TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 7
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

 

Ngày 07 tháng 08 năm 2000

 

Sáng hôm sau, hai chú cháu tôi ra tháp thật sớm. Vì tôi phát nguyện phải lạy "tam bộ nhất bái" một vòng lớn quanh tháp trước ngày trở về Delhi. Buổi sáng, những lối đi bằng đá còn mát lạnh, hít thở không khí trong lành, lại thấy người phụ nữ âm thầm đem thức ăn cho kiến, sóc, khỉ, cá.v.v. Tôi lên hồ Mucalinda một lần xem có vị tu sĩ Ấn giáo nào tắm và dâng nước cúng thần mặt trời không. Tất nhiên là không, vì chẳng ai có đủ can đảm đưa mình xuống dòng nước đen nghịt và lũ cá dữ tợn, đói ăn. Tôi lạy được một phần ba đường thì thở phì phò, phần thì vác chiếc máy ảnh nặng cồng kềnh trên lưng, phần thì sợ kiến...Ban đầu chỉ bước mỗi bước 4 tấc, sau mệt quá có khi bước dài cả thước, thấy vậy một vị sư Tây Tạng cầm hộ tôi chiếc máy ảnh, một phần gánh nặng như được trút, tôi lại lạy được hai phần ba quãng đường, trong khi Sư thúc tôi đã “thong dong về đích". Tôi gắng sức nhưng cũng chỉ được mười mấy thước...rồi thôi, hẹn lòng chiều sẽ thực hiện tiếp. Hai thầy trò lại vào tháp tụng thời kinh sáng.

Theo dự định, chúng tôi đến một nơi cách đại tháp khoảng năm cây số, một dự án khá lớn do Trung Tâm Bảo Tồn Truyền Thống Ðại Thừa (The Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition, viết tắt là FPMT) đang kiến thiết và thực hiện xây dựng trên một khuôn đất rất rộng 45 mẫu Anh[1]; gọi là "THE MAITREYA PROJECT" (Công trình Di Lặc) "A symbol of loving kindness for the new millennium" (biểu tượng của lòng nhân từ cho thiên niên kỷ mới). Người ta định xây dựng một tượng Phật Di Lặc bằng đồng cao 152.4 mét (500 feet) theo mô hình Tây Tạng, đặt ở giữa khu đất; xung quanh là các khu vực: tu viện, trường học, bệnh viện, nhà nghỉ, buôn bán-mua sắm, ngân hàng, sân vận động thể thao, các bãi đậu xe, đặc biệt là ngôi Ðại sảnh chính cao 17 tầng có sức chứa 5000 người và hàng vạn bức tượng đồng lớn nhỏ đặt khắp nơi.v.v. tất cả được trình bày theo một mô hình lớn trong văn phòng triển lãm, mô hình của một trung tâm văn hóa hiện đại bậc nhất. Có khá nhiều tượng đức Di Lặc được trưng bày trong phòng triển lãm, hầu hết các tượng đều rất đẹp đến từ nhiều nước khác nhau (tượng ngài Di Lặc do nghệ sĩ các nước thể hiện). Với hy vọng rằng Công trình Di Lặc sẽ là một kiệt tác đóng góp vào danh sách những kỳ quan thế giới và trở thành tượng Phật đồng lớn nhất xưa nay[2], hội FPMT sẽ kết hợp cả hai nền nghệ thuật truyền thống và hiện đại cho việc xây dựng bức tượng cao 152,4 mét bằng đồng màu vàng này. Bức tượng được chọn làm mẫu do Lama Zopa Rinpoche cùng hai mỹ thuật gia Peter Griffin và Denise Griffin thiết kế. Peter Griffin và Denise Griffin là hai phật tử Tây phương, tốt nghiệp chuyên nghành mỹ thuật tạo hình tại "Camberwell School of Arts and Crafts, London" (Trường Mỹ Thuật Camberwell, Luân Ðôn). Lama Zopa Rinpoche hiện là người chỉ đạo nghệ thuật và hướng dẫn thi công công trình đã cùng Peter và Denise tiến hành tạo mẫu bức tượng này bắt đầu từ tháng 5 năm 1997, dưới sự cố vấn nghệ thuật của nhà điêu khắc người Tây Tạng, có tên Chemo La. Ban đầu tượng được thiết kế tại "Śākyamuni Center, Taichung, Taiwan R.O.C" (Thích Ca Mâu Ni Trung Tâm, Ðài Trung - Ðài Loan); đến tháng 12 cùng năm Peter Griffin bắt đầu tạo kim tòa của bảo tượng, dưới sự hỗ trợ của kiến trúc sư Salim Lee, người Ðài Loan. Giữa năm 1998, vì điêu khắc gia Chemo La tuổi đã lớn, nên khó khăn trong việc đi lại. Tôn tượng được dời về Kathmandu, thủ đô Népal - nơi điệu khắc gia Chemo La đang lưu trú - để tiếp tục hoàn thành. Tại Kathmandu, Népal mọi chi tiết tôn tượng như: khuôn mặt, y phục, tư thế tay bắt ấn, chân, đài sen... được thiết kế một cách hoàn hảo. Ðến tháng 8 năm 1998, các kỹ sư đưa tôn tượng sang Hoa kỳ để phân tích những chi tiết kỹ thuật, đưa các dữ liệu và thông số kỹ thuật vào máy tính. Giữa tháng 9 năm 1998, tượng được đưa đến thành phố Salt Lake, để Peter Griffin và Denise Griffin hoàn thành công đoạn cuối trước khi công trình tại Bồ đề Ðạo tràng thi công.

Bên trong bức tượng người ta sẽ thiết kế ngôi Bảo Ðiện phụng thờ xá lợi của đức Phật Thích Ca, các vị Thánh Tăng cùng những bậc Ðại sư tên tuổi, ngoài ra ngài Chenrezig thiên thủ thiên nhãn, 21 vị Quán Thế Âm Bồ tát, 16 vị A La Hán, đức Lama Thubten Yeshe.v.v. cũng sẽ được thờ ở đó. Ước đoán kinh phí cho công trình này lên đến 150.000.000 Mỹ Kim ($US), với thời gian thực hiện khoảng hơn 10 năm, và tuổi thọ của bức tượng này ước khoảng hơn 1000 tuổi. Khu vực này được canh gác khá nghiêm cẩn, có rất nhiều bảo vệ trang bị súng, mặc binh phục hẳn hoi đứng khắp nơi...

Như đã hẹn với vị sư Thái Lan, chúng tôi phải đến chùa Thái sau lưng tháp Ðại Giác dùng bữa cơm trưa. Ở khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng, người Thái xây dựng hai ngôi chùa của hai hệ phái Phật giáo Nam truyền khác nhau. Khác với ngôi chùa Thái gần khu vực chùa Nhật Bản, ngôi chùa này không có những mái cong cầu kỳ, mạ vàng công phu, chỉ là những dãy nhà đơn sơ, mang tính chất giản dị miền quê. Số lượng chư Tăng cư trú ở đây tương đối đông hơn các chùa khác ở khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng, phật tử Thái ở đây cũng khá đông. Bữa cơm hôm ấy làm tôi nhớ mãi, thầy trò chúng tôi chỉ dùng cơm trắng và nửa cái bánh chưng ngọt của người Thái, trước mắt chúng tôi là những "món ngon vật lạ" sắp đặt khắp bàn: vịt quay, cá khô, thịt hộp xuất khẩu từ Thái... vì các vị sư Thái không ăn chay như quý Thầy ở Việt Nam. Dùng xong phần cơm trưa, vị sư quản lý mời chúng tôi uống trà và đi thăm một vòng các nơi trong chùa. Ðến 1 giờ 45, chú cháu tôi tạm biệt quý sư Thái Lan, để sang trụ sở của Hội Ðại Bồ đề Ấn Ðộ (Mahabodhi Society of India): một tổ chức có tầm vóc tương đối lớn ở Ấn Ðộ, được thành lập bởi Anagarika Dharmapala, nhằm mục đích kêu gọi hỗ trợ công cuộc tu sửa lại Bồ Ðề Ðạo Tràng, vận động- chỉ đạo phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Ðộ. Hội Ðại Bồ đề Ấn Ðộ nằm cách khuôn viên tháp chếch về phía tay trái không xa lắm (bên cạnh chùa Tây Tạng phái Gelukpa– nơi ngài Dalai Lama thường về trú ngụ), cơ sở này được cai quản bởi các vị sư Tích Lan. Như đã hẹn một ngày trước dó, Thầy trò chúng tôi đến chùa gặp Thượng tọa M.Wimalasara Thera- Tổng thư ký Hội Phật giáo Quốc tế tại tiểu bang Bihar, ẤN ÐỘ- nhận và chuyển một số thiệp thỉnh chư Tôn Ðức ở tỉnh Bình Ðịnh sang dự Ðại lễ trưng bày xá lợi Phật "Bauddha Mahotsa 2000" (sẽ diễn ra từ 6-10/11/2000 tại Bồ Ðề Ðạo Tràng). Hôm ấy, từ Tích Lan một đoàn bạch y cư sĩ nữa cũng vừa sang lưu trú, được biết đây cũng là nơi những khách hành hương thường hay đến trọ (đặc biệt ưu tiên cho các đoàn hành hương đến từ Tích Lan). 4 giờ chiều, tôi trở lại tháp tiếp tục thực hiện lời phát nguyện "tam bộ nhất bái" một phần ba vòng lớn quanh tháp còn lại ...

 

Chú thích

1. Một mẫu Anh bằng 4046 mét vuông.

2. Tôn tượng Di Lặc tại Bồ đề Ðạo tràng cao đến 152,4 mét, trong khi đó biểu tượng nước Mỹ - tượng Nữ thần Tự do tại Nữu Ước - chỉ 46 mét.

Xem tiếp phần 8: Ngày 8 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003