TRANG CHỦ

www.lebichson.org

TRANG CHỦ

  ĐẠO PHẬT CON ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM THÂN YÊU, NƠI ĐÃ CHO TA NIỀM HẠNH PHÚC LẪN KHỔ ĐAU - THÀNH KÍNH TRI ÂN MẸ CHA, NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHO CON TRÁI TIM VÀ HÌNH HÀI ĐỂ CON ĐI VÀO CUỘC SỐNG!

..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÌM DẤU CHÂN XƯA

phần 8
 Discover and Walk in the footsteps of the Great One
 

 Lê Bích Sơn

 

Phần giới thiệu và lời mở đầu

Phần 1    Ngày 1 tháng 8 năm 2000
 Phần 2.   Ngày 2 tháng 8 năm 2000
 
Phần 3.   Ngày 3 tháng 8 năm 2000
 Phần 4.   Ngày 4 tháng 8 năm 2000
 Phần 5.   Ngày 5 tháng 8 năm 2000
 Phần 6.   Ngày 6 tháng 8 năm 2000
 Phần 7.   Ngày 7 tháng 8 năm 2000
 Phần 8.   Ngày 8 tháng 8 năm 2000
 
Phần 9.   Ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

Ngày 08 tháng 08 năm 2000

 

Ngày thứ năm ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, buổi sáng tôi sắp xếp thứ tự đi một vòng bảy trụ đá kỷ niệm, những trụ đá này ghi nhận những nơi Ðức Phật nhập định hoặc kinh hành sau khi chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác:

Trụ đá đầu tiên gọi là BODHI PALLANKA, nằm bên cạnh cội Bồ đề linh thọ: Kỷ niệm tuần lễ đầu tiên sau khi thành Ðạo, Ðức Phật đã ngồi thiền định dưới cây Bồ đề để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Trong đêm cuối cùng Ngài đã suy nghiệm và thấu hiểu lý duyên khởi. Theo cuốn "Ðức Phật và Phật pháp" của ngài Narada Thera: "Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi thành Ðạo, Ðức Phật ngồi không cử động dưới tàng caây Bồ đề để chứng hạnh phúc giải thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối tuần Ngài xuất thiền và suy niệm về "Thập nhị Nhơn Duyên" (Paticca Samuppada) theo chiều xuôi...Khoảng canh giữa trong đêm, Ðức Phật suy niệm "Thập nhị Nhơn Duyên" theo chiều ngược... Ðến canh ba, Ngài suy niệm về sự "Tùy thuộc phát sanh" theo chiều xuôi và chiều ngược." [1]

Trụ đá thứ nhì gọi là ANIMESA LOCANA, trụ này nằm bên tháp nhỏ có tên Animesalocana Cetiya, do vua A Dục xây để ghi nhận nơi Ðức Phật đứng trong tuần thứ hai (từ cổng nhìn vào Ðại Tháp, tháp Animesalocana Cetiya nằm bên tay phải, trên vòng lớn quanh tháp): Tuần lễ thứ hai là thời gian Ðức Phật đứng một khoảng xa chăm chú nhìn cây Bồ đề, để tỏ lòng biết ơn cây Bồ đề đã che mưa nắng cho Ngài suốt thời gian thiền định để đạt quả vị tối thượng. Theo ngài Narada There thì: "Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Ðức Phật đã ban bố cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Ðể tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu với nội tâm cùng ngoại cảnh để thành đạt Ðạo quả, Ngài đứng cách một khoảng xa chăm chú nhìn cây Bồ đề không nháy mắt".

Trụ đá thứ ba gọi là CANKAMANA, nằm ngay bên cạnh Ðại Tháp (tay phải): Thấu rõ tâm niệm chư Thiên nghi ngờ Ngài chưa chứng Ðạo, Ngài đã dùng oai lực thần thông tạo ra một đường kinh hành bằng ngọc và kinh hành trên ấy trọn tuần lễ thứ ba. "Vì Ðức Phật không rời nơi trú ngụ mà vẫn quanh quẩn bên cội Bồ đề, nên chư Thiên lúc bấy giờ nghi ngờ "không biết Ngài đã đắc quả Phật chưa?". Ðức Phật đọc được tư tưởng ấy, Ngài dùng oai lực thần thông tạo một "đường kinh hành quý báu" (Ratana cankamana, đường kinh hành bằng ngọc) và kinh hành trên ấy cả tuần." Theo Ðức Phât và Phật pháp.

Trụ đá thứ tư gọi là RATANAGHARA, nằm cách trụ Cankamana khoảng 25 mét về hướng Tây-Bắc: Kỷ niệm nơi đây tâm và thân của Ðức Phật phát ra một vầng hào quang sáu màu khi Ngài suy nghiệm về (những điểm phức tạp) Tạng luận cao siêu. Mà theo ngài Narada Thera thì: "Trong tuần lễ thứ tư, Ðức Phật ngụ trong "Bảo cung"[2] (Ratanaghara, cái phòng bằng ngọc) để suy niệm những điểm phức tạp của Tạng Luận (Abhidhamma, giáo lý cao siêu). Kinh sách ghi nhận rằng: khi Ngài suy tưởng về lý "Nhơn quả tương quan" (Patthana), quyển khái luận thứ bảy của Tạng Luận, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết, phát ra một vầng hào quang sáu màu (xanh dương, vàng, đỏ, trắng, cam và hỗn hợp năm màu trên pha lẫn)."

Trụ đá thứ năm gọi là AJAPALA NIGROPHA TREE, nằm ngay lối vào Ðại Tháp, bên cạnh một trụ đá nhỏ của Vua A Dục: Tuần lễ thứ năm Ðức Phật thiền định dưới cội Ajapala chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Nơi đây Ngài đã trả lời một vị Bà la môn về, những điều kiện để trở thành Thánh nhân. Mà ngài Narada Thera chép rằng: "Tuần thứ năm, Ðức Phật lại ngồi dưới cội Ajapala trứ danh, chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimuttisukha). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy, có một gã Bà la môn ngã mạn đến gần chào hỏi theo lễ nghi rồi nói: "Này Tôn giả Cồ Ðàm, đứng về phương diện nào ta trở thành một thánh nhân (Brahmana) và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhân?". Bấy giờ để trả lời, Ðức Phật liền đọc bài kệ: "Người đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn, đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu nhiếp sáu căn, thông suốt các pháp học và đã chơn chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhân. Ðối với người ấy không còn có sự bồng bột, dù ở nơi nào trên thế gian" (Theo Udana, phần I)."

Trụ đá thứ sáu gọi là MUCALINDA LAKE[3], nằm ngay trước hồ Cá trong khuôn viên Ðại Tháp, cách Ðại Tháp 40 mét về hướng Nam: Kỷ niệm nơi Mãng xà vuơng uốn mình che quanh Ðức Phật dưới cội Mucalinda bảo vệ Ngài tránh khỏi mưa to gió lớn. Ðể nói về điều này, ngài Narada Thera viết: "Từ cây Ajapala Ðức Phật sang qua cây Mucalinda và ngụ tại đây một tuần nữa để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến, trời sẩm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Lúc ấy Mucalinda, Mãng xà vương từ ổ chui ra uốn mình quấn xung quanh Ðức Phật bảy vòng và lấy cái mỏ to che trên đầu Ngài, nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Ðức Phật. Ðến cuối ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh trở lại Mucalinda tháo mình trở ra bỏ hóa thân rắn biến thành một thanh niên chắp tay cung kính đứng trước Phật."

Trụ đá thứ bảy gọi là RAJAYATANA, nằm cách cội Bồ Ðề 15 mét về hướng Ðông-Nam: Tuần cuối, Ðức Phật chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát dưới cội Rajayatana. Sau đêm đắc quả vô thượng, Ngài khẳng định sự chiến thắng tinh thần vẻ vang. Ngài Narada Thera viết: "Vào tuần thứ bảy, Ðức Phật bước sang cội cây Rajayatana và ở đó chứng nghiệm "Quả phúc giải thoát". Dưới cội Rajayatana này, Ðức Phật đã nhận sự cúng dường (cháo mạch và mật ong) từ hai người tiểu thương có tên laø: Tapussa và Bhallika, trên đường từ Ukkalà (thuộc Orissa ngày nay) đến Ràjagaha để buôn bán.

Mỗi trụ đá cao khoảng 2.7m, phần trên mỗi trụ là một bảng đá hình chữ nhật có các chiều dài, ngang và dày là: (1.0m x 0.8m x 0.2m), trên những bảng đá này người ta khắc một mặt bằng chữ Hindi, mặt bên kia là tiếng Anh. Xin ghi lại nơi đây bảng tiếng Anh trên những trụ đá ấy, theo thứ tự lần lượt sau:

"BODHI PALLANKA (The place of enlightenment). Prince Siddhattha attained Buddhahood (Full enlightenment) in the year 623 B.C on the Vaisakha full moonday sitting under this Peepul (Bodhi) tree. The Vajrasana or the Diamond throne which is under this Bodhi tree is the central place of worship". 

"ANIMESA LOCANA (The place of unwinking gazing). After enlightenment Lord Buddha spent the second week in meditation here gazing unwinking at the Bodhi tree". 

"CANKAMANA (Cloister walk). Lord Buddha spent the third week here walking up and down in the meditation. On the platform lotuses indicate the places where the Lord’s feet rested while walking". 

"RATANAGHARA (The place of basic contemplation). Lord Buddha spent the fourth week here in meditation rylecting on the Patthana or the causal law". 

"AJAPALA NIGROPHA TREE (Panyan Tree). Lord Buddha spent the fifth week under this tree in meditation after enlightenment. Here he replied to a Brahmana that only by one’s deeds one becomes Brahmana, not by birth". 

"MUCALINDA LAKE (The abode of snake king). Lord Buddha spent the sixth week in meditation here. While he was meditating severe thunder storm broke out. To protect him from the violent wind and rain even the creatores came out for his safety". 

"RAJAYATANA (A kind of forest tree). After enlightenment, Lord Buddhha spent the seventh week here in meditation. At the end of meditation, two merchants - Tapussa and Bhallika offered rice cake and honey to the Lord and took refuge-Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami (Sangha was not founded then)". 

Tôi nhờ một anh chàng Ấn Ðộ chụp dùm cảnh tôi đứng trước các trụ đá nói trên để làm ảnh tư liệu, nhưng tác phẩm của nhiếp ảnh gia "chưa bao giờ qua trường lớp" kia chỉ là những tấm ảnh lấy sai nét, nhìn mọi vật lờ mờ chẳng giống cái gì cả. Buổi trưa hôm ấy như đã hẹn, thầy trò chúng tôi đến khách sạn Uruvela International dùng bữa cơm trưa do chị Diệu Huệ mời. Nói là cơm trưa, nhưng hôm ấy chị Diệu Huệ trỗ tài nấu nướng làm món bún xào đặc sản của Ý, với tôi lần đầu tiên được nếm món đặc sản lạ lẫm này kể ra cũng lạ miệng, thế là... (cười)

Chiều hôm ấy, Sư Giác Ngôn điện thoại lên chùa Ðài Loan, báo khóa học của tôi sắp đến ngày khai giảng, chú cháu tôi phải về lại Delhi để giải quyết một số công việc có liên quan đến việc học, cũng như chỗ ở và lại càng nôn nóng hơn với sứ mạng một người đang cầm những Thiệp thỉnh dự Ðại lễ trưng bày xá lợi Phật "Bauddha Mahotsa 2000" trong tay. Như đã thỏa thuận, tôi chịu vé tàu chuyến đi, Sư thúc lo phần vé về. Không hiểu vì sao hôm ấy tất cả những chuyến tàu thường từ Gaya về Delhi không còn một vé, anh chàng phụ tá chùa Miến Ðiện báo cáo chỉ còn hai vé của tàu hạng sang, Sư thúc đành phải ngậm ngùi "móc bóp" 2380Rs (hơn 50$US) cho hai chiếc vé loại tàu BBS RAJDHANI EXP[4]. Ở Ấn Ðộ tàu hỏa chia thành nhiều hạng với nhiều giá khác nhau: hai loại tàu BBS Rajdhani Exp và BBS Satabdhi Exp thuộc hạng sang chạy nhanh và đúng giờ nhất, còn các loại tàu thuộc họ "Express" (tốc hành) thì ghé khá nhiều ga nhỏ (trạm) giống như những "tàu chợ" ở Việt Nam... 4 giờ chiều, Sư thúc mua hai mâm lễ phẩm dâng lên cúng Phật: một của Thầy, một của Sư Giác Ngôn gởi nhờ mua dâng lên giúp. Với túi tiền của sinh viên, tôi chỉ đủ mua mười mấy chai Pepsi cúng dường chư Tăng trong tháp hôm ấy, cùng dâng một ít "tịnh tài" cúng dường một vị sư Tây Tạng...Tôi muốn làm một điều gì đó gởi lại quý Thầy, các vị Sư hàng ngày vẫn kiên nhẫn hành trì nơi đây, nhưng "lực bất tòng tâm"! Có đến đây, mới thấy sự miệt mài, nhẫn nại, bền tâm vững chí của chư Tăng và Phật tử, những người đã vứt bỏ cuộc sống "phồn hoa đô hội", gạt đi những lời mời gọi của "lợi, danh"...để đến Bồ đề Ðạo tràng dâng lên Ðức Phật tấm lòng thành kính, để bước theo tiếng gọi của tâm linh và tìm lại chính mình!

Tối hôm ấy, thầy Từ Phát không vui như mọi ngày khi nghe chú cháu tôi từ giã trở về Delhi vào hôm sau. Những ngày ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, Thầy hay tâm sự với chúng tôi những buồn vui trong cuộc đời, ngay cả những việc rất riêng của gia đình. Thầy nói từ ngày đến Bồ Ðề Ðạo Tràng thầy chỉ sống trong cái thế giới âm thầm không ngôn ngữ, cho đến khi chú cháu tôi đến xin ở trọ, có ai hiểu thầy nói gì đâu, chính sự khác biệt ngôn ngữ đã làm Thầy cảm thấy ngày một xa dần nơi mình đang sống. Tôi chào thầy chuẩn bị thu dọn hành lý và đi ngủ sớm. Lại một đêm nữa tôi bị "tra tấn" bởi cái máy phát điện ầm ĩ của chùa Trung Quốc... 

 

Chú thích

1. Nếu muốn rõ thêm, xin đọc phần "Sau khi thành Ðạo" trong cuốn "Ðức Phật và Phật pháp", Phạm Kim Khánh dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, 1991, từ tr. 64 – 71).

2. Theo ngài Narada lý giải: Phải gọi như vậy, vì lúc ấy Ðức Phật suy niệm về phần quý báu của Tạng Luận.

3. Theo một số người cho rằng, hồ Mucalinda hiện nay không đúng với hồ Mucalinda nguyên thuỷ, vị trí hồ Mucalinda nguyên thủy nằm cách hồ Mucalinda ngày nay 2 cây số về hướng Tây-Nam.

4. Ở Ấn Ðộ giá vé tàu cho du khách nước ngoài và dân bản xứ đều một giá như nhau, không như ở Việt Nam và một số nước: người mang quốc tịch nước ngoài phải trả thêm một số tiền khá cao so với người bản xứ. Ở Ấn Ðộ việc bán vé tàu, xe cũng ưu tiên cho những du khách nước ngoài: Ở ga New Delhi có một phòng bán vé dành riêng cho khách nước ngoài gọi là "International Tourist Bureau", để tránh trường hợp phải chen lấn khi mua vé (người bản xứ không được mua vé ở đó).

 

Xem tiếp phần 9: Ngày 9 tháng 8 năm 2000 (xin click vào đây)

 

 

 

 

 

..

 

 

 

 

 

Phật giáo nhập môn     Phật giáo và xã hội     Phật giáo và văn hoá     Phật giáo và giáo dục     Phật giáo quốc tế    

Phật giáo sử - truyện     PG và vấn đề tái sanh     Thơ ca Phật giáo     Âm nhạc Phật giáo     Tin tức Phật giáo

Gia Đình Phật Tử   Mẹ và Quê hương     Di tích & văn hoá đất võ     Bình Định: Đất & Người     Thơ ca Bình Định

Bài mới đăng tải     Nối vòng tay lớn     Thông báo     Linh tinh           Pháp Âm       Hình ảnh

Trang chủ     English     Liên lạc     Trang chủ

 

Hit Counter
ISP Internet Access

 

www.lebichson.org

Thành lập

ngày 10 tháng 9 năm 2003