TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 5
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

 

Ngày 05 tháng 08 năm 2000

 

6 giờ 30 sáng, thầy Từ Phát gõ cửa đánh thức chú cháu tôi dậy và mời điểm tâm. Chiếc áo tràng đẹp nhất của tôi bị cháy một lỗ lớn ngay cổ, thì ra đêm qua lúc cúp điện thấy tôi ngủ say, Sư thúc đã đẩy khoanh nhang trừ muỗi lại để tôi khỏi bị "hiến máu nhân đạo" cho lũ muỗi đói nhiều ngày ở Bihar, đến gần sáng có điện trở lại, quạt trần hoạt động, hậu quả là... Với tôi chiếc áo này rất quý, đó là chiếc áo do chính tay Thượng tọa Thiện Ðồng -Trụ trì Chùa Giác Huệ, Ðồng Nai- mua tặng khi nghe tin tôi chuẩn bị làm hồ sơ sang Ấn Ðộ du học, cùng với cái áo kia là một xấp vải may y rất đẹp. Vâng, hành trang của Thầy dành cho tôi ngày lên đường sang Ấn chính là bộ Ðại Y[1], chiếc áo tràng, cùng những lời dặn dò thâm tình trong những ngày còn nương ở bên Thầy, mà tôi không thể nào quên được. Tất nhiên, "bộ cánh" này tôi ít dám mặc đi đâu nhiều, chỉ để dành vào những dịp quan trọng, thỉnh thoảng có thể thay thế áo hậu trong vài dịp lễ không quan trọng lắm (như những ngày tôi chiêm bái các ngôi chùa ở Bangkok, Thái Lan chẳng hạn). Phần điểm tâm sáng là hai bánh mì hình "sừng trâu" mua từ Calcutta và hai ly lớn sữa cacao ngon tuyệt. Ở Ấn Ðộ sữa tươi rất rẻ, người Ấn nuôi bò chỉ để vắt sữa ngoài ra ít dùng vào việc cày cấy, nên chúng cung cấp sữa rất nhiều; mỗi lít sữa tươi ở Ấn Ðộ chỉ khoảng 13 hoặc 14 Rs (khoảng 3800 - 4000 đồng Việt Nam), vì vậy thức ăn Ấn Ðộ có rất nhiều món làm từ sữa, như: Cheese (nhìn giống như đậu khuôn Việt Nam), Chai (trà sữa), cháo sữa... Sau khi điểm tâm, chào thầy Từ Phát, thầy trò chúng tôi lại ra Tháp lễ Phật. Vị Sư thường trực, bảo vệ điện Phật trong tháp chính dành riêng cho hai chú cháu tôi một chìa khóa đặc biệt để vào bên trong, vì vậy mỗi ngày hai thầy trò đều ra đây tụng thời Kinh Lăng Nghiêm và lễ Hồng danh chư Phật, có vài hôm khách hành hương thấy hai thầy trò tụng kinh liền ném tiền vào cúng dường, tiền rải khắp điện Phật. Những ngày ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, Sư thúc tôi phát nguyện mỗi ngày lạy "tam bộ nhất bái" một vòng lớn quanh tháp (khoảng 800m) vào buổi sáng, và một vòng nhỏ quanh tháp (60m) vào buổi chiều; tôi bị bệnh thấp khớp nên dù cố gắng thực hiện theo cũng chỉ bằng nửa đường của Thầy. Với tôi, lạy Phật trong điện Phật thì là chuyện hàng ngày tôi thực hiện hơn 12 năm qua, còn vừa đi vừa lạy thì kể ra chưa được quen lắm. Vả lại, từ ngày qua đến Ấn độ, tôi phát hiện ra Sư thúc tôi làm việc gì cũng rất nhanh, tôi ngại nhất là mỗi lần Thúc dắt tôi đi làm giấy tờ, khuôn viên Ðại học Delhi rộng lớn vô cùng, các phòng ban nằm cách nhau khá xa (gần nhất cũng 2-3 km), vậy mà Thầy bảo tôi phải tập đi bộ cho quen. Ngày đầu tiên tôi qua đến Ấn độ, Thầy dắt tôi ra chùa Tây Tạng "ra mắt Ông Phật", vừa ra khỏi ký túc xá là Thầy chạy như bay để kịp xe buýt, lên đến xe thấy tôi còn ì ạch đằng xa Thầy đành phải nhảy xuống. Thầy bảo tôi phải thích nghi với chuyện đón xe buýt ở Delhi, đi xe buýt sẽ tiết kiệm được tiền, còn tôi thì lại "ngụy biện" rằng chạy như vậy là "mất oai nghi", thật ra tôi không tài nào chạy nổi như Thầy, ở Việt Nam dù gì chăng nữa ra khỏi nhà là tôi đã trèo lên con ngựa sắt.

Ðợi Sư thúc lễ xong, tôi mời thầy Quảng Trí cùng chung ra "Việt Nam Phật Quốc Tự" (xin được gọi tắt là chùa Việt Nam) ăn cơm trưa, ba người gọi hai chiếc Rishaw giá 15Rs, mình tôi riêng một chiếc (lúc này "năng lượng" tích trữ từ nhiều tháng khi còn ở Việt Nam vẫn còn tương đối "phì nhiêu"). Hôm ấy, cổng phụ của chùa Việt Nam bị ngập sình không thể vào được, chúng tôi đành phải đi vòng cổng chính và dùng biện pháp "leo tường" để vào bên trong. Chùa Việt Nam nằm cách tháp Ðại Giác khá xa so với chùa các nước khác (khoảng 4km), chùa được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 24/05/1987, nằm trên một khu đất biệt lập rộng khoảng 30 công, có cây cỏ xanh tươi. Khuôn viên Chùa không được vuông vức như những ngôi chùa khác, vì nó được "chắp vá" thêm mỗi khi nhà ai đó có cô con gái đến ngày "kén rể". Ngôi Chánh điện 3 tầng được thiết kế từ cổng chính đi vào, có chu vi 64 mét vuông, chiều cao 24 mét: Tầng trên cùng là chánh điện nơi sẽ tôn thờ Tam Thế Phật cùng chư vị Bồ tát, phía sau là nhà thờ Tổ; tầng thứ hai dùng làm nơi trưng bày Tam Tạng giáo điển, di vật văn hóa, pháp khí trong và ngoài nước; tầng trệt là pháp xá có sức dung chứa trên 30 vị khách Tăng mỗi khi đến chiêm bái Bồ đề Ðạo tràng. Bên cạnh chánh điện là tháp Vạn Phật cao bảy tầng sẽ được xây dựng. Ngôi tháp này có bán kính 12 mét và chiều cao 22 mét, bên trong sẽ tôn thờ xá lợi Phật cùng 10.000 tượng Phật lớn nhỏ như tên gọi của nó. Một dãy nhà khách dài 47 mét, 3 tầng với 21 phòng, mỗi phòng có thể ở được từ 3 đến 5 người, tên mỗi phòng được đặt gắn với tên một vị danh Tăng, dãy nhà khách này khá tiện nghi và khang trang. Khuôn viên chùa Việt Nam khá rộng với nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới quen thuộc với người Việt Nam như: mít, vải, táo, cam, chanh, bưởi, xoài (30 loại xoài khác nhau), ổi xá lị... hạt giống được mang từ Việt Nam sang. Bên cạnh những loại hoa trái quen thuộc với người Việt, tạo thành một khu vườn mang dáng vẻ Việt Nam, chùa Việt Nam còn có cả một "bộ sưu tập" những loài cây, trái có liên quan đến đời sống đức Phật, tên của những loại cây trái này thường hay xuất hiện trong nhiều bộ kinh mà chúng ta thường gặp như: cây Sê-sam, cây Long Hoa (Nagarsana), cây Diêm phù đề (Jampur), cây Vô Ưu (Asoka), cây Sala (Tala), cây Nimpa. Vườn chùa rộng, chúng tôi vừa đi vừa kêu "Thầy Thông Lý ơi! Anh Nên ơi", lát sau nhận được "tín hiệu". Quà tiếp chúng tôi là những bịch kẹo gừng và những bình trà "Cây Ða" thơm phức, những món này anh Nên vừa về Việt nam mua sang "đầu cơ - tích trữ", dùng để thưởng thức và nhớ về quê nhà trong những tháng ngày tha hương. Trưa hôm ấy, mỗi người một tay xuống bếp trổ tài nấu nướng: Sư thúc nấu cơm, anh chàng Ấn Ðộ đi chợ, thầy Thông Lý dọn chén bát, anh Nên chiên bánh phồng, thầy Quảng Trí lặt rau, tôi lãnh phần làm món "đặc sản bún xào", món này tôi học lỏm được sau nhiều lần "sạch túi" với "Tịnh Tâm Trai". 12 giờ rưỡi tất cả đã sẵn sàn, mọi người bắt đầu bữa trưa đầy hương vị quê hương Việt nam. Bữa cơm Việt nam tại chùa Việt nam ngon lành hết biết, bởi lẽ những món ăn kia là sản phẩm do tự tay chúng tôi làm ra, không ngon sao được?! Món "đặc sản bún xào" của tôi chất lượng cũng không kém phần các nhà hàng Việt Nam, còn món Chowmein ở các nhà hàng Ấn Ðộ thì thua xa, thế là tôi lại phải mất công hướng dẫn anh chàng Ấn Ðộ -phụ trách nhà bếp chùa Việt Nam- cách thức làm một món bún xào " Ðặc sản Việt Nam". Bữa cơm càng ngon và vui hơn, với câu chuyện "Mr NO" (ông NO) có thật xảy ra ở Delhi, chuyện rằng: "Một lần, nhà một Sư cô Việt Nam bị hỏng ổ khóa cửa, Sư cô nọ nhờ một vị Sư đến sửa dùm. Trong khi Sư đến lục đục cạy khóa để sửa, thì Sư cô nọ ra chợ mua ít đồ, bà hàng xóm thấy người lạ mặt đến cạy cửa nhà bên cạnh sanh nghi, bèn gọi điện thoại báo cảnh sát. Vài phút sau cảnh sát xuất hiện, một trong số những cảnh sát cầm còng số 8, bước đến trước vị Sư nọ hỏi : "What are you doing?" (Ông đang làm gì vậy?), vị Sư bình tĩnh trả lời "I am trying to open this lock." (Tôi đang cạy ổ khóa này), cảnh sát hỏi "What’s your name?" (ông tên gì?", "My name’s ...NO" (tôi tên...NO- No tức là không) vị Sư trả lời, cảnh sát giận dữ nhắc lại "What is your name?", "NO" , "What is your name?" "NO" ...hai bên ngày càng giận dữ, toán cảnh sát đòi bắt vị Sư nọ về đồn điều tra. Bất ngờ, Sư cô chủ nhà xuất hiện, sau khi hỏi rõ ngọn ngành, Sư cô bắt đầu giải thích về việc mình nhờ vị Sư đến sửa dùm ổ khóa, và tên tiếng Việt của vị Sư kia là "Ngô Văn Nở", mà chữ "Nở" phát âm không dấu ra tiếng Anh thành là "No"... chỉ có vậy, toán cảnh sát kia "âm thầm rút quân”. Mọi việc ổn thỏa.

Chiều hôm ấy, Sư thúc dắt tôi đi thăm Chùa các nước xây dựng quanh Bồ Ðề Ðạo Tràng. Trước tiên hai thầy trò đến đảnh lễ tượng Ðại Phật Nhật Bản (The Great Buddha statue, hay còn gọi là Daibutsu in Japanese), tượng Phật có chiều cao 64 feet (kể cả đài sen và đế tượng cao 16 feet), tượng được lắp ghép từ nhiều mảnh đá lại với nhau. Khác với những quốc gia khác, tượng Phật Nhật bản thường có lỗ tai bị xỏ lỗ như kiểu đeo hoa tai (một vài tượng Phật Nhật Bản cũng có bộ râu mép), mặt tượng mang nặng nét mỹ thuật tạo hình Nhật Bản. Hai bên tượng người ta bài trí mười vị đại đệ tử của Ðức Phật, những tượng này có kích thước cao như người thật (khoảng 1,8 mét), chia thành hai hàng (mỗi bên 5 vị). Lúc đó, đoàn Phật tử "Bạch Y" Tích Lan cũng vừa đến đây chiêm bái, nhìn thấy trang phục họ tưởng tôi là người Nhật, nên họ mời chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

Kế đến chúng tôi vào thăm chùa Tây Tạng, chùa này có tên gọi rất dài như sau: Karma Tharjay Chokhorling Kagyupa [2] Vajrayana Buddhist Monastery. Phật giáo Tây Tạng có nhiều dòng tu khác nhau, chùa này thuộc trường phái ngài Karmapar, phái Kagyu thuộc tông Kagyupa. Theo lời Sư thúc kể lại: Có một ông vua dầu hỏa nào đó ở xứ Trung Ðông bị bệnh lâu ngày, nhưng không làm sao chữa khỏi, tất cả các danh y đều bó tay với căn bệnh hiểm nghèo không rõ nguyện nhân của Ông, Ông rơi vào tuyệt vọng và chờ ngày "tận số". Ngày nọ, có người mách bảo ông về thần lực của ngài Karmapa thứ XVI, Ông tìm đến và quả thật lành bệnh. Sau khi khỏi bệnh Ông ngỏ ý đền đáp ân nghĩa, nhưng ngài Karmapa không nhận, Ông bèn phát tâm cúng hai triệu Mỹ kim để xây dựng ngôi chùa này.

Tiếp đến, chúng tôi đến thăm một ngôi chùa của người Nhật mà nhiều người quen gọi là chùa Nhật Bản Sơn, tuy nhiên nhìn bảng hiệu chùa khắc bằng chữ Hán là "Thích Ca Ðường" (kế chùa Tây Tạng). Ðể vào Chánh điện chùa này, phải đi lên mấy chục bậc tam cấp; bên trong chánh điện vô cùng bóng sạch và thoáng mát, cách thức trang trí hết sức nghệ thuật, người Nhật không trang trí màu sắc đỏ chói như người Hoa, mà chọn những màu rất nhã như màu gỗ, màu vàng nhạt, cách trang trí cũng đơn giản nhưng mang màu sắc triết lý. Chánh điện được chia thành hai phần bằng một khung gỗ, chỉ có khách Tăng và những đoàn hành hương lớn mới vào được bên trong. Trên trần chánh điện cũng được đóng bằng gỗ theo lối nhà ở truyền thống Nhật Bản. Ðược biết, ngôi chùa này do Hội Daijokoyo xây dựng và khánh thành vào ngày 13 tháng 12 năm 1983. Trông coi ngôi chùa này là một vị Sư người Butan đã lớn tuổi.

Rời chùa Nhật Bản Sơn, chúng tôi lại đến một ngôi chùa khác của người Nhật trên vùng Bồ Ðề Ðạo Tràng mang tên là "Nhật Bản Tự" (Nipponji), một số người gọi là Chùa Kim cang thừa, chùa này cũng là trụ sở của tổ chức "International Buddhist Brotherhood Association" (Hiệp hội liên hữu Phật giáo Quốc tế), xây dựng và khánh thành vào ngày 8 tháng 12 năm 1973. Chùa có một khuôn viên rộng lý tưởng, chánh điện rất trang nghiêm với lối thờ cổ kính, nhìn từ phía ngoài bốn mái ngói chùa nhỏ dần về phía đỉnh, tạo thành một hình nhọn, phía trước là một sân cỏ rộng (30m x 30m) làm nơi vui chơi cho học sinh, góc sân có một Ðại hồng chung rất lớn thể hiện ý nghĩa "Hòa Bình" (có hình dáng như chuông ở Chùa Vĩnh Nghiêm), bên cạnh Ðại hồng chung là một bệ đá vuông (5m x 5m) cao khoảng 1.2mét, giữa bệ có trang trí một biểu vật tượng trưng cho càn khôn. Bên tay phải khuôn viên chùa, có tổ chức các lớp học cho trẻ em nghèo, dạy đông y cho những thanh niên Ấn Ðộ.

Rời chùa Nhật, tiếp tục thăm chùa Thái với những mái cong vút cầu kỳ, từng chi tiết được mạ vàng rất công phu, sắc sảo theo cung cách cung điện Vua chúa Thái Lan. Ngôi chùa này được chính phủ Hoàng gia Thái Lan xây dựng vào năm 1957 và được trùng tu vào những năm 1970 – 1972. Trước khi sang Ấn Ðộ, tôi đã quá cảnh ở Thái Lan ba ngày, đã đi thăm hầu hết các ngôi chùa lớn, nổi tiếng ở Bangkok[3] và Ayutthaya, vì vậy chùa Thái ở Bodhgaya chỉ là cái bóng mờ so với những ngôi chùa trên đất Thái. Hai chú cháu tôi đón một chiếc xe ngựa hướng ra tháp Ðại Giác, đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi đi bằng phương tiện này, đường xá Bodhgaya gập ghềnh, con ngựa dường như cố sức thật tội nghiệp. Ðến chùa Trung Quốc tôi bảo anh chàng xà ích dừng lại và trả gấp đôi số tiền đã ngã giá, bảo với anh ta "hôm nay cho ngựa ăn gấp đôi nhé", không biết anh ta có hiểu không, nhưng gật đầu. Ghé vào chùa Ðài Loan uống thuốc cảm và lấy thêm cuộn phim mới, sau đó hai thầy trò đi bộ ra chùa Trung Quốc đối diện, nơi mà vào tháng 2 năm 1998 Hội Phật giáo Quốc tế đã tổ chức "Tam Ðàn Ðại giới" cho Tăng Ni từ khắp nơi trên Thế giới. Khác với chùa của các nước khác, chùa Trung Quốc tại Bodhgaya tôn trí ba tượng Phật ngồi với kích cỡ lớn, trên khắp bốn bức tường là "Vạn Phật" chật kín. Bên cạnh chùa Trung Quốc là chùa Nepal, nét kiến trúc của Népal mang dáng dấp của người Tây Tạng, tôi cũng muốn ghé thăm chùa, nhưng vào thời điểm ấy chùa đóng cửa không tiếp khách. Mỗi năm chùa Népal chỉ mở cửa vào các dịp hành hương từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Theo lời Sư thúc, thỉnh thoảng Ðức Ðạt lai Lạt ma về nghỉ ngơi tại chùa này, khi Ngài có dịp về Bồ đề Ðạo tràng.

Hai thầy trò lại ra Ðại Tháp lễ Phật và tụng thời kinh. Kinh xong, Sư thúc lạy "tam bộ nhất bái" một vòng nhỏ quanh tháp, một mình tôi dự định xách máy đi chụp các góc độ về tháp Ðại Giác, nhưng lúc này ánh nắng mặt trời không được thuận chiều lắm. Một lát sau, tôi lại bị cuốn hút bởi cái "thế giới động vật" vô cùng phong phú tại Bồ Ðề Ðạo Tràng. Tôi đi quanh hồ sen Mucalinda, đàn sóc thi nhau chuyền cành giành lấy những quả nho chín mà một người phụ nữ vừa đặt trước đó ít phút, chúng biểu diễn nhào lộn, tranh cướp với nhau xem rất lạ mắt. Hai chú khỉ không biết từ đâu, chạy tới nhảy tung lên giật cái túi vải đeo vai của tôi, tôi hoảng hốt giật lại, chúng té nhào ra đất. Một con tỏ ra giận dữ, tôi hiểu ý lộn ngược cái túi xách, bên trong chẳng có gì ngoài cây viết, cuốn sổ tay, chai dầu xanh và cái máy ảnh, thấy vậy chúng âm thầm bỏ đi. Lát sau nghe tiếng kêu, tôi quay lại, nạn nhân của hai chú khỉ nọ là hai cô gái người Nhật. Hai cô này vừa cho cá ăn xong, đi ngược về phía bên kia hồ ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá, vừa ăn vừa huyên thuyên nói chuyện. Trong lúc mất cảnh giác, hai "kẻ cắp" họ hàng với Tôn Hành Giả trộm nhân sâm năm xưa cuỗm đi chiếc túi xách lúc nào không biết, đến khi nghe hai "kẻ cắp" chí chóe "ăn thua" với nhau, hai cô giật mình quay lại thì... giấy tờ tùy thân bị vứt tung toé, một tờ 50 $US bị xé làm đôi, chiếc ví tay bị rách tan tành. Hai "kẻ trộm" lại tỏ vẻ giận dữ với nạn nhân, chẳng ai trong hai cô dám lấy lại chiếc ví, tôi chạy lại thì hai kẻ cắp nọ lại bỏ đi nơi khác. Tôi chỉ vào tờ 50 $US bị rách: "Có lẽ chúng ăn thua với nhau vì cái này đây", hai cô lại mỉm cười và cảm ơn rối rít. Trở lại với "nghiệp vụ báo chí" của mình, tôi tiếp tục quan sát người phụ nữ với cái giỏ xách trên tay, không biết trong cái giỏ ấy đựng loại thuốc gì, mà cứ vài phút bà ta dừng lại và lấy muỗng múc một ít đổ vào gốc và các nhánh cây, bà ta làm công việc này một mình, diễn ra trong sự yên lặng. Ðợi bà ta đi một quãng khá xa, tôi bắt đầu đến từng gốc cây xem xét, kiến lên từng đàn, từng đàn khá nhiều, con nào con nấy to lớn gần ngang đầu chiếc đũa ăn cơm, chúng tụ lại bên số cơm trắng và bánh vụn mà người phụ nữ vừa đặt trước đó, chúng ăn và tha mồi về tổ, chúng xếp thành từng hàng trông rất nhịp nhàng. Không hiểu vì sao, những ngày ở Bồ Ðề Ðạo Tràng tôi thấy rất nhiều kiến, con nào cũng quá khổ so với bình thường, mà là "kiến eo" nữa mới khiếp chứ, nhưng ít ai bị chúng cắn. Thú thật, lần đầu lên Tháp thấy kiến nhiều quá, nên lúc nào trong túi cũng chuẩn bị sẵn chai dầu xanh, nhưng mãi đến ngày ra về vẫn chưa một lần sử dụng. Kỳ lạ thật! Những ngày sau đó, tôi được biết người Ấn đối xử rất tốt với mọi vật, dù đó là con kiến, con muỗi. Mỗi ngày không ai phân công ai, nhưng họ đều tự nguyện dành một ít thức ăn để đem bố thí cho chim, kiến, cá, sóc, khỉ, chó hoang, bò hoang. Họ bố thí trong tình thương, chia sẻ với động vật những gì có thể. Ngay cả nhang trừ muỗi, họ cũng chế tạo chỉ để cho muỗi say không chích người, chứ không làm cho muỗi chết. Có lần, tôi thấy một người đàn ông bẫy được con chuột, nhưng ông không giết mà đem đi thả vào một khu đất trống bên cạnh Khalsa College (trước KTX Mansarowar, nơi Sư thúc tôi đang ở)... Có lẽ vì thế mà ở Ấn Ðộ, tất cả động vật dường như rất gần gũi, thân thiện với con người. Tất nhiên, ở đây tôi không muốn chẻ nhỏ vấn đề, bởi lẽ bất cứ một vấn đề dù nhỏ đến đâu đều có tính hai mặt.

Trời đã xế chiều, những lối đi được làm bằng đá giảm dần nhiệt độ, tôi bước theo sau một vị Sư người Tây tạng đang kinh hành, đi một vòng lớn quanh Tháp. Xung quanh Ðại Tháp rất nhiều những ngôi tháp nhỏ, với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau, không tháp nào giống tháp nào. Tất cả những tháp nhỏ ấy dường như không có một chỉnh thể hoàn chỉnh, chúng mang tính lắp ghép từ nhiều thế hệ, nhiều trường phái kiến trúc khác nhau. Có người cho rằng: những ngôi tháp nhỏ này là những công trình được xây dựng sau khi một vị vua, một người trong hoàng tộc, một ông quan lớn hoàn thành sở nguyện, hay một điều ước gì đó, để báo ân Ðức Phật. Còn tôi lại có một giả thuyết riêng trong đầu rằng: Trước khi chính thức xây dựng ngôi Ðại Tháp ngày nay, người ta đã mở một cuộc thi tìm mô hình kiến trúc hoàn hảo nhất để xây dựng. Và tất cả các cụm tháp nhỏ còn lại kia là những bài thi mà nhiều Kiến trúc sư thời đó để lại, sau thời gian dài, chúng bị mất đi hình dạng ban đầu và người ta đã gắn thêm vào đó những tượng Phật, đắp thêm những chi tiết phụ. Những anh chàng Ấn giáo cũng cố tình đặt một vài tượng thần Hindu bên trên một vài tháp nhỏ, hay dưới những gốc cây lớn. Bên những cụm tháp nhỏ ấy là nhiều vị Sư và cư sĩ tại gia đang cùng nhau tu tập. Nhiều nhất là các vị sư Tây Tạng, lớn tuổi có, trung niên có... rất dễ nhận dạng, vì tất cả các vị đều mặc y phục truyền thống Tây Tạng, và đặc biệt lễ bái theo cách thức "ngũ thể đầu địa" (nằm sát đất). Ngoài ra còn có quý thầy, quý sư các nước như: Việt Nam, Trung Quốc, Bhutan, Thái, Ðại Haøn, Miến Ðiện, Tích Lan. Nữ giới tham gia tu tập cũng khá nhiều: một sư cô người Hàn Quốc, một chị Phật tử người Thái, một cô gái trẻ người Ðài Loan, một số phụ nữ Tây Âu và rất đông phật tử Tích lan. Bên ngoài khuôn viên tháp, những người hành khất lớn tuổi ngồi khá nhiều, hầu hết là những phụ nữ ở độ tuổi khoảng 45-50. Những âm thanh van xin phát ra từ họ nghe não lòng, thấy tôi mặc y phục Phật giáo Bắc truyền, họ ngỡ các Pháp sư Ðài Loan nên sổ ngay một tràng tiếng Phổ thông "A mi duo fo, bang zhù wo ne" ( 彌陀 佛, - A Di Ðà Phật, xin giúp tôi với). Cả nhóm họ 12 người, tôi gởi mỗi người 2Rs. Chẳng biết làm sao hơn, túi tiền sinh viên có hạn thì làm sao dám mạnh tay, trong khi cứ mỗi đầu tháng là đủ thứ chi phí gõ cửa. Một người trong nhóm họ bĩu môi như muốn nói rằng "Ðài Loan gì mà kẹo kéo quá vậy" (thật oan uổng cho mấy người Ðài Loan!). Cũng vui, những ngày ở Bồ Ðề Ðạo Tràng tôi mang khá nhiều quốc tịch: một chị người Nhật tên Chihani Noda sổ ngay một câu tiếng Nhật chào hỏi, khi tôi vào một tiệm mỹ nghệ, làm tôi "Sorry" không kịp; rồi các vị sư ở Bồ Ðề Ðạo Tràng thì gán cho tôi cái quốc tịch Trung Quốc, anh chàng chụp hình thì sổ ngay một câu tiếng Thái ngon lành chào hàng, chỉ có mấy anh chàng bán bưu thiếp, lá Bồ đề, chuỗi hạt là đoán chính xác nhất: "Thầy ơi! Năm chúp". Không biết ai đó đã hướng dẫn các anh chàng bán hàng rong kia: Số 10 đọc thành "năm chúp" (năm chục), làm tôi phải mất công "sửa sai" và dạy cách đếm số mất cả tiếng đồng hồ.

Trở lại tháp, sư thúc đang ngồi nói chuyện cùng thầy Quảng Trí và vị sư Tây Tạng, tôi lại đi một vòng ra cội Bồ đề, trời nóng ngồi dưới những tàn cây hít thở khí ô xy người khỏe hẳn ra. Trước Kim cang tòa, vị sư người Ấn đang xem một cuốn kinh Pàli; bên cạnh tôi, cô Phật tử người Ðài Loan đang hướng dẫn một anh chàng Ấn Ðộ "ngớ ngẩn" nào đó cách ngồi thiền; chị Phật tử Thái cũng ngồi cạnh cây Bồ Ðề tụng kinh gì đó bằng chữ Thái.

Sư thúc dẫn đến hai người Việt: một nam, một nữ. Qua lời giới thiệu của Thầy, người đàn ông kia là Công trình sư Nguyễn Ðăng Ðồng vừa từ Việt Nam sang, và chị phụ nữ nọ là phật tử Diệu Huệ, Việt kiều Ðan Mạch, chị đã tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng ngành xây dựng từ Ðan Mạch sang phụ giúp hai thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn, trông coi việc xây cất một ngôi chùa Việt Nam thứ hai tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, công trình này có tên "Trung tâm tu học Viên Giác" (Vien Giac Institute International Center for Research and Studies of Buddhism), Viên Giác là tên một ngôi chùa Việt lớn nhất ở Ðức Quốc, có quan hệ với dòng "Lâm Tế Chúc Thánh" Quảng Nam, do Thượng tọa Thích Như Ðiển trụ trì. Sau này qua lời kể của Sư thúc, tôi được biết: Sau một thời gian dài lưu học tại Ấn độ, hai thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn quyết định xây dựng ngôi chùa Việt Nam thứ hai tại thánh địa này. Cùng với sự khuyến khích trực tiếp cũng như gián tiếp của chư tôn đức Tăng ni Việt nam tại hải ngoại, hai thầy quyết định việc chọn đất để làm cơ sở. Theo lời hướng dẫn của một vị sư Tây Tạng, hai Thầy chọn được một khu đất rộng cách khu công trình Ðại Phật Di Lặc (The Maitreya Project) khoảng 100 mét; thế nhưng trải qua gần hai năm trong sự cố tình gian lận của chủ đất, nên mọi vấn đề thủ tục vẫn chỉ là con số "Không" to tướng, dù rằng tiền bạc đã đâu vào đó. Sau đó, hai thầy quyết định chọn một khu đất 1000 mét vuông gần Ðại tháp Giác Ngộ. Dù rằng khu đất này không mấy lớn lắm so với những ngôi chùa xung quanh, nhưng nằm ở địa thế rất tiện cho việc tu học và sinh hoạt; và chỉ sau ngày đặt tiền một tháng, mọi thủ tục đều hoàn tất, do một người Ấn sanh tại Việt Nam đang định cư ở Nam Ấn đứng tên mua. Phần thiết kế tổng quát họa đồ xây dựng do kiến trúc sư Thiện Ðạt - Hoa kỳ đảm trách, kiến trúc sư Ấn Ðộ lo việc sửa chữa và cố vấn kỹ thuật,... Câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra khoảng 30 phút, hai người chào chúng tôi và tiếp tục đi một vòng quanh tháp. Sư thúc và tôi lại đến trước tượng Bồ tát Quán Âm, khấn nguyện Sư Ông chúng tôi - Hòa thượng Phổ Bảo - được sang Ấn Ðộ chiêm bái bốn thánh tích một lần, trước lúc "trăm tuổi". Khấn xong, thầy trò chúng tôi đến văn phòng quản lý Bồ Ðề Ðạo Tràng, tiếc rằng hôm ấy vị Thượng tọa Quản lý Bồ Ðề Ðạo Tràng vừa sang Miến Ðiện trước đó vài ngày.

Trở lại Ðại Tháp Giác Ngộ, hai chú cháu tôi ngồi ngắm nhìn cảnh vật ở Bồ Ðề Ðạo Tràng lúc hoàng hôn. Hoàng hôn trên vùng đất "Ðệ nhất thánh địa" này cũng lung linh, huyền ảo như trong những câu chuyện cổ tích. Một anh thanh niên và một bé gái khoảng chừng 10-11 tuổi, cả hai thay nhau đi cắm những cây đèn sáp khắp nơi xung quanh tháp, hình ảnh cô bé mặt đồ trắng với cây đèn trong tay trông thật thánh thiện, anh chàng thanh niên nọ cũng hết sức thành kính đốt từng cây nến[4]. Bên trong tháp những lời kinh bắt đầu vang vọng, tôi không hiểu ý nghĩa những lời kinh ấy nói gì, nhưng tôi cảm nhận nơi đó một sự thành tâm, tấm lòng cung kính dâng lên Ðức Phật. Tiếng chuông trước cổng vào tháp thỉnh thoảng ngân lên những đợt âm thanh như thức tỉnh những ai còn trong vòng mê muội. Tôi ngồi lặng im, lắng đọng tư duy để mong được nghe dư âm của hơn 2500 năm trước vọng về. Hai chú cháu tôi không ai nói với ai một lời, suy tư, chìm đắm trong cái không gian linh thiêng, trầm mặc của Bồ Ðề Ðạo Tràng.

8 giờ tối, chúng tôi mới về đến chùa Ðài Loan. Bấm đến hồi chuông thứ 7, thầy Phát mới ra mở cổng, thầy chỉ lên trời "tài wăn le" (tối quá rồi, khuya quá rồi), tôi xin lỗi. Bữa cơm tối cũng chỉ có mình tôi, vừa bắt đầu ăn điện lại cúp. Ðèn thắp lên, người cũng đã thấm mệt, tôi nuốt vội qua loa, rồi dọn. Cơm xong, điện lại có. Lại những bình trà "Ô Long", những câu chuyện về đất nước Ấn Ðộ lại bắt đầu. Thầy Phát phân tích đất nước Ấn Ðộ nghèo nhưng có tiềm năng vững mạnh về mọi mặt: về tiềm năng phát triển khoa học, Ấn Ðộ có đội ngũ khoa học gia hùng mạnh ở hầu hết mọi lĩnh vực, người Ấn có những lợi thế thuận tiện trong việc tiếp xúc các nền khoa học mới. Vì tiếng Anh được bắt đầu sử dụng ở Ấn độ từ thế kỷ XVIII, và trở thành một trong 15 ngôn ngữ hành chánh chính thức[5] ở Ấn độ. Hiện nay Ấn Ðộ đang là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu phần mềm vi tính trên thế giới, Ấn Ðộ có vũ khí hạt nhân cho những cuộc chiến hạt nhân, kinh tế Ấn Ðộ hiện nay là nền kinh tế tự túc tự phát nên ít bị ảnh hưởng trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tất cả những yếu tố ấy, chứng tỏ rằng người Ấn chuẩn bị rất kỹ những triền tố để bước vào một thời kỳ phân công lao động mới. Ðiện lại cúp, thầy Phát mời chú cháu tôi lên mái bê tông cao nhất của chùa đang xây dở dang, ngồi hóng gió và ngắm trăng. Trăng hôm ấy không tròn nhưng rất sáng, trên bầu trời muôn vàn vì tinh tú nhấp nháy gọi mời, Bodhgaya chìm ngập trong bóng mờ hư ảo. Tôi hướng nhìn ra Ðại Tháp tỏa sáng cả một vùng[6]. Trong bóng đêm, ngôi tháp nổi bật lên nền trời, ngỡ như cung điện của các cõi trời trong Kinh Pháp Hoa, chưa lúc nào tôi thấy tháp Ðại Giác vĩ đại như lúc này! Có chiếc phi cơ di chuyển trong bầu trời đêm, tạo nên một đường ánh sáng thẳng tắp, Sư thúc chỉ tay theo nói "chiếc máy bay đó bay về hướng nước mình". Một phút lòng bỗng ngậm ngùi, tôi cố nén lòng để khỏi bật thành tiếng khóc, trong bóng đêm những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên má. Nhớ ngày ra đi tôi nhận được rất nhiều thiệp chúc mừng, những lời cầu mong tôi đạt được những hoài bão mà tôi hằng mơ ước, nhưng cũng không ít những dòng chữ viết vội "...thành công nơi đất Phật & nhớ đến quê nhà!", "...nhớ trở về nha Thầy!".v.v. những lời nhắn nhủ thật đơn giản, không văn hoa, bóng bẩy, nhưng chứa đựng cả tấm thâm tình mà tôi luôn mang theo bên mình. Dõi theo chiếc máy bay, tôi hướng về phương Nam, tin rằng nơi đó chính là quê hương mà tôi hằng luyến lưu thương nhớ, ở đó có những con người đang trông ngóng, dõi theo từng bước chân của tôi trên đất Phật. Có xa quê mới thấu hiểu được sự nhớ nhà, có ở trên xứ lạ quê người mới thấy quê hương mình đẹp và ấm áp! Tôi chợt nhớ đến một lời thoại mà có lần tôi tình cờ nghe trên CD "Nhớ Huế": "Tôi không hiểu "Quê hương" là gì, mà sao người ta phải nặng lòng với nó như vậy?", câu hỏi thật ngớ ngẩn của một cô bé, nhưng mấy ai có một lời giải đáp trọn vẹn! Tôi ngồi lặng thinh trong cái thế giới tư duy của riêng mình. Càng về khuya trăng càng sáng, tiếng kêu của một loài chim lạ rải đều vào không gian tĩnh mịch, trên trời muôn ngàn vì sao kết thành những chuỗi hạt kim cương lấp lánh. Một phút, tôi bỗng thấy mình chính là ngôi sao lạc mất quê hương!

Ðêm ấy, hai chú cháu tôi lại mất ngủ với những dự tính cho ngày hôm sau: Trước tiên, Thấy trò chúng tôi dự định đến thăm núi Linh Thứu -một địa danh thường xuất hiện trong các bộ Kinh- nơi mà Ðức Phật đã khai mở nhiều pháp hội, như hội Pháp Hoa, hội Kim Cang, hội Lăng Nghiêm.v.v. Sau đó sẽ đến thăm vườn Trúc Lâm, một khu vườn với những khóm trúc xanh tươi, những hồ nước trong vắt; đây chính là thượng uyển của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) đã dâng cúng Ðức Phật, khi Ngài cùng hơn 1000 vị đệ tử đầu tiên, từ Bồ đề Ðạo tràng đến Vương xá Thành hóa độ đức Vua. Vua đã xây dựng trong khu vườn này một tịnh xá lớn và rất khang trang, dùng làm nơi lưu trú cho Ðức Phật và Tăng đoàn. Ngôi tịnh xá này có tên Trúc Lâm Tịnh Xá, và trở thành ngôi tự viện Phật giáo đầu tiên trong lịch sử Phật giáo. Cuối cùng, sẽ đến Trường Ðại học Na Lan Ðà (Nalanda Mahavihara), nơi được mệnh danh là Trường Ðại học Phật giáo đầu tiên của thế giới. Các bậc danh tăng học giả trứ danh một thời, xuất phát từ Nalanda như: ngài Long Thọ (Nagarjurna), ngài Thánh Thiên Ðề Bà (Arya Deva), ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti), ngài Sằn Ðề Ðề Bà (Shantideva), ngài Vô Trước (Asanga), ngài Thế Thân (Vasubandhu), ngài Trần Na (Dignaga), ngài Pháp Hộ (Dharmapala), ngài Giới Hiền (Silabhadra), ngài Pháp Xứng (Dharmakirti)... những bậc học giả đã bẻ gãy tất cả những lý luận tà đạo của bọn luận sư ngoại đạo Ấn Ðộ giáo thời đó. Cũng chính nơi này Nhà chiêm bái học giả lỗi lạc Trần Huyền Trang đã trải qua gần 10 năm khổ luyện, để tham học tất cả học thuyết của các trường phái Phật giáo lúc bấy giờ. Na Lan Ðà cũng là nơi đã đào tạo nhiều bậc Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam như: Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Huyền Vi, Hòa thượng Thích Thiện Châu...Và đây cũng là dịp tôi đến Na Lan Ðà thăm thầy Ðồng Trí -một thầy đồng hương- đang làm Ph.D Phật học tại Trường Ðại học này.

 

Chú thích

1. Ðại Y hay Tăng già Lê, một trong sáu vật tùy thân của các vị Tỳ Kheo. Sáu vật ấy là: 1. An Ðà Hội (Trung túc y, tạp tác y, hạ y - Y năm điều), 2. Uất Ða La Tăng (Thượng trước y, nhập chúng y - Y bảy điều, 3. Tăng già Lê (Tổ y, trùng y, tạp toái y. Hạ tọa có 3 bậc là Y Tăng già Lê 9 điều, 11 điều và 13 điều; Trung tọa có 3 bậc là 15 điều, 17 điều và 19 điều; Thượng tọa có 3 bậc là 21 điều, 23 điều và 25 điều), 4. Ni sư đàn (tùy túc y - Tọa cụ), 5. Bát Ða La (Ứng lượng khí - Bình bát) và 6. Lự thủy nang (đãy lọc nước).

2. Phật giáo Tây Tạng có bốn Tông lớn chính và từ đó phát triển thành nhiều trường phái, hệ phái khác nhau. Tên bốn Tông lớn của Phật giáo Tây Tạng là:

·                            Tông Nyingma: Do Tổ sư Padmasambhava (thường gọi là ngài Liên Hoa Sanh) sáng lập vào thế kỷ thứ VII (tại Ấn Ðộ). 

·                            Tông Kagyupa: Do Tổ sư Tilopa (988-1069) sáng lập và truyền dần sang ngài Naropa (1016-1100). 

·                            Tông Sakya: Do Tổ sư Konchog Gyalpo sáng lập vào năm 1073. 

·                            Tông Gelugpa: Do Tổ sư Tsongkapa (1357-1419) sáng lập. 

3. Một số danh lam tại Băng Cốc: Wat Pra Keo (Temple of the Emerald Buddha - Chùa Ngọc Lục Bảo Phật), Wai Traimit (nơi có tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới), Wat Arun (The Temple of Dawn- Chùa Bình Minh), Wat Po (Wat Chetuphon, Chùa Cổ và lớn nhất trong 71 ngôi chùa lớn ở Bangkok, được xây dựng vào thế kỷ tứ XVI), Wat Benchamabophit (The Marble Temple- Chùa Cẩm thạch), Wat Suthus.v.v.

4. Tôi có lấy máy ảnh, mở hết khẩu độ sáng, cố ghi lại hình ảnh có một không hai này, nhưng kết quả cuối cùng cho ra một tấm ảnh xám xịt (với loại phim 100 ISO).

5. 15 ngôn ngữ được sử dụng trong hành chánh Ấn độ là: English, Hindi, Assam, Bengal, Gujarati, Kashmir, Marathi, Oriya, Punjabi, Sanskrit, Shindi, Tamil, Telugu Kannada, Malayalam và Urdu.

6. Ban quản lý Bồ Ðề Ðạo Tràng luôn chuẩn bị máy phát điện công suất lớn, phòng trường hợp cúp điện thường xuyên. Vì vậy, lúc nào Ðại Tháp cũng được thắp sáng, dù rằng cả vùng điện cúp hoàn toàn .

 

Xem tiếp phần 6: Ngày 6 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003