầu toa đến cuối toa, chú bé nọ trở lại "kêu gọi" từng người. Ðương nhiên không ai có thể làm ngơ trước những hoàn cảnh như vậy. Ðặc biệt nhất là cách xin tiền của các nhóm "chuyển giới", mỗi nhóm có khoảng 4 hoặc 5 người tuổi từ 25 đến 40, thuộc trường phái "chưa được xếp hạng" (ngôn ngữ văn chương thường gọi là "bán nam bán nữ"), họ vừa đi vừa hát, vừa hát vừa vỗ tay, đến đâu cũng đều được mọi người "hoan nghênh" ủng hộ nhiệt liệt và không ai chối từ việc "tự nguyện móc túi", người Ấn rất thương những con người có hoàn cảnh "trái tự nhiên" như vậy. Nếu là du khách nước ngoài, mỗi hành khách phải chuẩn bị một phần ba số tiền vé cho khoảng "các chi phí phát sinh" trên tàu, cũng đừng quên đến các điểm đổi tiền, đổi thành tiền lẻ trước khi xuất hành (theo kinh nghiệm những người đi trước).

1:15 trưa, người đàn ông ngồi đối diện nhắc chúng tôi tàu sắp đến ga Gaya, tôi chuẩn bị hành lý mang lên vai, tạm biệt và chúc gia đình ông gặp nhiều may mắn, cậu con trai vẫn vô tư với tập truyện tranh người cha vừa mua ở ga trước đó, cô con gái không còn bộ mặt "lành lạnh" như hôm qua, nở nụ cười vẫy tay "Good bye, Sir". Ðúng 13:25 tàu dừng hẳn. Tàu hỏa Ấn Ðộ không có cửa sổ song sắt để tuồn hành lý qua như tàu Việt Nam[2], vì vậy người và hành lý phải xuống bằng cửa chính, bên trên chen chúc, xô đẩy nhau bước xuống tàu, hàng người từ dưới ga cũng tranh thủ "tấn công" lên, tất cả tạo ra một cuộc xô đẩy rất lạ mắt. Tận dụng ưu thế cao to và chiếc ba lô cồng kềnh sau lưng, tôi vừa đi vừa mở đường cho Sư thúc theo sau. Sân ga Gaya tuy nhỏ, nhưng cũng quy mô và tấp nập không kém ga Hòa Hưng- Sài gòn (ga Gaya có cả thảy 5 Platform, mỗi Platform là mỗi cặp đường sắt), Tây, Tàu, Nhật, Hàn đủ cả. Khắp sân ga, những người dân lao động nghèo rời Gaya để đến những thành phố lớn tìm việc làm, họ ngồi thành từng nhóm chờ đợi những chuyến "tàu Chợ", họ nằm la liệt khắp nơi đợi những chuyến tàu có thể miễn phí. Như đã nói châm ngôn sống của người Ấn là "Nhịn đói, suy tư và chờ đợi", vì vậy người Ấn "chi tiêu" thời gian rất "hào phóng", nhiều người có thể nhịn đói, chờ đợi vài chục giờ đồng hồ là việc rất bình thường. Trong sân ga Gaya các vị "Thần bò Nandi" hiên ngang đi lại khắp nơi, chúng vô tư thải phân "mọi nơi mọi lúc", người Ấn cũng "tỉnh queo" và không hề có bất kỳ phản ứng nào về việc đó, dù rằng các "vị thần" kia thải "chất thánh" ngay bên chỗ họ ngồi. Các loài gia súc cũng tranh thủ sinh hoạt chung với con người, ở Ấn Ðộ người và vật luôn theo phương thức "chung sống hòa bình". Ấn tượng nhất vẫn là đoàn người đi ngược dòng sông Hằng, đến đầu nguồn con sông này rước nước thiêng mang về cho địa phương (lễ hội Shravan), cầu nguyện năm ấy địa phương được mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc; đoàn người rước nước là những chàng thanh niên Ấn tuổi từ 20-30, tất cả họ đều mặc chiếc áo đồng phục màu cam sậm có in hình thần Brahma[3]. Trên đường "mang trọng trách của địa phương" thực hiện cuộc hành trình "vì làng nước" ấy, họ cũng tranh thủ viếng Bodhgayā - đó là cơ hội hiếm có để những chàng thanh niên kia mở chuyến du lịch đến các vùng đất thiêng Ấn Ðộ miễn phí. Vì họ được nhân viên đường sắt không thu tiền vé. Một anh chàng trong nhóm rước nước có máy ảnh, mời tôi chụp chung tấm hình, đó là lần đầu tiên trong đời anh ta cùng nhóm chụp hình chung với một người ngoại quốc (theo lời anh ta). Ở Ấn Ðộ, vấn đề phân biệt giai cấp hết sức rõ ràng, một người thuộc giai cấp trên thường ít khi chịu chụp hình chung với một người giai cấp thấp hơn mình, cũng đừng bao giờ nhờ họ cầm máy ảnh chụp hình một người thuộc giai cấp dưới...

Chú cháu tôi "hợp tác" với bốn du khách người Pháp thuê chung một chiếc xe từ ga Gaya vào Bodhgayā, anh chàng Tài xế "hét" cái giá 500 Rs[4], sau 15 phút làm cái công việc "thuyết phục" cuối cùng anh chàng tài xế kia phải lắc đầu chịu giá 150Rs (trả giá theo lối Việt Nam thì người Ấn đầu hàng). Chú cháu tôi ngồi phía trước, bốn người Pháp nọ chen chúc ở hàng ghế sau, không ai có thể nhúc nhích, anh chàng tài xế người Ấn nhìn qua gương chiếu hậu lắc đầu [5] mỉm cười, một bài hòa tấu nhạc Ấn Ðộ phát ra nho nhỏ. Con đường từ ga Gaya đến Bodhgayā dài 12Km chạy men theo triền núi, tương đối sạch và xanh hơn thủ đô Delhi đầy ô nhiễm, hai bên đường những hàng cây xanh trồng thẳng tắp, cỏ cũng được trồng gọn gàng và được chăm sóc như tiêu chuẩn trong các công viên, một cảm giác thanh thản, dễ chịu kể từ ngày đặt chân đến Ấn Ðộ. Chào bốn người Pháp nọ, chúng tôi xuống chùa Ðài Loan[6]. Hôm ấy, Hòa thượng Viện Chủ vừa đi dự hội nghị Phật giáo Hoa Tông tại Hàn Quốc, sư cô Tri sự cũng trở về Ðài Loan chuẩn bị cho mùa Vu Lan một tuần trước đó, một vị Tân Tỳ kheo vừa từ Ðài Loan được "cắt cử" đến trông coi ngôi chùa và quản lý nhóm thợ xây dựng đang xây cất một hồ chứa nước. Qua lời giới thiệu, thấy tôi biết chút ít tiếng Hoa, thầy Từ Phát - tên vị Tân Tỳ kheo nọ- vui vẻ sắp xếp cho chúng tôi căn phòng mới nhất có cửa sổ rộng, thầy mời chú cháu tôi hai chai Pepsi ướp lạnh, uống xong vẫn thấy khát thầy lại đem thêm chai nước suối Bisleri loại 5 lít, "cơn khát tan biến ngay tức thì" (cười).

Xếp hành lý vào ngăn tủ, hai chú cháu tôi đi bộ ra hướng Ðại tháp Giác Ngộ mà người dân ở đây gọi là Chùa chính (Main Temple), tôi cố bước đi thật nhanh nhưng cái khoảng cách một ngàn mét lúc ấy xa như nửa ngày. Rồi một phút đôi mắt dường như cay cay, tôi dừng lại trước cái khung cảnh vô cùng quen thuộc nhưng cũng thật mới lạ kia, lòng lại hỏi lòng "mình có mơ không nhĩ!". Tôi bỗng nhận ra hình bóng chàng du tử dọc ngang bốn biển, vạn dặm cô thân đang cúi đầu thành kính, khoảnh khắc im lặng trăm năm bỗng hiện về. Lời chào Bồ đề Ðạo tràng không phát ra thành âm thanh, chỉ hiện trên đôi mắt, tôi lặng lẽ bước qua từng bậc tam cấp, cố nén lòng mình bước nhẹ để khỏi phá vỡ không gian yên tịnh vốn có của Bồ Ðề Ðạo Tràng, nhẹ nhàng vào bên trong tháp - nơi Tôn trí kim thân Ðức Phật - một bài kinh vô tự không màu sắc, không âm thanh, không giai điệu, không tiết tấu, lặng thinh mà thông suốt. Tôi quỳ mọp xuống đảnh lễ Ðấng Từ Phụ, một cảm giác thiêng liêng vô tận lan tỏa, tôi cố kéo dài thêm cái khoảnh khắc thiêng liêng kỳ diệu kia, cái khoảnh khắc khó quên mà trong cuộc hành trình học Đạo của tôi chỉ xuất hiện hai lần: Lần thứ nhất, khi quỳ trước Thập sư nơi Pháp đàn lãnh nhận y, bát, giới pháp Cụ túc; và lần này được quỳ chính nơi mà hơn 2500 năm trước, bậc Vương giả có tên gọi là Tất Ðạt Ða Cồ Ðàm (Siddhattha Gotama) đã nhập Ðại định, chiến thắng nội tâm lẫn ngoại cảnh, đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Sau nghi thức lễ Phật bên trong Ðại tháp, tôi lại nôn nao ra cội Bồ đề lịch sử. Và tôi đã tận mắt nhìn thấy, chạm bằng tay vào cây Bồ Ðề thiêng, đảnh lễ Kim cang tòa- nơi ghi dấu sự chứng đạo của Ðức Phật- mà trước đây chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến, ngay cả trong những giấc mơ. Ðược biết cây Bồ đề hiện tại chỉ mới hơn 100 tuổi, là con cháu cội Bồ đề mà Ðức Phật đã tọa thiền hai mươi mấy thế kỷ trước. Tương truyền, cùng với những thăng trầm, thịnh suy của Phật giáo, cây Bồ đề đã bao phen bị đốn chặt, đốt phá, đào gốc chẻ ngọn... nhưng kỳ diệu thay từ một đống tro tàn lại mọc lên cây Bồ đề khác. Theo nhà khảo cổ lừng danh Cunningham, cây Bồ đề ngày nay mọc chính xác nơi cây Bồ đề trước đây. Một giai thoại kể rằng[7]: Sau khi Phật nhập diệt, vua A Dục những ngày đầu trị vì tin theo Bà la môn giáo, vì muốn tiêu diệt mọi dấu vết của Phật giáo nên đã triệu tập một đoàn quân và đích thân dẫn đoàn quân kia đến tiêu diệt cây Bồ đề. Vua đã đốn cây tận rễ, chẻ thân và những nhánh cây thành những miếng gỗ nhỏ vụn và đổ về phía tây gốc Bồ đề cũ, ra lệnh cho một người Bà la môn làm lễ thiêu đốt đống gỗ kia để cúng dường Phạm Thiên. Khi những làn khói từ đống gỗ bị thiêu kia tan biến, kỳ diệu thay: một cây Bồ đề đã mọc lên từ đống tro tàn với những cành lá lung linh như lông vũ, cây này được gọi là "cây Bồ đề từ tro tàn". Chứng kiến sự nhiệm mầu này, vua A Dục sanh tâm hối hận, Vua dùng sữa thơm tưới vào gốc cây con, sáng hôm sau cây đã lớn mạnh... Và cây Bồ đề linh thiêng này, đã làm Vua phát tâm chăm sóc, bón dưỡng đến nỗi quên cả việc quay về cung. Thấy vậy Hoàng hậu- một tín đồ Bà la môn giáo- ngày nọ cho người lén đến đốn và đốt cây kia. Sáng hôm sau khi Vua đến để chăm sóc cây, chỉ thấy trơ không gốc cây bị chặt, vô cùng đau lòng mà khóc than. Với tất cả lòng thành, Vua cầu nguyện và lại tưới gốc cây bằng sữa thơm, không đầy một ngày cây Bồ đề mọc lại như cũ. Lại một lần cảm động trước phép mầu, Vua đã cho xây một bức tường cao 10 feet [8] chung quanh cây Bồ đề (bức tường này ngày nay vẫn còn). Một giai thoại khác cho rằng[9]: việc chặt phá "Bồ đề Linh thọ" nguyên thủy là do Quý phi Tissarakkhā- người được vua A Dục tuyển vào cung bốn năm trước khi băng hà- vì vị hoàng đế này đã dành nhiều thời giờ quan tâm đến cây Bồ Ðề hơn việc chăm sóc bà. Chuyện kể rằng: Quý phi Tissarakkhā đã dùng thứ gai nhọn có tên "Mandu" đâm vào thân cây, mà bà tưởng rằng có một tiên nữ bên trong. Người Ấn tin rằng Mandu là thứ gai có khả năng hủy diệt nguồn sống của cây cối, làm cho cây cối phải héo khô. Việc phá hủy cây Bồ đề thay thế (cây con) gán cho vua Sasānka xứ Ganda (Bengal) vì lý do tôn giáo. Theo ký sự của ngài Huyền Trang: Vua Sasānka là một người cuồng tín Ấn giáo, nên rất mực thù ghét Phật giáo, một lần trong chiến dịch chống Kānya - Kubja (Kanauj) vào đầu thế kỷ thứ VII, Vua đi ngang qua Bồ Ðề Ðạo Tràng, với cái nhìn méo mó về Phật giáo Ông không những ra lệnh đốn phá cây, mà còn truyền cho quân lính đào gốc rễ đem đốt cho tuyệt giống. Cây thay thế lần thứ hai (cây cháu) lại được vua Pùrnavarman- vua cuối cùng kế ngôi dòng A Dục ở nươùc Ma kiệt đà (Magadha)- trồng ngay vị trí cây cũ (cây này được chiết từ nhánh cây Bồ đề Ðức Phật nhập đại định)[10].

Hôm ấy, một đoàn Phật tử Tích Lan cũng hành hương đến Bồ Ðề Ðạo Tràng, theo truyền thống Phật giáo Tích Lan tất cả Cư sĩ tại gia đều mặc đồng phục màu trắng, đúng với nghĩa "bạch y cư sĩ", lối trang phục tương tự như trang phục cổ truyền người Ấn. Cả đoàn khoảng 60 người, đang ngồi tập trung bên tay trái cách cội "Bồ đề linh thọ" khoảng chừng 4 mét, bao trùm cả lối đi, tất cả chăm chú nghe Hòa thượng Viện chủ Mahabodhi Society- người Tích Lan - thuyết giảng bằng ngôn ngữ địa phương. Trong số thính chúng có vị Sư ở cùng nhà với tôi ở Kamla Nagar, mà những ngày sau đó qua Sư tôi được biết: Ở Tích Lan, hàng năm có hai mùa hành hương về đất Phật, thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 và từ đầu tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Hòa thượng giảng pháp là bậc Thượng thư của Phật giáo Tích Lan tại Ấn Ðộ, Ngài giảng về ý nghĩa thành đạo của Ðức Phật, về tính chất thiêng liêng của Bồ Ðề Ðạo Tràng và tự hào về công cuộc phục hưng Bồ Ðề Ðạo Tràng của những người Phật tử Tích Lan.

Sau khi chiêm bái cội Bồ đề thiêng và đảnh lễ Kim cang tòa[11], trời đã về chiều Sư thúc dắt tôi đến thăm Thầy Quảng Trí -người Việt xuất gia tại Hoa Kỳ- đang hành trì lễ Phật bên cạnh ngôi Tháp. Từ xa nhìn thấy vị Tăng nhỏ con, mặc pháp phục Bắc tông đang chí thành hướng về ngôi Ðại Tháp đảnh lễ, tôi quả quyết "Thầy Quảng Trí kia rồi", tất nhiên là tôi đoán đúng 100%. Qua câu chuyện và lời giới thiệu của Sư thúc, được biết thầy Quảng Trí là đệ tử Hòa thượng Thích Ðức Niệm tại Hoa Kỳ, thầy vừa xuất gia cách đó vài năm, phát nguyện được sang chiêm bái và hành trì lễ sám nơi đất Phật. Khi đến Sứ quán Ấn Ðộ tại Hoa kỳ xin Visa sang Ấn, Ðại Sứ Ấn Ðộ hỏi "Mục đích của Ông đến Ấn Ðộ để làm gì?", sau khi thầy Quảng Trí trình bày về việc xin đến Ấn Ðộ tu học và hành trì, Ông Ðại sứ nọ đã cấp Visa dài hạn ở Ấn Ðộ (10 năm). Khi đến Bodhgayā, Thầy xin vào ở trọ một ngôi Chùa Trung Quốc (đối diện Chùa Ðài Loan), Hòa thượng Viện chủ chùa này đồng ý để Thầy lưu trú đến khi nào Thầy không thích ở nữa thì thôi. Mỗi ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng Thầy ra tháp hướng về Ðại Tháp và cây Bồ đề hành trì lễ bái 1000 lạy rồi về chùa thọ trai, chiều lại tiếp túc 1000 lạy nữa, hôm nào khỏe và có "bạn" thì Thầy thọ trì thêm 500 lạy đến 8 giờ tối. Qua những người quen sau đó, tôi được biết Thầy đã hành trì như vậy gần năm nay. Tiếp xúc với Thầy Quảng Trí, tôi cảm nhận được có một cái gì đó hay hay phát ra từ nơi Thầy, một sự khiêm cung từ tốn, một sự thành tâm không giải đãi; nhìn tấm ván mà thầy dùng làm nơi lễ bái tôi thấy tấm ván đã mòn nhẵn và láng bóng, tất cả như muốn nói lên một sự kiên trì khó tả... Cách đó 5 mét, một vị sư Tây tạng cũng hành trì lễ Phật theo cách "Ngũ thể đầu địa" trên một bộ ván khác, vị Sư này tuổi khoảng 36-40, thân hình cao và ốm, đôi gò má như bị cóp lại, tuy nhiên đằng sau thân hình gầy ốm kia Sư có một đôi mắt rất bao dung, từ ái. Nhìn vị sư Tây Tạng nọ, tôi chợt nhớ đến những bài tập "Tumo" huyền bí thường hay mô tả trong các bài viết, khi người ta nói về Tây Tạng, xứ sở của "huyền bí và đau khổ". Theo những người dân từng sinh ra và lớn lên trên xứ sở của những chú Yak[12], thì các vị Lạt Ma mà họ tin là có thể "tái sanh" là người hướng dẫn, là Bồ tát thị hiện để cứu giúp người dân Tây Tạng. "Tumo" trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là "áo khoác ấm và dịu của thần linh". Người ta kể rằng: mỗi sáng sớm, khi trời còn mờ tối, các vị Lạt ma lại bắt đầu luyện tập "bài tập bí hiểm Tumo" và chấm dứt khi ông mặt trời bắt đầu đi ngủ. Bài tập này thường được các vị Lạt ma chọn một nơi nào đó trên những đỉnh núi tuyết cao và có khí hậu lạnh nhất, rồi ngồi xếp bằng trên những tảng đá băng, tất nhiên chỉ có ít y phục che đậy những nơi cần thiết, còn những người mới tập thì có thể lót thêm tấm thảm hay miếng ván mỏng. Những người luyện tập "Tumo" phải nhịn ăn, nhịn uống hoàn toàn cho đến khi bài tập kết thúc. Ðêm về, các vị chỉ lót dạ bằng một loại bánh duy nhất có tên là "Fatou"[13] rất nghèo chất dinh dưỡng và chỉ uống vài cốc nước. Thường thì những bài tập khổ luyện như thế này kéo dài liên tiếp trong ba tháng, sau đó là những cuộc thi tài được diễn ra trên những ngọn núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Sự thi tài giữa các vị Lạt Ma diễn ra thật khó mà tưởng tượng, người ta đua nhau nhúng những chiếc khăn khổ lớn xuống nước cực lạnh, hoặc trộn chúng vào tuyết rồi khoác lên mình mỗi người, chiếc khăn sẽ khô dần do nhiệt lượng tỏa ra từ cơ thể của các vị Lạt Ma, khi mặt trời gác núi vị nào có nhiều khăn khô nhất sẽ là người thắng cuộc. Ðến nay, các bài tập "Tumo" vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với những khoa học gia.

5 giờ rưỡi chiều, để khỏi ảnh hưởng đến việc lễ bái của thầy Quảng Trí, hai chú cháu tôi chào Thầy để đi một vòng khuôn viên Bồ Ðề Ðạo Tràng. Trên đường đi, thầy trò tôi gặp anh Nên -một Việt kiều ở Canada- phát tâm làm công quả cho Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu, anh mời chúng tôi trưa hôm sau ra Chùa Việt Nam uống "Trà đạo" (từ do anh dùng). Vừa đi Sư thúc thuyết minh về những di tích quanh tháp. Dọc theo bờ tường hướng Bắc của đại tháp (bên tay phải từ cổng chính, và bên trái cây Bồ đề), một khối đá có các chiều dài, cao, rộng là (18,2m x 0,9m x 1,2m), bên trên có khắc những biểu tượng hoa sen được gọi là trụ Chankramenar (còn gọi là trụ Cankamana). Tương truyền rằng đây là nơi Ðức Phật kinh hành trong tuần lễ thứ ba sau khi thành đạo. Gần đến cửa vào tháp, bức tường bên tay phải (từ cổng chính nhìn vào) có bức tượng Quán Thế Âm Bồ tát tạc theo truyền thống Tây Tạng: là người nam và khoác trang phục như một vị Pháp vương tử, có rất nhiều người đang cầu nguyện và nhắm mắt đi thẳng tới tượng. Ðược biết đây là một trong những tượng rất linh thiêng, những ai có ước nguyện gì đến đây khấn xin và nhắm mắt đi thẳng đến tượng ở trước mặt (khoảng 5 mét), nếu ai đến và sờ được chân tượng thì nguyện sẽ thành, còn như mất định hướng đi lệch quá xa thì xin lại... những ngày ở đây, nhận thấy số người đến đảnh lễ và cầu xin Bồ tát Quan Thế Âm rất đông, có cả vài đôi vợ chồng theo đạo Hồi mới sanh con. Sư thúc chỉ tôi ba trụ đá nhỏ do vua A Dục trồng ngay trước cổng ra vào của tháp, rồi dắt đến trụ đá lớn của vua A dục. Trụ đá lớn vua A Dục được tạc theo khối hình trụ có đường kính khoảng 0,65 mét, chiều cao khoảng 6 mét, đỡ chân phía dưới cũng là một khối đá hình vuông có nền tròn... được trồng trước hồ Mucalinda khoảng 4 mét. Lối vào hồ Mucalinda là một nhà vòm kiên cố màu đỏ gạch, nhà vòm này chia thành 5 khung nhỏ, ở đó có vài vị sư Ấn giáo đang lâm râm tụng kinh, một thềm tam cấp 21 bậc từ nhà vòm bước thẳng xuống hồ, trong hồ trồng rất nhiều loại sen nở rất đẹp, giữa hồ có tượng Phật ngồi thiền được con rắn hổ mang che chở. Tương truyền hồ nước này đánh dấu nơi Ðức Phật ngồi thiền trong tuần thứ sáu sau khi giác ngộ, một giai thoại kể rằng:[14]"Tuần thứ sáu. Từ cây Ajapāla Ðức Phật sang qua cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Vừa lúc ấy, Mucalinda- Mãng xà vương- từ ổ chun ra, uốn mình quấn xung quanh Ðức Phật bảy vòng và lấy cái mỏ to che đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Ðức Phật. Ðến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn hóa thành một thanh niên chắp tay đứng trước mặt Ðức Phật". Hồ Mucalinda có diện tích khoảng (150mx70m), trong hồ có rất nhiều cá do Phật tử mang đến phóng sanh, tất cả chúng rất to, mỗi con ước lượng khoảng 5 hoặc 6 kg, thỉnh thoảng chúng tung hứng nhảy lên và rơi xuống làm nước tung toé cả một vùng, chúng rất háu ăn chỉ thấy bóng người là chúng thi nhau "biểu diễn nhào lộn", một ổ bánh mì rơi xuống chúng sẽ làm sạch trong vòng vài giây. Quanh hồ có nhiều người đang mua thức ăn rải xuống bố thí cho chúng: hai cô người Nhật, bốn người khách Tây, mười mấy Phật tử Tích Lan và tôi cũng có trong số những người bố thí ấy; có cả một "dịch vụ" bán thức ăn cho cá do một số thanh niên trong vùng thực hiện, một bịch nhỏ thức ăn của cá bao gồm: bánh quy vụng, bắp rang, chapati vụng, gạo cốm rang... được bán với giá từ 15 đến 20Rs và bọn cá háu ăn kia chỉ thanh toán trong chớp mắt. Nghe nói ngày trước vào mỗi buổi sáng, những tu sĩ Ấn giáo thường đến hồ này tắm và dâng nước cúng Phật cùng mặt trời, nhưng từ khi "bọn cá" này xuất hiện và lớn lên rất nhanh thì họ tuyên bố rút lui, dành chỗ ấy lại cho chúng. Trời cũng đã chập tối, theo lời dặn của thầy Từ Phát chúng tôi phải về Chùa sớm, để đảm bảo an toàn chùa phải khóa cổng "giới nghiêm" lúc 7 giờ. Về đến Chùa, thầy Từ Phát đã dọn sẵn một mâm cơm với thức ăn Ðài Loan do chính tay thầy làm, Sư thúc "trì ngọ" nên phần cơm ấy coi như tôi hưởng trọn, thú thật từ ngày đến Ấn Ðộ chưa bao giờ tôi ăn một bữa ngon lành đến như vậy, phần cơm cho cả hai người tôi "thanh toán" chỉ trong chốc lát... Xong bữa cơm, thầy Phát lại mời chúng tôi dùng loại trà nổi tiếng của Ðài Loan "Ô Long trà", vừa thưởng thức trà tôi vừa làm "thông dịch viên" (cái vốn tiếng Hoa dở ẹt). Thầy Phát hướng dẫn hai chú cháu tôi cách pha chế như thế nào để có một bình trà ngon, những vật dụng dùng để lấy trà, loại bình cần dùng để chế trà, thời gian chờ bao lâu để trà tỏa vị thơm... rồi Thầy lại bắt đầu nói về bản thân từ ngày đến Ấn Ðộ. Thầy kể, từ lúc đặt chân đến Bồ Ðề Ðạo Tràng, Thầy chỉ "ngang nhiên, công khai" ra Ðại Tháp Giác ngộ lễ Phật một lần, rồi các lần sau chỉ diễn ra âm thầm vào lúc mờ sáng, đi đến đâu cũng thấy người ta xin tiền, cho ít thì không chịu lấy (vì Thầy "mang quốc tịch Ðài Loan"), cũng tương tự như tôi Thầy đã khóc ngay ngày đầu tiên đến Ấn Ðộ, với thầy mọi vật ở Ấn Ðộ đều buồn và mờ mịt như cái nghèo đói của người dân tiểu bang Bihar. Chùa rộng thênh thang, một mình Thầy phải "tự sanh tự diệt" lo liệu mọi việc trong ngoài, nào chỉ huy đám thợ Ấn Ðộ tay nghề dở ẹt, xây xong phải phá ra làm lại, hết ngày này sang ngày khác, thỉnh thoảng chúng lại "cắt bớt" tiền mua vật tư, nào phải quét dọn, nấu nướng, trực điện thoại... những thứ đổ dồn lên đầu mà thầy Phát phải khổ công hoàn thành. Khó khăn nhất là Thầy không nói được tiếng Anh, tiếng Hindi thì thầy cũng không biết, mọi thứ cứ cuống cuồng từ việc chỉ huy đám thợ chỉ biết nói tiếng Hindi, đến những lần nhấc điện thoại từ đầu dây bên kia "sổ" nguyên một tràng tiếng Anh, thế là Thầy chỉ "Sorry, I can’t speak English. Thanks" (Xin lỗi, Tôi không thể nói tiếng Anh. Cảm ơn) rồi cúp máy. Thấy hai chú cháu tôi có thể hiểu được lòng mình, thầy Phát nói thao thao không dứt, Thầy trút hết nỗi niềm buồn bực từ ngày sang Ấn... những bình trà Ô Long nối nhau đã giữ chúng tôi lại với Thầy đến gần 12 giờ rưỡi đêm. Thấy người "thông dịch" có vẻ mỏi mệt, thầy hẹn câu chuyện nối tiếp vào đêm sau.

Ðêm ấy, Bodhgayā điện cúp liên tục, trong phòng nóng như lửa đốt, chùa Trung Quốc bên cạnh lại mở máy phát điện ầm ĩ suốt đêm, hai chú cháu tôi không tài nào chợp mắt, Sư thúc bắt đầu câu chuyện về Bodhgayā (còn gọi Buddhagaya, tức Bồ Ðề Ðạo Tràng). Bồ đề Ðạo tràng là địa danh mà vào một đêm năm 528 trước công nguyên, dưới gốc cây Bồ Ðề nhà tu hành Tất Ðạt Ða đã thành Phật. Bồ Ðề Ðạo Tràng thuộc quận Gaya, tiểu bang Bihar- một tiểu bang nghèo thuộc khu vực Ðông Ấn Ðộ- người Ấn Ðộ thường dùng danh từ "dân Bihar" (Bihari) để chỉ những người nghèo đói, dốt nát. Bởi lẽ, tiểu bang này là một trong những tiểu bang có số lượng dân nghèo, đói rách, thất nghiệp, ăn xin, thất học và cướp giật cao nhất nước. Theo bộ sách "Dreamland's Atlas of India" của hai tác giả Ved Prakash và Prashant Gupta, trang 87 có đoạn chép: "Bihar là một trong những tiểu bang nghèo và đông dân nhất Ấn Ðộ"[15]. Cũng theo bộ "Dreamland's Atlas of India": Tiểu bang Bihar có diện tích 94163 km2, thủ phủ là thành phố Patna, dân số lên đến 82.878.796 người với mật độ phân bố cư dân là 880người/km2, số người biết đọc viết là 47.53%, với 30491 km đường bộ (kể cả Jharkhand) và 5333 km đường sắt (kể cả Jharkhand), Hindi được sử dụng làm ngôn ngữ chính, nhiệt độ mùa hè từ 20 đến 47 độ C, mùa đông từ 4 đến 28 độ C, mùa mưa từ tháng Sáu đến tháng Mười hàng năm. Bodhgayā nằm cách phố cổ Gaya khoảng 12 km về phía bắc, cách thủ phủ Patna 106 km, sân bay quốc tế gần nhất là Calcutta, sân bay quốc nội gần nhất là Patna. Ngày nay, đến Bodhgayā du khách sẽ thấy đây là một thị trấn sung túc, thịnh vượng với những công trình, các thắng tích thời đại mà các nước Phật giáo như: Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam, Miến Ðiện, Ðài Loan, Thái Lan, Tích Lan, Tây Tạng, Bhutan, Lào, Népal... đã và đang xây dựng trên vùng đất này[16]. Bodhgayā cũng trở thành một thị trấn nhỏ đẹp với đầy đủ tiện nghi: khách sạn, ngân hàng, bưu điện, bệnh xá, chợ, trung tâm Internet, đại lý du lịch mọc lên như nấm. Bodhgayā trở thành một địa danh thu hút du khách tham quan đến từ các nước trên thế giới, đặc biệt đây là Thánh địa không thể thiếu trong các cuộc hành hương của những người Phật tử. Hết câu chuyện về thị trấn Bodhgayā, lại tiếp về chuyện chùa chiền ở quê nhà, hai thầy trò lại bàn đến phương cách thỉnh Sư Ông chúng tôi - Hòa thượng Viện chủ Tổ Ðình Phổ Bảo- cùng Chư Tôn Ðức trong Tỉnh nhà qua đây chiêm bái một lần. Rồi những câu chuyện về Tổ đình Phổ Bảo, về chùa Hưng Khánh kéo dài đến gần 5 giờ sáng.

 
 
 

Chú thích

1. Có bốn loại người sau khi chết không đem đi thiêu và ném tro xuống sông:

(1)Bậc hiền trí: có công năng tu tập loại bỏ được các phiền não, tội lỗi. Không cần phải rửa sạch tội lỗi bằng nước sông Hằng.

(2)Em bé mới sanh: còn trong trắng, chưa tạo tội lỗi.

(3)Người bị rắn cắn: có thể được cứu chữa bởi một loại linh dược nào đó khi cơ may này đến.

(4)Người bị trúng độc: như người bị rắn cắn.  

2. Trên tàu Ấn Ðộ chỉ có các của sổ dành cho những trường hợp khẩn cấp gọi là "Emegency Window", cứ 8 giừơng nằm có 2 cửa sổ khẩn cấp, trên mỗi cửa sổ ấy một hàng tiếng Anh màu đỏ in đậm, nguyên văn như sau: “EMEGENCY WINDOW: Open during emegency only".

3. Với dân số là 1.027.015.247 người có đến 83% dân số Ấn Ðộ theo đạo Hindu, Hồi giáo 11%, Thiên chúa giáo 2%, Sikh 2% và số còn lại là Phật giáo, Kỳ na giáo, Bái hỏa giáo. Hindu thờ rất nhiều thần, tuy nhiên ba vị thần tượng trưng cho ba nguyên lý của vũ trụ được tôn thờ nhiều nhất:

(1)Brahma : Vị thần tượng trưng cho sự sáng tạo, thần Brahma có bốn đầu và giáo lý Hindu cho rằng Brahma là vị thần đã tạo ra quả địa cầu này. Phối ngẫu với thần Brahma là nữ thần Sarasvati (nữ thần nghệ thuật và trí thức). 

(2)Vishnu : Vị thần tượng trưng cho sự bảo tồn, duy trì. Thần Vishnu thường được trình bày qua các hình tượng ngồi trên hoa sen, nằm trên con rắn hổ mang, cưỡi trên lưng con đại bàng hay cầm rìu...Phối ngẫu với thần Vishnu là nữ thần Lakshmi (nữ thần may mắn và sắc đẹp). 

(3) Shiva : Vị thần tượng trưng cho sự hủy diệt, chiến tranh, ...Thần Shiva thường được trình bày qua hình tượ`ng ngồi trên con bò mộng Nandi. Phối ngẫu với Shiva là nữ thần Parvati (nữ thần Hương quế). 

4. Giá 1 Rupee Ấn Ðộ (Rs) tương đương 320 đồng Việt Nam(VND), hối giá vào cuối tháng 07/2000 là: 100 USD ~ 4520 Rs. 

5. Khác với người Việt Nam, thay vì gật đầu khi đồng ý một vấn đề nào đó, thì người Ấn lại lắc đầu.

6. Chùa Ðài Loan tại Bồ Ðề Ðạo Tràng thuộc Hội Phật giáo Hoa Tông Quốc tế, do Hòa thượng Ngộ Nguyên sáng lập và trụ trì.

7. Rút ra từ tập "Xứ Phật - Tình quê" tập 1 của hai thầy: Hạnh Nguyện & Hạnh Tấn. 

8. Feet là đơn vị đo chiều dài của người Anh, người ta tính như sau: 3 feet của Anh (ft) = 1 yard của Hoa kỳ (yd) = 0,914 metre (m).

9. Dựa theo tư liệu từ tập "Ðức Phật lịch sử" (The Hictorical Buddha) của H.W Schumann do Trần Phương Lan dịch sang tiếng Việt, Viện nghiên cứu Phật học Viêt Nam, 1997, tr. 152.

10. Tương truyền: Cây Bồ đề hiện nay tại Bồ Ðề Ðạo Tràng được chiết từ nhánh của cây Bồ đề ở Anuràdhapura (Tích Lan). Cây Bồ đề ở kinh đô Anuràdhapura là một nhánh của cây Bồ đề nguyên thủy (cây Ðức Phật ngồi thiền), do chính vua A Dục chiết tặng cho vua Devànampiyatissa, vào năm 242 trước công nguyên. Và cây Bồ đề ở kinh đô Anuraødhapura đã liên tục cung cấp nhánh hoặc hạt giống để thay thế cây Bồ đề ở Ấn Ðộ sau nhiều lần bị chặt phá.

11. Kim cang tòa (Vajrasana, Diamond throne) nằm giữa cây Bồ đề và Ðại tháp, được làm bằng sa thạch mạ vàng, có các chiều dài, rộng và cao là: 2,28 x 1,5 x 0,6 (m). Bên trên tòa được trải một tấm tọa cụ và Phật tử đặt vào đó các loài hoa thơm, vải vóc...cúng dường.

12. Yak là một loại bò có lông dài màu đen ở Tây Tạng. Yak được xem như con vật biểu tượng trong văn hóa Tây Tạng.

13. Fatou là loại bánh giống như bánh mì, có hình tròn, đây là món ăn phổ thông của người Tây Tạng.

14. Theo "Ðức Phật và Phật pháp" (The Buddha anh His teachings) của ngài Nàrada Thera, do Phạm Kim Khánh dịch sang Việt ngữ, Thành hội Phật giáo Tp.HCM, 1991, tr. 69.

15. Nguyên văn tiếng Anh là: " Bihar is one of India's poorest states and the most densely populated",

16. Theo cuốn "Dreamland's Atlas of India", trang 88 viết:" Buddhist Temples built by foreign Buddhists: Bodhgayā abounds with monasteries and temples built by the Buddhist from various countries, including Japan, China, Myanmar, Thailand, Sri Lanka, Tibet, Vietnam, Laos, Nepal and Bhutan. All the Buddhist temples have the images of Buddha.

 

Xem tiếp phần 5: Ngày 5 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003